Hôm trước viết một bài về hoa quỳnh nhưng hình minh họa là hoa thanh long, chẳng ai nhận ra cho đến khi một bạn "nhắc khéo"... Hoa quỳnh và hoa thanh long, nhìn thoáng qua, nhất là nhìn qua hình chụp thì "tựa tựa" nhau, nhìn kỹ mới thấy sự khác nhau... Đó mới là niềm vui nho nhỏ của đời sống...
Ý niệm về sự "từa tựa" có thể được bắt đầu bằng cảm xúc, phát triển và thăng hoa nó thành sự tưởng tượng... Nhìn một đối tượng nào đó, nghe một âm thanh nào đó... mới chỉ thoáng qua thôi, đã vội khoác lên đó một ý niệm đã được nạp sẵn từ trước, hoặc cũng có thể thả trôi theo dòng cảm xúc nhất thời...
Bạn thích một ai đó và thế là bất kỳ ánh mắt, nụ cười, giọng nói... của đối tượng bạn thích hướng đến mình là ngay lập tức chúng ta "tự sướng": "Ồ, bạn đó cũng thích mình"... Kỳ thực, ánh mắt, nụ cười hay giọng nói đó bình đẳng với tất cả mọi người, hoặc cũng có thể chỉ là "vô tình" với ta thôi nhưng bởi chủ thể nghe, chủ thể nhìn "hữu ý" nên đã phủ chụp ngay cho đối tượng đó một cảm quan "y như mình"...
Bạn ghét một ai đó và thế là bất kỳ biểu hiện nào đó của người mình ghét đều thấy... dễ ghét. Dù thực lòng người ta trân trọng hoặc có tình ý gì đó với mình, nhưng vì chủ thể đã mang sẵn một ý niệm "ghét" trong tâm nên, hoặc là "không quan tâm", hoặc là nghĩ rằng người đó đang nói xấu, nghĩ xấu về mình... y như là mình đang nghĩ xấu, nói xấu về họ...
Tính chủ quan trong những nhận định, đánh giá và phán đoán thường là nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn, xung đột hay những trạng huống dở khóc dở cười trong các mối quan hệ...
Trong cuộc sống không thiếu những hiện tượng hay những sự kiện "từa tựa" nhau, bởi chúng được khoác trên thân những bộ quần áo rất giống nhau về hình thức nhưng lại khác biệt nhau hoàn toàn về nội dung...
Đơn cử như một lời khen, về hình thức là sự đề cao một đặc tính nào đó của đối tượng, nhưng nội dung của chúng có thể là sách tấn một ai đó tiếp tục phát huy những đặc điểm hay ho, cũng có thể là một lời nịnh nọt nhằm mưu đồ lợi dụng vì một tiện ích nào đó...
Trong tình yêu cũng rất nhiều lần bị những cái "từa tựa" như vậy đánh mất đi sự tỉnh táo cần thiết để cảm nhận... Ta cứ ngỡ những lời quan tâm, sự chia sẻ hay trao đổi nhớ nhung là yêu thương tha thiết nhưng kỳ thực, đó có thể chỉ là chiêu trò lợi dụng hay giải trí nhất thời trong lúc vui buồn...
Các mối quan hệ là tất yếu, không ai sống mà không nằm trong một mối quan hệ nhất định nào đó. Nhìn dưới khía cạnh vật chất, mối quan hệ chỉ là sự trao đổi, tôi cho anh cái này và anh cho tôi lại cái kia, kể cả tình cảm. Sự trao đổi có tính chất hai chiều và thú vị ở chỗ chúng luôn bình đẳng nhau. Bạn đừng nghĩ bạn yêu đơn phương một ai đó nghĩa là bạn cho đi mà không hề có nhận lại... bởi đối tượng bạn yêu tuy không yêu bạn nhưng chỉ cần sự có mặt của người đó thôi cũng đã cho bạn rất nhiều rồi...
Tôi đã từng có điều kiện tiếp xúc với khá nhiều bạn bị rơi vào hoàn cảnh đổ vỡ trong tình yêu, họ thường đến gặp để than thở hoặc tìm kiếm một lời khuyên, hoặc có thể chỉ để lấp thời gian trống vắng... và chính tôi cũng hay nói với họ rằng, tại sao khi vui vẻ và hạnh phúc trong tình yêu, bạn lại không ngồi đếm tháng đếm ngày mà chỉ những lúc đau khổ mới ngồi đây mà kể lể?... Thói thường của chúng ta là hay quan trọng hóa nỗi buồn, trong khi nếu chịu khó tính toán một chút, trong tình yêu cũng như trong cuộc sống, ta có bao nhiêu ngày vui thì sẽ có bấy nhiêu ngày buồn, đó là sự cân bằng của thực tại, ráng mà đếm đi...
Quay trở về với chủ đề "từa tựa", như tôi đã đề cập, nguyên nhân của những cái "từa tựa" đó không nằm ở đối tượng "gần giống nhau" về hình thức mà chính là ở sự "ngộ nhận" của chủ thể... Bất kỳ một sự vật hay hiện tượng nào đó, muốn tồn tại thì cần phải thay đổi, nếu không thay đổi thì chắc chắn chúng chưa hề tồn tại. (Nếu tôi không già đi thì chắc chắn tôi không hề có mặt ở đây, bởi cái bào thai chứa tôi trong đó đã không thể hình thành chứ đừng nói đến chuyện phát triển đến 9 tháng 10 ngày...)
Cuộc sống đổi thay là tất yếu nhưng cái khao khát dở hơi của chúng ta lại là miên viễn trường tồn... Chính cái khao khát "ngược đời" và "nghịch lý" đó khiến biết bao đêm ta phải trằn trọc, biết bao ngày ta phải long đong... Sự trằn trọc hay long đong đó là gì nếu không phải là hệ quả do ngộ nhận những giá trị và quy luật sống?
Một minh triết hay một bậc giác ngộ là gì? Họ chẳng là gì hết. Họ thay đổi theo sự thay đổi của cuộc sống. Họ đối mặt với già chết cũng bình thường như khi trẻ họ nghĩ đến trưởng thành... Và cũng chính bởi sự thay đổi đó xảy ra với bất kỳ ai, sự vật hay hiện tượng nào... cho nên, sự thay đổi mới đích thực là tính "chân thường" của thực tại... Cuộc sống có nghiệt ngã với ai đâu nhỉ?!
Người ta ngộ nhận điều gì? Ngộ nhận sự thay đổi là mong manh, ngộ nhận sự mất đi là nghiệt ngã... nhưng... phải nói sao bây giờ nhỉ?... sự thay đổi mới chính là vĩnh hằng... và... ta đã có gì để được sao lại có thể gọi là mất?
Cuộc sống đầy những cái "từa tựa"...
Sống trong tưởng tri thì tưởng tri sẽ chi phối cuộc sống...
Ta vốn dĩ chưa từng được, nên cũng chẳng biết mất là gì...
(26/6/2012)
Sống trong tưởng tri thì tưởng tri sẽ chi phối cuộc sống...
Ta vốn dĩ chưa từng được, nên cũng chẳng biết mất là gì...
(26/6/2012)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!