Đã lâu không đọc báo, hôm nay cuối tuần rảnh rỗi, lang thang vài tờ báo mạng, kết luận cuối cùng: Chán toàn tập!!! Ngày báo chí Việt Nam đã qua được 9 ngày, biết bao bài báo tranh nhau dự thưởng, vậy mà với hàng chục tờ báo chính luận, chẳng kiếm được thông tin nào đáng giá...
Về mảng chính luận, chỉ cần đọc vài thông tin ở Cổng thông tin chính phủ hay TTXVN là y như rằng hàng chục tờ báo copy và paste. Không hề có lấy một ý kiến trái chiều, chẳng có bài viết nào phản biện hay tranh luận. Dường như mảng chính luận bây giờ đã mất đi chữ "luận", chỉ còn chữ "chính", mọi thông tin cung cấp ra được coi là "phụng thiên thừa vận", miễn bàn cãi. Lâu lâu được "bật đèn xanh" về một vụ lộn xộn nào đó giữa dân với chính quyền, báo chí VN như mở hội, tranh nhau đưa tin tức đến mức người đọc cảm thấy thừa mứa. Chẳng hạn như vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, hàng chục tờ báo thi nhau nhảy vào như trăm con ruồi bu quanh một miếng bánh, trong khi đáng lý người làm báo nhanh nhạy phải nhân một vụ mà phanh phui ra nhiều vụ khác có dấu hiệu tương tự thì dân chúng đỡ khổ biết bao...
Về xã hội, ngoài việc đưa tin chuyện vợ chồng này bất hòa, con cái nhà kia bất hiếu... không hề có nổi một bài viết có chiều sâu tư tưởng hay có tính định hướng. Hầu hết các bài viết đều chỉ ở dạng cung cấp thông tin, thiếu hẳn những phóng sự điều tra chuyên sâu hay những giải pháp khả dĩ nhằm tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách. Các thông tin được cung cấp cũng hoàn toàn nặng về cá nhân, trong khi cái người đọc cần là những khuynh hướng, những "làn sóng" có thể chi phối tương lai của cả xã hội lại hoàn toàn vắng bóng...
Về pháp luật, vụ án chưa được xét xử, tòa chưa phán quyết nghĩa là bị cáo vẫn vô tội, ấy vậy mà chỉ cần bên Công tố ra cáo trạng là hầu hết các nhà báo đã coi bị đơn là kẻ phạm tội. Dường như báo chí tự cho mình quyền được phán quyết thay cho bên Tư pháp. Báo chí cung cấp thông tin khách quan, phản ánh dư luận xã hội nhưng báo chí cũng phải biết hướng dư luận đến tính nhân văn, nhân bản. Vì thế, thay vì đứng về bên công tố, tôi mong sao các nhà báo hãy đặt mình vào vị trí của người hành động, tìm hiểu nguyên nhân, động cơ và những cảm xúc... trước khi diễn ra hành vi nhằm khơi gợi nhân tính đang ngủ ngầm trong con người họ, qua đó người đọc có thể rút ra cho riêng mình những bài học ngay trước khi sự việc xảy ra, cũng như giúp dư luận có cái nhìn bao dung hơn với những kết quả không như ý...
Về thể thao, đúng là những thông tin được cung cấp rất nhanh nhạy và nóng hổi, thế nhưng thật là chán khi tờ báo nào cũng lập đi lập lại một bài viết với những nội dung tương tự. Đơn cử như giải bóng đá Châu Âu đang diễn ra, cứ đội bóng nào thắng là hàng chục tờ báo cùng nhau tâng bốc đội đó lên mây và thi nhau dìm đội thua xuống đáy, không hề có nổi một tờ báo trung thành với một trường phái thể thao nào cả. Ngay như anh chàng Mario Balotelli, khi ghi được hai bàn thắng vào lưới Đức là các nhà báo của ta đồng loạt gọi anh ta là thiên tài, còn khi anh ta dở chứng hay xuống phong độ một chút lại đồng thanh gọi anh ta là thằng điên. Đến phát chán với mấy anh chàng bồi bút.
Văn hóa là mảng chán nhất trong tất cả các thể loại. Chẳng biết 4 năm được đào tạo về nghề làm báo, các nhà báo của ta đã thu hẹp khái niệm "văn hóa" thành âm nhạc và điện ảnh từ khi nào không biết. Ấy là chưa kể, dù mang tiếng viết về điện ảnh hay âm nhạc, nhưng các nhà báo hầu như chẳng quan tâm xem các bài hát, các bộ phim đó có truyền tải thông điệp hay cuộc cách mạng gì cho người xem, người nghe hay không... Các thông tin người đọc nhận được chỉ là cô người mẫu này, cô diễn viên nọ mặc hở chỗ này, lộ hàng chỗ kia... Đi nghe nhạc mà ống kính cứ chằm chằm vào vòng 1, vòng 3 của người hát, chầu trực cả đêm chỉ để đợi một phút giây bất cẩn "lộ hàng" của nghệ sỹ (xin lỗi người bình thường chẳng thể nhìn thấy gì vì họ ngồi quá xa, ngoại trừ đôi mắt diều hâu với ống kính zoom cực đại của nhà báo mới nhìn thấy mà thôi)... Hình như 4 năm học báo chí của họ chỉ giúp cho họ nhìn thấy chỗ kín của phụ nữ tốt hơn người bình thường.
Về giáo dục, ngoài những thông tin thi cử trường lớp vô nghĩa, báo chí cũng đang góp phần làm hư hỏng người đọc. Báo chí khiến mọi người coi lời đồn là tiêu chuẩn xác minh chân lý, coi chuyện sinh hoạt riêng tư là thước đo đánh giá thành quả lao động, lấy sở thích chủ quan để tâng bốc hay vùi dập người khác bất kể những chuẩn mực khách quan, lấy những giây phút ngượng ngùng của nghệ sỹ làm trò vui của riêng mình. Chính những cơ quan truyền thông này phải chịu trách nhiệm lớn trong việc thui chột nhận thức người đọc, làm hỏng mắt thế hệ trẻ, làm giảm tầm nhìn của quần chúng...
........
Nhìn chung, tuy mang tiếng VN có hàng chục tờ báo giấy và hàng trăm tờ báo mạng nhưng cái cần đọc và nên đọc thì cực kỳ ít. Cái hấp dẫn nhất của tờ báo là chính luận thì vô cùng đơn điệu, thiếu bản lĩnh tư tưởng và chiều sâu nội dung. Những thông tin ở thể tài văn hóa thể thao hầu hết đều bề mặt hoặc can dự quá sâu vào đời sống riêng tư của nghệ sỹ. Cung cấp sự kiện mang tính đánh đố, tung hỏa mù cứ như các nhà marketing đang viết báo. Những bài báo trên mạng hầu hết là "cắt" và "dán", nếu không thực hiện thao tác đó thì cũng na ná a dua a tòng, bồi bút lá cải...
Tôi mong những nhận định trên là phiến diện và sai lầm để mỗi sáng còn háo hức dành nửa tiếng ngó nghiêng vài trang báo. Nếu những nhận định của tôi là chính xác thì buồn thay cho thứ được xưng tụng là "quyền lực thứ tư"...
Ôi... chưa khi nào tôi viết
blog mà lại mong những gì tôi viết là phiến diện như hôm nay...
(30/6/12)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!