Tuần trước tớ có giới thiệu với các bạn về tiểu thuyết Trang tôn kinh huyền hoặc của Tịnh Liên - Nghiêm Xuân Hồng. Bộ tiểu thuyết nói về quá trình tìm chân kinh của anh chàng Thạch Sanh nhưng cũng chính là nói về quá trình tu đạo và chứng đạo theo tư tưởng Phật giáo. Hôm nay tớ muốn giới thiệu với các bạn một hệ tư tưởng khác - Thiên Chúa giáo - qua tác phẩm Tự thuật của Augustin - một trong những nhà tư tưởng lớn của Thiên Chúa giáo.
Tự thuật có thể được coi là lời Tự thú của một tín đồ Thiên Chúa giáo trong quá trình nhận thức về những điều thiêng liêng. Định giới thiệu sơ sơ một chút về tác phẩm để ai có nhu cầu có thể tự tìm hiểu, nhưng có lẽ tác phẩm tương đối khó đọc, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên môn được khu biệt trong phạm vi tôn giáo này. Để dễ dàng trong việc tiếp cận, xin đăng lại nguyên văn bài viết giới thiệu về tác phẩm này của tớ, trong một dịp thuyết trình cách đây khoảng trên dưới 5 năm.
Trân trọng...
NỘI DUNG TÁC PHẨM "TỰ THUẬT"
1. DẪN NHẬP
Tự thuật là tác phẩm
nổi tiếng nhất trong những tác phẩm của Augustin nên bất kỳ ai muốn nghiên cứu
về triết học Augustin nói riêng, triết học Kyto giáo nói chung không thể không
đọc. Tuy vậy, những tác phẩm của Augustin hiện lưu hành ở Việt Nam không những
quá hiếm mà chúng còn chỉ gói gọn trong nhà thờ nên việc tiếp xúc với những tác
phẩm của Augstin đối với những người nghiên cứu triết học nói chung và đặc biệt
với lãnh vực triết học tôn giáo nói riêng còn tương đối khó khăn. Để giải quyết
một phần những thiếu sót trên, người viết đã mạo muội nhận đề tài này nhằm giới
thiệu những nội dung cơ bản của “tự thuật” đến các bạn đồng học. Hy vọng
trong vài trang ngắn gọn này, tuy không giới thiệu hết tư tưởng triết học của
Augustin nhưng cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu tìm hiểu về triết học
Augustin nói riêng và triết học Kyto giáo nói chung.
Có lẽ triết học Kyto giáo
không còn xa lạ gì với những người được đào tạo để trở thành một tín đồ Kyto
giáo thuần thành, nhưng lại rất xa lạ với những người không có tín ngưỡng Thiên
Chúa giáo. Trong lãnh vực học thuật, ở Việt Nam, nội dung của triết học
Kytogiáo cũng ít được giới thiệu. Tài liệu tham khảo chính chỉ là vài ba quyển
sách giới thiệu triết học trung cổ Tây Âu. Phạm vi triết học trung cổ Tây Âu
thì nhiều, sách lại giản lược thành thử tìm hiểu nội dung tư tưởng chính của
các nhà giáo phụ học lại càng hiếm hoi. Một số tác phẩm như Triết học trung
cổ Tây Âu của PGS.TS Doãn Chính và PGS.TS Đinh Ngọc Thạch chủ biên đã khái
quát được tiến trình phát triển của triết học trung cổ nhưng những tư tưởng của
các nhà giáo phụ học lại chỉ dạng đại cương. Lịch sử triết học Tây phương
của nhà nghiên cứu Lê Tôn Nghiêm rất đồ sộ, tập 2 giới thiệu về triết học Trung
cổ nhưng cũng chỉ dạng đại cương, nhiều từ lại cổ so với ngày nay… Trong điều
kiện như vậy, người viết nhận đề tài này nhằm dần dần cung cấp cho các bạn cao
học có điều kiện tìm hiểu chi tiết hơn về những tư tưởng chính của triết học
Kyto giáo mà Augustin là đại diện tiêu biểu. Trong hơn 90 tác phẩm của ông,
theo các nhà nghiên cứu, không có tác phẩm nào có khí vị và sự chân thành bằng
“tự thuật”, bởi vậy, người viết chọn “tự thuật” như là cửa ngõ
đầu tiên để đến với triết học Kyto giáo.
2. NỘI DUNG
2.1.
Tiểu sử tác giả
Augustin sinh năm 354 tại
Tagaste, thuộc tỉnh Numidia của đế quốc Roma, nay là Souk-Ahras nước Angéri.
Cha ông là Patricio, một công chức nhỏ và mẹ ông là Monica, một tín đồ Kito
giáo thuần thành.
Thuở nhỏ theo học tại
Tagaste, sau này học đại học tại Catharge. Ông là người đam mê văn chương và
đặc biệt ưu tú về lĩnh vực tu từ học. Tiếp xúc với những tác phẩm của Cicero,
ông quan niệm theo đuổi sự khôn ngoan quan trọng hơn uy tín hay của cải vật
chất. Thế nhưng, ông cũng là người đam mê dục lạc xác thịt (mới 17 tuổi đã quan
hệ và có con ngoài hôn thú tên là Adeodatus), thích chiêm tinh bói toán, theo
phái Manes rồi sau này rơi vào hoài nghi chủ nghĩa. Chính sự mâu thuẫn trong
tính cách của ông đã trở thành căn bản cho những khắc khoải, ưu tư và dằn vặt
trong suốt tuổi trưởng thành của mình.
Một người bạn thân của ông
đột nhiên qua đời đã tác động rất lớn đến tâm lý của ông. Chuyển đến Milan để
nguôi ngoai nỗi buồn, ông được tiếp xúc với Giám mục Ambrose mà những diễn giải
Kinh Thánh của ông đã lôi cuốn Augustin dần đến với Kito giáo. Bên cạnh đó,
những tác phẩm của trường phái Tân Platon (người ta cho đó là của Plotin),
những bài thơ của Thánh Phaolo gửi cho giáo hữu Roma cũng đưa đến quyết định
cuối cùng và dứt khoát cho Augustin: từ bỏ chức giáo sư tu từ học và trở thành
tín hữu Kito giáo. Ông rửa tội và chịu phép thanh tẩy theo truyền thống Kito
giáo lúc 32 tuổi (năm 387).
Ít lâu sau khi rửa tội, mẹ
ông qua đời. Trở về Tagaste năm 388, ông thành lập một dòng tu mới (còn tồn tại
đến ngày nay) cùng với những người bạn cũ. Năm 391, ông bị ép làm linh mục do
giám mục Valerius thành Hippo thụ phong. Sau bốn năm, Augustin một lần nữa bị
chỉ định làm giám mục thành Hippo thay cho Valerius mới qua đời. Vào năm 430,
ông lâm bệnh và qua đời khi bước vào tuổi 76.
Augustin là một nhân vật vĩ
đại, có ảnh hưởng rất lớn đến giáo hội Công giáo cũng như phái Tin Lành. Những
chú giải Kinh Thánh và thần học của ông chiếm một địa vị quan trọng trong giáo
hội Công giáo cho đến tận ngày nay đúng như Lê Tôn Nghiêm nhận xét: “St.
Augustin là nguồn suối mà các nhà tư tưởng ngày nay muốn mạo hiểm vào những
miền sâu của tâm hồn vẫn còn phải khai thác” [1].
2.2.
“Tự thuật” và kết cấu tác phẩm
Augustin là một nhân tài lớn
của giáo hội Công giáo. Theo tác phẩm Rotratationes mà ông viết lúc cuối
đời cho biết, ông đã viết đến 94 tác phẩm: 27 trước khi làm giám mục và 67 tác
phầm sau khi làm giám mục về đủ mọi thể loại: tín lý, luân lý, kỷ luật, triết
học, chú giải Kinh Thánh, huấn giáo, tranh luận với các giáo phái khác…
Tự thuật phỏng viết
năm 398 được đánh giá là thời danh nhất của Augustin. Đây là tác phẩm miêu tả
lại những biến cố trong chặng đường mà ông đã trải qua, từ một con người lầm
lạc trở thành một tín hữu Kito giáo, qua đó nói lên những sai lầm của quá khứ
với lời tự thú chân thành và những lời ngợi ca Thiên Chúa bằng tình yêu không
bờ bến. Ở đây ta còn thấy được những khắc khoải, ưu tư về cuộc sống con người,
xuất phát từ một trái tim nhạy cảm, chân thành, cởi mở và khiêm tốn mà mỗi con
người, thuộc thời đại nào hay nền văn hóa nào cũng có. Câu chuyện cuộc đời
Augustin được kể lại trong Tự thuật cho ta thấy hình ảnh mỗi người chúng
ta trong đó.
Tự thuật gồm 3 tập,
được chia làm 13 quyển với hai phần tương đối rõ rệt. Phần 1 từ quyển 1 đến
quyển 10 là những lời tự thú chân thành qua những biến cố trên chặng đường “trở
lại” Kito giáo của mình. Phần 2 từ quyển 11 đến quyển 13 xác lập một số
phạm trù thần học tiêu biểu qua việc chú giải Kinh Thánh. Sau đây là nội dung
đại cương 13 quyển đó.
Quyền 1: Nói về
tuổi thơ ấu, tuổi thiếu niên và nền giáo dục mà ông đã nhận được.
Quyền 2: Những dằn
vặt, lo âu của tuổi dậy thì xen lẫn những khắc khoải ưu tư về nguồn gốc sự dữ,
về Thiên Chúa toàn năng…
Quyển 3: Cảm giác
yêu và được yêu. Tâm trạng phân vân giữa đam mê trần tục và khát khao tìm kiếm
sự khôn ngoan bất tử, tiếp xúc với giáo phái Manes.
Quyển 4: Bị mê hoặc
bởi chủ thuyết Manes, đam mê bói toán và thuật chiêm tinh, yêu đương say đắm và
có nhiều đam mê xác thịt. Bị ám ảnh về cái chết khi người bạn thân qua đời,
tiếp xúc với 10 phạm trù của Aristote, luận giải về cái đẹp.
Quyển 5: Dần dần
thất vọng cách lý giải của phái Manes về hình ảnh Thiên Chúa, về nguồn gốc sự
dữ. Rơi vào thuyết hoài nghi, sau đó tiếp xúc với Ambrosio, dần dần tìm đến
Kito giáo.
Quyển 6: Nghiêm túc
tìm hiểu về Kinh Thánh thông qua lời giảng của Ambrosio, nhận diện được bản
chất của những đam mê và khoái lạc trần tục.
Quyển 7: Tương đối
có niềm tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa và giáo hội Công giáo nhưng quan niệm
về Thiên Chúa một cách nào đó thì hoàn toàn chưa rõ. Tranh luận với phái Manes
về hình ảnh Chúa. Bắt đầu tiếp xúc với các tác phẩm của trường phái tân Platon.
Quyển 8: Tuy chưa
hiểu rõ về Thiên Chúa nhưng không còn hồ nghi hay do dự về sự hiện hữu của
Thiên Chúa nữa. Quyết định hiến cuộc đời còn lại của mình cho việc tìm kiếm
Thiên Chúa.
Quyển 9: Augustin
thấy mình đã dần dần thoát khỏi những đam mê danh lợi, đam mê sắc dục, từ bỏ
chức giáo sư tu từ học. Được mặc khải cảm giác hạnh phúc của Chúa trong một
thời gian ngắn. Tâm trạng buồn rầu khi mẹ ông mất…
Quyển 10: Luận giải
về Chúa, về ký ức, về hạnh phúc vĩnh cửu, về những đam mê của các giác quan như
mắt, tai, mũi, lưỡi…
Quyển 11: Luận giải
về quá trình sáng tạo ra trời, đất của Thiên Chúa, về thời gian hiện tại vĩnh
cửu…
Quyển 12: Luận giải
về quá trình tạo dựng trời đất, về vật liệu ban đầu và hình thù của những tạo
vật, về những cách chú giải Kinh Thánh, về những luận điểm căn bản của thuyết
Sáng thế…
Quyển 13: Luận giải
về Thiên Chúa Ba Ngôi, về những tạo vật của Chúa, về những dấu hiệu mà Chúa tạo
ra, về hình ảnh con người, về sự yên nghỉ cuối cùng và vĩnh cửu.
2.3
Nội dung cơ bản của “Tự thuật”
2.3.1.
Quan niệm về Thiên Chúa
Lúc đầu, ông có cảm thức về
Chúa như là Đấng tối cao, độc nhất, chân thật, bất diệt, bất biến, bất khả xâm
phạm nhưng vẫn nhìn nhận Chúa là một cái gì đó có hình thể, chiếm cứ một không
gian (hoặc ở trong thế giới hoặc tràn ra ngoài thế giới) (q7, I-1). Chúa lớn
lao, bao la khắp cả không gian vô tận, thâm nhập toàn khối vũ trụ… đến nỗi trái
đất có Chúa, bầu trời có Chúa, mọi sự có Chúa… và tất cả được giới hạn trong
Chúa còn Chúa thì không có giới hạn nào cả…. Sau đó ông lại đặt ra nghi vấn:
như vậy phần lớn hơn của trái đất chứa đựng Chúa nhiều hơn và phần nhỏ hơn chứa
đựng được Chúa ít hơn sao? Phải chăng Chúa chia vụn sự hiện diện của Chúa thành
từng phần cho vũ trụ: phần lớn cho phần lớn, phần nhỏ cho phần nhỏ? (q7, I-2)…
Từ đó, hình ảnh Thiên Chúa theo quan niệm của Augustin là không thể diễn tả
theo ngôn ngữ và cách nhìn của con người. Nếu phải diễn tả, chúng ta chỉ có thể
nói theo hình thức phủ định tất cả những gì mà chúng ta có thể quan niệm. Ông
viết: “Chúa không có chi thể, thứ lớn hơn, thứ bé hơn, nhưng Chúa trọn vẹn ở
khắp nơi mà không một nơi nào giữ trọn vẹn Chúa. Chúa không phải là hình thể
thân xác con người nhưng Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa”
(q6, III-4). Chúa không phải là bản thể để có thể bị hủ hóa cũng không phải
không bất khả xâm phạm (q7, I-3)... Toàn thể tạo vật như một khối lớn lao duy
nhất còn Chúa bao bọc và thâm nhập nó khắp nơi như nước biển mênh mông bao bọc
và thấm nhiễm mọi thành phần của tấm bông biển (xem q7, IV-6). Chúa hiện hữu,
chúa vô cùng, mà không tràn lan qua không gian hữu hạn hay vô hạn, Chúa thật là
Đấng Tự hữu, bao giờ cũng vốn là một, không khi nào trở thành ai khác hay sống
cách khác, do sự phân chia hay biến đổi nào hết: còn các vật khác đều bởi Chúa
mà ra, với cái bằng chứng duy nhất và chắc chắn là vì chúng hiện hữu (q7,
XX-26).
Chúa tràn ngập khắp mọi nơi,
không đâu không có Chúa. “Con không thể nhận ra đựơc vật nào mà không thấy Chúa
nhưng con không tìm thấy vật nào là Chúa” (Q10, XL-65). Chúa cao cả tốt lành,
nhiều thế lực, nhiều quyền năng, công bằng, đẹp đẽ, mạnh mẽ, bất biến và biến
đổi mọi sự. Yên nghỉ mà hành động, yêu thương mà không bồng bột, ganh tị mà vốn
thản nhiên, hối tiếc mà không đau buồn, nổi giận mà vốn bình tĩnh, không nghèo
túng mà lại lợi tức, chứa đựng trời đất mà không phân tán (q1, III-VI).
Ông phê phán cả hai cách
nhìn: một, Chúa và vật là hai đối tượng đối lập nhau và hai, Chúa
tràn lan khắp mọi nơi trong không gian vô tận. Theo ông, cả hai cách nhìn trên
đều sai lạc. Chỉ khi “trông thấy Chúa vô cùng tận, nhưng kiểu khác: thị kiến
đó không phải bởi xác thịt mà ra” (xem q7, XIV-20).
2.3.2.
Quan niệm về các tạo vật và quá trình tạo dựng trời đất:
a. Quan niệm về các tạo vật:
Các tạo vật không phải là hữu
thể thuần túy cũng chẳng phải là phi hữu thuần túy: chúng là hữu thể vì chúng
bởi Chúa mà ra, chúng là phi hữu vì chúng không hiện hữu như Chúa. Chỉ có Chúa
mới là hữu thể thật, vì Chúa tồn tại một cách bất biến (q7, XI-17). Không có gì
không bởi chúa mà ra, trừ hư vô và ý chí rời xa chúa, là hữu thể tuyệt đối để
đi tới các vật hèn hạ hơn (q12, XI-11)
Mọi vật được thành hình, khả
dĩ được thành hình đều nhận được hữu thể của chúng nơi Đấng tốt lành tuyệt đối
vì Người là hữu thể tuyệt đối (q12, Xv-19). Chúa dựng nên chúng không phải vì
cần đến chúng mà chỉ vì lòng tốt lành sung mãn của Chúa. Có hay không có chúng
, Chúa vẫn hạnh phúc. (q13, IV-5). Mọi sự vật có thật theo như chúng hiện hữu.
Chúng hiện hữu được là nhờ Chúa, bị giới hạn bởi Chúa (q7, XV-21).
Tạo vật được Chúa tạo dựng từ
hư vô chứ không phải từ bản thể của chúa. Vật chất đựơc Chúa tạo dựng đồng thời
(q13, XXXIII-48). Nó không phải là một mô thể khả niệm như sự sống, như sự công
bình, vì nó là nguyên tố vật chất. Nó cũng không phải là một mô thể khả giác vì
trong khối lờ mờ và lộn xộn, không có cái gì thấy được và cảm thức được (q12,
IV-V).
b. Quan niệm về quá trình tạo dựng trời đất
Chúa làm nên thế gian với một
vật chất không hình dạng; từ hư vô Chúa đã làm nên vật chất đó cũng hầu như hư
vô (vì không hình dạng). Nguyên thủy, trái đất còn lờ mờ và lộn xộn. Trước khi
khối vật chất lờ mờ này nhận được nơi Chúa hình dạng và các khác biệt thì không
có gì có màu sắc, hình thù, thân thể… không phải là hư vô hoàn toàn nhưng là
một cái gì đó lờ mờ, không hình dạng… (q12, III-3). Ông coi một vật vô hình
dạng hầu như là hư vô. Bởi vậy khối lờ mờ và vô hình dạng là so với vất có hình
dạng xinh đẹp hơn chứ không phải là nó không có hình dạng và cũng chính tính
bất định của các sự vật hay thay đổi làm cho chúng có khả năng đón nhận mọi
hình dạng (xem q12, VI-6). Khối vật chất đó từ đâu mà có? Từ Chúa! Chúa đã từ
hư không mà làm nên trời và đất, một vật lớn là trời và một vật nhỏ là đất. Một
ở gần Chúa, một gần với hư vô. Một có chúa ở trên, một có hư vô ở dưới (xem
q12, VII-7).
Chúa đã tạo dựng vũ trụ trước
khi vũ trụ được tạo dựng để hiện hữu “Chúa đã nói và mọi sự đã thành và do một
lời Chúa đã làm nên chúng” (q11, V-7). Chúa đã dựng nên trời đất qua Ngôi Lời
(q11, IX-11). Chúa chỉ tạo dựng nhờ Ngôi Lời mà thôi. Tuy nhiên các vật mà Chúa
tạo dựng nhờ Ngôi Lời không hiện hữu đồng thời và từ muôn thuở (q11, VII-9).
Trước khi tạo dựng trời và đất, Người không làm gì cả. Vì nếu Người làm gì thì
hẳn chỉ là tạo dựng (q11, XII-14). Khối vật chất lờ mờ, lộn xộn và vực thẳm tối
tăm từ từ xuất hiện và được tổ chức công việc theo các ngày. (q12, XVII-24).
Vật liệu chung cho tất cả các thụ tạo vô hình và hữu hình, lúc đó chúng hãy còn
vô dụng nhưng có khả năng đón nhận mọi hình dạng và bởi đó sẽ làm nên trời và
đất (q12, XVII-25).
Ý muốn của Thiên Chúa không
phải là tạo vật mà có trước tạo vật, ý muốn thuộc về chính bản thể của Người
(q11, X-12). Từ Nguyên thủy, chúa đã biết trời và đất mà tri thức của Chúa
không thay đổi, thì cũng từ Nguyên thủy, Chúa đã tạo dựng trời và đất mà không
có gì phân biệt hoạt động của Chúa (q11, XXX-41). Yếu tính việc tạo dựng
là tốt đẹp, tốt đẹp trong riêng rẽ và tốt đẹp trong toàn thể (q13, XXVIII-43).
Những điểm căn bản trong việc
lý giải thuyết Sáng thế: Chúa tạo dựng trời và đất; Nguyên thủy là sự khôn
ngoan của Chúa, trong Người, Chúa đã làm nên mọi sự; thế giới hữu hình gồm hai
phần lớn là trời và đất. Tất cả mọi vật hay thay đổi gợi ra ý niệm vô dạng
nhưng có thể đón nhận mọi hình dạng; thời gian không ảnh hưởng đến tạo vật được
kết hợp mật thiết với mô thể bất biến; vật vô dạng (hầu như hư vô) không lệ
thuộc vào thời gian; vật liệu để làm nên một thụ tạo có thể gọi bằng vật lờ mờ,
lộn xộn, vực thẳm…Tất cả được tạo dựng và tác thành và cả những gì có thể được
tạo dựng và tác thành đều là công trình của Chúa; tất cả cái gì được tác thành
từ một vật liệu vô dạng thì trước hết nó vô dạng, sau đó mới có hình dạng (q12,
XIX-28).
2.3.3.
Quan niệm về thời gian
Chúa không bị giới hạn trong
quá khứ và vị lai vì Chúa hoạt động và trường tồn (q7, XV-21). Tư tưởng vĩnh
cửu hay Ngôi Lời của Chúa không có cái gì bắt đầu hay chấm dứt. “Nhờ tiếng nói
của xác thịt và tiếng đó đã vang ra bên ngoài tới tai mọi người, để họ tin
Người và tìm kiếm Người ở bên trong mình và thấy được Người trong chân lý vĩnh
cửu” (q11, VIII-10). Chúa làm nên thời gian nên không thể có thời gian trước
Chúa. Vậy làm sao có thể hỏi “trước khi tạo dựng, lúc đó Chúa làm gì?”. Chúa
không phải nằm trong thời gian mà có trước thời gian. Thời gian của Chúa là
hiện tại vĩnh cữu (không có qúa khứ và tương lai xua đuổi lẫn nhau) (q11,
XIII-15, 16). Chúa có trước thời gian và không có thời gian nào, không có tạo
vật nào, dù siêu thời gian đi nữa đựơc tham dự vào sự vĩnh cửu của Chúa (q11,
XXX_40). Bản thể của Người không hề thay đổi theo thời gian và về ý muốn của
người không ở ngoài bản thể của Người (q12, XV-18).
Thời gian không vĩnh tồn vì
là tạo vật của Chúa. Nếu thời gian vĩnh tồn thì không còn gì là thời gian nữa.
Vậy thời gian là gì? “nếu không có gì qua đi thì không có thời gian qúa khứ;
nếu không có gì sẽ xảy đến thì không có thời gian tương lai, nếu không có gì
hiện hữu thì không có thời gian hiện tại (q11, XIV-17).
Thời gian có lâu dài là những
vận chuyển kế tiếp qúa khứ -hiện tại - tương lai. Không thể xảy đến cùng một
lúc nhưng trong thời gian vĩnh cửu, không có gì qua đi mà tất cả là hiện tại
(q11, XI-13). Gọi là lâu dài thì chỉ có hiện tại là lâu dài (xem XI-18, 19,
20). Thời gian có thể đựơc cảm nhận và đo lường khi nó đang qua, còn khi nó đã
qua rồi thì không có đo được nữa, vì nó không còn (q11, XVI-21).
Quá khứ và tương lai là những
thực tại vì hiện tại là một thực tại. Quá khứ là thực tại vì nó nằm trong ký
ức. Khi ký ức hoạt động, đó là hiện tại về ký ức. Tương lai là dự cảm. Dự tính
đó là hiện tại còn công việc dự tính là tương lai. Như vậy chỉ có hiện tại là
tồn tại đích thực (xem q11, XVII-XVIII). Dự báo không phải là nhìn thấy chính
các thực tại chưa có mà là nhìn thấy căn nguyên của chúng, các dấu hiệu tiên
báo chúng. Chúng không phải là tương lai mà là hiện tại (q11, XVIII-24). Các
tiên báo đúng, do chiêm tinh mà ra không tùy thuộc ở kỹ thuật mà tùy thuộc ở
may rủi, còn những tiên báo sai không tùy thuộc ở kỹ thuật vụng về mà ở may rủi
giả trá (q7, VI-6). Bởi vậy thời gian không phải có ba thời mà là có ba thời
gian: hiện tại của qúa khứ, được thể hiện là ký ức. Hiện tại của hiện tại, được
biểu hiện là trực quan và hiện tại của tương lai, được thể hiện là mong chờ.
(q11, XX-26).
Bác bỏ quan niệm: thời gian
chỉ là sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Giả dụ chúng không
quay nữa thì thời gian không có nữa sao? Ông kết luận: thời gian không phải là
vòng quay của các tinh tú và nêu giả thuyết: thời gian chỉ có thể là khoảng
không?! (xem q11, XXIII-29,30). Ví dụ như có một bài thơ dài: bài thơ dài vì
gồm nhiều câu thơ, câu thơ dài vì gồm nhiều chân, chân dài gồm nhiều vần, vần
dài vì gấp đôi vần ngắn…
Vật thể vận chuyển, dùng thời
gian để đo lường xem được bao lâu. Như vậy một vật di chuyển là khác, mà đo
lường sự di chuyển của nó là bao lâu thì khác (q11,XXIV-31)
Trong các tạo vật của Chúa có
hai tạo vật không có thời gian mặc dầu chúng không vĩnh cửu như Chúa. Một vật
thì trọn hảo, một vật thì vô dạng (q12, XII-15). Hai vật đó là: trời của trời
và đất lờ mờ, lộn xộn (XIII-16).
2.3.4.
Quan niệm về con người
Con người là tạo vật của
Chúa, Chúa tạo dựng con người cho Chúa. Con người không hiện hữu nếu không có
Chúa (q1, I). Chúa là một vật thể sáng láng và bao la, là chân lý và con người
là một mảnh được tách ra từ vật thể đó (q4, XVI).
Sự khôn ngoan đựơc tạo dựng
trước mọi tạo vật, trứơc cả thời gian, đựơc tạo dựng như một tinh thần có lý
trí và thông minh (q12, XV-20). Sự khôn ngoan đó bởi Chúa mà nhưng khác Chúa
mọi đàng và không cùng một yếu tính. Nó có thể trở nên tối tăm và giá lạnh nếu
nó không nhờ một tình yêu mến lớn lao mà kết hợp với chúa (q12, XV-21).
Con người thiêng liêng điều
khiển và xét đoán mọi sự vì con người có trí khôn, có khả năng nhận biết. Nếu
không có tri thức thì đồng hóa với súc vật và nên giống như chúng vậy thôi
(q13, XXIII-33). Không có nam hay nữ, Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do trong
trật tự thiêng liêng. Con người mà Chúa tạo dựng giống hình ảnh Chúa, xét đóan
và phê phán những gì nó thấy là tốt và không thừa nhận những gì nó thấy là xấu,
con người thiêng liêng có quyền xét đoán mọi sự và có cả quyền sửa trị (xem
q13, XXIII-33, 34). Con duy nhất của Chúa vốn hiện hữu một cách bất dịch, cũng
vĩnh cửu như Chúa và các linh hồn nhận lãnh từ sự sung mãn của Ngài, để được
hạnh phúc (q7, IX-13). Với người khác, một tín đồ Kito giáo phải coi như là
“những kẻ cùng chia sẻ niềm tin và sự vui mừng của con, và cùng chung số phận
hay chết của con, họ là công dân với con và cũng là lữ khách trên đừơng với
con, hoặc đi trước hay đi sau con, hoặc đồng hành với con” (q10, IV-6).
2.3.5.
Quan niệm về nguồn gốc sự dữ và hạnh phúc đích thực:
a.
Về sự dữ và nguồn gốc sự dữ:
Trước khi đến với Kito giáo,
ông quan niệm về cái đẹp như sau: “một đàng là cái đẹp do sự điều hòa của toàn
thể. Đàng khác là do cái xứng hợp do sự thích nghi với sự vật khác” (q4, XIII).
Nội dung quyển sách bàn về cái đẹp khi chưa trở thành tín đồ; cái đẹp là cái gì
tự nó là phải và về cái thích hợp là cái gì phải được điều hòa với cái khác. Ưa
thích sự an bình trong nhân đức và ghét sự bất hòa trong nết xấu, hợp nhất trong
nhân dức và chia rẽ trong nết xấu. Tối thiện là đơn tử tối ác là nhị tố. (q4,
XV).
Sau này, khi đến với Kito
giáo, ông coi chúng là sai lầm. Ông cũng phê phán quan niệm: mỗi người có hai
linh hồn, mỗi linh hồn có bản tính riêng, một tốt một xấu. Ông cho rằng không
có một linh hồn khác trong bản tính mà sự sa ngã là một hình phạt mà con người
phải chịu, vì con người là con cái của Adam. (q8, X-22). Ông viết: “Tất cả
những gì hiện hữu đều tốt lành nhưng không phải tốt lành tuyệt đối vì chúng hay
hư hoại. Nhưng nếu sự vật không còn điều gì đó tốt lành nữa thì nó là hư vô.
Bao lâu nó còn hiện hữu thì nó còn tốt lành”(q7, XII-18). Chúa tạo dựng mọi sự
tốt lành vì không có thực thể nào mà Chúa không dựng nên. Tuy vậy chỉ có Chúa
là tốt lành tuyệt đối, mọi vật khác tốt lành tương đối (vì nó bị hư hoại). Tóm
lại, sự vật đa dạng phong phú tốt lành trong riêng rẻ và tốt lành trong toàn
thể nhưng chỉ là tốt lành tương đối. Trời và đất là tạo vật của Chúa vì chúng
hiện hữu nhưng lại hay thay đổi. Chúng xinh đẹp, tốt lành, hiện hữu vì chúng là
tạo vật của Chúa nhưng lại không xinh đẹp, tốt lành và hiện hữu bằng Chúa (q11,
IV-6).
Tội lỗi từ khi lọt lòng mẹ.
nhưng không phải là tội lỗi do Chúa tạo ra. Chúa tạo dưng con người nhưng không
làm nên sự tội ở trong nó “sự bất lực là của các chi thể nhỏ bé vô tội chứ tâm
hồn của nó không vô tội” (q1, VII). Sự gian ác không phải do Chúa tạo dựng mà
do con người tự làm xấu bản tính mà Thiên Chúa đã tạo dựng và sắp đặt trật tự
(q3, VIII). Sống trong đam mê tội lỗi là sống xa nhan thánh chúa (q1, XVIII).
Chúa là đấng bất khả hủy diệt, cái ác là nguyên nhân chính của sự hư hoại. Sự
hư hoại không thể xúc phạm đến bản thể Chúa và nếu nó có thể hư hoại thì nó
không phải là Thiên Chúa (xem q7, IV-6).
Cái ác không phải là một thực
thể. Nếu là thực thể thì nó tốt lành (q7, XII-18). Cái ác hay sự dữ không phải
là một thực thể mà là sự gian ác của một ý muốn trở mặt với thực thể tối cao để
quay vể với những sự hèn mạt (q7, XVI-22).
Tất cả những vật do Chúa tạo
dựng đều tốt lành, không có cái gì có thể len lỏi vào quấy phá trật tự Chúa đã
thiết lập. Vậy cái xấu từ đâu có? Cái xấu là do các thành phần riêng rẽ của tạo
vật, yếu tố này có thể không thích hợp với các yếu tố khác làm cho người ta
tưởng chúng là xấu. Nhưng nếu yếu tố này lại thích hợp với yếu tố khác thì lại
thấy là tốt lành. Vậy thật ra cái xấu, ác thuần túy không tồn tại. Chúng chỉ là
sự không tương thích giữa các yếu tố riêng rẽ của tạo vật. Không có cái xấu, ác
tuyệt đối. Trong toàn thể, mọi vật đều tốt lành vì do chúa tốt lành tạo dựng
nên (xem q7, XIII-19) “Điều thiện nơi con là công trình và là ơn huệ của Chúa;
còn điều ác nơi con là do tội lỗi của chính con” (q10, I-IV)
b. Về hạnh phúc đích thực và con đường trở về với Chúa:
Đời sống con người là một cơn
thử thách miên trường để quay trở về với Chúa (xem q10, XXVIII-39). Chúa vốn ở
trong mỗi con người mà con người lại ở ngoài Chúa, và tìm Chúa ở bên ngoài. ..
Chúa đã ở lại với con người mà con người lại không ở với Chúa (q10, XXVII-38).
Chúa là chân lý, Chúa ở khắp mọi nơi, hướng dẫn mọi người tham khảo ý kiến Chúa
đồng thời trả lời cho mọi vấn nạn khác nhau. Giữa Chúa và con người không có
khoảng cách nào dù chúng ta đi tới Chúa hay lìa xa Chúa (q10, XXVI-37) “Ánh
sáng ở trong con mà con thì ở ngoài con. Ánh sáng có nơi chốn mà con thì chăm
chú vào những sự vật được chứa đựng trong nơi chốn” (q7, VII-11). Mọi trói buộc
không do xiềng xích của ai khác, mà ý muốn của con người là một thứ xiềng xích
(q8, V-10). Thân xác dễ dàng vâng theo mọi ý muốn nhỏ mọn của linh hồn để huy
động chi thể làm theo mình hơn là linh hồn vâng theo chính mình để thực hiện
trong nguyên ý muốn cái ý muốn lớn của mình (q8, VIII-20).
Do kiêu ngạo chỉ nghe mình,
họ yêu một phần trong toàn thể và coi đó là toàn thể - toàn thể lừa dối trong
khi Chúa mới là toàn thể thiện mỹ. Chỉ có lòng đao đức khiêm cung mới đưa người
ta trở lại với Chúa (q3, VIII). Bám vào bất kỳ sự vật nào cũng sẽ gặp đau khổ
nếu không biết biết bám vào Chúa. Chúa sinh thành ra vạn vật và để vạn vật tự
do chết đi. Đừng dùng ngũ quan mà bám chặt vào chúng bởi thứ keo sơn tính ái vì
tất cả chúng sẽ đi theo con đường của chúng- sinh ra, thành toàn và hoại diệt.
Chúng lưu động hoài, ai dùng quan năng xác thịt mà theo kịp chúng? Hoặc ai
chiếm đoạt chúng ngay khi chúng ở trước mặt mình? Vì quan năng xác thịt thì
chậm chạp, vì là quan năng xác thịt, đó là số phận của nó. Nó đủ lực cho công
việc mà nó được tạo dựng, nhưng nó không đủ lực để cầm giữ những sự vật qua đi
mau chóng, từ khởi điểm được ấn định cho tới cùng đích đã được chỉ cho (q4, X)
Những kẻ muốn tìm hạnh phúc
của họ ở bên ngoài thì sẽ trở nên trống rỗng và bị phân tán trên các sự vật hữu
hình và chóng qua và tư tưởng đó như được liếm các hình ảnh của sự vật mà thôi.
Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc chân thật, vì Chúa “đã đặt nơi lòng con niềm hoan
lạc” (xem q9, IV-10). Kẻ đi tới Chúa là đi vào niềm vui mừng toàn hảo, tuyệt
đối, vì đi vào niềm vui mừng của chủ mình, không sợ hãi, hoàn toàn tốt lành. Kẻ
xa rời Chúa là kẻ xa ngã, lưu lạc và kết quả chỉ là đau khổ (q2, X). Phúc cho
kẻ mến Chúa vì chỉ có kẻ đó là không mất người yêu quý nào (q3, IX). Thiên Chúa
ở tận đáy tâm hồn mỗi con người. Con người lầm lạc vì con người xa rời Thiên
Chúa. Ông khuyên con người “hãy trỡ lại với tâm hồn mình và hãy kết hợp với
Người, là đấng đã dựng nên các người. Hãy cố định nơi Người, thì các ngươi sẽ
ổn định, hãy nghỉ yên trong Người thì các ngươi sẽ được yên nghĩ. Người đã
không muốn ở lâu với chúng ta nhưng Người không bỏ chúng ta, Người đã lui vào
nơi mà người đã không hề bỏ, vì thế gian này đã do Người tác tạo và Người đã ở
trong thế gian này để cứu vớt tội nhân”. (q4, XII).
Yêu người trong Thiên Chúa vì
chỉ có vậy mới thật sự là tình yêu “nếu các tâm hồn làm cho mi ưa thích, mi hãy
yêu họ trong thiên chúa, vì chính họ cũng hay thay đổi, và họ chỉ tìm được ổn định
khi họ cố định nơi Người mà thôi” (q4, XII). Chúa không bỏ rơi một vật nào Chúa
đã tạo dựng. Chỉ duy một mình Chúa là hiện diện cả với kẻ tránh xa Người (q5,
II). “Khi yêu Chúa, con cũng yêu một ánh sáng, một âm thanh, một mùi thơm, một
của ăn và một sự ôm ấp nhưng đó không phải là ánh sáng, âm thanh, mùi thơm bên
ngoài mà nó nằm trong nội tâm con” (xem q10,VI-8).
Hạnh phúc không phải là một
vật thể, không phải con số, không giống cái nhớ về khoa hung biện. Có khi giống
cái nhớ về niềm vui (q10, XXI-30). Hạnh phúc là cái có sẵn. “Người ta theo đuổi
hạnh phúc, kẻ thì qua lối này, người thì qua lối nọ, nhưng mục đích chỉ là một,
mà mọi người đều cố gắng đạt tới là được sung sướng. Vì sự thể là như vậy nên
không một ai nói được là mình chưa hề có kinh nghiệm về sự vui cho nên
người ta mới tìm thấy nó trong ký ức và nhận ra nó khi nghe âm thanh hạnh phúc.
(q10, XXI-30),
Tất cả mọi niềm vui khác
ngoài Chúa là hạnh phúc không thật, chỉ có trong Thiên Chúa mới có hạnh phúc
chân thật “chính cuộc đời hạnh phúc là vui mừng bởi Chúa, cho Chúa và vì Chúa:
chính đó là hạnh phúc, không có hạnh phúc nào khác. Nhưng kẻ nào tưởng có niềm
vui nào khác là theo đuổi sự vui khác, không phải là vui thật. (q10, XXII-32).
Niềm vui phát xuất từ chân lý đó là niềm vui thật và đó là niềm vui bởi Chúa mà
ra. Nhưng tại sao con người lại sinh ra ghen ghét (Công giáo)? Ông trả lời: họ
yêu chân lý khi chân lý tự nó bộc lộ mà lại ghét chân lý khi chân lý bộc lộ họ
(nó muốn che đậy mình mà lại không muốn cái gì che dấu nó)” (q10, XXIII-33,
34).
Hạnh phúc nếu biết kết hợp
mình với chúa, lấy một mình Chúa làm khoái lạc, không cần tương lai, quá khứ,
không có biến chuyển nào đổi thay, không bị kéo dài trong thời gian (q12,
XI-12). “Người là Nguyên thủy, vì nếu Người không tồn tại thì chúng con trong
lúc lầm lạc sẽ không biết đâu mà trở lại. Trở lại đựơc là nhờ học biết. Học
biết thì phải có người dạy bảo. Chỉ có duy nhất Người mới đang nói với chúng
con” (q11, VIII-10).
2.3.6 Quan
niệm về nhận thức
Có ích gì cho con tự đọc và hiểu
đựơc tất cả các sách con có thể đọc về nghệ thuật được gọi là nghề tự do trong
khi con là đứa nô lệ gian ngoa của các đam mê xấu? (q4, XVI). Khốn cho kẻ nào
biết tất cả tri thức mà không biết Chúa nhưng phúc cho kẻ biết Chúa, mặc dù
không biết các sự vật ấy (q5, III).
Phân biệt Công giáo với phái
Manes: đề cao đức tin, phân biệt đức tin là tin vào những điều không thể minh
chứng được nhưng phù hợp với mọi người còn Manes miệt thị đức tin và hứa hẹn
khoa học giả hiệu…(xem q6, V-7)
Không thể tìm sự thật do trí
năng thuần lý cho nên chúng con cần phải dựa vào uy thế của Thánh Kinh. Kinh
Thánh là chỗ dựa đáng tin cậy nhờ đó mà tin Chúa và tìm kiếm Chúa (q6,
V-8). Uy thế của Thánh Kinh càng đáng được tôn trọng và đáng kính hơn khi
nó vừa dễ hiểu cho mọi người muốn đọc, lại vừa dành vinh dự mầu nhiệm cho những
trí tuệ sâu sắc. (q6, V -8)
Cách nhìn về Chúa phải hoàn
toàn khác cách nhìn về các sự vật hiện tượng khác vì rằng Chúa không thuộc cùng
loại với chúng “vì cho được làm nên chúng thì phải hơn chúng” (q7. I-2). Ánh
sáng đó không phải nhìn bằng đôi mắt xác thịt, không phải nhìn bằng đôi mắt của
trí khôn “kẻ nào biết biết chân lý là biết ánh sáng đó và kẻ nào biết ánh sáng
đó là biết sự vĩnh cửu. Bác ái nhận chân được ánh sáng đó” (q7, X-16). Sáng nhờ
đức tin chứ không phải nhờ sự xem thấy, vì chúng con được cứu rỗi trong hi
vọng. Nhưng hi vọng mà thấy được thì không còn là hi vọng nữa (q13, XIII-14).
Sự vĩnh cửu bất biến và đích thực của chân lý vượt quá trí khôn hay thay đổi
của con người.
Qúa trình nhận thức thông
thường: từ thân xác đến giác hồn qua trung gian là giác quan đến năng lực bên
trong là lý trí. Sau đó lý trí phải biết phê phán tất cả những gì do giác quan
đem lại, đưa tư tưởng vượt ra khỏi giới hạn của kinh nghiệm và tập quán. Sau đó
nó đi tới hữu thể trong “một cái nhìn chớp nhoáng” (xem q7, XVII-23). Con người
có thể tra vấn về Chúa vì những gì con mắt xác thịt không thể thấy thì “trí
khôn nhìn ngắm công việc nơi Người làm”. Nhưng vì con người quá đam mê các tạo
vật, bị lệ thuộc vào chúng khiến sự nô lệ này ngăn trở họ xét đoán. Trong khi
đó, “chúng nói hết với mọi người nhưng kẻ nào biết so sánh tiếng nó nhận được
từ bên ngoài với chân lý hàm chứa bên trong thì mới hiểu được chúng” (xem q10,
VI-10). Phải vượt qua cái năng lực gắn bó với thân xác và làm cho toàn thân
được sống động mới có thể cảm thức được Chúa (xem q10, VII-11).
Phân tích về ký ức: mọi cảm
giác được giữ gìn và xếp đặt theo loại riêng biệt, mỗi loại có cửa vào của
mình. Trí nhớ đón nhận tất cả các cảm giác đó qua các giác quan nhưng không
phải chính thực tại đi vào mà chỉ là hình ảnh của các thực tại đựơc các giác
quan cảm thức. Mọi hoạt động đựơc sử dụng thông qua ký ức hay trí nhớ (q10,
VIII-12). Học biết chẳng qua như dùng tư tưởng mà thu nhập những điều chứa đựng
rải rác và lộn xộn trong ký ức và dùng ý tứ lo liệu cho chúng được luôn
sẳn sàng túc trực. Vậy suy nghĩ đơn giản chỉ là tập hợp những tài liệu tản mạn
trong trí khôn hay ký ức (q10, XI-18). Trí nhớ cũng chứa đựng các trần thuyết
và nhiều luật lệ về tính toán và đo lường “kẻ biết chúng là nhận ra chúng ở
trong mình mà không phải liên tưởng đến một vật thể khác” (Q10, XII-19). Ký ức
cũng chứa đựng các mối cảm động của linh hồn. ký ức cng4 chính là trí nhớ. Ký
ức như bao tử của tâm trí còn cảm giác vui buồn như thức ăn được chứa đựng
trong nó (q10, XIV-21). Âm thanh là một thực tại đặc biệt, có sẵn trong ký ức
nhưng “như bị cất giấu, chôn vùi ở những nơi kín đáo” (xem q10, XI-17).
Nhờ ký ức mà nhớ được tất cả
các kiến thức và nhớ luôn cả việc đã học chúng như thế nào (q10, XIII-20). Ký
ức có năng lực như vậy nhưng để nhận biết Chúa thì phải biết vượt qua cả ký ức.
Ký ức – thú vật và chim trời cũng có, vì vậy con người phải vượt qua ký ức,
dung linh hồn mà đi lên tới Chúa (q10, XVII-26). Ví dụ như người phụ nữ mất
đồng bạc và không tìm thấy chúng. Nếu hình ảnh đồng bạc không có trong ký ức
của người phụ nữ đó thì làm sao bà ta nậhn ra đựơc đồng bạc đã dánh mất. Nhưng
nếu hình ảnh đồng bạc có trong ký ức của bà ta , tại sao bà ta tìm không ra?
Bởi vậy ông nói “chúng con sẽ không thể nhớ được sự vật đã bị lãng quên nếu
chúng con không nhớ chút nào về nó nữa. Bởi thế, sự vât bị lãng quên nhưng đã
không bị lãng quên hoàn toàn và nhờ vào phần còn nhớ được, ta nhận ra được đồ
vật mà ta đã bị quên lãng “ (q10, XIX-28). Cũng vậy, Chúa có ở trong ký ức mỗi
con người nhưng không biết Chúa ở đâu vì ta bị lãng quên Chúa nhưng không lãng
quên hòan tòan. Bởi vật ta có khả năng nhận ra Chuá. Hạnh phúc là một sự kiện
có sẵn trong ký ức bởi vì ai cũng muốn có hạnh phúc. Điều đó không thể có nếu
trong ký ức của họ không hề nhớ đến thực tại mà tiếng hạnh phúc ám chỉ (xem
q10, XX-29).
Nhờ tiết dục chúng con đựơc
quy tụ lại, được trở về sự hợp nhất mà chúng con đã đánh mất vì bị phân tán
nhiều đàng (q10, XXXIX-40). Cẩn thận với những đam mê: Đam mê vị giác “con
không sợ cái dơ của đồ ăn mà sợ cái dơ của đam mê” (q10, XXXI-46), đam mê khướu
giác, đam mê thính giác “giọng hát làm cho con xúc động hơn lời được hát thì
con thú nhận có tội đáng chịu phạt” (q10, XXXIII-49-50), đam mê thị giác: chỉ
có ánh sáng của Chúa mới là thứ ánh sáng ch6an thật. ánh sángnày kẻ mù cũng
nhìn thấy vì đó là thứ ánh sáng duy nhất và hợp nhất với mọi kẻ xem thấy nó và
yêu mến nó còn ánh sáng vật chất trang điểm cuộc đời với một vẻ êm dịu, làm say
mê nguy hiểm cho những kẻ mù quáng yêu đời” (q10, XXXIV-52). Ông cũng lưu ý đến
những loại lạc thú khác, đó là cái mà ta gọi là kỹ thuật và những nghề nghiệp
khácnhau. Ông coi chúng chỉ thêm thắt cho những khoái lạc bên ngoaì “bên ngoài
họ theo đuổi công trình do tay họ chế tạo, bề trong họ lìa bỏ Đấng đã tạo dựng
nên họ và hủy hoại công trình của Người là chính họ” (q10. XXXIV-53). Có một
thứ đam mê khác nó cũng nguy hiểm như đam mê xác thịt, đó là một ham vọng hư ảo
và tò mò, được mệnh danh là kiến thức và khoa học. Ông cũng phân biệt
giữa khoái lạc và hiếu kỳ: khoái lạc thì tìm tòi cái gì là xinh đẹp, là nhịp
nhàng, là êm dịu, là ngon ngọt, là mềm mại, còn hiếu kỳ thì tìm những cảm giác
ngược lại, để thử xem, không phải để đón trước một cảm giác khó chịu nhưng là
vì ưa thích thí nghiệm và hiểu biết (xem q10, XXXV-55). Đặc biệt ông phê phán
tính kiêu ngạo và tính tự mãn hão huyền. ông nói: “những kẻ tự mãn làm cho Chúa
bất mãn rất nhiều, không những về những điều không tốt mà họ cho là tốt, mà còn
về những ơn Chúa mà họ cho là của họ; hoặc họ nhận là của Chúa nhưng lại cho là
công lênh của họ; hoặc họ nhận là do ơn chúa nhưng lại không muốn cho kẻ khác
chung vui; lại còn ghen tị ơn Chúa nơi kẻ khác nữa” (q10, XXXIX-64).
Đời sống đạo đức mà ông đề
cao là sự tiết độ và công bình. Tiết độ là phải biết vừa phải “người ta đừng
khinh rẻ không ăn còn kẻ không ăn đừng xét đoán người ăn” (XXXI-46) và phải
luôn luôn tỉnh giác cẩn trọng về nó như bộ dây thừng ở họng, phải biết cầm giữ
cho điêu hòa. Về sự công bình, ông nói: “không chỉ hãm tình yêu về những sự gì
mà còn phải biết hướng tình yêu đó về đâu. Không những yêu mên Chúa mà còn phải
biết yêu thương tha nhân” (q10, XXXVII-61). Ông kêu gọi người phải có
tinh thần nghèo khó, phải hiền từ, phải khóc lóc, phải đói khát sự công chính,
phải thương xót, phải thanh bạch, phải hiếu hòa (xem q11,I-1).
Hồn hằng sống, khời nguyên từ
đất, tức là các tín hữu chỉ được lợi ích khi học từ bỏ lòng yêu chuộng đời này
để được sống cho Chúa, (q13, XXI-29). Nghe không phải chỉ để nghe mà còn để
thực hành điều họ đã nghe. Yêu cầu tín hữu: giữ mình khỏi tính kiêu ngạo hung
tàn, nhục dục hèn nhát, khoa học giả hiệu để trở thành những dã thú hiền lành,
gia súc thuần thục, những con rắn vô hại (q13, XXI-30). Đừng lệ thuộc vào các
dấu hiệu vật chất. Lệ thuộc vào các dấu hiệu vật chất sẽ không tiến xa hơn
được. Phải có đời sống thiêng liêng cao độ và khát khao cuộc đời trọn hảo (xem
q13, XX-28). Điều kiện để con người có thể nghỉ ngơi hoàn tòan trong Chúa: phải
xin với Chúa, phải tìm trong Chúa, phải gõ cửa Chúa. Có như vậy, phải có như
vậy, người ta mới nhận được, có như vậy, người ta mới tìm thấy, có như vậy,
người ta mới mở cửa ra cho (q13, XXXVIII-53).
2.3.7 Quan
niệm về Luật của Thiên Chúa, về đấng trung gian, về Tam vị nhất thể:
Luật của thiên chúa cần phải
được thành tòan khắp mọi nơi, mọi sự bất xứng của một chi thể đối với toàn thể
đều là ghê tởm. Nơi nào Thiên Chúa ban bố điều gì trái với thói tục… thì người
ta phải làm theo, phải làm lại, nếu đã quên bỏ, phải thiết lập nếu chưa làm
(q3, VII-VIII).
Phê phán quan niệm kẻ làm
trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có cái gì giống Thiên Chuá và cái
gì giống loài ngừơi, giống loài người là sự tội, giống Thiên Chúa vì bất tử.
Ông cho rằng đấng trung gian đích thực là Đức Giêsu Kito. Ông khuyên mọi người
nhìn đức Giêsu Kito không phải vì Người là chân lý đích thân mà vì Người có một
nhân tính tuyệt diệu và được tham dự vào sự khôn ngoan một cách trọn hảo (q7,
XIX-25). Người chết như mọi người và công chính như Thiên Chúa “nhân danh là
con người, Người mới là trung gian, còn nhân danh là Ngôi lời, Người không phải
là trung gian vì ngang hàng với Thiên Chúa, đồng thời cũng là một Thiên chúa”
(q10, XLII-XLIII). Ông đã viết những dòng rất hay về Giêsu như sau: “giữa loài
người hay chết, chỉ có một mình Người đựơc tự do có quyền bỏ mạng sống mình rồi
có quyền lấy lại” (XLIII-69). Từ đó ông kêu gọi mọi người: “Đức Kito đã chịu
chết thay cho mọi người, chính để ai nấy sống thì đừng sống cho mình nữa nhưng
hãy sống cho Đấng đã chết cho mình” (XLIII-70).
Trong danh từ, Thiên Chúa là
Chúa Cha, Nguyên thủy là Chúa Con. Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần là hóa công
của toàn thể tạo vật (q13, V-5). Vật không phải từ bản thể Chúa mà ra, chỉ có
Chúa Con, Chúa Thánh Thần mới từ bản thể Chúa mà ra, do vậy ngang hang với Chúa
“một Chúa Ba Ngôi, Ba Ngôi một Chúa” (Q12, VII-VIII).
Có ba hiện tương nơi con
người: có, biết và muốn.Thiên chúa Ba Ngôi là mục đích vô cùng và nội tại của
mình, do đó mà Ba Ngôi vừa có, vừa biết, vừa tự túc một cách bất biến như nhau
(xem q13, XI-12).
3. KẾT LUẬN
Quan niệm về
Thiên Chúa như một nhân vị vô hình thể, vượt ra khỏi quan niệm và suy tư thuần
lý có nhiều nét tương đồng với Brahman của Ấn Độ giáo. Hình ảnh Thiên Chúa
trong tác phẩm của ông là hình ảnh về sự trọn hảo tuyệt đối, là đỉnh cao của
chân – thiện – mỹ mà con người, vào bất kỳ hoàn cảnh nào và thời đại nào cũng
mơ ước. Cũng cần lưu ý: hình ảnh và bản thể Thiên Chúa của Augustin gần với
cách nhìn về Đại Ngã (Brahman) của Bà La Môn giáo chứ không phải gần với Chân
Như, Phật tánh hay Như Lai tạng của Phật giáo. Tư tưởng Thiên Chúa ở trong
ký ức và tâm hồn mỗi con người lại rất gần với Phật giáo (tương tự với qua niệm
Phật tại tâm).
Quan niệm về các vật thụ tạo
thiện hảo và tốt lành là một quan niệm tiến bộ và tích cực xét trong giai đoạn
lịch sử cụ thể của thời đại ông. Đặc biệt khi lý giải về mô thể, có lẽ ông chịu
ảnh hưởng của Aristote.
Quá trình tạo dựng trời đất
qua lý giải Kinh Thánh có nhiều nét bí ẩn, chủ yếu ông lấy tư tưởng Kinh Thánh
làm nguồn suối tư tưởng để triển khai và chú giải thêm.
Trong quan niệm về con người
có nhiều tư tưởng tiến bộ. Ông đề cao tình yêu, tinh thần bác ái, và đặc biệt
sự bình đẳng giữa con người với con người với nhau. Lưu ý đến quan niệm tính
thiện (sự tốt lành) trong mỗi con người, từ đó gợi rất nhiều phương án trong
việc giáo dục con người.
Quan niệm về nguyên nhân sự
dữ và hạnh phúc vĩnh cửu: tư tưởng của ông đã thể hiện được quan điểm: mỗi con
người có đều có tự do (chỉ tiếc là tự do làm điều bất thiện). Về hạnh phúc chân
thật vĩnh cửu, ông đề cao đời sống tiết độ và sự công bình. Quan điểm này rất
gần với tư tưởng trung đạo của Phật giáo (không khổ hạnh nhưng cũng không quá
lạc thú…).
Quan niệm về thời gian, tư
tưởng của ông có nhiều nét đột phá trong truyền thống triết học Tây phương
nhưng không có gì xa lạ với Đông phương, đặc biệt là Phật giáo (lưu ý: phương
pháp thiền hiện quán).
Về nhận thức luận: ông đề cao
trực giác và con đường “hồi quy”. Tư tưởng này cũng có nhiều nét tương đồng với
Lão giáo và Phật giáo (về với tự nhiên trong Lão giáo, về với Phật tính trong
Phật giáo). Tuy vậy, trong Phật giáo, hồi quy là trở về với bản tính
chân thật của chính mình (Phật tính); trong Lão giáo là trở về với bản tính tự
nhiên còn hồi quy của Augustin, hồi quy là trở về con Chúa, hòa cùng ánh
sáng của Chúa.
Tóm lại, hầu hết các vấn đề
lớn của triết lý Hi Lạp đều đã được ông triển khai trong Tự thuật, dù
còn nhiều sơ sài (được bổ sung trong các tác phẩm khác của ông) như vấn đề về
chân lý, tri thức, luân lý, thần thánh, con người, thế giới vật chất… Đúng như
K. Jasper nhận định, đây là triết lý về nội tâm được suy tư rất sâu xa và rất
thú vị mà triết học xưa chưa hề biết đến[2]. Tư tưởng
của ông được trình bày bằng ngôn ngữ suy tư triết học nhưng bám rất sát tinh
thần Kito giáo. Điển hình là sự tồn tại của Thiên Chúa tối cao, vượt lên trên
tất cả mọi cảm quan của con người, chi phối và sáng tạo ra vạn vật là thế giới
quan duy nhất của tất cả các quan niệm của các nhà giáo phụ học Kyto giáo. Bởi
vậy cần lưu ý rằng, dù là những vấn đề triết lý suy tư trừu tượng hay những vấn
đề thuộc nội tâm của mỗi con người, tất cả đều phải được nhìn dưới ánh sáng
Kito giáo. Đây cũng chính là đặc điểm cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa triết
học thời cổ đại và triết học thời trung cổ trong lịch sử triết học phương Tây./.
(Năm 2007)
--------------------------------
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!