Quá trình vượt thắng để quy hồi (4)


Hôm qua gọi điện thoại cho cô bạn rủ đi chơi, cô bạn trả lời đang bận học thêm không chơi được. Về quê chơi với đứa em, đứa em đi học từ sáng đến tối, từ thứ hai đến chủ nhật, chẳng có thời gian mà chơi cả... Thì ra chỉ có mình là có thời gian để chơi thôi, thiên hạ bận đi học hết rồi!
Càng nhìn vào lịch học của đứa em, càng thấy thương học sinh ngày nay. Chúng học nhiều quá, chẳng còn thời gian mà chơi nhảy dây, chạy lò cò hay bắt bướm hoặc ngắm trăng cùng mình nữa.
Học để tích lũy kiến thức, đi làm để tích lũy kinh nghiệm... Thiên hạ bây giờ rất thích tích lũy mà không biết tiêu xài. Tích lũy nhiều quá mà không tiêu xài thì tích lũy để làm gì nhỉ?

Ai chẳng thích được khen là giỏi, kiến thức uyên bác, kinh nghiệm sống nhiều. Càng nhiều kiến thức, nói năng càng chặt chẽ, ngôn ngữ càng súc chiết. Kinh nghiệm sống nhiều càng đỡ vấp ngã, càng đỡ sai lầm.
Bacon từng nói "tri thức là sức mạnh". Càng nhiều tri thức càng có sức mạnh. Sống trong xã hội ngày nay, dốt nát là tự sát, đó là lý do bây giờ ai cũng phải học, học và học. Càng học nhiều, bằng cấp càng cao, địa vị xã hội càng lớn và thế là cái Ta cũng lớn mạnh theo.
Kinh nghiệm cũng là một dạng kiến thức. Kinh nghiệm sống được tích lũy qua thời gian hoạt động, kiến thức được tích lũy qua thời gian nghiên cứu. Kinh nghiệm là sự tiếp thu kiến thức một cách gián tiếp và kiến thức là sự tiếp thu kinh nghiệm một cách gián tiếp. Kiến thức và kinh nghiệm là một.
Người ta thích tích lũy kiến thức và kinh nghiệm vì cái Ta phát triển tỷ lệ thuận với kiến thức và kinh nghiệm sống ta có. Ta chính là kiến thức và kinh nghiệm sống của ta.

Nhưng
Hôm qua đi thăm một ông bạn bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Ông bạn của mình là một nhà nghiên cứu uyên bác, kiến thức nhiều, kinh nghiệm sống lắm, làm thơ cũng khá hay. Đến thăm ông bạn, thấy ông bạn nằm "đơ đơ" một đống, hỏi ai cũng chẳng nhớ, hỏi gì cũng chẳng biết. Tự nhiên muốn hỏi ông bạn rằng kiến thức và kinh nghiệm sống của ông đi đâu hết rồi nhưng chợt nhớ ông còn chẳng nhớ ông ta là ai nữa thì hỏi làm gì cho vô ích.
Thế đấy!
Tích lũy thật nhiều kiến thức, tích lũy thật nhiều kinh nghiệm và tự hào với vốn ngôn ngữ thật đầy cái đầu và lúc nào cũng cho mình giỏi giang... Rầm! Tất cả đi hết. Quay lại với đời sống thoi thóp và ước mơ duy trì hơi thở cho qua ngày.
Ông bạn của mình nằm đấy nhưng không ai có thể bỏ ông bạn tội nghiệp đó được. Ai cũng đến thăm, cũng chia sẻ... Mình ngồi bên cạnh ông, nhìn ông thật kỹ và tự hỏi trước kia ông tự hào với kiến thức và kinh nghiệm của ông, ông cho ông là kiến thức và kinh nghiệm. Bây giờ nằm đây, không kiến thức và kinh nghiệm, ông là ai?

Kiến thức là tri thức chung của nhân loại, được rút tỉa qua rất nhiều kinh nghiệm sống hàng nghìn năm của loài người. Người nào càng tích lũy nhiều kiến thức, người đó càng đỡ vấp ngã và sai lầm. Thế nhưng không ít trong số chúng ta, "tích" không phải là để "tiêu" mà "tích" chỉ để "tích". Người ta đi học để khoe khoang bằng cấp, người ta đi học để kiếm tiền, người ta đi học  chỉ để "nhai" lại những gì người khác nói.
Căn bệnh chung của những người nhiều chữ là rất thích "trích cú tầm chương". Càng trích dẫn nhiều càng chứng tỏ khả năng đọc nhiều. Tôi đã chứng kiến chính ông thày giáo triết học của tôi chấm tiểu luận của tôi không phải bằng cách đọc xem tôi đã viết gì trong đó mà ông chỉ chấm điểm tiểu luận của tôi thông qua "danh mục tài liệu tham khảo". Càng nhiều số lượng đầu sách, điểm số càng cao. Đi học bây giờ không phải là "tiêu" những gì mình đã "tích" mà đi học bây giờ lấy "tích" làm kết quả của việc đi học. Viết luận văn bây giờ không phải là sáng tạo những gì mới mà là biết "cắt" và "dán" đúng chỗ và đúng thời điểm.
Bây giờ hình như người ta không còn tin vào chính những gì mình nói nữa. Nói bất kỳ câu nào cũng phải gắn vào chữ "Tử viết...", "Socrate nói...", "Marx nói..." và ngay như tôi viết bài này, cũng cố gắng gắn thêm ông "Bacon nói..." Nếu không gắn thêm những ông này ông nọ kia thì thấy lý luận của mình chưa đủ áp phê và trên tất cả, chỉ muốn chứng tỏ mình đã đọc ông ta nói gì. Và việc đưa mấy ông kia vào cũng chỉ để cố gắng chứng tỏ mình cũng là ông kia, chí ít cũng gần gần bằng ông này ông nọ....
Con người trưởng thành hơn nhờ quá trình tích lũy kiến thức nhưng có thật kiến thức chính là cái Ta đích thực của con người?

Đại học nào bây giờ cũng có chuyên ngành này, chuyên môn nọ. Ngành toán nhìn đời qua những con số, ngành khoa học kỹ thuật nhìn đời như một cỗ máy, ngành văn hóa nghệ thuật nhìn đời qua những bài thơ.... Nhưng đời có thật sự chỉ là những con số? con người có thật sự là một cỗ máy và cuộc sống có thật sự chỉ là những bài thơ?

Ông bạn của tôi vẫn nằm đó, thoi thóp đấu tranh với sự sống còn sót lại. Không kiến thức, không kinh nghiệm, không còn nhớ nổi mình là ai, vậy có phải ông ta là hư vô không?
Kiến thức là kinh nghiệm tích lũy của loài người qua hàng nghìn năm, nhưng kiến thức có là gì nếu ta chỉ mãi biết nhai lại những gì người ta nói và suy nghĩ thông qua cái đầu của người khác?

Ánh trăng đâu chỉ là một hành tinh trong mắt ngành thiên văn học... Ánh trăng đâu chỉ là nàng tiên trong đôi mắt nhà thơ và ánh trăng đâu chỉ là "đỡ tốn tiền dầu" của các bà các cô ở một quê nghèo nọ.
Càng đào tạo chuyên môn hóa càng cao, tâm thần con người ngày càng bị phân liệt và càng bị đóng khung trong cái mớ kiến thức sáo rỗng chẳng liên quan gì đến cuộc sống...
Ta có thật là cái kiến thức ta đang có có?

Bước thứ tư của quá trình vượt thắng:
Ta tự do với kiến thức ta đang có
Tự do không có nghĩa là buông bỏ
Tự do với kiến thức nghĩa là không nhìn ta hay người khác chỉ dựa vào kiến thức ta hay người khác có.
Tự do với kiến thức nghĩa là không lấy kiến thức làm tiêu chuẩn duy nhất để tiếp cận cuộc sống cũng như tiếp cận với con người thật của ta.

Bước thứ tư của quá trình quy hồi:
Ta thoát ly với kiến thức ta đang có.
Thoát ly không có nghĩa là trốn chạy.
Thoát ly với kiến thức nghĩa là ta không kiêu căng ngạo mạn cho ta hơn người khác chỉ vì kiến thức ta nhiều hơn họ.
Thoát ly với kiến thức nghĩa là ta không lấy việc tích lũy kiến thức làm hình thức để tô vẽ cái ta của ta, thay vào đó tích kiến thức tích là để ứng dụng, kiến thức là để sống, không phải để khoe....

Bước thứ tư của quá trình vượt thắng để quy hồi:
Ta không là kiến thức ta đang có và kiến thức ta đang có không phải là ta.
(28/3/11)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất