Hôm qua trong bài viết Quyền lực, mình đã cố tình khoác lên khái niệm đó một nội dung quá to so với chính nó... Mình chỉ ngồi chờ đợi một ai đó phát hiện ra...và thật may thay...đã có người chỉ ra cho mình một trong những trọng điểm của khái niệm Quyền lực theo cách nhìn của phương Tây, đó là ý niệm về sự "chi phối"...
Cũng trong bài viết Quyền lực hôm qua, nếu các bạn để ý và tư duy sâu thêm một chút, các bạn sẽ nhận thấy nội dung bài đó chính là cách nhìn Duyên sinh của Phật giáo - một dòng tư tưởng chủ đạo của văn hóa phương Đông... Chỉ có trong cái nhìn Duyên sinh - Duyên khởi của Phật giáo mới sử dụng đến thuật ngữ "ảnh hưởng", "chuyển hóa" và "tương tác"... trong khi đó ở phương Tây chỉ sử dụng đến thuật ngữ "chi phối", "đấu tranh", "xung đột", "cách mạng"...
Khái niệm Quyền lực ra đời từ dòng văn hóa phương Tây - một nền văn hóa dựa trên du canh du cư... cần một chút của phiêu lưu mạo hiểm và thử thách với những điều mới lạ. Phương Đông chúng ta là định canh, định cư... cái cần đến chính là biết chuyển hóa thửa ruộng cũ kỹ đó thành một thửa ruộng mới giàu dinh dưỡng hơn để tiếp tục trồng trọt chứ không phải đi tìm đâu xa...
Hôm nào có hứng mình sẽ triển khai về cội nguồn của hai nền văn minh này, tuy nhiên trước khi đọc những gì mình viết, các bạn nên tìm đọc "Sự xung đột của các nền văn minh" của S.Huntington...có lẽ, biết đâu mình lại đưa ông ta ra "chơi chơi" ấy chứ...
Hôm nay chúng ta sẽ cùng bàn đến vấn đề cội nguồn của lòng khát khao quyền lực như là một cách thức khác để tiếp cận đến nguyên nhân của Tham - một trong ba thứ độc dược tàn hại con người theo cách nhìn của Phật giáo.
Mộng mơ, Mong muốn, Hy vọng, Khát khao, Tham đắm, Ôm ấp, Níu kéo... Tất cả những thuật ngữ đó đều xuất phát từ lòng Tham theo cấp độ tăng dần...
Mộng mơ để mong muốn, mong muốn rồi hy vọng, hy vọng rồi khát khao, khát khao rồi tham đắm, tham đắm được rồi thì ôm ấp cho thật chặt, đến lúc cái mình tham đắm đó ra đi thì níu kéo trong nuối tiếc sầu bi... Đó chính là con đường đưa chúng ta đến khổ đau phiền não...
Tham vừa là động lực để chúng ta phấn đấu nhưng Tham cũng chính là nguyên nhân đưa chúng ta đến khổ đau...Vì sao?
Đối với từng cá nhân, một trong những động lực để duy trì sự có mặt của chúng ta, không phải là ăn mà chính là lòng tham sống. Ai nghĩ ăn thì người đó chỉ nhìn thấy sự tồn tại về mặt thể chất mà thôi. Nếu chúng ta không tham sống, chúng ta có thể không thèm phải ăn... Nếu chúng ta không tham sống, chúng ta có thể đứng trước một bàn tiệc với đầy đủ cao lương mỹ vị mà vẫn...chết như thường...
Đối với xã hội, nếu chúng ta không tham phát triển và tích lũy thì chẳng bao giờ xã hội có sự vận động. Lòng tham là kích thích tố căn bản thúc đẩy xã hội vận động giống như quả banh chỉ có thể vận động khi có ai đó đá vào nó. Tiêu chí GDP... xuất phát từ lòng tham tập thể của một xã hội nhất định.
Đối với khoa học và nghệ thuật, nếu chúng ta không tham sáng tạo ra cái mới thì cũng chẳng bao giờ có bất kỳ một nền tri thức nào cả, sẽ không có bất kỳ một hệ tư tưởng dẫn dắt xã hội, sẽ không có phát minh khoa học nhằm rút bớt thời gian và tăng năng suất lao động nào cả...
Đối với lĩnh vực tôn giáo, nếu chúng ta không tham có được hạnh phúc vĩnh cửu, Niết bàn tại thế... thì chẳng có ai phải đày mình trong dòng sông Hằng đến cả năm hoặc mới đây có người tu theo Bà la môn giáo, giơ một bàn tay lên trời đến gần 40 năm không hạ xuống...
Đấy...lòng tham có ý nghĩa như thế, nó giúp người ta có thể từ cõi chết trở về và làm được những điều tưởng chừng như không thể...
Thế nhưng lòng tham cũng là nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người. Vì sao?
Học sinh đi học ước ao đậu đại học. Đậu đại học ước ao trở thành thủ khoa. Ra trường mong kiếm được việc làm. Có được việc làm mong được làm trưởng phòng. Làm trưởng phòng mong trở thành Phó Giám đốc... Ước mơ vô tận...không có điểm dừng khiến chúng ta bị trôi đi trong những cảm xúc vui buồn, được mất, hơn thua... Trôi về đâu?
Mỗi một vị trí thường thường chỉ có một. Khi có ta ngồi cái ghế đó thì sẽ có nhiều người phải đứng quanh ta. Họ đứng lâu quá không được ngồi thì bắt đầu sinh tâm đố kỵ, ghen ghét, nói xấu và phỉ báng lẫn nhau.... Thế là cái mong muốn, cái niềm vui của ta lại được xây dựng từ những nỗi khổ của người khác... Niềm vui đó có thật là niềm vui?
Vì thế tham vừa là động lực để phát triển vừa là nguyên nhân để tạo ra sự đau khổ cho nhau.
Vậy Tham từ đâu ra? Bắt nguồn từ một ảo tưởng - ảo tưởng về một cái Tôi duy nhất. Vì có cái Tôi nên Tôi cần đến phấn đấu để hơn những cái Tôi khác... Vì có cái Tôi duy nhất nên Tôi cần đè bẹp mọi cái Tôi khác xuống để cái Tôi của tôi trồi lên...
Vì có cái Tôi duy nhất nên tôi thấy tôi cô đơn...và nếu ai hiểu mình nghĩa là mình không còn duy nhất nữa...một đỉnh núi phải là duy nhất... nếu ai đó hiểu mình nghĩa là có một cái Tôi khác tôi cũng đang ở trên đỉnh như tôi...
Người ta thích phong Thánh cho nhau vì bản thân người phong người khác là Thánh cũng tự ảo tưởng mình là Thánh (vì chỉ có Thánh mới nhận diện được ai là Thánh ai là Phàm). Người ta chỉ phong Thánh cho người đã chết vì chí ít người đó không còn sống để cạnh tranh với mình.
Đó là trò chơi của sự ảo tưởng...!
Người ta sáng chế ra cái remote để nối dài cánh tay, sáng chế ra cái điện thoại di động để nối dài đôi tai, sáng chế ra máy quay, ra kính viễn vọng, kính hiển vi... để nối dài đôi mắt....
Con cái là sự nối dài của cha mẹ... Bạn bè là sự nối dài những lời khen nịnh nọt... Người yêu là sự nối dài của những điều thầm kín riêng tư... Chúng ta sống chính là nhằm để phát triển và nối dài cái Tôi của ta ngày một dài hơn, cao hơn và to hơn....
Người ta chỉ thích khen nhau, nịnh nọt nhau vì bản thân cái Tôi thích ve vuốt mềm mại. Người ta ghét nhau chỉ vì một câu nói thật làm phật lòng nhau vì cái Tôi ghét bị đụng chạm... Khen ngợi hay chê bai trở thành trò chơi bập bênh của cái Tôi...
Tham quyền lực hay thích chi phối người khác cũng chỉ là hình bóng của sự mở rộng cái Tôi. Được chi phối và điều khiển người khác, cái Tôi cảm thấy mình to hơn, lớn hơn.... Trở thành chủ tịch nước, tiếng nói và hình bóng của cái Tôi trở thành tiếng nói và hình bóng của hơn 80 triệu người dân... trở thành một giám đốc, tiếng nói và âm thanh của cái Tôi trở thành tiếng nói và hình bóng của cả một công ty...
Tóm lại, lòng tham có nguồn gốc từ sự ảo tưởng về cái Tôi....Lòng tham có mặt tích cực và tiêu cực, vừa là động lực để ta phấn đấu nhưng cũng là nguyên nhân gây ra sầu bi...
Nếu ta biết nhận diện được mặt tích cực của lòng tham, ta sẽ giúp ích được rất nhiều điều, không chỉ cho ta mà còn cho người khác...
Nếu ta biết nhận diện được mặt hạn chế của lòng tham, ta sẽ giảm trừ được rất nhiều phiền não u mê trong cuộc sống...
Đất nước Bhutan nhỏ bé nằm giáp ranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc có đưa ra một tiêu chí GNH (Tổng hạnh phúc quốc gia) - trong khi các quốc gia khác chỉ dựa vào GDP (Tổng sản phẩm quốc nội hay thu nhập bình quân của người dân). Quốc gia Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới mà ở đó không tồn tại khái niệm đấu tranh để giành quyền lực... Ngày vị vua trẻ tuổi của Bhutan chủ động thoái vị để đưa đất nước chuyển từ quốc gia quân chủ sang dân chủ là ngày cả đất nước và dân chúng khóc ròng vì không muốn vị vua anh minh của mình từ bỏ quyền lực của ngôi vị tối cao....
Các yêu cầu của tiêu chí Tổng hạnh phúc quốc gia có khá nhiều nhưng mình nhận thấy chỉ có đúng 1 chữ thôi, 1 chìa khóa thôi: HÀI HÒA....
Trong từng cá nhân, biết sống hài hòa và cân bằng giữa nhu cầu thể xác và tinh thần sẽ có hạnh phúc.
Trong quan hệ với người khác, biết sống hài hòa giữa cái Tôi của mình với cái Tôi của người khác sẽ đem lại niềm vui cho nhau.
Trong quan hệ với môi trường tự nhiên, biết sống hài hòa giữa con người với tự nhiên thì chẳng bao giờ sợ trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, mưa phóng xạ...
Tóm lại trong mọi thứ tóm lại: Hãy sống hài hòa với tất cả những thứ trong ta và ngoài ta, đó là con đường đi đến hạnh phúc đích thực...
CHƠI THÔI MÀ
(8/9/11)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!