Văn hóa ngôn luận


Mấy ngày qua giới truyền thông được một phen tất bật vì hình ảnh 2 vị sư cùng ca sỹ họ Đàm "khóa môi" giữa thanh thiên bạch nhật... Đám đông được một phen sock toàn tập và chẳng ngại ngần buông ra tất cả những ngôn từ "đẹp đẽ" nhất có thể, coi đó như cơ hội nhằm thỏa mãn những cảm xúc chất chứa và dồn nén bấy lâu nay...

Một trong những cái hay của thời đại công nghệ chính là các thông tin được lan truyền một cách chóng mặt, và sau mỗi bài viết đều dành một khu đất cho độc giả bình luận, coi đó như là sân chơi của người đọc, như diễn đàn để nhận diện các luồng dư luận, như cơ hội để mỗi người được quyền thể hiện tự do ngôn luận của mình...

Hành vi thiếu chuẩn mực thì đã thực hiện, sự trừng phạt đã được thực thi... Sẽ còn đó những giây phút ăn năn, hối hận, tự trách bản thân thiếu kiểm soát... Sẽ còn đó những niềm tin, sự phục thiện và khả năng đứng dậy sau vấp ngã... Sẽ còn đó những con người đủ bản lĩnh vượt qua dư luận để được sống thật với chính mình và được là mình...

Câu chuyện scandal này rồi cũng như bao câu chuyện gây chú ý khác của giới showbiz, chúng sẽ nhanh chóng lùi vào dĩ vãng của ký ức, của thời gian, và của hàng trăm những câu chuyện giật gân khác chất chồng... Nhưng nỗi đau của người trong cuộc thì vẫn còn đó như một vết thương khó mờ phai, và hình ảnh về một đám đông thi nhau "ném đá" không tiếc lời như bức tranh phác họa về một xã hội thiếu nhân văn, thiếu tình người vẫn đầy ảm đạm...

Tôi còn nhớ câu chuyện về người phụ nữ bị kết tội ngoại tình trong Kinh Thánh, cả kinh thành lên án và đòi ném đá đến chết người phụ nữ tội nghiệp, chỉ riêng có Jesus đủ trí tuệ và tình thương để nhận thấy không ai đủ khả năng làm quan tòa công minh và bình đẳng ngoài chính lương tâm mỗi con người..."Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá đi” ... Và ai trong chúng ta thì chưa từng phạm lỗi?
 
Tôi còn nhớ câu chuyện về ông Châu Lợi Bàn Đặc, một vị đệ tử dốt đặc cán mai của Đức Phật. Cả đại chúng ai cũng chán cái ông sư đần độn, suốt 4 tháng liền chẳng thuộc nổi một bài kệ, và chỉ có Đức Phật là đủ trí tuệ và tình thương để nhìn ra cái hạt giống Phật tính đang nằm sẵn trong ông...  "Tẩy sạch dơ bẩn" là lời dạy duy nhất của Đức Phật và cũng chỉ từ một câu duy nhất đó mà Bàn Đặc đắc quả A la hán... Ai là người đã "tẩy sạch mọi dơ bẩn"?

Chúng ta buông ra những lời thóa mạ, những nhiếc móc khinh khi dành cho đồng loại của mình với thật tâm mong muốn giúp cho người phạm lỗi sửa chữa lỗi lầm hay đơn giản chỉ để thỏa mãn cảm xúc hả hê của chính mình?
 
Chúng ta không ngại ngần chê bai, đả kích, phán xét hành vi của một người khác trên cơ sở hiểu rõ thế nào là đúng, thế nào là sai hay đơn giản chỉ để phụ họa cho vở kịch nhạy cảm thêm phần hấp dẫn?

Chúng ta cười cợt, chế giễu, châm biếm thẳng vào cá nhân một con người trên cơ sở đã từng sống chung với người đó, trực tiếp tham gia vào bối cảnh của câu chuyện diễn ra hành vi đó hay chỉ qua một vài bức ảnh, sự tường thuật úp mở và cố tình lái câu chuyện theo hướng giật gân, gây sock của cánh nhà báo?

Người tu - Họ là ai? Họ là con người. Họ không phải là người mẫu, họ không phải là búp bê, họ không phải là viên gạch chỉnh chu từng góc cạnh... và vì thế họ bình thường như bao người khác...
 
Người tu - Họ là ai? Họ là con người hướng thiện. Họ biết trong họ có cả những hạt giống xấu và hạt giống tốt, nếu không có môi trường thích hợp thì cả hai hạt giống này đều có thể nảy mầm. Vì thế, họ bước chân vào chùa đơn giản chỉ là sự chọn lựa một môi trường nhằm nuôi dưỡng những hạt giống tốt và hạn chế những hạt giống xấu...
 
Người tu - Họ là ai? Họ là con người đang trong quá trình sửa chữa những khiếm khuyết. Trước khi bước chân vào môi trường mới, ai trong chúng ta cũng đều có sẵn những thói quen, có thể được tích tụ từ tiền kiếp xa xôi, có thể được huân tập từ môi trường cũ... và quá trình tu tập là quá trình sửa chữa dần dần những thói quen đã được huân tập từ trước đó...

Người tu - Họ là ai? Họ không phải là con người hoàn hảo và thực tế cũng không có con người nào hoàn hảo tuyệt đối 100% cả. Con người hoàn hảo chỉ tồn tại trong lý tưởng, do con người xây dựng nên, và cố gắng hướng cuộc sống của mình theo con người lý tưởng đó.
 
Người tu - Họ là ai? Họ không phải là trung gian giữa Thánh thần siêu nhiên với con người trần thế. Họ là con người trần thế và vì thế những xúc cảm, ham muốn, thói quen, đam mê của người trần thế như thế nào thì họ cũng như vậy, hoặc là tiềm ẩn, hoặc là hiển lộ, hoặc là đã được chuyển hóa một phần nào đó...
 
Người tu - Họ là ai? Họ được gọi là người tu mà không phải là người - bình - thường vì đơn giản ở chỗ: người - bình - thường chấp nhận sống chung với những ham muốn, đôi khi còn khuyến khích nó tăng thêm, trong khi người tu thì cố gắng chuyển hóa và tiết chế những ham muốn đó theo một hướng tích cực hơn...

Đừng nhìn người tu như một pho tượng gỗ với những nét đẹp hoàn hảo... Chưa từng có pho tượng nào giác ngộ và giải thoát cả. Chỉ có con người, với đầy đủ những đam mê rất đời thường, nhưng cố gắng nỗ lực mỗi ngày nhằm chuyển hóa những cảm xúc đó, mới có cơ hội giác ngộ và giải thoát mà thôi...
 
Đừng nhìn người tu như một viên gạch được đúc ra từ một cái khuôn... Đạo Phật có 84000 pháp môn nhằm trị liệu 84000 căn bệnh phiền não, vì thế, tùy từng căn bệnh, mỗi người sẽ chọn cho mình một pháp môn tu tập thích hợp...
 
Đừng nhìn người tu qua chiếc áo, qua hình tướng hay tác phong bên ngoài... Mục đích của người tu là hướng đến giải thoát, nhưng giải thoát lại nằm ở sự nhận thức nội tâm. "Ai uống nước, kẻ đó tự biết nóng lạnh". Hành vi hay cử chỉ bên ngoài không nói lên điều gì cả, đôi khi chỉ là hình thức đánh lừa cảm quan của mỗi chúng ta...

Một tổ chức cần có kỷ cương để kết nối nhiều cái Tôi khác biệt lại với nhau, và vì thế, việc trừng phạt một hành vi vượt ra cương giới của những cam kết chung nên được coi như sợi dây cương hãm hành vi đó lại cho tổ chức được hoạt động trơn tru, chứ không phải là hình thức thóa mạ, mạt sát hay hạ thấp nhân cách một con người.
 
Một hành vi được cho là thiếu đứng đắn, không phải vì chúng đi ngược với cái nhìn của đám đông, cũng chẳng phải vì chúng vượt ra ngoài những cam kết chung, mà chỉ vì hành vi đó xuất phát từ những cảm xúc bộc phát nhất thời thiếu tỉnh giác và chánh niệm.
 
Tội ác không phải nằm ở việc khóa môi đồng giới, cũng chẳng phải vì đó là ca sỹ nổi tiếng với một ông sư... Tội ác thật sự nằm trong miệng lưỡi "ném đá" không tiếc lời của đám đông hả hê cảm xúc và nằm trong định kiến thiếu sự bao dung và tha thứ giữa con người với con người...
(9/11/12)



Tái bút

Có hai ông sư tu hành đã lâu trên núi. Một người là sư huynh, một người sư đệ. Ngày kia xuống núi làm Phật sự, trên đường quay về Chùa, đến bên một dòng suối, nước không sâu nhưng chảy xiết. Đang chuẩn bị sang bờ bên kia, bất chợt thấy một cô gái đang loay hoay không dám lội qua. Sư đệ làm thinh nhìn cô gái, mặt dửng dưng như không thấy, không biết. Sư huynh dợm bước, song thấy cô gái như thế dừng lại hỏi “ sao cô không lội qua?” Cô gái nói chân bị đau, lòng suối toàn đá lởm chởm nên ngần ngại không dám bước qua. Sư huynh chẳng nói chẳng rằng tình nguyện cõng cô gái lội qua dòng suối…

Qua bờ kia bỏ cô gái xuống, sư lẳng lặng tiếp tục bước đi như chẳng hề có chuyện gì xảy ra, sư đệ nhìn việc làm của sư huynh nãy giờ trong lòng có ý khinh miệt, hậm hực đi kế bên một cách rất khó chịu…Về Chùa, công phu xong, sư đệ nhìn thấy sư huynh vẫn thong dong , bình thản, càng thêm tức tối. Sáng hôm sau, sư đệ không…nhịn được nữa, giận dỗi hỏi sư huynh: “ Huynh là một người tu hành rất mực nghiêm túc, học rộng hiểu sâu, luôn dạy mọi người phải gìn giữ giới hạnh,vậy mà…” Sư huynh ngạc nhiên : “ ta đã làm gì sai nào?” Sư đệ gằn giọng, nhíu mày, cười khẩy:” Huynh không nhớ mình đã làm gì à? Thế ai đã cõng trên lưng cô con gái xinh đẹp kia băng qua suối hử??”. Sư huynh vẫn thản nhiên vừa quét lá trên sân Chùa, vừa trả lời: “ ta đã bỏ cô gái xuống rồi, sao đệ vẫn còn cõng cô ta về Chùa hử?
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
3 Comments

3 nhận xét:

  1. Biết nói sao bạn hỉ! Đồng ý với lời "định kiến thiếu sự bao dung và tha thứ giữa con người với con người..."

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất