Góp ý Hiến pháp?

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được phân phát khắp hang cùng ngõ hẻm, đi đến tận tay người dân... Nhà nước kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến, tuy nhiên vẫn kèm theo đó một thòng lọng: góp ý gì thì góp ý, nhưng đừng có đụng đến "cái không được phép đụng", nếu không thì bất cứ lúc nào bạn cũng được coi là "suy thoái đạo đức", dù đôi khi những người dân thường như chúng ta chẳng biết đó là chuẩn mực đạo đức nào... 

Không dám lạm bàn chuyện quốc gia đại sự, vì cổ em thấp, họng em bé, giọng em nhỏ, chẳng đủ lực để vang vọng đến mây xanh, nên cho phép em hôm nay được ngân nga vài câu chuyện vu vơ hương đồng cùng gió nội...

Kính thưa và kính gửi...

Danh từ "hiến pháp" có nguồn gốc từ tiếng Pháp “constitution” - có nghĩa là - luật căn bản của vương quốc. Trước cách mạng Pháp 1789, trong tác phẩm "Tinh thần pháp luật", Montesquieu đã cung cấp cho thuật ngữ trên hai hàm nghĩa chủ đạo: tự do và phân quyền. Đất nước chỉ thật sự có tự do khi có "hiến pháp" nhằm hạn chế quyền lực giai cấp cầm quyền và mục đích của phân quyền là nhằm làm cho quyền lực không rơi trọn vào tay ai. Tuy vậy, thực tế, mối quan hệ giữa quyền lực tuyệt đối của chế độ quân chủ và hiến pháp theo ý nghĩa chính trị vẫn còn nhập nhằng cho đến khi cuộc cách mạng Pháp 1789 nổ ra.  Sau cách mạng, Sieyès đã thêm vào nội dung của "hiến pháp" một khái niệm nữa là "luật pháp" nhằm cụ thể hóa ý nghĩa chính trị của từ "hiến pháp" mà Montesquieu đã xây dựng. 

Bên kia đại dương, nhằm chống lại những đạo luật bất công của Đế quốc Anh, mười ba thuộc địa của Anh ở châu Mỹ đã nổi dậy giành độc lập. Sau khi ra đời Tuyên ngôn độc lập (1776), tại Đại Hội đại biểu Philadelphia vào năm 1787, lãnh đạo mười ba nước thuộc địa đã cho ra đời một bản Hiến pháp, với ý nghĩa -"có các quyền không thể sửa đổi được, các quyền đó phải được ghi rõ trong một thứ luật khác cao hơn, tức là hiến pháp thành văn, có hiệu lực pháp lý, nghĩa là bắt buộc"... Ý tưởng về một bộ luật cao hơn tất cả mọi luật khác được coi là bước ngoặt quan trọng cho sự ra đời của khái niệm "hiến pháp" - theo nghĩa hôm nay...

Sieyès tóm tắt vài ý tưởng về hiến pháp như sau: “Hiến pháp bao gồm đồng thời: việc thành lập và tổ chức nội bộ các quyền lực khác nhau của nhà nước, mối tương quan tất yếu và sự độc lập giữa các quyền lực đó, và cuối cùng, những cảnh giác chính trị phải cẩn thận xây dựng chung quanh, để các quyền lực đó lúc nào cũng có ích lợi nhưng không bao giờ trở thành nguy hiểm. Đó là ý nghĩa chính xác của danh từ hiến pháp; ý nghĩa đó liên quan đến toàn thể quyền lực của nhà nước và sự phân chia những quyền lực đó” và Mounier đã mạnh dạn phát biểu như thế này vào ngày 7-7-1789 trước Hội đồng lập hiến: “Bất cứ xã hội nào trong đó các quyền không được bảo đảm và sự phân quyền không được tôn trọng, xã hội đó không có hiến pháp”.

Trở lại đất nước Việt Nam ta, Hồ Chí Minh - người khai sinh ra chế độ mới - đã từng viết trong "Việt Nam yêu cầu ca" một câu như thế này: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Như vậy, ngay từ khi đấu tranh cho đến khi giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã xác định rõ nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, và cùng với cái tên gọi "Việt Nam dân chủ cộng hòa", chế độ đó nhất định phải là chế động cộng hòa theo đường lối dân chủ...

Vậy thế nào là một nhà nước pháp quyền?... Trong phạm vi một cuộc chơi nhàn đàm của những kẻ thấp cổ bé họng, xin ngắn gọn vài điều như sau:

- Thứ nhất, một nhà nước pháp quyền là một nhà nước mà hiến pháppháp luật phải được thượng tôn... Mọi tổ chức, đảng phái chính trị đều phải hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật... Bất cứ một tổ chức hay đảng phái nào, dù đó có là đảng phái duy nhất lãnh đạo, cũng không được quyền nằm ngoài khuôn khổ mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định...

- Thứ hai, từ ý nghĩa chính trị mà thuật ngữ "Hiến pháp" đã ra đời, Hiến pháp phải thể hiện được quyền tự do của các tổ chức, đảng phái, tôn giáo... nói chung và từng công dân nói riêng đang hoạt động trong phạm vi của Hiến pháp đó... Bất kỳ một Hiến pháp nào, không hướng đến sự khẳng định quyền tự do cho các tổ chức và cá nhân tham gia trong đó, thì thứ hiến pháp đó chẳng thể được coi là Hiến pháp...

- Thứ ba, ý nghĩa chính trị thứ hai mà thuật ngữ Hiến pháp cung cấp cho chúng ta, chính là sự phân quyền - quyền lực ngăn chặn quyền lực. Theo Montesquieu: “Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn”. Do vậy, Hiến pháp phải xác định rõ phạm vi quyền lực cùng với những giới hạn được cho phép của những người, nhóm người tham gia lãnh đạo. Sự tập trung quyền lực vào một cá nhân, một nhóm người, một tổ chức hay một đảng phái đều được coi là một hình thức của chế độ độc tài...

- Thứ tư, Hiến pháp là văn bản pháp quy cao nhất của một chế độ, và một chế độ thực sự của dân, do dân và vì dân là một chế độ lấy dân làm gốc. Sẽ thật nực cười với những ngôn từ mị dân đao to búa lớn về nhà nước pháp quyền, dân chủ và tự do khi người dân không được tham gia một cách trực tiếp vào sự ra đời của văn bản cao nhất đó. Một bản Hiến pháp, được soạn bởi một nhóm người, được quyết bởi một đảng phái, được vỗ tay bởi một vài thành viên dân cử - có thực sự là một văn bản pháp quy cao nhất - và nhà nước đó có thực sự là nhà nước pháp quyền??

Tớ không biết nhà nước đó là nhà nước gì,
Còn bạn, bạn biết không??
(9/3/13)
 
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
6 Comments

6 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà Nước mà TK nói vẫn là Nhà Nước Pháp Quyền vì Tôi đâu muốn thành người "Suy thoái đạo đức". Bài viết phân tích khá đầy đủ về Hiến Pháp nhưng quan điểm về Hiến Pháp của Tây khác của Ta TK à. [-(

      Xóa
    2. Giờ VN ta có thêm cụm từ "suy thoái đạo đức" để ám chỉ những người xây dựng tư tưởng pháp quyền phương Tây rồi :)

      Xóa
  2. Tớ sẽ đọc ro ro như cái máy cho bạn lớn nghe Nhà nước là gì nhé :(

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất