Từ bóng đá đến cuộc đời (4)


Phần 3, chúng ta đã đề cập đến cầu thủ trên sân. Hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến một nhân vật quan trọng không kém các cầu thủ ra sân nhưng lại không bao giờ xuất hiện trên sân bóng: Huấn luyện viên.

Điều ngạc nhiên nhất trong bóng đá là nhân vật quan trọng nhất của trận đấu lại không trực tiếp đá bóng mà ở ngoài sân cỏ. Ông chính là tác giả của chiến thuật, là đầu tàu của đội bóng. Sự thắng bại của đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào quyết sách của ông.

Chúng ta thường nghe báo chí nói quá nhiều về các cầu thủ, nào là cầu thủ này giỏi, cầu thủ kia sa sút… nhưng rất ít khi nào bình luận về dấu ấn của huấn luyện viên. Chúng ta chỉ nghe người ta bàn đến huấn luyện viên khi ông này thay người và người được thay ghi dấu ấn đậm nét trong trận đấu đó. Điều này thật là một thiếu sót lớn.

Huấn luyện viên là ai?

Là thầy của các cầu thủ.

Là người xây dựng chiến thuật và sơ đồ cho đội bóng.

Là người ra quyết định quan trọng trong những giây phút quan trọng nhất như thay người, thay đổi sơ đồ, thay đổi chiến thuật…

Một đội bóng không có nhiều cầu thủ giỏi nhưng có được một huấn luyện viên giỏi, biết xây dựng lối chơi đồng đội, biết vực dậy tinh thần chiến đấu và chiến thắng cho cầu thủ thì khả năng thắng trận có thể lên đến 60%, ngược lại, trong tay có nhiều cầu thủ giỏi mà không biết huấn luyện, không có chiến thuật tốt, không có đôi mắt “đọc” trận đấu… thì khả năng thất bại cũng lên đến 60%.

Mùa Euro đã đi được nửa chặng đường, chúng ta đã nhận thấy khả năng của huấn luyện viên đội tuyển Hà Lan mặc dù trong tay ông ta không có quá nhiều xuất chúng. Ngược lại, Pháp hay Ý, cầu thủ giỏi không thiếu nhưng lại chẳng làm nên trò trống gì… Điều đó cho thấy vai trò của huấn luyện viên quan trọng chẳng kém gì 11 cầu thủ trên sân.

Trong bóng đá, vai trò của huấn luyện viên quan trọng như vậy, còn cuộc đời, ai là huấn luyện viên đây?

Dưới góc độ triết học, cái mà Aristote gọi là siêu hình học, huấn luyện viên của cuộc đời được nhìn dưới 3 góc độ cơ bản:

Thứ nhất, các nhà duy tâm khách quan, tôn giáo thừa nhận có một vị Thượng Đế đứng ra sáng lập vũ trụ, trong đó có con người. Thượng Đế không chỉ là cha đẻ mà còn là huấn luyện viên của cuộc đời, thiết kế và tạo dựng nên cuộc đời theo ý muốn của Chúa. Con người là cầu thủ, cuộc đời là trò chơi bóng đá mà Chúa chính là huấn luyện viên.

Thứ hai, các nhà duy vật vô thần, bác bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế. Họ quan niệm cuộc đời phải thuận theo quy luật của tự nhiên, con người muốn tồn tại cũng phải thuận theo tự nhiên và tất cả mọi hành động của con người do con người tự quyết định. So sánh với bóng đá, có thể nói các cầu thủ không cần đến huấn luyện viên mà tùy từng giai đoạn của trận đấu, các cầu thủ sẽ tự điều chỉnh đấu pháp sao cho phù hợp với lý tính của mình. Heghen từng nói rằng: cái hợp lý thì tồn tại và cái tồn tại thì hợp lý. Do vậy, chính lý tính của con người là huấn luyện viên cho cuộc đời này.

Thứ ba, các nhà phiếm thần luận, các nhà duy tâm chủ quan… quan niệm đa dạng hơn. Đối với phiếm thần luận, Thượng Đế là tự nhiên và tự nhiên là Thượng Đế. Huấn luyện viên chính là Thượng Đế và huấn luyện viên cũng chính là quy luật của tự nhiên. Các nhà duy tâm chủ quan cho ý thức chủ quan xác lập quy luật của cuộc chơi nên huấn luyện viên của trận đấu là khả năng tư duy và tâm thức của từng cầu thủ. Nói nôm na, mỗi cầu thủ, vừa là cầu thủ vừa là huấn luyện viên định hình lối chơi cho cuộc đời này.

Sự so sánh của tôi ở trên tuy hơi khập khễnh, chưa đề cập đến hết các quan niệm của các nhà triết học đối với vấn đề quan trọng nhất của khát vọng con người nhưng cũng tương tự phần nào. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn đề cập là tác động của huấn luyện viên trong bóng đá và tác động của huấn luyện viên trong cuộc đời, cái đó mới thật sự có ý nghĩa.

Trong bóng đá, mọi cái không bao giờ diễn ra đúng ý tưởng của huấn luyện viên nên nhiều khi huấn luyện viên cũng có sai lầm nhưng không điều chỉnh kịp, do vậy buộc các cầu thủ phải chủ động thay đổi để đáp ứng với đòi hỏi của trận đấu. Huấn luyện viên chỉ có thể thay ba cầu thủ để thay đổi chiến thuật chiến đấu trong khi từng tình huống có những diễn biến bất ngờ không thể dự đoán được, điều đó buộc cầu thủ phải linh hoạt trong đấu pháp cũng như những cú chuyền, cú sút cụ thể… Cuộc đời cũng vậy.

Nếu bạn tin có Thượng Đế, Ngài cũng chỉ quyết định ba tình huống: thứ nhất, thời điểm bạn sinh ra, những may rủi thỉnh thoảng gặp và cuối cùng là thời điểm bạn “ra đi”. Ba dấu ấn này là ba dấu ấn bạn không quyết định được, còn tất cả những việc còn lại, chỉ có duy nhất một mình bạn phải đối diện và tự giải quyết. Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta thường chấp nhận chuyện mình sinh ra ở đâu, trong hoàn cảnh nào…  cũng như khi nào bạn phải nhắm mắt xuôi tay, cái còn lại, chúng ta luôn phải tính toán, phải tư duy, phải suy nghĩ hơn thiệt…  Vậy vai trò của chính bạn đối với cuộc đời của bạn quan trọng hơn vai trò của Thượng Đế nhiều cũng như sự chủ động của cầu thủ quan trọng hơn là chờ đợi sự điều chỉnh của huấn luyện viên.

Với những người vô thần …, chúng ta cũng nhận thấy lý tính không bao giờ là yếu tố quyết định. Lịch sử đôi khi sang trang chỉ một phút “bốc đồng” nào đó, chẳng hạn như Vua nhà Chu mất nước chỉ vì có được tiếng cười của người đẹp, Einstein khám phá ra thuyết Tương đối trong một trực giác nhất thời… Do đó, lý tính không bao giờ là yếu tố quyết định tất cả.

Trong bóng đá, sự thành bại phụ thuộc vào từng cầu thủ trên sân, phụ thuộc vào cả đội bóng và phụ thuộc vào quyết định của huấn luyện viên. Cuộc đời cũng vậy, sự thành công hay thất bại của bạn phụ thuộc vào nơi bạn sinh ra, phụ thuộc vào những mối quan hệ của bạn và phụ thuộc vào chính quyết định của bạn.

Hãy nhìn cuộc đời trong một mối tương quan vô tận, trong đó có hành động của ta, có các quan hệ với tha nhân, với xã hội, với môi trường tự nhiên và cả với cái may rủi của cuộc đời. Mọi sự đề cao thái quá vào MỘT yếu tố nào đó, hoặc là ta, hoặc là môi trường ta sống, hoặc là may rủi… đều là sai lầm.

Tái bút: Cuộc đời quan niệm có may rủi còn trong Đạo Phật, không có yếu tố may rủi mà tất cả chỉ thể hiện quy luật Nhân quả và Nghiệp báo. Sự hên xui mà kiếp này ta gặp phải là kết quả mà ta đã gây ra từ một kiếp nào đó trong quá khứ.

Do phạm vi bài viết nên chủ đề về những vấn đề siêu hình học sẽ được bàn chi tiết hơn trong những lần sau.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất