Nhân tiện một ngày có 6 cái gậy để chống...
trước khi mình lại chết nửa tháng, quyết định viết tiếp về cái chết chiêu đãi bà con...
Bài viết trước tớ đã khai thác bản chất của cái chết mà đến một thời điểm nhất định nào đó chúng ta phải đối diện, nếu như không muốn nói đó là một kinh nghiệm kỳ thú mà mỗi chúng ta chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất...
Chết là một phần tất yếu của cuộc sống... Nếu như khoảnh khắc ta cất tiếng khóc chào đời được coi là bước khởi đầu thì cái chết chính là cái đích cuối cùng của số phận chúng ta... Không một ai hiện hữu mà không một lần phải đối diện với cái chết, dù đó có là Tần Thủy Hoàng hay Alexsander Đại đế...
Chắc chắn một điều là khi đối diện với cái chết, ai cũng sợ hãi, ai cũng đau khổ cả... Người ta không muốn chết nhưng vì... có một lý do mà người sống thường an ủi người nào đó chán đời đang muốn tự tử là... "cuộc đời này đẹp thế, sao phải chết cho uổng"... Thế nhưng sự thực có phải là thế không?...
Nói cho đúng ra... một cái chết đẹp, một cái chết đích thực chỉ đến với kẻ nào biết yêu cuộc sống mà thôi... Những kẻ chán sống đều là những là kẻ sợ chết... Chết là một phần cuộc sống chứ không đối lập với cuộc sống... vì thế chỉ có kẻ nào biết sống đẹp và có ý nghĩa thì kẻ đó mới cảm nhận hết ý nghĩa và cái đẹp của cái chết... Sống vật vờ thì cái chết cũng vật vờ, sống lắt lay thì cái chết cũng lắt lay... Phạm Công Thiện đã từng viết rằng: chỉ có kẻ sống tươi mới biết chết tươi là gì... là có ý nghĩa như vậy...
Bản chất của cái chết chỉ là một "bước nhảy" để chuyển sang một hình hài và một môi trường khác... Chúng chỉ là điểm cuối của một hành trình nhất định nào đó nhưng lại là bước đầu tiên của một hành trình khác... Nếu như các bạn cứ đi... đi mãi... thì không bao giờ có khái niệm đường cụt... bởi con đường luôn nằm dưới mỗi bước chân của ta...
Có hai quan niệm từ xưa đến nay chiến đấu với nhau chưa bao giờ ngừng nghỉ đó là: chết là hết và thừa nhận sự bất tử của linh hồn...
Quan điểm chết là hết là quan điểm chung của đại đa số các nhà duy vật. Họ coi thế giới thống nhất ở tính vật chất và không thừa nhận sự tồn tại cái được gọi là linh hồn hay sự đầu thai chuyển tiếp.
Quan điểm thừa nhận sự bất tử của linh hồn là quan điểm phổ biến của các nhà duy tâm, theo đó, duy tâm chủ quan coi thế giới vật chất là sự phản chiếu những cảm giác chủ quan, duy tâm khách quan coi thế giới là sản phẩm của một đấng Thượng Đế toàn năng (Thượng Đế có thể là hữu hình hữu ngã, cũng có thể chỉ đơn giản là một luật tắc khách quan vượt mọi biên giới của không gian và thời gian). Linh hồn của con người là bất tử với sự tồn tại bất tử của Thượng Đế...
Trong Kinh Phạm Võng, Phật giáo còn liệt kê đến 62 quan điểm khác nhau về linh hồn... Nhìn chung được chia làm hai trường phái là Đoạn kiến và Thường kiến. Đoạn kiến thừa nhận chết là hết còn Thường kiến chủ trương linh hồn bất tử... Phê phán 62 quan điểm đó, Đức Phật đưa ra một chủ trương Trung đạo, vượt lên trên sự đối lập giữa Thường kiến và Đoạn kiến.
Theo tư tưởng Trung đạo của Phật giáo, chết không phải là hết và vòng luân hồi không phải là không có cách chấm dứt. Nói cách khác, tùy vào từng hành động tạo tác mà chúng ta bị trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi và cũng tùy vào từng hành động tạo tác mà chúng ta có thể chấm dứt hoàn toàn vòng luân hồi trôi lăn bất tận...
Cách tiếp cận như thế của Phật giáo hạn chế được những khiếm khuyết về mặt đạo đức của cả hai trường phái Thường kiến và Đoạn kiến nêu trên:
Thứ nhất, nếu chúng ta coi cuộc sống này là duy nhất, mặt trái của nó sẽ đưa đẩy chúng ta vào một lối sống trụy lạc, tận hưởng lạc thú mà không biết nghĩ đến hậu quả tương lai... Chết là hết nghĩa là ta không phải gánh chịu những gì mà ta đã gây ra từ kiếp sống này... Chết là hết nghĩa là nếu như ta có lầm lỗi cũng không còn cơ hội để sửa chữa...
Thứ hai, nếu chúng ta coi linh hồn là bất tử... mặt trái của nó là đưa đẩy chúng ta buông trôi theo dòng đời... chúng ta không cần cố gắng, không cần nỗ lực... để mặc số phận của chúng ta theo sự ngẫu nhiên của tạo hóa nếu như không muốn nói đó là trò chơi xúc xắc của đấng Tối cao...
Với cách tiếp cận Trung đạo của Phật giáo ...
Nếu chúng ta tin tưởng có đời sống sau khi chết nghĩa là mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta ở kiếp này đều được ghi lại và chính ta chứ không phải ai khác là người phải gánh chịu những hậu quả đó...
Nếu như vòng luân hồi có thể chấm dứt được, điều đó có nghĩa là chỉ cần chúng ta nỗ lực cố gắng tạo những tiền đề nhất định thì ai trong số chúng ta cũng có thể giải thoát chính mình khỏi vòng trầm luân nghiệt ngã...
Cách tiếp cận Trung đạo của Phật giáo giúp ta trở thành chủ nhân của chính ta chứ không còn là sản phẩm của một đấng siêu nhiên hoặc là sản phẩm của một môi trường hay hoàn cảnh giáo dục nhất định nào đó...
Những gì mà ta vừa lý giải cho nhau nghe cũng chỉ là những trải nghiệm của người khác... thế nhưng, không thể đợi đến khi chính ta chết thì ta mới đúc rút ra một kinh nghiệm hay một bài học nào đó... Cái chết là trải nghiệm duy nhất trong đời xét trong một hoàn cảnh thời gian và không gian nhất định... vì thế... tìm hiểu, chọn lựa cho mình một cách thế đối diện với cái chết như thế nào để sống tốt hơn có một tầm mức khá quan trọng..
Khi đối diện với cái chết của người khác... thay vì ta khóc lóc sầu bi, thương tiếc luyến lưu... hãy tận dụng cơ hội đó để quán chiếu về tính vô thường của thực tại... Vô thường không tiêu cực như chúng ta nghĩ, vì nhờ nó, chí ít ta cũng lớn dần lên, bớt vấp ngã hơn chứ không nằm mãi trong bụng mẹ mà không chịu cất tiếng khóc chào đời...
Khi đối diện với cái chết của người khác... thay vì ta than van buồn khổ... hãy nhìn cái chết đó ở một khía cạnh khác tích cực hơn... chí ít người đó đã tạm thời trả xong một cái nợ nào đó của cuộc đời... nguyện cầu cho họ có một đời sống tốt hơn đời sống mà người đó đang phải gánh chịu...
Khi đối diện với cái chết của người khác.. nếu như chúng ta để ý một chút, thường thường người ta không khóc cho người đã chết mà đơn giản người ta đang khóc cho chính họ ("mẹ ơi, sao mẹ bỏ con bơ vơ thế này?" ---> đứa con đang khóc cho trạng thái bơ vơ của hắn chứ đâu phải khóc cho người đã khuất?!... ).... Thay vì than thân trách phận như vậy, hãy nhìn sâu sắc hơn một chút.... người mẹ đó không mất hẳn, chỉ là chuyển hóa sang một đời sống khác... cơ hội tiếp cận với người mẹ trong hình hài mà ta đã từng quen biết không còn nữa... vậy thì tại sao không biết trân trọng hơn nữa khi ta đang được tiếp cận với người cha, với người anh, với người chị, với người yêu, với bạn bè quanh ta... Tất cả những mối quan hệ đó vẫn còn đang hiện hữu, sao không trân trọng và vun bồi cho nó tốt đẹp hơn? Chẳng lẽ cứ phải đợi đến khi mất đi rồi mới cảm thấy hối tiếc ăn năn?!...
Khi
ta biết cách đối diện với cái chết của những người ta yêu thương một
cách bình thản, đó là dấu hiệu để ta biết cách đối diện với cái chết của
chính ta một cách bình thản...
Nếu cái chết đến với ta... thay vì sợ hãi... hãy bình thản đón nhận nó như một người bạn cố tri lâu ngày mới được gặp một lần...
Nếu cái chết đến với ta... thay vì ăn năn hối tiếc những việc chưa làm được... hãy mỉm cười mãn nguyện với những gì đã làm được...những gì chưa làm được hẹn kiếp sau làm tiếp...
Nếu cái chết đến với ta... thay vì nuối tiếc nhớ nhung những cái ta sắp mất... hãy chuẩn bị sẵn sàng một tâm thế để tiếp nhận một đời sống mới với những mối quan hệ mới...
Cái chết không đáng sợ... Nó là một phần cuộc sống của chính ta... Nhờ nó ta biết trân trọng từng giây từng phút ta đang sống...
Cái chết không đáng sợ... Nó là quà tặng của tự nhiên đối với sự sống... Nhờ nó ta có cơ hội để thay đổi vận mệnh của chính mình nếu như ta biết nỗ lực không ngừng nghỉ...
Cái chết không đáng sợ... Cái chết chỉ đáng sợ với kẻ nào sợ sự sống... Khi ta biết yêu sự sống thì ta cũng sẽ biết yêu cái chết... Hãy cứ để mọi thứ tự nhiên xảy đến như mùa thu lá rụng và mùa xuân hoa lại đâm chồi...
Bây giờ là lúc tớ cùng các bạn ngồi nhâm nhi tận hưởng ly trà tối
và ngắm nhìn cuộc sống diễn ra quanh ta và trong ta một cách bình thản và tự nhiên nhé!
(11/11/11)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!