Vào năm 399 TCN, trong phiên tòa mà ông bị kết án tử hình vì tội "dụ dỗ thanh niên" và "báng bổ thần thánh", Socrates đã thẳng thắn tuyên bố trước quan tòa rằng: "Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính, vừa bất khả thi, còn cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là: thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tính". Khung cảnh đầy bi tráng và lời tuyên ngôn bất hủ này được Platon - học trò của ông ghi lại trong Socrates tự biện - được coi như là bản tuyên ngôn đầu tiên của tri thức.
Trách nhiệm của một triết gia - một tri thức - phải là - dám phê phán không nhân nhượng xã hội hiện tồn, dám sống với sứ mệnh bảo vệ chân lý và dám chết với chính chân lý mà mình tin tưởng. Trong khi ung dung nâng chén thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ, lời cuối cùng mà Socrates khẩn thiết hy vọng, chỉ là: "... khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị rằng, phải tự xét mình và xét người, bởi vì, sống mà không suy xét không đáng gọi là sống".
Platon - người môn đệ trực tiếp chứng kiến cái chết của thầy mình - có lẽ là người thấm thía nhất cái số phận, cũng có thể là trách nhiệm đầy tự hào, của một tri thức đích thực - ấy là - dám nhìn sự thật và không... sợ chết. Qua dụ ngôn Cái hang trong tác phẩm Cộng hòa, thay vì cảm ơn người bạn tù tốt bụng đã quay lại giải thoát cho mình, đám bạn tù lại đòi giết chết chính người đã giải thoát cho họ, phải chăng đó cũng là một lời cảm thán đầy bi tráng: biết được sự thật đã khó, chấp nhận được sự thật còn khó hơn.
Aristote - một học trò nổi tiếng của Platon - đã từng một lần phải ngậm ngùi rời bỏ Athens sau cơn biến loạn cũng chỉ vì ông không muốn quê hương thân yêu của ông "phạm tội ác lần thứ hai với tri thức". Arostote xác định mục đích sống của một tri thức là cần phải biết tránh những thái cực. Danh lợi cũng tựa như con dao hai lưỡi, nó vừa có thể giúp ích cho cộng đồng nhưng cũng có thể gieo rắc tai họa cho cộng đồng. Có hai đức hạnh mà người ta nên theo đuổi là đức hạnh của lý trí và đức hạnh của tính cách. Lý trí đem lại sự tự do và tự quyết của con người, sống trung đạo là quy tắc vàng của đạo đức.
Thế kỷ 16 lịch sử lập lại với cái chết của triết gia, nhà thiên văn học G.Bruno. Ông bị tòa án La Mã kết tội dị giáo và bị hỏa thiêu tại Roma năm 1600 chỉ vì không chịu thay đổi quan điểm của mình cho phù hợp với quan điểm tôn giáo. Năm 1634, một nhà khoa học khác là Galilei, cũng đã buộc phải quỵ gối trước quyền lực tôn giáo và chính trị. Sau này, trong vở kịch Cuộc đời Galilei của B. Brecht, nhân vật chính của chúng ta đã cay đắng thốt lên rằng: "bất hạnh thay đất nước cần có anh hùng!"...
Sau thời gian dài tri thức phương Tây bị giam hãm trong tư tưởng Thần học Thiên Chúa giáo. Đến thế kỷ 17, F.Bacon đã tái lập lại hiệu lực của tri thức qua tuyên ngôn rất nổi tiếng: "Tri thức là sức mạnh!". Trong New Atlantis, Bacon mơ ước về "ngôi nhà Solomon", nơi mà cộng đồng những nhà bác học, nhà khoa học có thể tự do nghiên cứu, tìm tòi, khám phá mọi bí mật của thiên nhiên nhằm "mở rộng tối đa sự thống trị của con người".
Thế kỷ 19, W.Humboldt lãnh sứ mạng canh tân hệ thống đại học. Ông đưa ra hai tư tưởng chủ đạo: cá nhân tự trị và tinh thần công dân thế giới. Cá nhân tự trị là người "biết tự quyết và biết sử dụng lý trí của mình một cách trưởng thành trên cơ sở tri thức phổ quát và toàn diện mà linh hồn của nó là tư tưởng triết học nhân bản". Tinh thần công dân thế giới là "biết quan tâm đến những vấn đề toàn nhân loại: nỗ lực cho hòa bình, công lý, sự đối thoại văn hóa, sự bình đẳng giới và bảo vệ thiên nhiên". Ông đòi hỏi điều kiện cần cho không gian tri thức được đơm hoa kết trái là sự tự do học thuật.
Lan man vài tấm gương về nhân cách của các nhà tri thức phương Tây, trong việc xác định mục tiêu của tri thức và niềm tin bất diệt vào chân lý, nhìn lại hiện thực Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy gì?
- Đi học là để sưu tầm bằng cấp. Có bằng cấp để làm làm rạng danh dòng họ? Tăng lương? Thăng chức? Khoe mẽ với xã hội?... và Tri thức đơn giản chỉ là trang sức làm đẹp bản thân?
- Đi học là để học về kỹ năng của một nghề nghiệp nào đó. Có kỹ năng mới có thể xin được việc làm. Kỹ năng càng khéo léo thì nghề nghiệp càng thăng tiến, nghề nghiệp càng thăng tiến thì càng được gọi là thành công?... và Tri thức đơn giản chỉ là phương tiện hay công cụ kiếm tiền nuôi sống bản thân?
- Bao nhiêu người học vì muốn tìm kiếm sự thật, yêu thích chân lý?
- Bao nhiêu người học để hoàn thiện bản thân, tự trị cuộc sống?
- Bao nhiêu người dám hy sinh để bảo vệ sự thật, xác tín mục tiêu vì cái chung, cái cao cả?
Ngồi mơ màng đến mục tiêu của tri thức: TỰ DO
1. Tự do khỏi cái gì?
- Tự do khỏi thói quen chấp nhận trong an phận với nhịp sống đời thường.
- Tự do khỏi những ràng buộc của truyền thống, tập quán, tín điều quen thuộc.
- Tự do khỏi những áp lực của chính trị, tôn giáo, định chế xã hội.
- Tự do khỏi dục vọng bản năng và xao xuyến của cảm xúc.
- Tự do khỏi ảo tưởng về bản thân và những tri thức ngụy tạo.
2. Tự do để làm gì?
- Tự do để xác định mục tiêu đời mình.
- Tự do để thiết kế con đường của mình.
- Tự do để sáng tạo ra chính mình.
3. Tự do bằng cái gì?
- Tự do thông qua quan sát mọi thứ, lắng nghe tất cả, tìm kiếm mọi nơi.
- Tự do thông qua tư duy liên tục bằng lý tính, suy tư liên tục về những chân trời mới mẻ.
- Tự do thông qua dấn thân mạnh mẽ, khảo sát không ngừng vào mọi hoạt cảnh cuộc đời.
(29/11/12)
Tái bút
"Con người sinh ra tự do nhưng nơi nơi đều ở trong xiềng xích"
(J.J.Rousseau)
Tự do là được như ý mình; tự do là không phụ thuộc vào thân xác này; nhưng đã có ai được tự do thực sự theo nghĩa tự do; chẳng có ai cả;
Trả lờiXóaTớ có định nghĩa tự do như vậy đâu?? Trong nhiều bài viết, tớ đã nói: tự do không phải là muốn làm gì thì làm mà tự do thật sự nghĩa là làm bất cứ việc gì ko phạm vào tự do của ng khác. Và theo nghĩa đó thì ai cũng có tự do đấy chứ??
Xóa