Hôm trước có đọc được một bài viết của một bạn đọc về chuyện khóa môi giữa ca sỹ họ Đàm với nhà sư, tôi thấy cô ấy có đề cập rằng, nhìn bức hình trước thì thấy bình thường, nhìn bức hình sau thì thấy phẫn nộ. Tại sao cùng một hành động mà chỉ cần thay đổi góc chụp một chút thôi lại có thể dẫn đến những cảm xúc khác nhau như thế?
Góc nhìn này là nụ hôn tỏ niềm tri ơn?
Góc nhìn này lại là nụ hôn gây phẫn nộ?
Có lẽ chúng ta cũng biết, mỗi năm có hàng trăm họa sỹ tốt nghiệp tại các trường
đại học Mỹ thuật, hàng nghìn nhiếp ảnh gia tốt nghiệp tại các trung tâm đào tạo...
thế nhưng, chỉ một vài người trong số đó nổi tiếng với những tác phẩm của họ.
Chúng ta cũng từng nhìn thấy trong mỗi đợt thực tập, khi được giao
vẽ một tĩnh vật nào đó hoặc chụp một phong cảnh nào đó, mỗi người nghệ
sỹ sẽ chọn
cho mình một chỗ ngồi nhất định, tự chọn cho mình một góc nhìn thích hợp
để thực
hiện tác phẩm của mình, và chỉ có một vài người trong số đó là có thể giới thiệu
cho mọi người một vài tác phẩm đáng xem...
Có lẽ chúng ta cũng biết, có rất nhiều nhà khoa học cùng tiến hành một thực nghiệm với cùng một phương pháp nghiên cứu nhưng cũng chỉ có một số ít người có thể đưa ra một khám phá nào đó. Chúng ta cũng từng có hàng trăm sinh viên mỗi năm tốt nghiệp phân khoa triết học, trở thành các nhà nghiên cứu với khối lượng tri thức vô cùng uyên bác, nhưng may mắn chỉ có một hoặc hai người tạm gọi là triết gia thực thụ, đa phần còn lại đều chỉ là, hoặc là nghiên cứu lịch sử triết học, hoặc là cái máy nói không hơn không kém...
Hãy thử tưởng tượng nếu Hàn Mặc Tử không đứng trước mặt cô gái Huế dịu dàng thì ông ta có thể hiến tặng cho đời câu thơ "Lá trúc che ngang mặt chữ điền" được chăng?... Hay khi đó chúng ta sẽ đọc được một câu thơ " Bóng ai che lá trúc xanh - Để tôi đứng ngắm tóc xanh buông dài" nếu HMT đứng sau lưng cô gái?... Hay khi đó chúng ta sẽ có một câu thơ khác "Tay ai vịn lá trúc hờ - Mắt mơ màng ngó sương mờ non xa" nếu HMT đứng hơi chếch một chút so với cô gái?...
Hãy thử tưởng tượng nếu không vì một quả táo rơi tõm ngay đầu Newton khiến ông tỉnh giấc mơ chiều thì định luật Vạn vật hấp dẫn chắc gì đã có mặt với chúng ta?... Hãy thử tưởng tượng nếu không những giây phút thả lỏng bản thân trong khi ngồi tắm thì chắc gì tiếng la sảng khoái "Eureka!" của Acsimet đã ra đời và trở thành tên gọi cho một giải thưởng lớn trong khoa học?...
Từ hai góc nhìn khác nhau về cùng một đối tượng đem đến những cảm xúc và nhận định khác nhau của người xem, tôi không thể không liên hệ đến câu hỏi đã từng gây thao thức trong giới khoa học suốt vài chục năm đầu của thế kỷ XX về việc "Ánh sáng là sóng hay là hạt?" trong Vật lý lượng tử... Và qua việc ánh sáng có lưỡng tính sóng - hạt, tôi không thể không liên hệ đến Hệ thức bất định Heisenberg và vai trò không thể tách rời giữa nhà khoa học với kết quả khoa học...
Từ những kết luận mà chúng ta tạm gọi là khoa học đó còn bị ảnh hưởng bởi vai trò của người nghiên cứu thì những kết luận về một sự kiện xã hội còn thiếu khách quan như thế nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy... Vấn đề chính là ở chỗ, thực chất những đánh giá, phán đoán về một sự kiện xã hội nào đó, theo tôi, không phải là về bản thân sự kiện đó, mà chính là ở chỗ, nó phản ánh tầm nhận thức của chủ thể đưa ra đánh giá đó...
Những dữ liệu về một sự kiện nào đó, nhất là trong lĩnh vực xã hội, chỉ là những tư liệu vật chất, và những phản hồi của chúng ta sau khi tiếp nhận sự kiện đó phản ánh cách chọn chỗ đứng, góc nhìn và tầm nhận thức mà chủ thể muốn thể hiện cho người khác thấy. Tôi vẫn hay nói cánh nhà báo chuyên chờ đợi một thoáng sơ hở của những người đẹp và phóng to chỗ hở đó lên cho người đọc thấy, không phải là chê trách người đẹp thiếu ý tứ, mà là cho mọi người thấy tầm nhìn của anh chàng nhà báo đó chỉ có thể leo lên được đến háng đàn bà mà thôi...
Những sự kiện, những thông tin, những con chữ xuất hiện trước mắt chúng ta cũng chỉ là những tư liệu vật chất, cách mà chúng ta cảm thụ tác phẩm, tìm thấy niềm vui hay nỗi buồn, đồng cảm hay xa lạ, phản đối hay vượt trước tác phẩm chính là phản ánh trình độ của người xem, người nghe và người đọc. Mỗi sự kiện, mỗi tác phẩm, tự thân nó trung tính về mặt đạo đức... và người đọc, dựa trên những định kiến chủ quan của mình, đã khoác lên sự kiện đó sự hay dở, tốt xấu, đúng sai... Ngay cả tác giả, khi hoàn thành tác phẩm của mình và thoát ly ra khỏi tác phẩm, cũng trở thành khách quan ngay với đứa con tinh thần của mình, sự đánh giá của chính bản thân họ cũng chỉ là một dữ liệu tham khảo như bao dữ liệu tham khảo khác...
Chủ nhật, viết nhăng viết cuội tí cho vui cửa vui nhà
(11/11/12)
(11/11/12)
Đây là con vịt hay con thỏ?
Tái bút
Trước khi bạn bấm phím bình luận về bất kỳ một sự kiện hay một vấn đề nào, tôi mong các bạn suy ngẫm kỹ:
1. Đã thực sự hiểu được hiện nghĩa, ẩn nghĩa, động cơ và dự hướng của những hình ảnh, con chữ đang xuất hiện trước mắt bạn chưa?
2. Đã thực sự chọn được góc nhìn, chỗ đứng thích hợp để có được cái nhìn toàn cảnh nhất có thể chưa?
3. Đã thực sự đặt mỗi sự kiện, mỗi vấn đề, mỗi tác phẩm vào từng "hệ hình" nhất định để đưa ra những đánh giá hay phán đoán phù hợp chưa?
4. Và cuối cùng, theo tôi, sự đánh giá của bạn chẳng liên quan gì đến đối tượng được đánh giá, thực ra bạn đang đánh giá chính góc nhìn, chỗ đứng và những giới hạn của "hệ hình tư duy" mà bạn bất đắc dĩ bị tham gia trong đó.
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!