Bút bi hay bàn phím?



Hôm qua có người bạn gửi cho tin nhắn cho đề tài viết về cảm xúc từ cầm viết qua bàn phím, nói một cách khác, từ phương pháp thủ công sang công nghệ hiện đại...

Vấn đề này, có thể nhìn về một số góc độ sau: Thứ nhất, cảm xúc từ trong trái tim được thể hiện bằng ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, viết bằng bút, viết bằng bàn phím... có khác nhau không? Thứ hai, viết bằng bút và viết bằng bàn phím có khác nhau không, thay đổi như thế nào?

Thứ nhất, cảm xúc từ trái tim chưa được biểu hiện ra bằng ngôn ngữ và sau khi được biểu hiện ra bằng ngôn ngữ không hoàn toàn đồng nhất nhưng cũng không hoàn toàn khác biệt mà chúng có mối quan hệ trực tiếp với nhau. Cảm xúc từ trái tim là cái nguồn cơ bản, trên cơ sở đó ngôn ngữ vật chất thể hiện ra. Không có cảm xúc thật, ngôn ngữ đó chỉ là sao chép và sáo rỗng về mặt nội dung lẫn ý nghĩa. Có thể đọc được rất nhiều bài viết, bài ca... tương tự như thế hiện nay khi tác giả của bài viết chưa hề sống qua, chưa hề cảm nhận, chưa hề chứng kiến nhưng vẫn có thể viết về nó, điều đó chứng tỏ tác giả của bài viết, một là sao chép nội dung của người khác, hai là giả tưởng một cảm xúc để viết... và dĩ nhiên một bài viết như thế, có thể văn phong rất hay, ca từ rất tuyệt nhưng vẫn bộc lộ sự trống rỗng bên trong nó. Thế nhưng tại sao giữa cảm xúc thật và ngôn từ thể hiện ra lại không đồng nhất, nói cách khác, đó không phải là một? Bởi vì cảm xúc là một trạng thái tình cảm, có sự phát triển từ thấp đến cao, từ nhạt đến sâu, từ chưa chín muồi đến chín muồi... trạng thái tình cảm này luôn vận động không ngừng nghỉ, chúng thay đổi trong từng giây phút nên có thể nói cảm xúc là một trạng thái cảm tính tự phát, trong khi đó ngôn ngữ vật chất biểu hiện cảm xúc là một hình thái vật chất, được tồn tại trong một thời gian nhất định, kiểu như ông bà ta có câu "bút sa gà chết", có thay đổi theo thời gian nhưng thời gian để nó tồn tại lâu hơn cảm xúc rất nhiều, do vậy, ngôn ngữ biểu hiện cảm xúc chỉ là hình thái biểu hiện cảm xúc ở cấp độ sâu sắc nhất của chủ thể tư duy, nói cách khác là khi cảm xúc đã chín muồi mới có thể biểu hiện bằng ngôn ngữ được, còn khi cảm xúc chưa chín muồi thì ngôn ngữ biểu hiện nó chưa chắp nối thành câu. 

Mặt khác, ngôn ngữ, như đã đề cập, là hình thái vật chất của cảm xúc nên chỉ biểu hiện được cái vỏ ngoài của cảm xúc chứ chưa nói được bản chất đích thực của cảm xúc. Trong đạo Phật có câu nói " như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri" (như người uống nước, nóng hay lạnh thì chỉ có người đó biết được thôi), mô tả về nhiệt độ của nước, mô tả về cảm giác uống nước của chủ thể không thể nói hết được cảm giác thật sự của chủ thể đó, do vậy, muốn biết nước nóng hay lạnh thì tự mình phải uống lấy chứ không phải nghe người ta mô tả về nó. Vì thế, ngôn ngữ thể hiện cảm xúc chỉ mô tả được một phần nào của cảm xúc chứ không phải là chính cảm xúc đó.

Vậy sự khác nhau cơ bản giữa cảm xúc và ngôn ngữ thể hiện cảm xúc là gì? Cảm xúc thì đa dạng, nhanh thay đổi hơn và quan trọng là thật hơn ngôn ngữ biểu hiện cảm xúc còn ngôn ngữ biểu hiện cảm xúc có thời gian tồn tại lâu hơn và chỉ mô tả trạng thái cao nhất, sâu sắc nhất của cảm xúc chứ không phải là chính cảm xúc.

Thứ hai, viết bằng bút hay viết bằng bàn phím, thật ra đều chỉ là phương tiện ghi lại trạng thái tình cảm của mình. Ngày xưa khi chưa có chữ viết, người ta diễn đạt cảm xúc bằng hình vẽ, sau này hình vẽ được thay thế bằng chữ viết. Sự chuyển tiếp từ bút mực sang bàn phím cũng không có gì khác biệt so với trước kia lắm, đơn giản ở chỗ ngày trước ông cha chúng ta dùng bút để viết, ngày nay chúng ta ngồi trước bàn phím để gõ mà thôi.
Tuy vậy, thời gian chuyển từ bút mực sang bàn phím hay thời gian chuyển từ trạng thái xã hội này sang xã hội khác, chế độ này sang chế độ khác... bao giờ cũng có một thời gian quá độ, nói đúng hơn là thời gian giao thoa giữa cũ và mới. Chúng ta có thể tưởng tượng thời gian quá độ này giống như giữa rừng già và nhà dân có một vùng gọi là vùng đệm vậy, giữa quốc gia này với quốc gia khác có một vùng gọi là vùng phi quân sự, giữa nhà này với nhà khác bao giờ cũng có một hàng rào... 

Ngày xưa, những vùng chuyển tiếp như thế này về mặt địa lý thì rộng hơn, về mặt thời gian thì lâu hơn nhưng bây giờ vùng chuyển tiếp càng lúc càng ngắn lại và nhanh hơn do sự phát triển đến chóng mặt của cái mới khiến cái cũ nhanh chóng trở thành lạc hậu trở thành bước cản cho sự ra đời của cái mới khiến cho cái cũ nhanh chóng chết đi và cái mới ra đời cũng đang trên bờ vực của sự thay thế... Trong thời gian chuyển tiếp, cái cũ chưa chết đi hẳn và cái mới chưa thật sự thống trị nên cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ vẫn còn tồn tại, dù biết rằng cái mới nhất định sẽ thắng nhưng chúng ta vẫn còn lưu luyến một dấu ấn vàng son còn sót lại của quá khứ nên chưa đành chôn cái cũ xuống nấm mồ lạnh lẽo. Đó là lý do để cái cũ vẫn còn tồn tại.

Sự chuyển tiếp từ bút viết đến bàn phím cũng vậy, công nghệ hiện đại nhất định sẽ thay thế hình thức thủ công nhưng vì chúng ta vẫn còn lưu luyến vào cái bút bi thuở nào nên sự lựa chọn giữa bút bi hay bàn phím vẫn còn là một trăn trở. Đó là quy luật của thời gian quá độ mà chúng ta hiện nay, dù muốn dù không cũng đành phân vân chọn lựa hai phương tiện chuyển tải tư duy của mình thành vật chất cụ thể và tùy từng góc độ của mỗi cá nhân mà họ có sự chọn lựa một phương tiện nào đó... như nhà thơ thường thích cầm viết hơn là gõ bàn phím, họa sỹ thường thích cầm cọ hơn là đồ họa công nghệ cao... còn kiến trúc sư bây giờ không biết xử lý đồ họa 3D thì chưa phải là kiến trúc sư chuyên nghiệp và còn rất nhiều tiện ích khác mà bàn phím đã đem lại.

Đấy là sự phát triển tất yếu của xã hội và nhu cầu của nhân loại, mà trong đó, chúng ta vừa là chủ thể của sự phát triển đó vừa là nạn nhân không thể cưỡng lại sự phát triển đó. Dĩ nhiên bàn về góc độ tình cảm cũng như khả năng xử lý thông tin, chúng ta vẫn cần đến cái bút bi cũng như khả năng khéo néo đôi tay của mình, điều mà công nghệ hiện đại không thể thay thế được thủ công bởi trong những tác phẩm thủ công, do chính đôi tay của mình chế tác ra, có thể không tinh xảo và đẹp bằng công nghệ hiện đại nhưng nó lại trực tiếp chứa giọt mồ hôi nóng hổi của ta rơi trên nó....
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất