Giáo dục?


"Education" - gốc tiếng La tinh là "Educare" có nghĩa là "làm bộc lộ ra", tạm hiểu "giáo dục là quá trình, cách thức làm bộc lộ ra những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục". Socrate chỉ tự nhận ông là bà đỡ, nghĩa là, ai trong chúng ta cũng đang ấp ủ hoặc thai nghén một ý tưởng, một hình ảnh, một kiểu mẫu nào đó và vai trò của người thầy chỉ là khơi gợi, kích thích nhằm bộc lộ những khả năng tiềm ẩn nào đó ra bên ngoài...

Trong câu chuyện "Cái hang" của Platon, nếu không vì một cá nhân nào đó vô tình thoát khỏi xiềng xích và được nhìn ánh sáng mặt trời thì thế giới quanh ta mãi mãi chỉ là những cái bóng lập lòe trên tường... Việc quay lại giúp cởi trói những người bạn của mình để cùng nhau nhìn thấy thế giới thật dưới ánh sáng mặt trời, theo tôi, chính là dấu hiệu đầu tiên về sự khai minh và phản tỉnh thông qua giáo dục, chứ không phải đợi đến thời kỳ Khai sáng của triết học cổ điển Đức, như các nhà triết học từng nói...

Thời Trung cổ, Sáng thế ký (Kinh Thánh) coi con người là vật thụ tạo theo hình ảnh của Chúa trời là bước lùi về mặt tư duy. Tư tưởng đó không chỉ khiến con người thụ động chấp nhận sống trong niềm tin bất khả nghiệm mà còn khiến việc giáo dục trở thành vô nghĩa và vô ích...

Đến thế kỷ 18, lý tính trở thành thước đo chuẩn mực thay thế cho niềm tin. Giáo dục đóng vai trò như là con đường hữu hiệu để tự hoàn thiện mình, không phải cho phù hợp với hình ảnh của Chúa trời, mà là rèn giũa những khiếm khuyết nhằm phát triển những tố chất và năng lực sẵn có. Âm vang của Socrate lại một lần nữa thức giấc...

Triết học cổ điển Đức, điển hình là I.Kant và những hậu nhân của ông, đã cung cấp cho giáo dục một trách nhiệm cao cả: giáo dục được coi là hoạt động của tinh thần nhằm tự sáng tạo ra chính mình. Đến thời điểm này, giáo dục không còn là việc uốn nắn con người theo những mô thức bên ngoài nữa, mà chúng do chính con người cá nhân tự xác lập nên và vì chính con người: "Cái tôi như là thành quả của tự ngã tôi" (Johann Gottlieb Fichte).

Humboldt (1767- 1835) - cha đẻ của mô hình giáo dục đại học hiện đại - đã nâng tư tưởng "tự sáng tạo ra chính mình" thành cương lĩnh: "Mỗi người rõ ràng chỉ có thể trở thành thợ thủ công, một doanh nhân, binh sỹ hay công chức tài giỏi, khi người ấy trước hết là một con người và là một công dân được khai minh, tốt lành và đàng hoàng, độc lập với nghề nghiệp đặc thù của mình". Herder nói thêm: "Chúng ta là những con người trước đã, rồi mới trở thành những kẻ hành nghề! Khi con dao đã được mài sắc, nó mới có thể cắt đủ mọi thứ được".
 

Trên đây là vài nét chấm phá về ý nghĩa của giáo dục qua tiến trình phát triển tư tưởng của phương Tây... Nhìn lại nền giáo dục Việt Nam với hàng trăm định hướng và chỉ tiêu hoành tráng, chúng ta thấy gì?

- "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"... nhưng ta có thể tạo ra và định hướng hiền tài được không? Câu trả lời của tôi là: hiền tài mà có chỉ tiêu và có thể định hướng thì đó không phải là hiền tài, chỉ là anh thợ mà thôi.

- Quyền lực (quyền lực chính trị, vai trò ông thầy) can thiệp vào nội dung bài giảng và xác định thẩm quyền chân lý đến từng chân tơ kẽ tóc, vạch lối dẫn tay từng chút một như vậy thì chẳng có phát minh, phát kiến, sáng tạo nào trong khoa học, trong nghệ thuật có thể ngóc đầu lên nổi...

- Khi những yếu tố nằm ngoài khoa học tác động vào các hoạt động khoa học quá sâu như vậy thì khoa học có còn là khoa học hay chúng đơn giản chỉ là những bộ môn tuyên giáo cho đường lối chính sách của giai cấp cầm quyền? những bộ môn dạy kỹ năng cho một nghề nghiệp cụ thể nào đó nhằm nuôi sống bản thân? và sản phẩm của nó, như chúng ta có thể thấy, sẽ là những thần dân ngoan ngoãn, trung thành và biết vâng lời...?
 
Nhìn về nền giáo dục nước nhà, tôi lại mơ mộng đến ông thầy Wilhelm von Humboldt nước Phổ ngày nào, khi cả nước đang điêu đứng vì hòa ước Tilsit với sự chiếm đóng của Napoleon, ông vẫn yêu cầu sinh viên ngồi yên và thản nhiên tiếp tục giảng dạy... cổ văn Hy Lạp.

Vậy lý tưởng của ông là gì?

Về môi trường giáo dục, ông cho rằng nhà trường phải là nơi hiện thân của lý tưởng, nơi tinh thần có cơ hội được đào luyện trong sự thanh khiết, an tĩnh và giữ cho chúng không bị sa đọa hay suy kiệt bởi những hoàn cảnh xung quanh... "Hãy để cho tuổi trẻ học được cách làm chủ bản thân mình và không bao giờ chịu làm nô lệ, kể cả làm nô lệ cho nghề nghiệp và cơm áo"...

Về vai trò của nhà nước, ông mong mỏi nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và đảm bảo an ninh nhưng không muốn họ can thiệp quá sâu vào việc giáo dục. Trách nhiệm của nhà nước không phải là định hướng giáo dục mà là mở rộng sự giáo dục, bởi nhà nước phải luôn ý thức rằng 'họ thực sự không tạo ra hay không thể tạo ra được các hoạt động trí thức, mà chỉ càng gây cản trở mỗi khi họ muốn can thiệp vào. Họ nên ý thức rằng sự việc sẽ diễn ra vô cùng tốt đẹp nếu không có sự can thiệp của họ"...

Về giáo dục đại học, theo ông, đại học dứt khoát không phải là trường phổ thông cấp 4, vì chức năng chính của nó phải là nghiên cứu và đào tạo tri thức, và tri thức ở đây không phải là kỹ năng thực hành nghề nghiệp cụ thể mà phải là những tri thức phổ quát. Như thế nào là tri thức tổng quát? Đó là tri thức "đào tạo con người còn nhỏ trở thành con người trưởng thành, chứ không phải đào tạo con ông thợ giày thành ông thợ giày"...

Về chọn lựa ngành học, ông khuyên chúng ta nên chọn lựa trong sự tự do, dựa trên những năng lực cá nhân chứ không phải vì định hướng của nhà nước hay nhu cầu của xã hội. "Điều gì người ta không tự mình lựa chọn mà bị ép buộc và điều khiển thì không nhập tâm được, mãi mãi là cái gì xa lạ, và, trong trường hợp ấy, con người không hành động bằng sức mạnh của con người, trái lại, chỉ bằng kỹ năng máy móc"...
Một trường đại học lý tưởng là một cộng đồng khoa học đúng nghĩa, là sự trao đổi tri thức thông qua tìm tòi, đối thoại, phản biện, trải nghiệm giữa thầy và trò... Nội dung giáo dục không nên để bị định hướng bởi những học thuyết chính trị thắng thế hay những nhu cầu xã hội nhất thời, và nói như Hồ Đắc Di, học để biết chân lý và quý trọng cái đẹp, để từ đó giúp ta làm điều tốt... người ta có thể hành chính hóa một nhà khoa học chứ không thể hành chính hóa khoa học và trường đại học phải tự hào vì đã quyết tâm gìn giữ di sản trí tuệ của những người đang đấu tranh vì tự do...

"Sống đã đành, còn phải sống đẹp nữa!'
Vài dòng gửi tặng ngày Nhà giáo Việt Nam
20/11/12

Tái bút
    
   - "Động cơ quan trọng nhất đối với lao động trong nhà trường và trong cuộc đời là niềm vui trong công việc, niềm vui trong kết quả của lao động đó, và hiểu biết về giá trị của kết quả đó đối với cộng đồng".
  
  - "Điều quan trọng bậc nhất là phát triển khả năng tư duy và phán đoán độc lập, chứ không phải có được kiến thức chuyên môn. Nếu một người am hiểu tường tận nền tảng môn học của mình và học được cách suy nghĩ và làm việc độc lập, anh ta chắc chắn tìm ra con đường cho mình, và hơn nữa sẽ có thể điều chỉnh bản thân mình cho thích nghi với sự tiến bộ và những thay đổi, tốt hơn hẳn so với những người được đào tạo chuyên môn với kiến thức cụ thể chi tiết”.

 - “Đào tạo một người một ngành chuyên môn thì không đủ. Được đào tạo như vậy người đó có thể trở thành một cái máy hữu dụng chứ không phải một nhân cách phát triển hài hòa. Điều thiết yếu là sinh viên đạt được hiểu biết và cảm nhận sinh động các giá trị. Anh ta phải có một nhận thức sâu sắc về những điều đẹp và tử tế. Nếu không, anh ta – với kiến thức chuyên môn – sẽ gần giống với một con chó được huấn luyện giỏi hơn là một con người phát triển hài hòa. Sinh viên phải học để hiểu những động lực sống của nhân loại, những ảo tưởng và những khổ đau của họ để có được mối quan hệ đúng với từng cá thể đồng loại và với cộng đồng nhân loại" (Albert Einstein)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất