Hôm nay chủ nhật, rảnh rỗi lang thang vài nơi, được ông bạn gửi cho bài báo trên Bee.net.vn về cuộc trò chuyện giữa GS Ngô Bảo Châu và Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Tinh Vân – Hoàng Tô (http://bee.net.vn/channel/1988/201108/Chu-tich-HdQT-Tinh-Van-hoi-van-GS-Chau-1809020/) đọc chơi…
Cuộc trò chuyện của hai người thuộc thế hệ 7X có nhiều điều khá thú vị và mình gặp gỡ ở đây vài cách nhìn tương tác. Nhưng thôi, cái gì có nhiều điểm chung thì tốt nhất nên im lặng tự hiểu, khỏi khen ngợi nhau làm gì, biết đâu khen Ngô Bảo Châu và Hoàng Tô hóa ra lại là một dạng thức tự khen ngợi chính mình…
Là một trong những công dân thuộc thế hệ 8X, nghe các anh bàn về thế hệ của mình, bỏ qua vài câu khen ngợi xã giao, chỉ bàn đến chủ điểm chính - niềm tin. Trước khi nhiều chuyện cùng thế hệ đi trước, trích đại ý cuộc đối thoại và xin các bạn lưu ý vài dòng in đậm của mình nhé:
…..
NBC: Cho em hỏi thêm mấy câu. Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, anh Tô chắc có tiếp xúc với nhiều người ở lứa tuổi khác nhau. Anh Tô có thấy những người trẻ hơn, tạm gọi là 8x, có khác nhiều so với thế hệ của mình không? Nếu xem vẻ bề ngoài thì em thấy cũng khác. Chỉ có giao diện là khác hay là họ được lập trình một cách khác?
HT: …Tự tin và nhiệt huyết là tố chất chung của tuổi trẻ, nhưng rành mạch có vẻ là điểm khác biệt. Không biết Châu thế nào nhưng anh và các bạn đồng lứa có những mâu thuẫn của thế hệ in đậm trong mình. Quan niệm đạo đức thay đổi, nhiều giá trị cuộc sống đảo lộn. Nói gì thì nói, lớp 6x, 7x vẫn đầy tính lãng mạn cách mạng, ý thức trách nhiệm cao và khả năng dâng hiến, thậm chí cả đời mình cho lý tưởng. Đấy chính là điểm yếu 6x 7x so với lớp trẻ.
Với các bạn 8x sẽ khó nói câu chuyện lý tưởng, mọi việc rạch ròi, không khoan nhượng. Và cũng là lý do để nhiều bạn trẻ 8x thành công. Anh quen vài bạn sinh năm 83, 84 đã tự mình gây dựng được những tài sản rất lớn….
…..
NBC: Những việc nêu ở trên đã làm hủy hoại lòng tin của xã hội với những người làm khoa học, giữa những bạn trẻ mới vào nghề và những người đã có vị trí trong giới khoa học. Có lần Phương Văn (**) nói với em là lòng tin là cái mà xã hội Việt Nam thiếu nhất. Theo anh Tô, mọi người có thể làm gì để niềm tin được khôi phục?
HT: Đúng như Phương Văn nói, lòng tin là cái mà chúng ta đang thiếu nhất. Không những thế, chúng ta còn rất thiếu niềm tin và đặc biệt thiếu đức tin. Tuy nhiên anh lại nghĩ rằng tự nhiên sẽ điều chỉnh cho cái gì thiếu quá sẽ có lại và cái gì thừa mứa sẽ bớt đi (là quá trình tăng entropy tự nhiên theo định luật 3 nhiệt động lực học). Khoa học nước ta giống như sa mạc, các nhà khoa học giống những người lữ hành. Thành công của Châu có thể chưa phải quá to tát để làm thay đổi cục diện, nhưng ít nhất đã có tác dụng như một cốc nước mát lạnh cho người lữ hành giữa sa mạc, giúp họ lấy lại sự tự tin để tiếp tục đương đầu với khô hạn…
……….
Ấy đấy là câu chuyện của thế hệ 7X các anh, lần mò sang một số blog của 8X bạn bè và 9X thế hệ kế cận, đâu đâu cũng thấy kêu gọi niềm tin, lý tưởng…Hình như mỗi khi họ sụp đổ hoặc thất bại về một mục tiêu nào đó, không còn cái gì khác ngoài niềm tin để họ bám víu hay sao ấy…?!
Bây giờ “hóng hớt” với vài anh chị “nổi tiếng” một chút:
Thứ nhất, tại sao “với các bạn 8x sẽ khó nói câu chuyện lý tưởng, mọi việc rạch ròi, không khoan nhượng”…? Thế hệ đầu 7X sinh ra trong điều kiện đất nước đang chiến tranh, mọi mục đích và nhiệm vụ tối quan trọng lúc ấy đều dồn vào cuộc chiến, đến thế hệ cuối 7X, đất nước tạm ổn và mục đích lúc đó đều tập trung cho phát triển kinh tế. Tính ra khi các anh trưởng thành cũng là lúc đất nước đang trong giai đoạn đổi mới, thế hệ 8X lúc đó “trẻ người non dạ”, trách nhiệm của các anh là xây dựng lý tưởng cho thế hệ đi sau một cách rạch ròi thì lúc đó lại chẳng thấy đâu. Thế hệ 8X lớn lên giữa trăm ngả đường, có nhiều lựa chọn và dự định hơn, lý tưởng cũng đa dạng phong phú hơn, chuyện “khó nói lý tưởng, mọi việc rạch ròi, không khoan nhượng” xuất phát từ cách nhìn và đánh giá về lý tưởng, niềm tin khá thiển cận cũng như so sánh một cách khập khiễng lý tưởng, niềm tin với thế hệ đi trước, chứ tuyệt nhiên không phải là thế hệ 8X không có lý tưởng rạch ròi…như các anh nhìn nhận.
Thứ hai, tại sao các anh cho rằng “niềm tin là cái thiếu nhất” trong thế hệ trẻ? Phải nói rõ ràng là chúng tôi chưa bao giờ thiếu niềm tin mà tin vào cái gì mới là quan trọng đối với thế hệ chúng tôi. Trong mắt thế hệ 8X chúng tôi, tầng lớp lãnh đạo thuộc về thế hệ 5X, 6X, 7X đã có nhiều cống hiến cho đất nước, cả trong thời bình cũng như trong thời chiến, giúp vượt qua khủng hoảng kinh tế đưa đất nước ổn định hơn…nhưng bên cạnh những cống hiến đó là gì? Là một nền chính trị tham nhũng với nợ công hàng trăm tỉ USD, là một bộ phận tham quan ô lại mua dâm trẻ vị thanh niên, là đội ngũ giáo viên đổi tình lấy điểm, là…mà thôi, thời nào chẳng có, chẳng thèm than thở và trách cứ nhau làm gì…!!
Thưa các anh, chúng tôi không thiếu niềm tin, nhưng chúng tôi tin vào cái gì mới là điều mà chúng tôi muốn đề cập. Chúng tôi vẫn tin các anh, chúng tôi vẫn tin vào định hướng và mục tiêu vĩ đại của đất nước…nhưng nền tảng của tất cả niềm tin đó… chúng tôi tin vào năng lực của chính chúng tôi…
…………………………
Niềm tin là gì?
Gốc rễ của niềm tin là gì?
Tin vào cái gì mới là cơ sở của mọi niềm tin khác?
Làm thế nào để có thể nuôi dưỡng niềm tin không để mai một theo thời gian?
1. Niềm tin là gì?
Niềm tin là một dạng thức tình cảm về một ước mơ, một lý tưởng, một hình mẫu nào đó mà ta dựa vào để định hướng cách nhìn và cuộc sống của ta theo nó.
Nếu trả lời một cách văn hoa, niềm tin giống như con thuyền có người lái. Thuyền có người lái thì đi sẽ nhanh hơn, sẽ giúp vượt qua chướng ngại của phong ba bão tố nhiều hơn. Người có niềm tin thì vấp ngã có năng lực để đứng dậy, thất bại có thể nhìn lên để bước tiếp, khổ đau không dẫn cuộc sống đến đường cùng, trong đêm dài tăm tối vẫn nhìn thấy thấp thoáng ánh sáng của bình minh…
Giá trị của niềm tin quan trọng với cuộc sống của chúng ta như vậy, nhưng nhìn cho sâu sắc thì niềm tin chỉ là một khái niệm rỗng không có nội dung. Có một số người tin vào một học thuyết chính trị nào đó và sẵn sàng đánh đổi cả đời để phục vụ cho niềm tin đó. Có một số người tin vào một tôn giáo nào đó và sẵn sàng quên đi những điều thường nhật để cống hiến cho một thế giới đẹp đẽ nào đó. Có một số người khác có niềm tin đơn giản hơn, tin vào tình yêu cá nhân của họ để rồi khi buồn khi vui, họ lại quay về với người họ yêu thương để trốn tránh hoặc khỏa lấp nỗi buồn…
Nói tóm lại, ai cũng có niềm tin nhưng tin vào cái gì thì vô cùng đa dạng, mỗi một hoàn cảnh sống có một niềm tin nhất định nào đó. Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu niềm tin.
2. Gốc rễ của niềm tin là gì?
Có một số người chưa từng biết, chưa từng thấy thiên đường, cực lạc…nhưng nghe người ta nói ở đó sung sướng và hạnh phúc lắm nên… tin. Có một số người chưa biết lý tưởng và học thuyết đó đưa ta đến đâu nhưng thấy ước mơ của học thuyết đó đẹp đẽ long lanh quá nên… tin. Có một số người chưa biết người ta là ai nhưng thấy những lời thề thốt ngọt ngào có cánh như đi trên mây xanh nên…tin…
Nhìn chung ở đời có rất nhiều người tự hào vỗ ngực là tôi tin nhưng lại chẳng biết là đang tin vào cái gì. Đến khi vỡ mộng thì niềm tin cũng… sụp đổ tan tành.
Vậy cơ sở của niềm tin là gì? Phải hiểu thật rõ đối tượng. Đó là cơ sở duy nhất để ta đặt niềm tin. Đừng vội vàng tin vào bất cứ điều gì khi ta chưa qua quá trình quan sát, lắng nghe, suy ngẫm và trải nghiệm kỹ lưỡng. Bất cứ một niềm tin nào mà không dựa trên cơ sở của sự thấy, sự hiểu đều là niềm tin mù quáng… kể cả trong tôn giáo, trong triết học, trong chính trị, trong tình yêu, trong cuộc sống…
Hiểu là cơ sở, là gốc rễ để xây dựng niềm tin. Niềm tin nếu được xây dựng trên cơ sở sàng lọc của tư duy thì niềm tin ấy mới là niềm tin chắc thật, mới là niềm tin được xây dựng trên mặt đất, tất cả niềm tin còn lại đều ở trên mây xanh hết.
3. Tin vào cái gì mới là cơ sở của mọi niềm tin khác?
Tin vào chính mình. Chỉ có tin vào chính mình mới là cơ sở của mọi niềm tin khác. Tin vào xã hội, tin vào các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà triết học, các nhà chính trị, tin vào tha nhân…mà không xuất phát từ niềm tin vào chính mình đến một lúc nào sẽ… hết tin một cách đau đớn.
Làm sao để tin vào chính mình? Muốn tin vào chính mình thì trước hết phải hiểu, phải biết MÌNH LÀ AI?!
Bạn không thể nói tôi yêu em nếu chính ta còn chưa biết ta có tình yêu đó hay không?! Bạn không thể nói tôi tin có thiên đường, cực lạc…hoặc một xã hội cộng sản đẹp đẽ và rực rỡ ở tương lai nếu chính bạn còn chưa sẵn sàng sống trong trạng thái “sở hữu chung” về tư liệu sản xuất…Bạn không thể nói bạn tin người khác nếu như chính bạn còn chẳng tin bạn.
Tất cả những ngôn từ đao to búa lớn trong chính trị, trong tôn giáo, trong triết học, trong cuộc sống, trong tình yêu…đều là trò mị dân không hơn không kém.
4. Làm thế nào để nuôi dưỡng niềm tin không bị mai một theo thời gian?
Hãy quay về chính mình, biết rõ chính mình… là cơ sở để nuôi dưỡng mọi niềm tin khác một cách bền vững. Chỉ khi nào ta tin được chính ta, tin vào khả năng có thể có của chính ta…thì khi đó ta mới có khả năng tin người khác và làm người khác tin ta một cách lâu dài.
Đã đến lúc đào mô chôn tất cả những ngôn từ mỵ dân xuống ba thước đất để mỗi người được sống là chính họ, được trở về chính con người và khuôn mặt thật của họ….
Đừng viện dẫn vào niềm tin như một cái phao cứu sinh, khái niệm niềm tin mà chúng ta đang sử dụng nếu không trên cơ sở hiểu biết Ta là ai? thì mãi chỉ là liều thuốc ru ngủ, tạm thời giúp bạn an ủi và trốn tránh hiện thực trong giây lát.
Hãy đối diện thẳng với khổ đau và thất bại, đối diện với chính mình để biết mình là ai. Biết mình là ai để ta có niềm tin vào chính mình. Có niềm tin vào chính mình thì ta có đủ khả năng để làm tất cả mọi việc. Ta có khả năng làm tất cả mọi việc thì khi đó ta mới có khả năng tạo niềm tin ở người khác và cho người khác.
TA LÀ AI?!
(21/8/11)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!