Trong phần 1, tôi đã đề cập đến luật trong bóng đá và luật trong cuộc đời. Tiếp theo phần 2, tôi xin được phép đề cập đến giá trị của bàn thắng trong trận đấu cũng như trong cuộc đời.
Như chúng ta đều biết, mọi trận cầu được gọi là hay và
kịch tính, hoa mỹ một chút gọi là “đại tiệc” thì ít nhất trận đấu đó
phải có bàn thắng. Trận đấu có hay và hấp dẫn mấy đi chăng nữa mà không
có bàn thắng thì kể như vẫn còn thiếu thiếu một cái gì đó.
Bàn thắng là liều thuốc kích thích cầu thủ hăng say
với trái bóng hơn, là đỉnh điềm của mọi khát vọng nơi cầu thủ, huấn
luyện viên và cả khán giả. Một bàn thắng được ghi, tất cả bế tắc được
giải tỏa, niềm vui của kẻ thắng và nỗi buồn của kẻ bại vỡ òa trong âm
thanh “V…À…O…” đầy ngất ngây và sung sướng.
Nhưng có phải chăng bàn thắng là tất cả giá trị của một trận cầu?
Hiểu theo một cách nào đó, mỗi cầu thủ ra sân đều mong
muốn đội của mình chiến thắng. Nhưng bàn thắng đôi khi lại không đi
chung với chiến thắng. Với đội mạnh, ghi bàn vào lưới đội yếu hơn tức là
thắng. Với đội ngang mình, nghi bàn vào lưới đối phương tức là thắng
nhưng tùy từng trường hợp, nếu đá trên sân khách là thắng, đá trên sân
nhà, ghi bàn có cảm giác bình thường mà để đội khách cầm chân kể là
thua. Với đội yếu hơn, giữ sạch mành lưới của mình trước đội mạnh là
thắng, dù chẳng cần ghi được bàn nào. Bởi thế, ghi bàn không đồng nghĩa
với chiến thắng.
Bàn thắng không đồng nghĩa với chiến thắng, vậy cách nào để xác định đội chiến thắng mà không cần đến bàn thắng?
Thật ra, 90 phút chiến đầu trên sân, giỏi lắm cũng chỉ
có thể ghi vài ba quả, nhiều nhất cho đến nay, theo tôi được biết là 17
quả, điều đó có nghĩa là trong 90 phút chiến đấu, chỉ có cao nhất là 17
phút, đúng hơn là 17 giây để ăn mừng, còn tất cả các phút còn lại, cái
quan trọng nhất là cách điều tiết trận đấu, cách triển khai thế trận,
tinh thần chiến đấu và một chút gì đó được gọi là may mắn… Như vậy, cái
chính của một trận cầu bóng đá trong suốt 90 phút trên sân cỏ là cách
thức làm thế nào để ghi bàn vào lưới đối phương chứ không phải là khi đã
ghi bàn.
Nếu một đội biết điều tiết trận đấu tốt, bày binh bố
trận giỏi, tinh thần chiến đấu cao… thì ghi bàn là hệ quả tất yếu sẽ đến
(trừ trường hợp thiếu may mắn). Vậy đứng dưới góc độ nhân quả, ghi bàn
chỉ là kết quả còn nguyên nhân thực sự lại nằm ở cách chơi của cả đội
tuyển.
Từ sự phân tích trên, giá trị của một trận thắng thật
ra không phải nằm ở việc ghi bàn mà là ở cách chơi của cả đội. Một đội
chơi hay hơn nhưng không ghi được bàn thắng nào, người ta vẫn công nhận
đội đó đá hay và giỏi. Cầu thủ ghi được bàn thắng đáng để hoan nghênh
nhưng người dàn xếp trận đấu mà nôm na hay gọi là “nhạc trưởng” lại đáng
hoan nghênh hơn. Còn đội chơi dở hơn nhưng may mắn trong khâu ghi bàn
thì dù có chiến thắng đi nữa, sau cái giây ngất ngây sung sướng của cầu
thủ, huấn luyện viên và cả khán giả, họ vẫn phải tự thừa nhận họ kém hơn
và có chút may mắn hơn mà thôi.
Trong bóng đá, ghi bàn là khâu cuối cùng của mọi đường
chuyền bóng, chiến thắng là ước mơ cuối cùng khi ra sân nhưng cách
triển khai thế trận như thế nào mới thật sự quyết định giá trị của một
trận cầu.
Từ bóng đá, ta thấy có cái gì ẩn dấu cuộc đời của ta
trong đó. Ta học 12 năm phổ thông chỉ để có được cái bằng Tú tài, mài
nát đũng quần 4 năm trời đề cầu mong có được cái bằng Đại học… có bằng
cấp, ta cầu mong có được việc làm, có gia đình hạnh phúc, có vật chất
đầy đủ, có con cháu đầy đàn…
Hiểu nôm na là bằng Tú tài là một bàn thắng, bằng Đại
học là một bàn thắng, vợ đẹp con ngoan là một bàn thắng… và cứ thế ta
mong ước ghi thêm thật nhiều bàn thắng nữa cho cuộc đời chúng ta… và như
thế ta gọi là HẠNH PHÚC.
Nhưng thật ra, giá trị của hạnh phúc thật sự lại không
phải là có được những bằng cấp và gia đình như vậy. Như trong bóng đá,
giá trị của trận cầu là cách chơi trong suốt 90 phút, cũng vậy, cách ta
học, cách ta sống mới chính là giá trị thật sự của cuộc đời, còn bằng
cấp hay địa vị chỉ là kết quả tự nhiên phải đến mà thôi (trừ yếu tố
thiếu may mắn).
Nếu bạn có cách học tốt, cách sống tốt, bằng Tú tài sẽ
tự nhiên đến, bằng đại học sẽ tự nhiên đến, vị trí xã hội sẽ tự nhiên
đến… như trong một trận cầu, dàn xếp trận cầu tốt, bàn thắng sẽ tự nhiên
đến.
Cách ta học, cách ta
sống tạo nên giá trị của cuộc sống. Trong khi ta sống hết mình với việc
học, với cuộc sống thì hạnh phúc sẽ tự nhiên đến chứ không chờ khi ta
“ghi bàn” vào lưới đối phương. Còn học gian, sống dối thì dù có được
những bằng cấp hay địa vị cũng chẳng có giá trị gì cả, chẳng ai công
nhận chiến thắng của mình và ngay cả chính mình cũng thấy chẳng có hạnh
phúc gì với cái mà mình đã đạt được. Điều đó tương tự như việc mua trọng
tài hay cá độ để tìm kiếm một trận thắng vậy.
Dĩ nhiên, khát vọng bằng cấp cao, địa vị xã hội lớn… là khát vọng muôn đời của nhân loại nhưng giá trị thật sự lại không nằm ở cái đó mà nằm ở cách thức ta có được chúng như thế nào. Vì thế, hãy sống hết mình với việc mình đang làm, hãy cố gắng để ý và quan tâm đến cách thức mà ta đang thể hiện, hạnh phúc thật sự của ta nằm ở đó chứ không chỉ nằm ở kết quả của nó.
GIEO HẠT VÀ TƯỚI CÂY LÀ HẠNH PHÚC, HOA THƠM VÀ QUẢ NGỌT CHỈ LÀ KẾT QUẢ TỰ NHIÊN PHẢI ĐẾN MÀ THÔI.
Mời bạn tiếp tục đón đọc PHẦN 3
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!