Sức sống của EURO đã bắt đầu lan tỏa đến từng căn nhà, góc phố, len lỏi đến công sở, tác động đến nhịp điệu sinh hoạt của mỗi người làm chu trình cuộc sống chuyển từ đêm sang ngày và ngày sang đêm.
Giờ là lúc ta có lý do để ngủ ngày mà
ai cũng có thể cảm thông bởi sức quyến rũ của trái bóng tròn lăn trên
sân cỏ với nhịp điệu hối hả của 22 con người tham gia và tỷ người cùng
nín thở chờ đợi.
Có người nói với tôi rằng tại sao phải
tranh nhau một quả bóng trong khi số tiền để tổ chức trận đấu có thể mua
đến cả triệu quả bóng cho mỗi cầu thủ và họ thầm cười cho sự vớ vẩn của
những tín đồ đặt hết niềm tin vào một quả bóng.
Họ có lý do để cười lắm chứ bởi đơn
giản họ ở ngoài cuộc chơi, họ không bị cuốn hút vào quả bóng cũng như
những giọt mồ hôi và nước mắt trên sân nên việc tranh nhau một quả bóng
đúng là một trò chơi vớ vẩn.
Nhưng trên đời này có gì không phải là một trò chơi, không những thế nó còn tệ hơn cả một trận cầu.
Thiên hạ tranh nhau một chiếc ghế, đánh
nhau vì chỗ ngồi tràn lan ra đấy chứ. Các cuộc tranh cử tổng thống Hoa
Kỳ giành nhau cái ghế Nguyên thủ quốc gia mà chẳng tiếc tiền, mồ hôi và
đôi khi cả máu. Các cuộc đấu đá trong hậu trường chính trị, hậu trường
cuộc thi hoa hậu hay đại loại trăm ngàn những thứ vớ vẩn như thế cũng
chỉ tranh nhau MỘT cái ghế, MỘT cái vương miện, MỘT danh hiệu, MỘT….
những thứ mỹ hiệu gì gì đó do con người tạo ra. Thiên hạ nhiều khi lại
thích đánh nhau, xỉa xói nhau, nói xấu bới móc nhau, giết chóc lẫn nhau
để tìm kiếm cái MỘT chứ lại không thích những cái NHIỀU… cho nên ta mới
có những trò chơi vớ vẩn mà lăn tăn, mà suy ngẫm, mà thắc mắc, mà âu lo,
mà nuối tiếc…
Bạn chấp nhận cuộc sống tức là bạn đang
tham gia vào một trò chơi, đã tham gia vào trò chơi thì phải chấp nhận
luật chơi riêng của nó. Mỗi trò chơi có những luật chơi riêng mà không
thể đem luật chơi này gán ghép vào trò chơi khác.
Đá bóng có luật đá bóng, không biết
luật thì dễ bị thẻ đỏ đuổi khỏi sân. Đời có luật đời, không am hiểu luật
chơi của cuộc đời thì cuộc đời cũng sẽ rút thẻ đỏ loại bạn. Nhưng luật
bóng đá do FIFA xây dựng nên và được các tổ chức bóng đá chấp hành còn
luật đời, ai có đủ thẩm quyền để xây dựng nên bộ luật đó?
Chúng ta đang có quá nhiều bộ luật cuộc
đời chi phối, trong nước có pháp luật, quan hệ quốc tế có công pháp
quốc tế, quan hệ giữa người với người có luật đạo đức xã hội vô hình chi
phối… Nhưng đâu mới là bộ luật tối cao khi tham gia thở bầu không khí
chung của nhân loại?...
Trong bóng đá bạn có thể qua mặt trọng
tài để hưởng một quả phạt đền trời cho hay phạm luật nhưng không bị phát
hiện và kết quả trận đấu có thể nhờ thế mà có lợi cho bạn. Luật pháp
trong nước hay quốc tế chịu quá nhiều chi phối bởi đồng tiền, quyền lực
và sức mạnh. Đạo đức xã hội chỉ có hiệu lực khi bị xã hội phát hiện và
lên án. Vậy nếu bạn có tiền, có quyền, khống chế được luật pháp và làm
việc xấu mà chưa bị xã hội phát hiện ra thì khi đó bạn vẫn là người VÔ
TỘI và có quyền được hưởng mọi đặc quyền như cầu thủ bóng đá gian lận
trên sân?
KHÔNG!
Không chờ đợi trọng tài thổi còi, một
cầu thủ đúng nghĩa sẽ cảm thấy hối tiếc với hành động thiếu fairplay của
mình mà biết cố gắng thi đấu hết mình, một con người đúng nghĩa sẽ tự
ăn năn khi phạm luật chơi của cuộc đời mà không chờ đến khi mình hết
quyền, hết tiền hay bị xã hội phát hiện.
Vậy mới hay bộ luật tối cao của cuộc đời chính là LƯƠNG TÂM. Chỉ có tòa án lương tâm mới đủ sự công bằng trước mọi hành vi của mình trong cuộc sống. Và vì thế, cũng chẳng nên bức xúc làm gì nếu luật bên ngoài chưa đủ công minh bởi LUẬT BÊN TRONG TÂM HỒN mỗi con người sẽ tự điều chỉnh tất cả.
Mời bạn xem tiếp PHẦN 2
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!