Tuần trước tớ có giới thiệu với các bạn về tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông của văn hào Đức - Hermann Hesse - nói về hành trình tìm kiếm chân lý của anh chàng Tất Đạt - một điển hình mẫu mực cho phương pháp tư duy và thực nghiệm phương Đông. Hôm nay, tớ muốn gửi đến các bạn tiểu thuyết - Thế giới của Sophie - của nhà văn Jostein Gaarder - cũng nói về hành trình tìm kiếm sự thông tuệ của cô bé Sophie - nhưng đây lại là một phong cách tư duy khác của trời Tây xa xôi...
Với phụ đề là Tiểu thuyết về lịch sử Triết học, nguyên bản bằng tiếng Na Uy được xuất bản lần đầu năm 1991. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng với hơn 25 triệu bản và được xếp hạng "sách bán chạy nhất thế giới” vào năm 1995. Theo lời giới thiệu nằm ở bìa sau cuốn sách, ta có thể hình dung đây là cuốn tiểu thuyết "đã đưa người đọc vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú qua 3000 năm triết học, từ thời cổ đại đến Sartre, bằng một câu chuyện thần tiên của thời văn minh điện toán với hư ảo và hiện thực đan xen nhau tạo thành một thế giới hấp dẫn và đầy ấn tượng".
Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa phát ở Na Uy, phim truyền hình phát ở Úc. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật là Sophie và Hilde nhưng phần lớn là các mẩu đối thoại giữa Sophie và một người đàn ông bí ẩn tên là Alberto Knox. Thông qua những bức thư, những cuộc đối thoại..., tác giả đã khéo léo lồng ghép một cách ngắn gọn, súc tích và sinh động quá trình phát triển tư tưởng triết học của phương Tây từ cổ đại đến hiện đại, với những triết gia tiêu biểu nhất như: Democritus, Socrates, Plato, Aristotle, Descartes, Spinoza, John Locke, David Hume, George Berkeley, Immanuel Kant, Hegel, Kierkegaard, Karl Marx… Ngoài các triết gia, những nhà khoa học và những phát minh có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của nhân loại cũng được đưa vào như Sigmund Freud, Charles Darwin...
Điều thú vị nhất của cuốn tiểu thuyết, theo tớ, không phải là cuốn sách đã tái hiện một cách tóm lược gần như trung thực những tư tưởng lớn của nhân loại mà là
những câu hỏi rất dễ thương của nhân vật chính -
Sophie - một cô bé mới có 15 tuổi. Phải chăng chính sự ngạc nhiên, tò mò về thế giới xung
quanh, lòng khát khao tìm hiểu chân lý cùng với sự trong sáng, ngây thơ, hồn
nhiên, chưa bị quy chụp và vây phủ bởi bất kỳ định kiến nào nơi tuổi trẻ mới chính là nền tảng và điều kiện tiên quyết cho việc
nghiên cứu và tìm hiểu triết học?!
Điều ấn tượng thứ hai của cuốn tiểu thuyết, theo tớ, chính là tác giả đã biết cách đưa những tư tưởng cao siêu, trừu tượng, lấp lánh hào quang của bộ môn "khoa học của mọi khoa học" hay "nữ hoàng của các khoa học" thành những câu chuyện dung dị, đời thường và rất gần gũi với đời sống của mỗi chúng ta. Đặc biệt hơn nữa, tất cả nội dung đó chỉ gói gọn trong khoảng 605 trang sách (theo bản Tiếng Việt).
Sách được Huỳnh Phan Anh dịch từ bản tiếng Pháp và nhà xuất bản Văn học
ấn hành vào năm 1998. Theo nhiều nhà nghiên cứu, bản dịch thiếu một số
đoạn so với nguyên tác và có một
số lỗi về mặt thuật ngữ. Đến năm 2006, nhà xuất bản Tri Thức đã cho xuất bản một bản dịch khác.
(21/11/12)
Một số tóm lược gửi các bạn đọc chơi
1. Vườn địa đàng... tới một lúc nào đó, một cái gì đó đã nảy sinh từ hư vô...
2. Chiếc mũ cao vành.... phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành một triết gia tốt là ngạc nhiên...
3. Huyền thoại... một thế giới quân bình mong manh giữa những lực lượng của cái thiện và cái ác...
4. Những nhà triết học tự nhiên... không gì nảy sinh từ hư vô...
5. Democrite.... món đồ chơi tài tình nhất...
6. Định mệnh... thầy bói thử diễn đạt một cái gì tự bản tính vẫn thoát khỏi mọi cách diễn đạt...
7. Socrte... người thông minh nhất là người biết rằng mình không biết...
8. Athenes... trên những phế tích đã mọc lên những đền đài cao nhất...
9. Platon... ước muốn tìm lại nơi chốn đích thực của linh hồn...
10. Ngôi nhà gỗ của ông thiếu tá... cô gái trong gương chớp hai mắt...
11. Aristote... một con người tỉ mỉ chăm lo các ý niệm của chúng ta...
12. Văn minh Hy Lạp... một tia lửa...
13. Những tấm bưu thiếp... tôi tự đặt cho mình một sự kiểm duyệt nghiêm ngặt...
14. Hai nền văn hóa... như thế ít ra em sẽ tránh không bềnh bồng trong khoảng không...
15. Thời trung cổ... chỉ đi một đoạn đường ngắn không có nghĩa là nhầm đường...
16. Thời phục hưng... thần linh cải trang thành người...
17. Thời Ba rốc... về chất liệu làm nên những giấc mơ...
18. Descartes.... ông muốn dẹp gọn công trường...
19. Spinoza... Thượng Đế không phải là người làm trò múa rối...
20. Locke... trống trải và trần trụi như một tấm bảng đen trước khi giáo sư bước vào...
21. Hume... hãy ném nó vào lửa...
22. Berkeley... như một quả cầu say quay cuồng quanh một mặt trời bốc lửa...
23. Bjerkely... một chiếc gương kỳ diệu cũ kỹ mà cụ bà của cô đã mua của một người du cư...
24. Thế kỷ ánh sáng... từ cách chế tạo một cây kim đến cách nấu chảy những khẩu đại bác...
25. Kant.... bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật đạo đức trong tôi...
26. Chủ nghĩa lãng mạn... chính nội giới mới là nơi con đường bí ẩn tìm đến...
27. Hegel... điều hợp lý là điều có sự sống...
28. Kierkegaard... châu Âu đang đi dần đến chỗ phá sản...
29. Marx... một bóng ma đang ám ảnh châu Âu...
30. Freud... khát vọng xấu xa và ích kỷ đó đã nảy sinh nơi nàng....
32. Thời hiện đại... con người bị kết án phải tự do...
33. Buổi chiêu đãi ngoài trời.... một con quạ trắng...
34. Đối âm... hai hoặc nhiều ca khúc với những làn điệu chồng chất lên nhau...
35. Tiếng nổ lớn... chúng ta cũng là bụi của những ngôi sao...
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!