Sự phản bội?


Nhân tiện đang bắt mạch một vài căn bệnh dở hơi của con người, tiện tay gõ luôn vài dòng về một căn bệnh trầm kha khác mà theo tôi, nó đớn đau và bạc bẽo hơn vô cảm,
sự phản bội.Sự phản bội có cùng gốc bệnh với vô cảm nhưng ở giai đoạn trầm kha hơn... Nó có thể tồn tại trong chính trị, trong mối quan hệ thương mại, trong giao hảo bạn bè và trong cả tình yêu...

Trong chính trị, tội phản bội tổ quốc là lớn nhất. Trong kinh tế, tiết lộ bí mật thương mại là một điều xấu xa, trong giao hảo bạn bè, bắn nhau sau lưng thật đáng ghê tởm và trong tình yêu, phản bội lời giao ước thật đáng khinh thường...


Vậy phản bội là gì?

Trước hết phải đặt nó trong một bối cảnh nhất định... ở đó tồn tại một mối quan hệ giữa con người với con người hay giữa cá nhân với tổ chức... Mối quan hệ đó được xây dựng, có thể bằng mệnh lệnh, có thể bằng đồng lương, có thể bằng tình cảm, có thể bằng niềm tin... Chính sợi dây đó gắn kết con người với con người và con người với tổ chức...

Nói đến mối quan hệ là nói đến sự trao đổi cho và nhận... Có thể là kinh tế, có thể là tình yêu, có thể chỉ đơn giản là nhân rộng niềm vui hay sự san sẻ nỗi buồn... Dù đó là sự trao đổi gì đi chăng nữa thì điều tiên quyết, đó phải là sự trao đổi hai chiều...

Nói đến sự trao đổi cho và nhận, ở đó tồn tại một lời giao kèo, một hợp đồng ký ước, một lời tuyên thệ, một lời thề sắt son chung thủy... Tại sao phải cần đến chúng? Đơn giản là theo thời gian, mọi thứ sẽ thay đổi, chính hợp đồng hay lời thề sắt son đó sẽ là sợi dây níu kéo hai đối tượng vượt lên trên những cám dỗ xung quanh để nhắc nhở mình nên chừng mực trong một hạn mức nhất định...

Vậy là khái niệm phản bội cần đến hai điều kiện trước khi ta có thể đặt tên cho nó: một mối quan hệ nhất định và một giao ước cụ thể... và sự phản bội nảy sinh khi cấu trúc của mối quan hệ bị phá vỡ, lời giao ước không được thực thi... và điều quan trọng hơn nữa, vẫn là thời gian, mối quan hệ và lời giao ước bị phá vỡ một cách bất ngờ từ một phía, làm cho phía còn lại không kịp chuẩn bị...



Sự phản bội để lại hậu quả gì?

Trước hết, đó là mối quan hệ gì, cho và nhận cái gì... Nếu trao đổi cho và nhận được đặt trên nền tảng kinh tế thì sự phản bội dẫn đến một sự thâm thủng ngân sách tai hại... Nếu trao đổi cho và nhận được đặt trên nền tảng tình cảm thì đó là một nỗi đau khôn nguôi rất khó chấp nhận và gặm nhấm...

Thế nhưng cái tai hại lớn nhất của sự phản bội trong tất cả các mối quan hệ chính là mất niềm tin, ở người khác và cả ở chính mình. Mất niềm tin vào người khác hay ở chính mình thì đời vô nghĩa...

Cụ thể như trong tình yêu, một dạng cảm xúc thay đổi đến chóng mặt, sự tàn phai hay đậm đà thêm sắc sẽ tăng trưởng theo thời gian... nhưng sự bội phản trong tình yêu có thể làm cho người còn lại mất niềm tin hoàn toàn vào người khác, mất niềm tin vào sự có mặt của tình yêu...

Nói đến sự phản bội, ta phải đi kèm theo đó là khái niệm chung thủy. Chung là cuối, thủy là đầu. Đầu cuối như nhau thì gọi là chung thủy.

Thế nhưng, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều vô thường, nay thế này, mai thế khác, chẳng có cái gì mà điểm đầu cũng như điểm cuối. Heraclit từng nói rằng "không ai tắm hai lần trên một dòng sông" như ám chỉ mọi cái đều phải chảy, trôi liên tục không ngừng nghỉ... Vậy sự chung thủy phải chăng chỉ là khái niệm "lông rùa sừng thỏ"?

Phải đặt nó trong một cách nghĩ và cách nhìn khác, chung thủy không phải là đầu cuối như nhau. Chung thủy cũng cần đến hai điều kiện như phản bội, đó là một mối quan hệ và một giao ước nhất định. Nếu ta duy trì được mối quan hệ đó trong phạm vi ta giao ước thì đó gọi là chung thủy, vượt ra khỏi sự giao ước thì ta có quyền làm điều gì đó khác mà vẫn không gọi là phản bội.

Giả dụ khi hai người đang yêu nhau hoặc chung sống với nhau, nếu một trong hai bên lôi thêm một nhân vật thứ ba xen vào thì đó là sự phản bội, vì giao ước bị gãy đổ trong thời gian giao ước còn hiệu lực, thế nhưng nếu hai người đã chia tay hay ly dị, cả hai đều tìm cho mình một bến đỗ mới thì chúng ta không gọi đó là phản bội.


Tại sao phản bội?

Như tôi đã nói, chúng có cùng một gốc bệnh với sự vô cảm, đó là sự ích kỷ cá nhân. Chỉ vì lợi ích cá nhân hay niềm vui, đam mê thoáng chốc, con người sẵn sàng đạp trên những gì đã thệ nguyện hay giao ước với nhau.

Chẳng hạn như tội phản bội tổ quốc, nếu kẻ địch không hứa hẹn một lợi ích nào đó thiết thực với lợi ích cá nhân, có thể lời hứa bảo toàn mạng sống của mình, của gia đình mình hoặc hứa hẹn một địa vị nhất định nào đó... thì không ai lại có thể bán rẻ đất nước nơi mình đã sinh ra...

Cũng như thế trong tình yêu, nếu đối tượng thứ ba không ngọt ngào hơn, hấp dẫn hơn, dễ thương hơn, ga lăng hơn và hứa hẹn thề nguyền nhiều hơn những gì mà bản giao ước đã có thì chẳng ai phản bội với tình yêu đang có của mình...

Nguyên nhân sâu xa của sự phản bội xuất phát từ lợi ích cá nhân, nhưng đặc điểm của những lợi ích này chính là ở chỗ nó "ngon lành" hơn những lợi ích ta đang có... Nó phải ngon lành hơn thì ta mới nhẫn tâm bỏ lợi ích này để chạy theo một lợi ích khác...

Thế nhưng nhìn cho kỹ một chút ta sẽ thấy, khi giao ước, trong cuộc sống cũng như trong tình yêu, còn hiệu lực mà ta bất ngờ xoay chuyển 180 độ để chạy theo những lợi ích khác thì những lợi ích đó cũng chẳng ngon lành gì, nếu không muốn nói là nó còn giả tạo hơn nhiều những lợi ích ta đang có...

Chẳng hạn khi kẻ địch hứa hẹn cho ta cái này cái kia và ta sẵn sàng đánh đổi giao ước ta đang tham gia trong đó thì trước hết phải nhìn nhận, ta là công cụ trong tay kẻ địch, tiếp đó, nếu ta có thể bỏ giao ước đang có để chạy theo lợi ích trước mắt thì ta cũng có thể bỏ lợi ích trước mắt để chạy theo những lợi ích trước mắt nữa... cứ như vậy ta trở thành nô lệ cho chính những ham muốn trước mắt của ta...

Trong tình yêu cũng tương tự như thế, khi ta có thể phản bội tình yêu thứ nhất thì ta cũng có thể phản bội tình yêu thứ hai, thứ ba.. và cứ như thế, ta trở thành nô lệ cho chính những cảm xúc không phanh không lối của chính ta...

Ngoài việc ta trở thành nô lệ cho chính những cảm xúc say nắng đam mê nhất thời của ta, cái ta mất còn là ở sự mất niềm tin từ người khác... Mất niềm tin về người khác có thể được xây dựng bằng một người khác hoàn hảo hơn nhưng mất niềm tin từ người khác thì không còn cách nào khác ngoài việc đào thải chính cuộc đời mình.
 

Vậy nguyên nhân trực tiếp của sự phản bội nằm ở nhận thức ngu xuẩn về những lợi ích trước mắt cùng với đó là một cái tâm giả tạo lá mặt lá trái...

Sống ở đời, cái cốt yếu phải làm sao để mọi người quanh ta có thể tin vào mình. Mình nỗ lực làm một điều gì đó không chỉ là thể hiện con người thật của mình mà còn là để xây dựng niềm tin từ người khác.

Sống ở đời, cái cốt yếu phải làm sao để mình có thể làm chủ chính mình. Mình cố gắng thực hiện một việc gì đó không phải là làm chủ người khác mà chính là làm chủ những cảm xúc, những lời nói của mình.

Sự phản bội là chất xúc tác đạp đổ niềm tin. Sống mà không có niềm tin vào chính mình thì đó chính là sự tha hóa, nhưng sống mà không ai tin tưởng vào mình thì cuộc sống thật vô nghĩa...

Sự phản bội là căn bệnh mà ai mắc vào nó thì dường như mất đi chữ "Người", chỉ còn lại đúng một chữ "Con". Lời thề nguyền giao ước chẳng có ý nghĩa nếu nó không có thật, nhưng nó cũng thật cần thiết vì nếu biết nương tựa vào nó thì ta có thể vượt qua và chiến thắng những cảm xúc nhất thời...

(7/12/11)

Tái bút: Người bị phản bội thật đáng thương nhưng kẻ phản bội còn đáng thương hơn nữa, vì hắn đang phản bội chính mình mà không hay biết!!

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất