Chủ nhật ngẩn ngơ, vào ra chẳng biết làm gì. Pha bình trà sáng uống, mặt cứ đơ đơ như mất sổ gạo. Nhạc nghe hoài cũng chán, trà uống hoài cũng nhạt. Không khí không hẳn là ngột ngạt nhưng cũng chẳng phải là thông thoáng, chỉ là cảm giác lờ đờ như nước ao tù đọng...
Nhiều trò chơi quá nên không biết bắt đầu từ đâu, vì không biết bắt đầu từ đâu nên chẳng làm cái gì cụ thể cho ra hồn, vì chẳng làm cái gì cụ thể nên thành ra cứ ngồi mơ màng trong lặng lẽ... nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây... đôi khi nhìn chỉ để biết mình đang nhìn... thế thôi...
Người ta bàn nhiều đến Thiền, nào Thiền là pháp môn, Thiền là phương tiện, Thiền là mục đích, Thiền là đối tượng, Thiền là công việc, Thiền là kỹ năng, Thiền là văn hóa, Thiền là nghệ thuật...
Ai ai cũng đòi học Thiền, đâu đâu cũng thấy có lớp dạy Thiền... Nào là học ngồi, nào là học thở, nào là học nhìn, nào là học đi, nào là học đứng, nào là học nằm, nào là học cười, nào là học nói...
Người ta hay hỏi nhau có thường hay ngồi thiền không? quán chiếu được cái gì? có thấy Phật hay Bồ tát nào giáng lâm không? có thấy ánh sáng nào xuất hiện trong tâm tưởng không? có thấy ngộ ra điều gì mới mẻ không?...
Người ta thường mặc định những người đi đứng nhẹ nhàng là có tính Thiền, nói năng nhỏ nhẹ là có chất Thiền, mắt nhìn từ bi là có phong thái Thiền, sinh hoạt chậm rãi là có hương vị Thiền...
Nhưng Thiền là gì?... Khi ta hỏi "là gì" nghĩa là ta đã coi Thiền như là đối tượng và xác lập ngay cho nó một đặc tính nào đó nhằm phân biệt với những "cái" khác... và cũng chính vì học về Thiền như vậy nên Thiền đã không còn là "thiền" nữa...
Khi mặc định Thiền phải ngồi như thế này, đi như thế này, nói như thế này, cười như thế này, thở như thế này, nằm như thế này... thì vô tình người ta đã khu biệt cuộc sống trở thành một bức ảnh chụp, một lát cắt... và cũng vì thế mà người học thiền trông như một xác chết không hồn, một ma nơ canh di động...
Thiền chẳng là gì cả... Nó chẳng phải kỹ năng cũng chẳng phải pháp môn, nó chẳng phải là mục đích mà cũng chẳng phải là phương tiện, nó chẳng phải là nghệ thuật mà cũng chẳng phải là đối tượng cho bất cứ môn học nào...
Thiền là cuộc sống... Không ai có thể dạy Thiền và cũng chẳng ai có thể học Thiền... Cuộc sống không thể mặc định trong một khuôn khổ và vì thế cũng không ai có thể đóng khuôn Thiền trong một mẫu hành vi...
Khi bạn quét nhà để cho sạch thì việc quét nhà trở thành phương tiện cho căn nhà sạch sẽ... Khi bạn chậm rãi đếm từng bước chân của mình thì bước chân của bạn trở thành phương tiện cho việc đếm số... Khi bạn ngồi tĩnh tâm và mong chờ có ánh sáng hào quang nào đó xuất hiện thì việc ngồi của bạn trở thành phương tiện cho việc mong ước nhìn thấy những điều siêu nhiên...
Thiền có thể nói to oang oang và khi cần cũng có thể nói năng nhỏ nhẹ, thiền có thể trong từng bước đi chậm rãi nhưng thiền cũng có mặt ngay trong từng bước chân hộc tốc vội vàng, thiền có thể tồn tại trong đôi mắt hiền từ thường nhìn trước bước chân không quá 3 mét nhưng thiền cũng có thể sống động trong cái nháy mắt tinh nghịch...
Khi ta nhìn "Thiền" không phải là danh từ viết hoa mà chỉ là "thiền" với chữ T viết thường thì thiền sẽ là luồng sinh khí mới đi vào mọi hoạt động thường ngày với tất cả khuôn mặt đa chiều và phức tạp, ở đó chẳng có gì là khuôn mẫu để buộc người ta phải như thế này hay phải như thế nọ...
Quét nhà chẳng quan tâm đến chuyện sạch, chỉ quét là để biết mình đang quét... Đi chẳng phải để đến mà đơn giản chỉ để biết mình đang đi... Ngồi chẳng phải để mong chờ một cái gì khác mà đơn giản chỉ để biết mình đang ngồi... Tự thân mỗi hành động, khi thực hiện trong sự TỈNH THỨC thì dù nói gì, làm gì, nghĩ gì cũng đều được thể diễn trong ánh sáng tinh khôi của sự sống linh động...
Cầu thành Phật ư?
Để làm gì?
Để được ngồi trên tòa sen hay để được người ta cung kính lễ lạy?
KHÔNG!
Phật chẳng phải là ai đó cao sang hay là cái gì đó phi phàm
Phật chỉ là sự TỈNH THỨC trong từng hành vi
Có thể cầu thành Phật được không?
KHÔNG THỂ!
Phật không ở ngoài ta nên không cần phải CẦU
Phật không phải là địa vị nên không thể THÀNH
Phật là sống trong TỈNH THỨC
Đơn giản thế thôi!
(21/10/12)
Vẫn biết là sự tỉnh thức nhưng sao quá trìu tượng, vẫn u u mê mê giữa vô vàn tỉnh thức, sợ lạc đường...
Trả lờiXóaCái gì cũng phải thử, sợ lạc thì chẳng bao giờ tìm ra được đường đúng cả:)
XóaNếu đi cứ bước đi mà không hỏi chỉ biết mình đang đi thì đâu thấy mình lạc đường
XóaKhi bik lạc đường nghĩa là có cơ hội loại trừ một khả năng sai rồi đó:)
Xóa