Socrates có thể được coi là người đầu tiên đặt nền móng cho phương pháp tư duy trên con đường tìm kiếm sự thật. Có thể khái quát phương pháp "đỡ đẻ" tri thức của ông qua bốn bước:
Thứ nhất, phản biện một quan điểm bằng cách đặt những câu hỏi nhằm dẫn dắt người phát ngôn tự phát hiện ra mâu thuẫn trong quan điểm đó.Thứ hai, sử dụng phương pháp quy nạp thông qua những hiện tượng đời thường nhằm tạm rút ra một kết luận nào đó.Thứ ba, định nghĩa những kết luận đó giúp quan điểm được rõ ràng và chính xác hơn.Thứ tư, thiết định một khái niệm có tính phổ quát về vấn đề đang cần bàn thảo.
Nguyên tắc của phương pháp đối thoại này là
trung thực và minh bạch, tránh sự cực đoan. Ông từng khuyên rằng, để trở thành
một vị quan tòa, cần đến 4 đức tính: lắng nghe một cách lễ độ, trả lời một cách
rõ ràng, cân nhắc một cách hợp lý và quyết định một cách vô tư.
Trong tác phẩm Đạo đức học Nichomachus, Aristote - một pháp tôn của Socrate và
là học trò của Platon - phân chia tri thức thành 5 loại: tri thức khoa học, tri
thức kỹ năng, tri thức thực hành, tri thức trực giác và tri thức lý thuyết. Khởi
nguyên của 5 loại tri thức này là sự hoài nghi "ai muốn nhận thức đúng đắn
thì trước đó phải biết nghi ngờ đúng cách". Về phương pháp nhận thức, ông
là người đầu tiên xây dựng một cách có hệ thống về các nguyên tắc suy luận, đặc
biệt là phương pháp diễn dịch qua Tam đoạn luận nổi tiếng. Ngoài ra, ông cũng
coi phương pháp quy nạp - mà ông gọi là nguyên tắc phi tam đoạn luận - là sự bổ
sung không thể thiếu của phương pháp diễn dịch. Quy nạp và diễn dịch như hai
phương pháp biện chứng: một đằng đi từ cái đơn nhất đến cái chung và một đằng
đi từ cái chung đến cái đơn nhất; một đằng là nhận thức cảm tính, một đằng là
nhận thức lý tính.
Tri thức khoa học là kết quả của hai quá trình quy nạp và diễn dịch, bổ sung và tương tác cho nhau một cách biện chứng. Ông từng nói: "người nào không cảm giác thì không biết cái đó với tính cách là biểu tượng, bởi vì các biểu tượng cũng chính là các cảm giác, nhưng không có vật chất" và rằng "sự hiểu biết [cái đơn nhất] nhờ cái chung không thể có được nếu thiếu quy nạp, cũng như sự hiểu biết nó thông qua quy nạp không thể có được nếu thiếu tri giác cảm tính".
Thời trung cổ, Augustin coi nhận thức bắt đầu bằng trực giác cảm tính, nhờ cái
"cảm giác bên trong" mà con người có được quan niệm logic về hiện thực.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Thần học Thiên chúa giáo nên ông coi hình ảnh chân
thực về đối tượng được thiết kế trong tư tưởng của Chúa. Thomas Acquynas coi niềm
tin hoàn thiện phần khiếm khuyết của lý tính, cũng như thần học giúp hoàn thiện
triết học. Dun Scott lại đề cao khả năng nhận thức trực giác và coi đó như là
con đường nhận thức duy nhất có thể tiếp xúc với bản chất của sự vật. Occam lại
đề cao kinh nghiệm, không có nhận thức đơn giản thì không có nhận thức phức tạp.
N.Cusanus, một đại biểu xuất sắc của thời Phục hưng, phân đối tượng nhận thức ra làm 2 loại là hữu hạn và vô hạn, vì thế ông cũng đề nghị hai con đường khác nhau để nhận thức hai loại đối tượng này. Với đối tượng hữu hạn, con đường nhận thức là so sánh và đối chiếu những điều chúng ta đã biết và chưa biết. Với đối tượng vô hạn, con đường nhận thức là con đường vòng, thông qua vật trung gian là những đối tượng hữu hạn.
F.Bacon được coi là người đặt viên đá đầu tiên cho tư duy khoa học, thông qua
Công cụ mới (1620) - một tác phẩm được ông coi như là đối trọng với tác phẩm Công cụ của Aristote cổ đại. Trong Cách ngôn 39, ông chỉ ra 4 loại ngẫu tượng
che mất khả năng nhận thức đúng đắn của chúng ta là: ngẫu tượng bộ lạc, ngẫu tượng
cái hang, ngẫu tượng cái chợ và ngẫu tượng sân khấu.
Đối với ngẫu tượng bộ lạc, ông đề nghị cần tránh những sai lầm sau: giản lược hóa mọi việc trong sự phân chia hời hợt, chỉ muốn đi tìm những bằng chứng để bảo vệ quan điểm ấy và kết quả là chúng ta đã khái quá hóa và trừu tượng hóa một cách vội vàng chỉ qua vài dữ liệu cảm tính.
Đối với ngẫu tượng cái hang, cần tránh: đề cao quá mức những gì trùng hợp với tri kiến của ta, dễ bị lừa gạt bởi những chi tiết vụn vặt như chỉ thấy cây mà không thấy rừng, đề cao cảm giác (yêu thích, thần tượng) về một cá nhân, một quan niệm hay kinh nghiệm của bản thân đến mức gò ép thực tại cho phù hợp với cái nhìn và kinh nghiệm của mình.
Đối với ngẫu tượng cái chợ, chúng dễ dẫn ta đến những sai lầm sau: ta đặt tên cho những sự vật không hề có thực và rồi chính ta lại chịu chi phối bởi những tên gọi đó, đặt tên các sự vật có thực nhưng lại mơ hồ, vội vàng, bất định và không chính xác.
Đối với ngẫu tượng sân khấu, ông cảnh báo rằng phần lớn những điều xác tín của ta về thế giới quan lẫn nhân sinh quan đều không bắt nguồn từ suy nghĩ chín chắn, hoặc chúng chịu ảnh hưởng bởi tư duy giáo điều võ đoán, hoặc chúng vội vàng ra kết luận chỉ qua một số kết quả nghiên cứu thường nghiệm, hoặc chúng đơn giản chỉ là kết quả của niềm tin vào những điều huyền bí linh thiêng.
Qua việc dọn dẹp mặt bằng do những nhận
thức sai lạc gây nên, ông đưa ra 3 bước nhận thức: thứ nhất, thu thập những thực
nghiệm đơn lẻ; thứ hai, thông qua quy nạp, rút ra những định lý sơ khởi và cuối
cùng, đề xuất những ý tượng tổng quát theo từng bước tiệm tiến.
R.Descates, với xuất phát điểm là quan niệm nhị nguyên về thế giới, nên ông đề
ra hai con đường nhận thức cơ bản. Với Chúa, con đường duy nhất là nhận thức bằng
trực giác. Với thế giới vật chất, nhận thức qua 4 bước sau: thứ nhất, chỉ chấp
nhận là đúng chỉ khi ý tưởng ấy rõ ràng, không thể ngờ vực; thứ hai, chia vấn đề
thành nhiều phần nhỏ, càng nhỏ càng tốt; thứ ba, đúc kết, rút tỉa kết luận từ kết
luận khác theo con đường từ đơn giản đến phức tạp, và cuối cùng, thực hiện tổng
hợp có hệ thống các vấn đề được kết luận. Bốn bước trên được ông đặt tên là
"phương pháp lý luận diễn dịch".
Spinoza coi bản tính con người là nhận thức và nhận thức cũng chính là khát vọng
lớn nhất của con người. Ông thiết định có ba loại nhận thức, cũng có thể là ba
bước nhận thức cơ bản: nhận thức cảm tính, nhận thức giác tính và nhận thức trực
giác. Quá trình nhận thức là vô hạn và mục đích của nó là phát hiện ra nguyên
nhân tồn tại nhằm giúp con người ngày một tự do hơn.
J.Locke nhìn chung cũng đồng ý với F.Bacon và có làm rõ thêm vài luận điểm. Ông coi
kinh nghiệm là cội nguồn của mọi tri thức. Ông chia kinh nghiệm thành hai loại
là kinh nghiệm bên trong và kinh nghiệm bên ngoài. Kinh nghiệm bên ngoài là kết
quả quan sát các sự vật khách quan còn kinh nghiệm bên trong là kết quả của sự
tự quan sát chính mình hay là sự phản tư. Tri thức cũng có hai loại là tri thức
giản đơn và tri thức phức tạp. Tri thức giản đơn là tổng số những cảm giác của
con người còn tri thức phức tạp là kết quả của sự phân tích, so sánh, đối chiếu
thông qua lý trí.
Với D.Hume, ông đặc biệt lưu ý với chúng ta cái gọi là "ấn tượng". Ông nói: "Tôi hiểu ấn tượng không phải là phương thức nảy sinh những trực quan sinh động trong tâm hồn mà hoàn toàn là bản thân những trực quan ấy, đối với chúng thì không tồn tại một tên gọi riêng nào trong bất kỳ ngôn ngữ nào”. Ông chia "ấn tượng" thành hai loại là "ấn tượng cảm xúc" và "ấn tượng phản tư". Những "ấn tượng cảm xúc" như nóng, lạnh... tác động vào tâm hồn con người, hình thành nên những "ấn tượng phản tư". Đến lượt "ấn tượng phản tư" này tiếp tục sao chép và hình thành những ý niệm mới. Chuỗi nhận thức như vậy kéo dài đến vô tận.
I.Kant tách biệt ba hình thức hay ba năng lực của nhận thức là cảm tính, giác
tính và lý tính. Mỗi một kinh nghiệm mà con người có được là sự pha
trộn giữa nội dung của cảm giác với mô thức không gian và thời gian.
Một dạng tri thức
khác là tri thức tiên nghiệm, chúng không phải là tri thức dựa trên kinh
nghiệm
cảm tính (tri thức hậu nghiệm) mà là tri thức có trước kinh nghiệm, có
tính phổ
quát và tất yếu. Ông nói: "Mọi nhận thức của ta đều bắt nguồn từ kinh nghiệm,
đó là điều không có gì phải nghi ngờ… thế nhưng tuy mọi nhận thức của ta đều bắt
đầu từ kinh nghiệm song không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm.
Bởi vì hoàn toàn có thể là, bản thân nhận thức kinh nghiệm của ta là một sự kết
hợp giữa những gì ta nhận được từ các ấn tượng và những gì do quan năng nhận thức
của ta tự mang lại (còn các ấn tượng cảm tính chỉ tạo cơ hội cho chúng khởi động);
phần thêm vào này chưa được ta phân biệt với chất liệu cơ bản nói trên, cho tới
khi sự tập luyện lâu dài khiến ta lưu ý và tách biệt riêng được phần thêm vào
này một cách thành thạo". Như vậy, dữ liệu của cảm giác chỉ là một phần nhỏ
để hình thành nên tri thức của con người, còn phần lớn nội dung của nó do chính
trí tuệ con người tạo ra.
G.F.Heghen coi nhận thức là một trình không ngừng vận động từ thấp đến cao. Nội dung của tư duy không phải là nhận thức đối tượng ở bên ngoài hay thế giới tự nhiên mà chính là quá trình ý thức nội dung của chính tư duy, nói cách khác, nhận thức không phải là tìm hiểu đối tượng của thế giới khách quan mà là làm bộc lộ ra nội dung của chính bản thân tư duy. Ông nói: "Phương pháp đó coi con người vừa là chủ thể , đồng thời lại là kết quả của chính quá trình hoạt động của mình; tư duy và trí tuệ con người hình thành và phát triển trong chừng mực con người nhận thức và cải biến ngoại giới đối lập với bản thân mình thành cái của mình". Ông phân chia thành 4 loại tri thức dựa trên 4 đối tượng được nhận thức: thứ nhất là tư duy khách quan – cái có độ thực tại nhiều nhất, kế đến là tồn tại hiện thực – cái có thể nhận thức thông qua quy luật hay sự hợp lý; thứ ba là sự vật hiện tượng cụ thể mà ông gọi đó là thực tồn và cái cuối cùng - ảo tưởng - cái hoàn toàn hỗn loạn, không có logic nhịp điệu...
Bước sang thế kỷ 20, với tác phẩm Tri thức khách quan, K. Popper quan niệm tri
thức là sản phẩm khách quan cần xử lý và tất cả những tri thức, từ tri thức về
lịch sử của vũ trụ, tri thức về lịch sử của sự sống trên trái đất, tri thức về lịch
sử của con người và tri thức về lịch sử phát triển của chính tri thức đều là
những trang sử về tri thức của con người. Ông đưa ra phương pháp diễn dịch - giả
thuyết nhằm giải quyết bế tắc trong những khả năng tiên đoán của phép quy nạp.
Phương pháp này bắt đầu với một giả thuyết rồi diễn dịch ra những hệ luận có thể
kiểm chứng được. Đóng góp lớn nhất của ông chính là đưa ra một tiêu chuẩn khá
chuẩn mực cho cái được gọi là tri thức khoa học, theo đó, tri thức chỉ được xem
là tri thức khoa học khi chúng đã được kiểm đúng hay kiểm sai. Mọi kết luận
không bằng chứng đều là những lý thuyết suông, không có giá trị về mặt khoa học.
Một môn đệ của K.Popper là T.Kuhn đưa ra một nhận định phê phán đầy sức nặng về
tiêu chí kiểm sai ở trên, theo đó, hầu hết mọi lý thuyết đều không hoàn chỉnh
và đều có thể bị kiểm sai. Để giải quyết rắc rối này, qua tác phẩm Cấu trúc các
cuộc cách mạng khoa học, Kuhn đã đặt khoa học trong diễn trình năng động hơn và
"nhìn lịch sử khoa học như là một chuỗi những cuộc cách mạng có tính nhảy
vọt". Theo ông, có 2 giai đoạn trong một quá trình phát triển: giai đoạn
thứ nhất là "khoa học chuẩn mực" - chúng vận hành bên trong khuôn khổ
lý thuyết và phương pháp luận đã được cộng đồng khoa học công nhận; giai đoạn thứ hai là khi "khoa học chuẩn mực" đạt tới ngưỡng hay tới sự trưởng
thành thì "khoa học cách mạng" diễn ra. "Khoa học cách mạng"
xảy ra khi "hệ hình" của "khoa học chuẩn mực" không còn đủ
niềm tin hay tỏ ra bất lực trước những thách thức mới. Kuhn gọi quá trình chuyển
giao từ "khoa học chuẩn mực" sang "khoa học cách mạng" này
là "chuyển giao sự tín nhiệm" hay "trải nghiệm về chuyển đổi".
Bản thân các "hệ hình" khó có thể so sánh hay hợp nhất với nhau bởi
"sự thay đổi 'hệ hình' không chỉ là sự thay đổi trong lý thuyết khoa học,
trong các giả định và yêu sách mà còn trong cách hiểu và định nghĩa khác nhau về
các khái niệm trung tâm trong các lý thuyết ấy".
***
Phiêu lưu cùng với người bạn "tri thức" qua nhiều cung đường khác,
chúng ta có thể tóm lược thành ba con đường chính: Con đường thứ nhất là duy lý
(R.Descates); Con đường thứ hai là duy nghiệm (J.Locke, D.Hume) và Con đường thứ ba là siêu nghiệm (Kant). Ba con đường này không kém phần gập ghềnh, chông
gai, đầy cạm bẫy. Ai cũng có thể tự chọn cho riêng mình một con đường khả dĩ và
phù hợp với bản thân, nhưng điều quan trọng là dám hoài nghi, dám tìm
tòi, dám suy ngẫm, dám ấp ủ, dám dấn thân và không thể thiếu lòng quả cảm của một nhà
cách mạng, của kẻ tiên phong vạch lối mở đường. Con đường này, nói như
W.Humboldt, chỉ dành cho ai sẵn sàng "cô đơn và tự do". Cô đơn vì chỉ có mình mới tự sáng tạo ra mình và tự do
vì không có bất cứ thứ gì có thể cầm tù được sự thật.
Để tạm dừng những bước chân lang thang này, xin mượn lời của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, tự nhắc nhở mình mà cũng là cảm thán cho thời cuộc quanh ta: "chỉ có những cuộc cách mạng tư duy mới có thể giải thoát con người khỏi hệ hình cũ, đưa đến những lý thuyết mới và cách nhìn mới về sự vật... chính thói quen và sự lười biếng tư duy khiến người ta ra sức bảo vệ hệ hình vốn đã thuộc về quá khứ... thật mỉa mai khi chính những lý thuyết hay ho nhất và được thử thách tốt nhất trong quá khứ lại có thể biến thành chướng ngại vật lớn nhất cho việc tiếp cận sự việc một cách mới mẻ..."
Có lẽ "phá" chưa đủ nên "xây" còn dở dang...!!
(27/11/12)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!