Phiến diện


Mới hôm qua ngồi kể chuyện mấy ông thầy bói mù xem voi, tối nay mở ti vi xem chuyên đề Sự kiện và bình luận trên VTV1, tự nhiên thấy buồn... chẳng biết than thở ở đâu, đành gói ghém tâm sự quăng lên đường truyền internet vậy....

Cách đây một thời gian ngắn, cộng đồng mạng nóng bỏng bởi clip ăn theo Tây du ký, chế Đường Tăng thỉnh bao cao su của nhóm sinh viên học viện Báo chí và Tuyên truyền... Các bạn trẻ chỉ nhìn thấy tính phổ biến, tính hài hước của tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân mà chưa nhìn thấy tính lịch sử, tính tôn giáo, tính biểu tượng... mà tác phẩm đó kỳ công xây dựng... vì thế, việc chịu "phản ứng ngược" từ cộng đồng mạng cũng là điều dễ hiểu...

Cứ tưởng cách nhìn phiến diện, một chiều và nặng về cảm tính ấy chỉ dành cho những sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường... thế nhưng... ngay kể cả các nhà chính trị của ta cũng chẳng hơn kém là bao...



Bên lãnh vực giao thông đang nóng chuyện thu phí với xe ô tô... Lý giải cho việc thu phí xe ô tô, mục đích chính là để giảm phương tiện cá nhân giúp cho giao thông thông thoáng, thế nhưng cách đặt vấn đề thì e mục đích lại không phải vậy... Nào là lấy tiền thu phí đó để sửa chữa đường bộ, nào là dân có tiền đi ô tô thì thu phí vài triệu đồng một năm cũng chẳng là bao... Thế nhưng, ô tô đâu phải chỉ có người giàu mới đi, ô tô là phương tiện vận chuyển, dĩ nhiên ngoài những người giàu mới có tiền mua ô tô thì các doanh nghiệp vận tải có chịu tự bỏ tiền túi ra trả phí hay sẽ chuyển giao số tiền phí đó vào mặt hàng được vận chuyển... Vậy ai sẽ là người đóng phí sử dụng xe? Người dân hay người giàu? Phí vận chuyển tăng thì hàng hóa tăng, hàng hóa tăng thì lạm phát tăng... Vậy là thay vì giảm phương tiện giao thông, các nhà chính trị lại làm giảm túi tiền vốn đã cạn của dân chúng...

Tiếp theo vụ phí ô tô... đến vụ đổi giờ làm... Hà Nội thí điểm nhưng kết quả cũng chẳng khả quan bao nhiêu... bởi đơn giản các nhà hoạch định chính sách chỉ nhìn thấy sự thay đổi giờ giấc ùa ra đường của dân chúng mà không nhìn thấy các mối quan hệ đan xen chằng chịt trong đó... Con cái phải nhờ cha mẹ chở đi học... Cha mẹ phải sắp xếp công việc để đón con cái về... Chỉ sơ sơ mối quan hệ đó thôi là đủ thấy hiệu ứng đổi giờ đã thất bại thảm hại...

Rồi lại nói đến chuyện kẹt xe trong những ngày lễ tết, nhất là được nghỉ lâu ngày... Biết đường chật, người đông thế nhưng ai cũng chỉ nhìn thấy lợi ích của mình, cùng nhau chen chân về quê vào cùng một thời điểm thì chuyện kẹt xe từ sáng đến tối cũng đừng có kêu ca gì ai... Nhường nhau một chút, tự nghỉ ngơi trễ hơn bình thường và tự về nhà sớm hơn một chút để tránh tình trạng nút thắt cổ chai... thì có phải mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều chăng?



Thông tin nóng nhất hiện nay là "tăng lương", đặc biệt đợt tăng này tăng đến 26% và được các cơ quan truyền thông tuyên truyền một cách thật rầm rộ... nhưng lương chưa kịp tăng thì xăng đã tăng, giá cả tăng, tiền thuê nhà tăng... Mà thật ra cái tăng này chẳng phải do giá trị hàng hóa mà đơn thuần do "ăn theo" lương... Vậy thì tăng lương để làm gì?... Một dạng thức ru ngủ vỗ về tạo ảo tưởng cho dân chúng về sự phát triển trong khi tất cả đều chỉ là số 0.... Thế nên chẳng có gì đáng mừng khi lương tăng nhé, toàn chiêu trò dụ dỗ trẻ con cả thôi...
Mới đây có nhóm người, ăn gần hết chiếc chân gà mới phát hiện trong đó có lũ giòi lúc nhúc... Thịt thối bốc mùi sau 15 phút trở thành thịt tươi, hồng... Gà cúm, heo tai xanh, trâu bò lở mồm long móng, cá nhiễm khuẩn, sữa nhiễm melamin, phở có chất phoocmon, thực vật nhiễm thuốc độc, động vật nhiễm thức ăn tăng trọng... Nhà hàng này phát hiện thịt thối, chạy sang nhà hàng khác thì ăn phải thịt bốc mùi... Dân không biết nơi đâu mới có an toàn và dần mất niềm tin vào những gì được bày bán, nhưng cái mất hơn cả là dân mất hết niềm tin ở cơ quan quản lý... Biết tin vào ai bây giờ?

Hàng loạt xe máy bốc cháy... khi thì do kỹ thuật, lúc thì do xăng kém chất lượng, khi thì do chủ quan của chủ xe, khi thì do khách quan của chiếc xe... Xe máy vẫn cháy, người dân vẫn mất tiền... Nhà nước họp đến 4 Bộ nhưng câu trả lời cho nguyên nhân cháy nổ vẫn không có, nói gì đến biện pháp cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi dân chúng.... Như một quả banh, đá qua đá lại, trong khi khâu ghi bàn không làm nổi... Làm khán giả chỉ xem thôi đã thấy chán mà sao cầu thủ lại không thấy chán nhỉ?



Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có cái nhìn phiến diện trong trường hợp cụ thể có thể thông cảm được nhưng  chính sách của các nhà chính trị tầm cỡ quốc gia có thể cảm thông chăng? Vì sinh viên được đào tạo như thế nên việc hoạch định chính sách của các nhà chính trị cũng chỉ dừng lại ở những mức như thế?? hay vì các nhà chính trị hiện nay như thế nên đã giáo dục và đào tạo ra những sinh viên như thế??



Hỏi chơi thôi, không biết trả lời đâu.

Tác động vào quyền lợi của dân chúng để giải quyết vấn nạn xã hội thì dễ thôi, tớ cũng làm được.
Giải mã những khúc mắc mà không đánh vào túi tiền của dân mới cần đến tầm nhìn của các nhà chính trị.
Nhưng Việt Nam chúng ta hiện nay có các nhà chính trị đúng nghĩa không nhỉ??

(29/4/12)

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất