Thống nhất trong sự hài hòa



Tôi đã từng nghe có một câu chuyện cổ Ấn Độ kể rằng: ngày xửa ngày xưa có hai kẻ ăn mày. Một kẻ bị què và một kẻ bị đui. Cả hai người hành khất đều ăn xin chung một thị trấn và chúng rất ghét nhau. Cứ người bị què có ăn thì người mù bị đói và ngược lại. Thị trấn cũng không khá giả gì và đó là lý do khiến hai kẻ ăn xin phải tranh giành từng tí khoảng trống một để kiếm sống. 


Một hôm, vì một lý do nào đó, ngôi làng nơi hai người hành khất ở bị cháy. Ai cũng cuống cuồng tìm cách thoát thân. Chỉ tội cho anh què không thể chạy và anh mù không nhìn thấy đường. Trong lúc hoảng loạn, hai anh hành khất nhìn nhau, quên hết tất cả ân oán giang hồ xưa kia, quyết định bắt tay nhau giảng hòa bằng cách: anh què trèo lên lưng để anh mù cõng còn anh mù nhờ anh què chỉ đường để cả hai cùng thoát thân trước trận hỏa hoạn bất ngờ.... 


Câu chuyện ngàn năm xưa của Ấn Độ có tính chân thực bao nhiêu không phải là chuyện quan trọng đối với chúng ta nhưng ý nghĩa câu chuyện đó cho ta nhiều bài học thấm thía:

1. Đối với thân thể chúng ta:
 

Theo các bạn, con tim quan trọng hơn hay bộ não quan trọng hơn? Con tim về mặt sinh học là nơi truyền tải máu để nuôi dưỡng bộ não, về mặt văn học là thể hiện cho cảm xúc yêu thương. Bộ não về mặt sinh học là trung tâm thần kinh điều khiển mọi hoạt động của cơ thể và nhìn khía cạnh nào đó là đại biểu cho tư duy lý trí. Và chính từ những chức năng này của cơ thể, chẳng biết từ khi nào, người ta đã phân chia thân thể chúng ta thành hai phần: thể xác và tinh thần rồi từ đó, các triết gia rảnh rỗi ngồi tranh luận với nhau xem cái nào quan trọng hơn cái nào. Duy vật coi thể xác là quan trọng, duy tâm coi tinh thần là quan trọng... và cuộc chiến không cùng tận giữa duy vật và duy tâm trở nên gay gắt đến mức không thể dung hòa. Nếu có một ai đó cố gắng xây dựng một chiếc cầu nối giữa hai trường phái với nhau thì bị gắn ngay cái mác: chiết trung chủ nghĩa hoặc nhị nguyên chủ nghĩa. Cuộc chiến này không dành cho kẻ thứ ba và bất kỳ ai là trung gian hoặc đứng ngoài cuộc chiến đều bị những người thuộc hai phe chê bai không lời thương tiếc. 

Thế nhưng... một đứa trẻ sinh ra chúng có biết gì là thể xác và tinh thần đâu. Chúng đơn giản được cha mẹ sinh ra một thể xác và cùng với đó là niềm vui có mặt ở đời. Chúng đâu cần quan tâm đến việc cái nào quan trọng hơn cái nào. Ai đánh, chúng đau hay không cho chúng ăn, chúng khóc. Mà ai làm chúng buồn chúng giận thì chúng cũng chẳng thèm ăn dù chúng đói. Đời đơn giản thế thôi. Vậy mà mấy tay triết gia lại bày đặt vòng vo lý luận có cơ thể thì mới có tinh thần (duy vật) hoặc tinh thần hay ý niệm tạo nên sự sống (duy tâm)... Như vậy, đối với cơ thể ta, rắc rối nằm ở chỗ ta cố gắng phân chia thành hai thành tố: vật chất và tinh thần trong khi thực tại thì không hai. Sống chỉ để ăn thì chẳng cần làm người mà không có ăn thì chẳng thể sống được. Nếu biết trân trọng "vừa đủ" thể xác, ta có đủ điều kiện để phát triển đời sống tinh thần. Nếu biết trân trọng tinh thần, thể xác của ta cũng khỏe mạnh và thăng hoa. Giả dụ như một cây xanh, chỉ có rễ mà không có lá, hoa... thì trồng cũng chật đất và nếu chỉ nhìn hoa mà không quan tâm đến rễ thì hoa nở được bao lâu?! Cũng như vậy, kẻ chỉ chăm lo đời sống thể xác (chủ nghĩa khoái lạc) thì đó chỉ là một "người con" chứ không phải "con người" đúng nghĩa, còn kẻ cố gắng hành hạ thể xác để chăm lo đời sống tinh thần (chủ nghĩa khổ hạnh) thì kẻ đó đang sống trên mây chứ không phải ở dưới mặt đất. 


Tóm lại, con tim hay bộ não hoặc thể xác và tinh thần chỉ như kẻ hành khất mù lòa và kẻ ăn xin què quặt. Muốn chạy thoát khỏi trận hỏa hoạn ta phải biết kết hợp giữa kẻ mù và người què làm một. Muốn một cuộc sống có đầy đủ ý nghĩa thì ta cũng phải biết phát triển cả thể xác lẫn tinh thần, cả tư duy lý trí lẫn cảm xúc yêu thương. 

2. Đối với các lãnh vực khoa học.
 

Từ sự phân chia thể xác và tinh thần, các lãnh vực nghiên cứu của con người cũng theo đó phân biệt thành hai: khoa học và tâm linh (tôi không dùng từ tôn giáo bởi một trong những tiêu chuẩn để gọi là tôn giáo không phải là niềm tin mà là tổ chức - và để hình thành cái gọi là tổ chức thì chí ít phải có tư duy khoa học về tổ chức). Và cũng như hai kẻ ăn xin suốt ngày chê bai đả kích nhau để kiếm cơm, hai lãnh vực này trong lịch sử dường như cũng chưa bao giờ chấp nhận chung sống với nhau. Kẻ làm khoa học thì tự hào cho mình là khám phá chân lý trên những công cụ khách quan và chê các nhà tâm linh thì mê tín chỉ vì đơn giản nó huyền bí, có tính chất cá nhân và đơn giản là không thể chứng minh bằng các công cụ thực nghiệm. Ngược lại các nhà tâm linh lại phê phán các chuyên ngành khoa học (cả tự nhiên và xã hội) là hời hợt, là sống tách rời thực tại, là thô thiển và chỉ có họ là sống hợp nhất với thưc tại, với cuộc sống... 


Thế nhưng... các lãnh vực khoa học phát triển đến tận cùng để làm gì? khám phá ra chân lý để làm gì nếu không phải để con người có hạnh phúc hơn.Và đời sống tâm linh là gì nếu không phải là trải nghiệm sự bình yên, thanh thản của hạnh phúc toàn hảo và viên mãn. Bởi thế, nhận diện đúng sự đóng góp của các chuyên ngành khoa học và tâm linh đối với đời sống của con người và ứng dụng vào đúng các lĩnh vực của chúng chính là chìa khóa để giải mã thực tại cuộc sống. 

Xin hãy dừng lại mọi cái nhìn của biên kiến và thành kiến để hướng tới sự thống nhất trong hài hòa. Đừng để cái nhìn của bạn bị nô lệ vào tập quán, truyền thống, môi trường giáo dục hay chuyên ngành bạn đang nghiên cứu mà phán xét cuộc sống và tha nhân. Yêu thương con người bằng đôi mắt tuệ giác và phát triển tuệ giác không gì khác hơn chính là để yêu thương sự sống nhiều hơn.

Hãy cất bước lên đường tìm kiếm CHÂN - THIỆN - MỸ tùy theo niềm vui và sở thích của mỗi người. Bạn có thể tìm kiếm nó thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học (tự nhiên và xã hội) và bạn cũng có thể tìm kiếm nó thông qua thiền quán, tư duy trong thế giới nội tâm riêng của mỗi người. Cả hai con đường đều đưa bạn đến sự trải nghiệm thực tại cuộc sống trong tính như thực của nó. Quan trọng là biết đánh giá đúng năng khiếu và sở trường của riêng mình. Và cái này còn quan trọng hơn nữa: hãy cất bước và đừng bao giờ sợ sai. Người đi sai còn tốt gấp vạn lần kẻ ngồi im một chỗ. 

Sai là khởi đầu của đúng và nỗi sợ là bức tường ngăn cản mọi con đường của bạn!
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất