Hôm qua tập sự làm trẻ em một bữa... cảm nhận cuộc sống thật trẻ trung, yêu đời... đầu óc thảnh thơi không nghĩ suy, không toan tính... Ai phê bình cũng mặc... Ai chê bai cũng hề hề cười...Đời thật đẹp, thú vị và thơ mộng biết bao...
Tập nhìn cuộc đời qua ánh mắt tuổi thơ... làm mình nhớ đến một trong những tác phẩm khá nổi tiếng của Saint - Exupéry: Hoàng tử bé... Câu chuyện kể về một chuyến du ngoạn thú vị và thơ mộng của chàng Hoàng tử khi vô tình thất lạc lên trái đất (do động cơ máy bay bị hỏng mà chàng hoàng tử đành phải ở lại cái trái đất chán òm của ta)... Quyển sách này một thời đã từng là quyển sách gối đầu giường của mình...
Mỗi lần căng thẳng đầu óc, mỗi lần tự nghĩ mình đã giải được một đề bài nào đó trong các hoài nghi triết học thì mình đều đọc lại Hoàng tử bé... như là cách thức để tập đặt lại các câu hỏi...
Cuộc sống không thiếu những điều cần hoài nghi nhưng thời gian, sự tích lũy kiến thức cũng như những lời khen chê của những người xung quanh dần dần làm ta lầm tưởng mình đã biết tất cả... Quay trở về những câu hỏi của tuổi thơ để rồi chợt nhận ra rằng: thực ra mình chẳng biết gì cả...
Trong Kinh Hoa nghiêm của Phật giáo có dành hẳn một phẩm tên là Anh nhi hạnh nhằm ca ngợi những phẩm chất thánh thiện và cao đẹp của tuổi thơ. Đọc Nam hoa kinh của Trang Tử, đọc Đạo Đức kinh của Lão Tử, đọc về Platon và Socrate.... chúng ta nhận thấy cội nguồn của kho tàng tri thức khổng lồ hiện nay của nhân loại đều xuất phát từ sự hoài nghi đầy hồn nhiên của trẻ nhỏ...
Chúng ta sinh ra là một đứa trẻ, tâm hồn mỏng manh và trong sáng như tờ giấy trắng... đi vào đời... do giáo dục, hoàn cảnh xã hội, văn hóa, tập quán, phong tục, truyền thống tôn giáo... in vào tâm hồn chúng ta chi chít những nét vẽ... Có những nét vẽ xấu xí nghuệch ngoạc, có những nét vẽ thanh tao cao thượng... dần dần theo thời gian... chúng ta quên mất nguyên bản tâm hồn của chúng ta là một tờ giấy trắng... chúng ta bắt đầu nhìn đời, đánh giá người khác dựa trên những nét vẽ đấy...
Chỉ có một số rất ít trong số chúng ta nhận thấy trước khi có những nét vẽ này được vẽ lên thì tờ giấy thì chúng ta chỉ là một tờ giấy trắng... và khi họ tư duy, suy ngẫm ra điều đó thì quá trình sống của họ là một quá trình quy hồi... tập xóa dần đi những nét vẽ, kể cả nghuệch ngoạc lẫn đẹp đẽ....và càng sống, càng trưởng thành một cách đúng nghĩa thì người ta lại càng hồn nhiên và ngây thơ lại...
Quá trình quy hồi trở lại tờ giấy trắng này, đối với các bậc minh triết chính là quá trình của sự trưởng thành... Cái Tục đức của người bình thường chỉ là tập xóa đi những nét vẽ xấu xí của bức tranh nhưng cái Thánh đức đích thực của các vị minh triết là vượt lên trên cả những nét vẽ xấu xí và đẹp đẽ.. Mọi nét vẽ trên tấm giấy trắng nguyên bản đều đi ngược lại với cái tính tự nhiên thuần diện sơ khai của nó...
Nếu chúng ta để ý tìm hiểu về đời sống của các vị minh triết đích thực đã từng xuất hiện trên thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy có một sự tương đồng về hình thức rất thú vị giữa đứa trẻ mới ra đời và một người trưởng thành đích thực... một sự tương đồng thú vị giữa những người mà chúng ta gọi là điên với những người mà chúng ta gọi là đạt đạo...
Cả trẻ em lẫn người minh triết đều rất hồn nhiên, đều rất trong sáng... Trẻ em và minh triết không biết buồn, không biết giận ai... Họ lúc nào cũng hỏi... hỏi về mọi thứ trong đời, kể cả những cái đời thường nhất... Họ sẵn sàng tha thứ cho những ai làm họ giận và họ không bị quy ước bởi những tập quan và thói quen thông thường... Cả trẻ em và bậc minh triết đều là những con người tự do đích thực...
Cả người điên lẫn người đạt đạo đều rất bất bình thường so với bộ mặt giả tạo của những người tự nhận là bình thường... Người điên và người đạt đạo dám nói những điều họ nghĩ và dám sống với những điều họ nói... Họ không biết đóng kịch, họ không cần phải nể nang nịnh nọt tâng bốc ai... Họ đi bằng đôi chân chứ không đi bằng đầu gối...Họ sống thuần nhiên chất phác với cái họ thấy chứ không phải vì ai, vì bất kỳ điều gì khiến họ sống khác đi với cái thấy của họ...
Mình còn nhớ một giai thoại nhỏ về Bùi Giáng... Người ta ngỡ Bùi Giáng bị điên và đưa ông ta vào bệnh viện Biên Hòa...Bác sỹ hỏi thăm bệnh tình của Bùi Giáng một hồi thì choáng váng không dám hỏi nữa chỉ vì sợ: không biết Bùi Giáng bị điên hay chính ông bác sỹ mới bị điên thật?
Ai mới là kẻ bị điên thật? Bám víu và nô lệ vào tiền tài, danh lợi, được mất hơn thua để cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay... Chỉ là một đôi tay khép lại đặt trên rốn trong một chiếc quan tài... Tranh đấu giành giật nhau một áng mây trắng đang bay... Ai mới thực sự điên đây?
Ai mới là người trưởng thành đích thực? Học hành ôm kinh sách cho thật nhiều chỉ để khoe khoang và dùng kiến thức như là một thứ trang sức che thân, giỏi giang trong lĩnh vực chuyên môn chỉ để kiếm tiền, khám phá ra rất nhiều phát minh và thành tựu khoa học...cứ ngỡ ta giỏi giang biết tất cả mọi chuyện trong thiên hạ nhưng ngay chính mình là ai cũng không biết, mình sống để làm gì cũng chẳng hay, mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu cũng mù tịt.... Ai mới là trẻ con và ai mới thực sự là người lớn...?
Hãy quay về tập nhìn bằng đôi mắt của tuổi thơ... biết hoài nghi những gì là quan trọng nhất... từ đó định hướng cho mình một cách nhìn, một thái độ sống trước cuộc đời thì ý nghĩa hơn nhiều so việc thu gom, tích lũy thật nhiều tri thức, tiền bạc, tài sản và lợi danh...
Hãy quay về tập sống như trẻ thơ... không giận hờn, biết tha thứ... không ghét bỏ, biết yêu thương... nuôi dưỡng cuộc sống bằng tiếng cười vô tư lự... giảm trừ những suy nghĩ tiêu cực... khi đói thì ăn, khi khát thì uống, khi mệt thì ngủ...
Hãy quay về tập yêu như trẻ thơ... không toan tính hơn thua được mất... vui thì chơi... buồn thì ngủ... gác lại những ý niệm về cao thấp, to nhỏ, hơn thua, được mất, thành bại, có không...
Hãy vượt lên trên những ràng buộc của thói quen, của truyền thống, của quy ước xã hội và tôn giáo... sống thật với chính con người thật của mình... sống thật với chính những gì mình nghĩ... sống thật với chính cái thấy của mình... Chỉ khi biết sống thật với chính mình thì kẻ đó mới thực sự là đang sống và khi đó ta mới có khả năng sống thật với người khác...
Kể một câu chuyện nhỏ để các bạn nghe chơi trước khi chúng ta cùng ngồi uống trà nhé:
Có một con cá, nó rất thắc mắc không biết nước là gì?, nó cũng từng đi hỏi bạn bè, cha mẹ, anh em, người yêu của nó để định nghĩa xem nước là gì nhưng vẫn chưa có câu hỏi nào làm cho nó thỏa mãn...
Một hôm, trên đường đời lang thang vất vưởng, nó mắc lưới câu và bị đưa lên bờ... Trên cái nền nóng rát của cát biển miền trung... nó nằm nhìn lên trời cao và mơ tưởng được bơi, được quẫy... và đúng thời điểm gần đất xa trời... nó chợt nhận ra nước là gì.....
Nó tìm mọi cách quay trở về biển cả... Nó lăn... nó bò...nó quẫy... nó đạp... Nó ước mơ trở về biển cả ngày xưa của nó...Nó có về được với biển cả không?... Ai mà biết được...
Còn chúng ta ngồi đây... đang nằm trên cái bãi biển cát cháy... ánh nắng mặt trời chói chang... Ai trong số chúng ta nhận ra được nước là gì? Ai trong số chúng ta đang tìm mọi cách để trở về biển cả ngày xưa? Ai trong số chúng ta đã trở về với biển cả? Ai trong số chúng ta đã từng chết trên đường trở về biển cả?...
Câu hỏi này xin dành cho mỗi người..."như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri"...Còn Trí Không ư?
CHƠI THÔI MÀ
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!