Khi
các bạn hỏi tôi về một vấn gì đó, bạn thật sự chưa biết gì về nó và
thật lòng tìm kiếm câu trả lời hay bạn chỉ lái câu trả lời của tôi theo
cách hiểu có sẵn của bạn, vậy cuối cùng thì bạn thực sự muốn "hiểu" hay
bạn đang tìm kiếm "đồng minh"?
Khi
các bạn đánh giá một ai đó, một sự việc nào đó là đúng hay sai, bạn
thật sự đang nhìn nhận và đánh giá về đúng con người đó, sự việc đó...
hay đối tượng thật sự mà bạn đánh giá và phán xét là chính bạn trên cơ
sở là những dữ liệu đã được nạp sẵn trong nhận thức của bạn?
Cách đây vài hôm có dịp thảo luận với một số người về vấn đề "buông bỏ" và "tìm kiếm". Khởi điểm của cuộc thảo luận là mệnh đề "bỏ vọng - tìm chân".... và chính mệnh đề đó khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều vấn đề của riêng mình trên lộ trình khám phá thực tại...
Khi ta nói về chữ "vọng" tức là ta muốn nói đến một cái gì không có thật, không hề hiện hữu - và khi nói về chữ "chân" tức là hàm ý một điều gí đó có thật, có hiện hữu.
Bỏ vọng - nghĩa là buông bỏ cái không có thật và Tìm chân - nghĩa là tìm kiếm một cái gì đó có thật. Thế nhưng Ta có thực sự "bỏ vọng và tìm chân" được hay không? Ý niệm về "buông bỏ" và "tìm kiếm" ở đây có thật sự chính xác?
..........................
Khi ta dùng động từ "bỏ" và "tìm" một cái gì đó nghĩa là trước đó ta đã "biết"
rõ về nó - rồi sau đó mới đi đến kết luận là nên buông bỏ nó hay tìm
kiếm nó. Nếu như trước đó ta chưa hề có nó thì sao có thể gọi là "bỏ", cũng như chưa hề biết mặt mũi của nó thì sao có thể gọi là "tìm"?
Giả
dụ tôi có một chiếc bình trà rất quý, lúc nào tôi cũng kè kè bên nó như
vật quý gia truyền, nếu một hôm nào đó tôi nổi hứng không cần đến nó,
tôi nói: "tôi bỏ nó rồi". Cũng như thế, nếu chẳng may tôi mất bình trà
đó và muốn có lại nó, lúc đó tôi nói "tôi đang tìm nó". Nếu tôi không có
bình trà đó thì có thể nói là "tôi đã buông nó" được hay không? và nếu
như tôi chưa hề biết cái hình dáng bình trà đó như thế nào thì tôi có
thể thật sự "tìm" thấy nó được hay không?
Hóa ra ý niệm về "buông bỏ" và "tìm kiếm" tự thân nó đã mặc định một cái gì thật sự tồn tại. Nếu "một cái gì đó" không tồn tại thì sự buông bỏ hay tìm kiếm sẽ trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, ngay trong bản thân ý niệm về "buông bỏ" và "tìm kiếm" cũng đã hàm ý một sự "sở hữu trước đó" của chính ta. Nhờ
ta "đã từng sở hữu" trước đó nên ta mới có thể "buông" hay "tìm" chứ
trước đó "không hề có nó" thì biết "buông" hay "tìm" cái gì.
Với mệnh đề "bỏ vọng... ".
"Vọng" nghĩa là không có thật và nếu đã "không có thật" thì có cần phải
"buông"? Còn nếu "buông bỏ được vọng" nghĩa là cái vọng đó phải tồn
tại, nếu cái "vọng" thật sự tồn tại thì cái "vọng" có thật sự là "vọng"? Với mệnh đề "tìm chân...". Muốn
"tìm" nghĩa là phải biết về nó trước đó, nếu đã biết về nó trước đó thì
"sự thật" đó bị rơi ở đâu mà phải "tìm"? Nếu "sự thật" mà "bị đánh mất"
thì "sự thật" có còn là "sự thật"?
Từ hai vấn đề nêu trên, tôi nhận thấy rằng: chính việc phân chia mọi hoạt động ra làm hai mặt đối lập là nguyên nhân của mọi xung đột. Ý
niệm về "bỏ" một cái này và "tìm" một cái khác... khiến cuộc sống con
người lao đao trong vòng xoáy của tranh chấp được - mất, hơn - thua,
phải - trái, đúng - sai, cao - thấp.... trong khi cả hai đối tượng của
việc "bỏ" và "tìm" đều xuất phát từ thực tại.
......................
Mở rộng vấn đề thảo luận ra một chút, từ ý niệm về "bỏ" và "tìm" được nêu ở trên, tôi tự nhận thấy rằng dường như chúng ta chưa bao giờ tiếp nhận thực tại trong trạng thái "nguyên bản" của nó. Trước khi "quan sát và lắng nghe" một vấn đề nào đó, trong tư duy của ta đã tự xác lập một hình ảnh nào đó về đối tượng và sự tìm kiếm của chính ta chỉ đơn giản là cố gắng nhận thức những gì tương đồng với hình ảnh đã có sẵn chứ không hề nhận thức đối tượng như là chính bản thân đối tượng.
Chẳng hạn khi một số các bạn trẻ hỏi tôi "Sống để làm gì?"...
tưởng rằng họ hỏi ta vì họ chưa biết câu trả lời nhưng thực tế họ đang
"lái" câu trả lời của ta theo nhận thức của riêng họ... Tại sao "sống" nhất thiết là phải "làm"... trong khi thực tế "sống" không nhất định cứ phải "để làm một cái gì đó"...
Hoặc có một bạn trẻ hỏi tôi rằng "Thiền là cái gì?"... thật ra họ đâu có cần câu trả lời của tôi, họ đã tự mặc định rằng "Thiền" nhất định phải là "một cái gì" đó rồi... trong khi tại sao ta lại không thể mở nhận thức của ta rộng hơn một chút rằng: Thiền không phải là "một cái gì" vì bản chất của Thiền không phải là một đối tượng cụ thể, một hành động cụ thể để có thể trả lời cho câu hỏi "Thiền là cái gì?"...Mỗi một câu hỏi tự thân nó đã mang sẵn một câu trả lời. Biết cách đặt câu hỏi đúng hứa hẹn một câu trả lời đúng, trong khi với một câu hỏi sai, dù câu trả lời có đúng thì đó vẫn là câu trả lời sai từ cơ bản. Cho nên, giữ
được sự thuần khiết, trong sáng trong khi "quan sát và lắng nghe", theo
tôi thì quan trọng hơn đối tượng được "quan sát và lắng nghe".
................
Khi
các bạn đọc bài viết "độc thoại" này của tôi hoặc những gì tôi đã từng
viết, bạn thật sự đọc nó như chưa hề "mặc định" sẵn bất kỳ một ý tưởng
nào hay bạn chỉ tìm những gì "tương đồng" với nhận thức có sẵn của bạn?
(24/4/12)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!