Nhân
bình luận của một bạn đọc có nhắc đến một số triết gia của chủ nghĩa
hiện sinh, xin gửi tặng vài dòng về nội dung của nó trong một tiểu luận
mà mình viết cách đây vài năm, tạm gọi là "ôn cố tri tân", hy vọng có
thể khơi dậy và tưới tẩm vài hạt giống trong tiềm thức đã lỡ ngủ quá
say...
Đối tượng của triết học hiện sinh là con người, nhưng không phải là con người phổ quát như các học thuyết triết học khác mà là con người cá nhân, cái Tôi hiện sinh với những cảm xúc và những sinh hoạt rất đỗi bình thường của con người.
Triết
học hiện sinh coi con người như là một hữu thể, có khả năng gán cho sự vật xung
quanh mà nó nhìn thấy những giá trị riêng tùy theo quan điểm của mỗi cá nhân.
Con người trong triết học hiện sinh có sự sống nội tâm, có ý thức tự quy và
cách thức phản ứng của con người không phải theo bản năng hay theo một cách
thức nhất định mà phản ứng một cách tự do “con người không thụ động mỗi khi
tiếp xúc với sự vật, con người không lãnh nhận những ấn tượng do sự vật in trên
giác quan của mình, như quan niệm sai lầm của duy nghiệm. Vì con người là chủ
thể, cho nên mỗi tiếp xúc của ta với sự vật đều là những phản ứng, và trong
phản ứng đó ta có phần chủ động”
Con
người hiện sinh là con người đã ý thức được khả năng tự chủ của bản thân mà
không bị sai khiến bởi những quyền năng bên ngoài như vua chúa hay truyền
thống…. Hiện sinh là luôn cố gắng dùng ý thức để xác nhận ý nghĩa thực của mỗi
người và mỗi vật. “Con người không có bản tính, không ai làm căn cước được cho
nó. Nó không làm theo chương trình của ai, nó không có sứ mạng phải làm vì ai.
Nó chỉ là cái mà nó là, con người tự sáng tạo ra bản chất của chính mình”.
Từ khả
năng tự chủ của mỗi cá nhân, con người có tự do tính. Tự do ở đây không phải là
tự do xã hội hay tự do chính trị mà là tự do hiện sinh. Tự do hiện sinh là tự
do đảm nhiệm hành động của mình một cách tự do. Người có tự do hiện sinh là
người hành động vì cảm thấy phải hành động, hành động để thể hiện sự hiện sinh
của chính mình, hành động để làm sự hiện sinh của mình thêm phong phú và sâu
sắc chứ không phải hành động vì chiều theo số động hay vì truyền thống hay vì
cưỡng ép hay vì một bất kỳ một lý do nào khác mà không vì sự hiện sinh của
chính mình. “Tự do vươn lên khỏi tính sự kiện để con người trở thành hiện sinh
trung thực, tự do lựa chọn của con người là không cùng” và
dùng tự do để đảm nhận con đường đời mà tôi nhận là sẽ phát triển con người của
tôi tới cực độ khả năng của tôi, mỗi quyết định là một giá trị hiện sinh vì mỗi
quyết định đòi một ý thức thận trọng và một tinh thần trách nhiệm cao cả, tự do
đó, theo các nhà triết học hiện sinh mới là thứ tự do đích thực.
Tuy vậy,
thế giới đang diễn ra lại không làm sâu sác thêm cái bản thể tự do của con
người mà còn đi ngược lại nó, làm mất đi nhân vị và bản sắc riêng của mỗi cá
nhân. Xã hội làm cho các hoạt động của cá nhân trở nên nhàm chán và vô vị, vì
nhàm chán và vô vị nên xã hội trở thành buồn nôn, đáng ói mửa. Vì con người
hiện sinh thao thức trước cái phi lý của thế giới nên cảm thấy chán ngấy cái
thế giới nhầy nhụa này, nếu không có cảm giác buồn nôn, người đó đang bị xã hội
tha hóa mất cái phẩm vị hay bản sắc riêng của mỗi người, đã trở thành người
khác, người sống bám vào cái thiết chế hay cái lý tưởng khô gầy chết cứng của
triết học và của xã hội.
Khi con
người hiện sinh càng bị xã hội cùng với các thiết chế của nó tha hóa, con người
càng cảm thấy cô đơn. Cô đơn vì cố gắng đi tìm cái bản vị của mình mà mãi không
được nên càng cô đơn càng đau khổ. “Đau khổ không của riêng ai mà là nỗi niềm
thao thức không nguôi trước những bi thảm do cuộc sống duy kỹ thuật làm ‘vật
đổi sao dời’”
Đi kèm
với tự do tính, con người khoác thêm sự lo âu vào mình. Chỉ có con người đòi
hỏi tự do thì con người mới lo âu, con người chấp nhận bị đồng hóa thì chẳng
bao giờ lo âu, bởi những chuẩn mực chung của xã hội đã trở thành giá trị của bản
thân. Ngược lại, con người hiện sinh, vì đòi hỏi tự do cho hiện hữu của riêng
mình nên lo âu trở thành yếu tố thường trực, lo âu vì một mình chống lại những
chuẩn chung của xã hội đã được xếp đặt sẵn. Người hiện sinh, do luôn sống mạo
hiểm xông pha về phía trước, khai phá những con đường mới, vượt qua cái trật tự
của xã hội nên lúc nào cũng lo âu, xao xuyến. Giải tỏa được nỗi lo âu, xao
xuyến là sự thăng hoa, sự cao cả của con người hiện sinh. Nếu lo âu không giải
tỏa thì sự tuyệt vọng, sự thất bại của một người tiên phong. “Ý thức về thất
bại nâng con người lên trên thế giới, trên bản thân ta. Kinh nghiệm của thất
bại sẽ quy định cái mà ta trở thành, thất bại được đảm nhận sẽ dẫn tới sự vượt
lên, sự siêu việt”
Khi đối
diện với những hành động mang tính chất tiên phong, con người hiện sinh dám
đương đầu với thất bại, sẵn sàng gánh mọi trách nhiệm mà mình đã làm. Chính
thái độ chịu trách nhiệm đó hình thành nên hiện sinh của một nhân vị.
Nói tóm
lại, đối tượng của triết học hiện sinh là con người cá nhân bằng xương bằng
thịt. Bản thể của con người hiện sinh là tự do với sự hiện hữu của chính mình
mà không bị quy định bởi bất kỳ một thiết chế nào khác. Sự hiện hữu của con
người hiện sinh được biểu hiện bằng thái độ luôn muốn vượt lên trên chính mình,
dám chịu trách nhiệm với những dự phóng của riêng mình và không bao giờ chấp
nhận sống rập khuôn bởi một trật tự hay một thiết chế định sẵn. Đi kèm với trạng thái tự do của con
người hiện sinh là thái độ dấn thân, nhập cuộc, dám chịu trách nhiệm với những
hành động của mình. Mặt trái của nó là tuyệt vọng, lo âu, xao xuyến và sự cô
đơn khi bị quăng vào một thế giới nhàm chán và vô vị...
(2008)
Tái bút: Sự thất bại của siêu hình
học truyền thống là cơ hội tốt báo hiệu sự sai lầm của các nhà triết học truyền
thống và thời đại mới của triết học chính là thời đại tư tưởng, con người mới
phải là nhà thơ.
Bài viết hay :))
Trả lờiXóa:)
Xóa