Không phải tự nhiên Thánh đế đầu tiên trong bốn Thánh đế mà Đức Phật nói ra chính là nói về nỗi khổ.... Tám nỗi khổ số kiếp con người phải đeo mang ngay từ khi chưa lọt lòng mẹ và nó cũng sẽ theo cùng ta về với chín suối thiên thu mà chưa biết ngày nào có thể gỡ ra được...
Khổ - Nhiều người mới chỉ nghe đến chữ đó thôi đã vội gắn ngay vào đó hai chữ "tiêu cực"... và phủ chụp luôn cho Đạo Phật là bi quan, yếm thế... Có thể họ đã quên hoặc cũng có thể chưa lần mò tới các Thánh đế khác để thấy tinh chất của Phật giáo...
Trong bài viết đầy tính chia sẻ hôm nay... trong không khí u buồn chán nản đang bao vây các bạn hữu blogger... tôi muốn cùng các bạn khai thác thêm một khía cạnh khác của KHỔ - không phải với ý nghĩa là kết quả của TẬP... trong TỨ DIỆU ĐẾ mà nhìn KHỔ ở một lăng kính khác - đó như là một cơ hội để nhận diện chính mình...
Chẳng dấu gì các bạn... tôi cũng đang khổ... cái khổ trời cho... và tôi đã dành trọn đêm nay nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, gặm nhấm, tận hưởng nó trong một ý thức đầy tỉnh táo...
Khổ - Tôi day dứt, tôi khó chịu, tôi bứt rứt, tôi chán nản, tôi nhói đau, tôi nghẹt thở, tôi điên tiết, tôi muốn đập vỡ tất cả - Đó là một tiến trình mà tôi cảm nhận khi nỗi khổ đi đến với tôi...
Khổ - Tôi quan sát tiến trình phát triển theo chiều tăng tiến của nó... Tôi tư duy ngược về nguyên nhân gây ra nỗi khổ trong tôi - Tôi phát tín hiệu ra ngoại cảnh - Tôi nhận được một tín hiệu không được khả quan cho lắm - Tôi quay về với ý thức chủ quan - Tôi hoàn toàn mù mờ thông tin...
Tôi bắt đầu nhận diện - Khổ - trước hết đó là một cảm giác bất như ý - Cảm giác bất như ý hiện hình khi ý thức chủ quan tác động đến ngoại cảnh hay đối tượng không được như ý muốn chủ quan...
Tôi bắt đầu nhận diện về ngoại cảnh khách quan - Tôi đặt ra một giả thiết - Nếu ngoại cảnh đạt được như ý muốn chủ quan - Vậy nỗi khổ bất như ý có mặt hay không? - Chắc chắn là không có mặt... Nhưng vì ý muốn chủ quan là vô tận trong khi ngoại cảnh lại khách quan với ý muốn của tôi nên sự bất như ý luôn thường trực - không hoàn cảnh này sẽ là một hoàn cảnh khác, không thời điểm này sẽ là một thời điểm khác - Vậy chắc chắn nguồn gốc của khổ không phải từ ngoại cảnh khách quan...
Tôi bắt đầu nhận diện về ý muốn chủ quan - Tôi đặt ra một giả thiết - Nếu tôi không ham muốn hay không hy vọng đạt được nó - Vậy nỗi khổ bất như ý có mặt hay không? - Chắc chắn là không có mặt... Nhưng nếu tôi không ham muốn đạt được nó thì dù đó có là ngoại cảnh nào đi chăng nữa thì đối với tôi cũng chẳng hề hấn hay quan tâm làm gì...
Nhưng sống như thế nào để không ham muốn gì?? Câu hỏi này để dành cho các vị Thánh trả lời. Hôm nay chúng ta nói chuyện thực tế hơn một chút...
Ham muốn là tất yếu với con người... Sinh ra trên đời, cái nhu cầu thiết yếu căn bản để sinh tồn là ăn, mặc, ngủ... Đạo Phật mở rộng đến năm (tài, sắc, danh, thực, thùy). Nếu con người không ham muốn thì con người không thể tồn tại. Sự ham muốn tăng trưởng theo tiến trình phát triển của cơ thể lẫn tâm sinh lý...
Như bộ quần áo của con người... khi nhỏ thì bộ quần áo nhỏ... khi lớn thì bộ quần áo của ta cũng lớn theo... Cũng vậy, như với ham muốn, càng lớn, cái ham muốn của ta càng to dần ra... Ta phải chấp nhận nó như một sự thật... Đừng nghe mấy tay sách vở lý thuyết đạo đức dạy ta phải tiết chế hay diệt dục... Vớ vẩn lắm!!
Khi ta chấp nhận sự mong muốn của ta tăng trưởng cùng với sự trưởng thành của tâm sinh lý con người... ta sẽ dễ chấp nhận sống chung với lũ hơn và cũng đỡ ác cảm hơn với khái niệm ham muốn...
Kết luận tạm thời được đưa ra: ham muốn là đặc tính trung gian - chẳng xấu cũng chẳng tốt (xem thêm bài viết Tham)
Ấy thế mà đời khổ đau cũng chỉ vì ham muốn... Chiến tranh giữa các cường quốc hay sự giận hờn vu vơ của hai kẻ yêu nhau.. cũng xuất phát từ ham muốn...
Vậy ham muốn có phải là nguyên nhân đích thực tạo ra khổ đau hay không? Câu trả lời của tôi là KHÔNG. Nguyên nhân gây ra khổ đau chính là ta mặc một bộ quần áo to hơn con người thật của ta. Khi bộ quần áo to hơn con người thật của ta thì sự lầm tưởng về con người thật của ta bắt đầu xuất hiện và đó mới đích thực là nguyên nhân tạo ra nỗi khổ...
Khổ là một cảm giác... nhưng tôi muốn dùng từ khác có ý nghĩa hơn... Khổ là một dấu hiệu giúp ta phát hiện ra rằng: bộ quần áo của ta đang dần dần to hơn con người thật của mình...
Khi khổ có mặt... việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu về nguồn gốc gây ra nỗi khổ đó... nhưng việc tìm hiểu về nó cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu ta chưa quay về với con người thật của ta để tự thu thúc bộ quần áo của ta cân bằng với con người và hình dáng đó...
Khi khổ có mặt... việc đầu tiên cần làm không phải là cố tìm mọi cách để đạt được cái mà mình mong muốn - cách giải quyết đó chỉ là giải quyết phần ngọn - trong trường hợp của tôi - việc đầu tiên là quan sát nó - dùng lý trí quan sát nó một cách thật lặng lẽ - dùng trái tim để cảm nhận nó một cách thật sâu sắc - tiếp theo là truy tìm nguyên nhân đích thực gây ra nỗi khổ - và như đã nói ở phần trên - nguồn gốc không phải từ đối tượng bên ngoài mà xuất phát từ ham muốn bên trong của ta - vì thế thay vì tôi trút giận hay chuyển giao nỗi buồn sang đối tượng vô tình tạo ra khổ đau cho tôi - tôi sẽ im lặng để xem xét và chuyển hóa chính mình...
Con đường giải quyết nỗi khổ sau một đêm ngắm nghía, nhìn ngó, gặm nhấm nó... tạm thời xin chia sẻ vài kinh nghiệm...
1. Bài học đầu tiên: đừng sợ hãi nỗi buồn... hãy coi nó là cơ hội để nhận diện chính ta...
2. Khi nỗi buồn xuất hiện, thay vì khóc lóc sầu bi... hãy tập im lặng...
3. Thay vì kiếm ai đó trút sầu thê lương ảo não... hãy quan sát và chiêm ngưỡng toàn diện tiến trình phát triển theo cấp số nhân của nó...
4. Thay vì đổ hết mọi nguyên nhân sang đối tượng gián tiếp tạo ra nỗi buồn... cứ tạm thời nhận hết nguyên nhân về phía mình nhằm giảm nhiệt sự ma sát của mối quan hệ...
5. Khi bình tĩnh quan sát nỗi buồn... về nguyên nhân tận cùng của nó thì đó hoàn toàn là do ham muốn của ý thức chủ quan... nhưng thực tế một chút đừng sách vở ta sẽ nhận thấy nỗi buồn hay khổ đau về cơ bản chỉ xuất hiện trong một mối quan hệ tương tác...
6. Vậy tiếp theo là phải xem xét lại chính mình... mình là ai? mình thật sự cần gì? cái muốn của ta có thật sự cần thiết hay không? nếu ta thấy cái muốn của ta to hơn khả năng của ta thì ta cần phải xem xét lại ham muốn đó... nếu ta thấy cái ham muốn của ta có khả năng tương tác được với con người thật của ta thì phải nỗ lực chuyển hóa chính mình cũng như chuyển hóa đối tượng mà ta đang tương tác...
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ cùng các bạn... kinh điển sách vở thật tuyệt và lời dạy của Thánh nhân thì không thể chê vào đâu được nhưng con đường đi đến kinh điển lý thuyết thì xa vạn dặm trong khi nỗi buồn thì đang sờ sờ trước mắt chúng ta đây... mỗi con người là một kho tàng mà càng sống lâu, càng tiếp xúc nhiều.. chúng ta càng có cơ hội hiểu về nhau hơn... chúng ta càng có cơ hội rút ra cho riêng mình nhiều bài học hơn nữa...
Khổ cũng đáng sợ thật nhưng khổ cũng thú vị chẳng kém hạnh phúc là bao... Còn là con người thì còn phải sống chung với nỗi buồn dài dài... Thay vì sợ hãi hãy cùng cám ơn nỗi buồn đi nào các bạn ơi... Nhờ nó mà ta biết ta là ai?! Nhờ nó mà ta ít va vấp đổ vỡ hơn trong tương lai và cũng nhờ nó mà ta có cơ hội hiểu về nhau nhiều hơn nữa...Tình yêu nở hoa trên cơ sở hiểu biết về nhau cũng là vì thế!!
(12/10/11)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!