Nằm trằn trọc mãi chẳng ngủ được, định kiếm ai đó phá đám chơi, khổ nỗi thiên hạ ngủ say như chết cả... Thôi thì đành phải gọi cố nhân dậy mà chơi vậy...
Kỳ trước tớ đã giới thiệu đến các bạn tập sách Tự thuật (Confession) của một trong những nhà giáo phụ học lừng danh Kyto giáo là Augustin, quyển sách nói về những phản tỉnh nội tâm của một tín đồ - một triết gia - một nhà kinh viện tôn giáo. Hôm nay tớ muốn gửi tặng đến các bạn một quyển Confession (Tự thú) khác, của đại văn hào nước Nga - Lev Tolstoy.
Chúng ta đã từng quen biết ông qua hai bộ tiểu thuyết đã đi vào kho tàng kinh điển của văn học thế giới là Chiến tranh và hòa bình (1869) và Anna Karenina (1877). Sau hai năm ra đời những giằng xé nội tâm đầy xung đột của nhân vật Levin trong Anna Karenina, ông hoàn thành bản thảo Tự thú vào năm 1879, nhưng mãi cho đến năm 1884 nó mới chính thức được xuất bản.
Nội dung chính của Tự thú chính là chặng đường tìm ý nghĩa của sự sống, dưới góc nhìn của nhà văn. Có thể coi 16 chương trong tác phẩm chính là 16 ngã rẽ mà nhà văn của chúng ta đã trải qua trên con đường khai lộ chân lý. Có thể chúng ta đồng ý hay không đồng ý câu trả lời tối hậu của nhà văn về ý nghĩa của cuộc sống, nhưng cách thức truy vấn từ trong tác phẩm thật đáng để học hỏi.
Khi nói về tác phẩm, Ernst J.Simmon mô tả Tự thú như là "một trong những phát ngôn cao cả nhất và dũng cảm nhất của con người, những tuôn trào của một linh hồn bị bối rối cực độ bởi vấn đề lớn của cuộc sống - mối quan hệ của con người với cái vô hạn - nhưng được thực hiện với sự chân thành trọn vẹn và nghệ thuật cao".
Và nói như nhà biên tập David Patterson khi giới thiệu tác phẩm: "quả thật cái ý nghĩa mà ông phấn đấu để đạt tới, nó tự tiết lộ ra trong cuộc truy tầm nhiều hơn là trong sự phát hiện, và việc nêu câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống thì quan trọng hơn là việc trả lời câu hỏi ấy"...và rằng "đó là câu hỏi về cuộc sống mà Tolstoy đã nêu ra trong Tự thú của ông, một câu hỏi cũng phi thời gian như tinh thần vậy"...
Tôi tin rằng, khi đọc tác phẩm, mỗi chúng ta sẽ bắt gặp những thao thức của chính mình, đang được hiển lộ trên từng con chữ. Chặng đường của Lev Tolstoy không nhất thiết là chặng đường của mỗi chúng ta nhưng mục đích của sự tìm kiếm thì không bị bó buộc bởi không gian hay thời gian, và thao thức về bản chất của sinh tồn thì không bị lệ thuộc bởi phong thổ hay tập quán.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn!
(19/12/2012)
Tái bút
Lần mò về những bút ký khi đọc tác phẩm này, xin gửi tặng các bạn một vài dòng trích dẫn mà tớ tâm đắc nhất, coi như là đọc chơi chơi chào ngày mới nha:
- Người ta sống như mọi người sống, nhưng tất cả họ đều sống theo những nguyên tắc mà không những không dính líu gì tới những lời dạy của đức tin, mà phần lớn là ngược lại với những lời dạy đó (1, 18).
- Tôi thấy rõ rằng, trừ ra cái bản năng thú vật, thì cái niềm tin mà đã tác động đến đời tôi, cái niềm tin đích thực duy nhất mà tôi đã có, là niềm tin vào sự hoàn hảo, (1, 23).
- Những phán đoán của tôi phải được đặt nền tảng trên cái gì là đúng và tất yếu, chứ không phải trên cái mà người ta nói và làm; tôi không nên phán đoán theo sự tiến bộ mà phải phán đoán theo trái tim của riêng tôi (3, 38),
- Chính tôi không biết là tôi muốn cái gì. Tôi sợ cuộc sống, tôi vùng vẫy để loại bỏ nó, và tuy vậy, tôi vẫn hy vọng về một cái gì đó từ nó (4, 50).
- Chừng nào tôi không đang sống cuộc đời của chính mình, mà chỉ sống cuộc đời của một người khác, thì cuộc đời ấy như một ngọn sóng đang mang tôi đi trên cái chóp đỉnh của nó (4,57).
- Bạn là một phần của cái toàn thể. Nếu bạn biết càng nhiều càng tốt về cái toàn thể và nếu bạn biết cái quy luật phát triển của nó, bạn sẽ đi tới chỗ biết vị trí của bạn trong cái toàn thể và biết chính bạn (5, 64).
....
- Ngay cả tôi, kẻ đã cho rằng, chân lý nằm trong sự kết hợp của tình yêu, cũng bị bó buộc phải công nhận rằng những lời dạy của giáo lý lại hủy diệt chính cái mà nó bắt tay vào để tạo dựng nên (15, 177).
- Tôi không nghi ngờ là có một chân lý... nhưng cũng không có nghi ngờ nào rằng nó nuôi giữ một sự dối trá; và tôi phải tìm ra cái chân lý và sự dối trá để mà tôi có thể phân biệt chúng (16, 188)
...
TEM BUỔI TỐI :G) :5) :5)
Trả lờiXóaChào buổi sáng:G)
Xóachà sao ko mời trà sáng mời rượu :1) :1) :1) :1) :G) :G) :G)
XóaCười đểu quá đi...:N)
XóaĐã đọc kha khá Lieb Tonxtoi nhưng tớ chưa đọc cuốn này. Nhưng cứ như những gì cậu giới thiệu tớ tin là đọc sẽ đau đầu!?
Trả lờiXóaCũng không đau đầu lắm đâu, vì tác phẩm này không quá nặng về tư tưởng triết lý. Chúng chỉ thuần túy là những trăn trở về cuộc sống mà thôi bạn ạ...:)
XóaSách hay! :)
Trả lờiXóaBlog của bạn làm công phu quá. Rất thú vị!
Đọc các bài viết mình nghĩ bạn cũng lớn tuổi. Hehe. Đang định gọi bằng Bác B-)
Cơ mà nhìn cách bình loạn thì còn trẻ trung lắm. :D
Chúc bạn ngày mới vui nhé!
Xét 1 góc độ nào đó, tớ vẫn đang còn tuổi "ăn no chóng lớn"... =p~
Xóa