Đánh thức trí thông minh (Krishnamurti)

Như những gì đã hứa trong mục điểm sách, hôm nay tớ sẽ gửi đến các bạn đôi dòng về Đánh thức trí thông minh của Krishnamuri trước khi lang thang phố xá. Nợ nần chưa trả xong thì áy náy, đi chơi cũng khó yên thân.



Không biết phải giới thiệu như thế nào về Krishnamurti với các bạn cả, vì khởi nguồn của ông là được đào tạo để trở thành một bậc đạo sư tâm linh cho Hội thông thiên học. Đến ngày chính thức ra mắt Hội, chính ông lại tuyên bố giải tán nó. Kể từ đó, hành trình của ông là hành trình của một bậc thầy du thuyết, không nằm trong bất kỳ một hệ thống tôn giáo hay một tổ chức nào cả. Không thể gọi ông là triết gia theo đúng nghĩa của từ này, vì ông không cố ý xây dựng cho riêng mình một hệ tư tưởng có hệ thống. Ông đứng riêng một góc trời, lừng lững như núi Thái sơn.

Cách truyền trao quan điểm của ông cũng không giống bất kỳ một triết gia hay một vị đạo sư nào đã từng làm. Ông đơn giản trò chuyện như một người bạn, khơi gợi họ suy tư, đánh thức trong họ khả năng khám phá vào những vùng trời chưa từng biết. Ông không cố tình đảo lộn mọi hệ giá trị mà ta đang bám víu nhưng ông giúp ta nhận ra sự vô nghĩa và lầm lạc trong cách thức tư duy mà vô tình ta đã bị đóng khung. Ông có chút hình ảnh của nghệ thuật "bà đỡ" Socrate và chút cách mạng theo kiểu "cái búa" của Niesztche. Ông đến như một vì sao, rọi cho ta thấy bóng đêm mà ta đang bị cuốn vào đó, và ông đi nhẹ nhàng như cơn gió, để lại trong tâm ta một sự khắc khoải đến quặn người.


Tôi gặp ông lần đầu khi tôi 17 tuổi, một cái tuổi ăn chưa no mà lo chưa tới, qua tác phẩm Tự do đầu tiên và cuối cùng. Tiếng nói của ông cuốn tôi đi từ trang sách này đến trang sách khác, đập thẳng vào não trạng mù mờ của tôi một tia nắng bình minh, khơi thông trong tôi một mạch ngầm về sự tự do và khai phóng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nâng niu tác phẩm đó, dù đã rất lâu rồi tôi không hề cầm đến nó.

Tác phẩm Đánh thức trí thông minh là một trong khoảng gần năm chục tác phẩm của ông đã được dịch ở Việt Nam. Như bao tác phẩm khác mà ông là tác giả, sách của ông không hề được viết một cách có chủ ý, chẳng quan tâm đến tính học thuật và nguyên tắc sách vở. Đó đơn thuần chỉ là những buổi nói chuyện ngắn với khoảng vài trăm thính giả, có khi chỉ là cuộc đàm thoại giữa ông với một vài nhân vật nào đó. Tác phẩm này cũng tương tự như vậy.

Đánh thức trí thông minh được chia làm 9 phần, bao gồm các cuộc trò chuyện ở Mỹ, New York, Châu Âu, Ấn Độ và Anh quốc. Nội dung của nó chủ yếu xoay quanh cái nhìn, tư tưởng, trí thông minh, phạm trù thời gian và không gian, vai trò của vị thầy tâm linh, kinh nghiệm tôn giáo và tự do nội tại...


Có lẽ trong cuộc sống, ít khi nào chúng ta suy nghĩ xem cách nhìn và tư duy khác nhau ở chỗ nào, tư tưởng và sự thông minh bị giới hạn trong cái gì, ý niệm về không gian và thời gian được hình thành từ đâu, hành động của bản năng và hành động của ý chí khác nhau ở điểm nào, hình ảnh trong tư tưởng và quan sát trong tỉnh giác là gì...

Những hoài nghi như thế, với những người đang mải lo cơm áo gạo tiền như chúng ta quả thật quá xa vời. Chúng ta còn bận bịu với gia đình, với con cái, lo lắng cho giá xăng dầu, đấu tranh để giành giật một chỗ ngồi trong công ty, hơn thua để dễ bề thăng tiến. Với các bạn trẻ, chúng ta còn bận thi cử, lo nghĩ làm sao không học vẫn có điểm cao, ra trường cầm mảnh bằng rồi thì tìm mọi cách làm sao có được việc làm tốt, yêu đương thì mải bận cặp kè khư khư sợ người ta bỏ rơi, vui chơi thì phải tìm cách gây ấn tượng cho người khác phái có thiện cảm... 

Chúng ta bận quá, chúng ta không có quá nhiều thời gian để quan tâm đến những vấn đề mà Krisnamuri đặt ra. Chúng ta chạy theo những niềm vui phù du, và khi ước mơ đó tan biến như xà phòng, chúng ta than thở, chúng ta khóc lóc, chúng ta cô đơn và chúng ta đòi tự tử. Nếu có một giây phút nào đó chúng ta tự hỏi vì sao mình cô đơn, chúng ta bèn vơ đại một cái cớ nào đó, hoặc người yêu mới chia tay, hoặc chẳng ai hiểu mình... Chúng ta không đủ bản lĩnh để đi đến tận cùng của vấn đề...

Các phương tiện giải trí ngày một tân tiến, các trang mạng xã hội ngày càng xôm tụ, những thứ triết lý rẻ tiền, dễ hiểu, dễ nhai, dễ nuốt dễ khiến ta vui. Ta tạm hài lòng với những thứ triết lý ba xu như thế, tự an ủi mình qua những lúc khổ đau, bất hạnh như thế và tự nhắm mắt khép cửa lòng mình với những hoài nghi căn bản mà tồn tại đã đặt ra. Ta lười suy nghĩ về những vấn đề siêu hình trừu tượng, ta thích những thứ có thể nắm bắt sờ mó được. Và ta thì chẳng cần quan tâm những thứ nắm bắt sờ mó kia từ đâu mà ra cả, miễn sao chúng thuộc về mình, chúng làm cho mình đẹp hơn, chúng khiến người xung quanh phải nhìn ta với đôi mắt đầy ghen tị... Thế là cuộc đời với chúng ta đã có ý nghĩa lắm rồi vậy... Chúng ta không đủ bản lĩnh để đi đến tận cùng của vấn đề...


Quyển sách mà tôi giới thiệu hôm nay không phải là quyển sách đưa ta đi đến tận cùng của vấn đề. Nhưng tôi chắc chắn ai đã từng đọc nó, ai đang muốn đọc nó nghĩa là người đó đang khát khao đi đến tận cùng của tư duy. Quyển sách chỉ là tiếng chuông đánh thức ta đang mê mệt say sưa trong những hào quang của chê khen đời thường.

Quyển sách mà tôi giới thiệu hôm nay không phải là câu trả lời tối hậu cho cội rễ của tư duy và tư tưởng. Nhưng tôi chắc chắn ai đã từng đọc nó, ai đang muốn đọc nó nghĩa là họ đã bắt đầu khởi sự trên lộ trình quay về chính mình, tìm kiếm hình hài đích thực của những hình ảnh đang nhen nhúm trong mình. Quyển sách chỉ là cánh cửa mở ra cho ta một chân trời mới, một cách nhìn khác, một thái độ sống khác trước những se sua dễ dàng của ngôn từ trót lưỡi đầu môi.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Đánh thức trí thông minh 
(18/4/13)



Tái bút

1. Đôi nét về Krishnamurti: Jiddu Krishnamurti là một trong số những triết gia vĩ đại trong thời đại của chúng ta, ông được xếp là một trong số 5 vị Thánh của thế kỷ 20. Jiddu Krishnamurti sinh năm 1895 tai Andhra Pradesh, Ấn Độ trong một gia đình Bà-la-môn trung lưu. Khi ông được 14 tuổi, các thành viên của Tổ chức Theosophical Society trông thấy ông đang đi bộ dọc theo bờ biển và họ đoan chắc rằng họ đã tìm ra được một bậc thầy của thế giới. Sau đó, triết gia Annie Besant nhận làm cha đỡ đầu của ông và nuôi dưỡng ông tại Anh quốc. Vào những năm 1920, ông tham gia các cuộc thảo luận cùng hàng ngàn khán thính giả. Năm 1929, ông rời bỏ tổ chức Theosophical Society và một mình lên đường tham gia rao giảng khắp thế giới trong vai trò là một người không thân phận, không quốc tịch, không tôn giáo, không truyền thống.

2. Một số tác phẩm đã được dịch của ông:

- Nghĩ về những điều này 
- Thế nào là Tình Yêu 
- Bàn về liên hệ 
- Bàn về giáo dục 
- Cuốn sách của cuộc sống 
- Nói chuyện cuối cùng 1985 
- Bài diễn văn giải tán hội Ngôi sao 
- Tuyển tập Krishnamurti 
- Bạn làm gì với đời mình - Chuyên đề đặc biệt dành cho tuổi trẻ 
- Cuộc đời phía trước 
- Về sống và chết 
- Đại bàng cất cánh 
- Tự do đầu tiên và cuối cùng 
- Giáo dục và ý nghĩa của cuộc sống 
- Bàn luận về cuộc sống I 
- Bàn luận về cuộc sống II 
- Bàn luận về cuộc sống III 
- Tự do khỏi tri thức 
- Thiền định 
- Cuộc cách mạng duy nhất 
- Bạn là cả thế giới 
- Truyền thống và Cách mạng 
- Sự khẩn thiết phải thay đổi 
- Câu hỏi không thể 
- Khai sáng trí năng 
- Khám phá nội tâm 
- Toàn bộ cuộc sống 
- Ngọn lửa chú ý 
- Tương lai là hiện tại 
- Mạng lưới suy nghĩ 
- Tâm không đo lường 


3. Mục lục về tác phẩm Đánh thức trí thông minh


MỸ 
PHẦN I. 
Hai cuộc Chuyện Trò: 
J. Krishnamurti và Giáo sư J. Needleman
1 Vai trò của vị thầy 
2 Về không gian bên trong 

PHẦN II. 
Ba Cuộc Nói Chuyện Ở Thành Phố New York

1 Cuộc cách mạng bên trong 
Cần thiết phải thay đổi. Một tiến trình trong thời gian hay tức thời ? Ý thức và vô thức ; những giấc mộng. Tiến trình phân tích. Thấy nội dung của ý thức mà không có sự tách biệt giữa người quan sát và cái được quan sát. Ồn ào và kháng cự. “Khi có sự dừng dứt hoàn toàn sự phân chia giữa người quan sát và cái được quan sát, bấy giờ ‘cái đang là’ không còn là cái đang là nữa.“ 

2 Tương quan 
Tương quan. “Bạn là thế giới.“ Cái ngã tách biệt ; bại hoại. Thấy cái thực sự “đang là”. Cái không phải là tình thương. “Chúng ta không có đam mê ; chúng ta có tham dục, chúng ta có lạc thú.“ Hiểu cái chết là gì. Tình thương là sự vĩnh cửu của chính nó. 

3 Kinh nghiệm tôn giáo. Thiền định. 
Có một kinh nghiệm tôn giáo không ? Tìm cầu chân lý ; ý nghĩa của sự tìm cầu. “Cái gì là một tâm tôn giáo ?“ “Cái gì là tính chất của tâm không kinh nghiệm nữa ?” Kỷ luật ; đức hạnh ; trật tự. Thiền định không phải là trốn thoát. Chức năng của kiến thức và tự do khỏi cái biết. “Thiền định là tìm ra liệu có một trường xứ đã không nhiễm ô bởi cái biết.” “Bước đầu tiên là bước cuối cùng.” 


PHẦN III. 
Hai Cuộc Trò Chuyện : 
J. Krishnamurti và Alain Naudé
1 Rạp xiếc tranh đấu của con người 
2 Về tốt và xấu 


ẤN ĐỘ 
PHẦN IV. 
Ba cuộc Nói Chuyện ở Madras

1 Nghệ thuật thấy 
Thấy, không phải từng phần mà toàn phần. “Hành động thấy là chân lý duy nhất. Chỉ một phần mảnh của tâm bao la được dùng. Ảnh hưởng phần mảnh của văn hóa, truyền thống. “Sống trong một góc nhỏ của một trường méo mó.“ “Bạn không thể thấu hiểu qua một phần mảnh.“ Giải thoát khỏi “góc nhỏ”. Cái đẹp của thấy. 

2 Tự do 
Chia xẻ một tâm tự do. “Nếu chúng ta gặp gỡ cái này, đó thực sự là một đóa hoa huyền nhiệm.“ Tại sao con người không có cái này ? Sợ hãi. “Sống” là không sống. Những lời chữ được cho là bản chất. Hao phí năng lượng. “Tâm trưởng thành thì không có so sánh… không có đo đạc.“ Hiệu lực của “đời sống bạn sống mỗi ngày… không hiểu nó bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu thương yêu, cái đẹp hay cái chết.” Qua phủ định, cái độc nhất vốn là khẳng định hiện bày. 

3 Cái thiêng liêng 
Cày, không bao giờ gieo. Ý niệm hóa. Sự nhạy cảm không có trong đời sống. Chú ý và thông minh. Vô trật tự trong bản thân chúng ta và trong thế giới : trách nhiệm của chúng ta. Vấn đề thấy. Những hình ảnh và tiếp xúc trực tiếp. Cái thiêng liêng. “Khi bạn có yêu thương bạn có thể vất bỏ mọi cuốn sách thiêng của bạn.“ 


PHẦN V. 

Ba cuộc Đối Thoại ở Madras

1 Xung đột 
Những hình ảnh : chúng ta có biết chúng ta thấy qua những hình ảnh ? Những quan niệm ; lỗ trống giữa những quan niệm và cuộc sống hàng ngày ; sanh ra xung đột. “Để sáng tỏ bạn phải có thể nhìn.“ “Sống không xung đột, nhưng không đi ngủ.“ 

2 Thời gian, không gian và cái trung tâm 
Lý tưởng, quan niệm, và “cái đang là”. Cần hiểu khổ đau : đau đớn, cô đơn, sợ hãi, ghen tỵ. Trung tâm cái tôi. Không gian và thời gian của cái trung tâm. Có thể không có một trung tâm cái tôi nhưng vẫn sống trong thế giới này ? “Chúng ta sống trong nhà tù của sự suy nghĩ của chính chúng ta.” Thấy cơ cấu của cái trung tâm. Nhìn không có trung tâm. 

3 Một câu hỏi nền tảng 
Cái gì là suy nghĩ sáng tỏ liên hệ đến cuộc sống hàng ngày ? Gặp gỡ hiện tại với quá khứ. Làm sao để sống với trí nhớ và kiến thức kỹ thuật nhưng vẫn thoát khỏi quá khứ ? Làm sao sống mà không có sự phân mảnh ? Im lặng trước cái bao la của một câu hỏi nền tảng. “Bạn có thể sống trọn vẹn đến độ chỉ có cái hiện tại sống động bây giờ ?“ 


CHÂU ÂU 
PHẦN VI. 
Bảy cuộc Nói Chuyện ở Saanen, Thụy Sĩ


1 Cái gì là sự quan tâm hơn hết của bạn ? 

Đam mê và mãnh liệt cần thiết. Cái bên trong và bên ngoài, chúng có thể bị phân chia ? 


2 Trật tự 
Chỉ tâm thức biết sự vô trật tự. Trạng thái “không biết”. Tự ngã là phần của văn hóa, nó là vô trật tự. 

3 Chúng ta có thể tự hiểu mình ? 
Vấn đề tự-hiểu biết là vấn đề nhìn. Nhìn không có phân mảnh, không có cái “tôi”. Phân tích, những giấc mộng và giấc ngủ. Vấn đề của “người quan sát” và của thời gian. “Khi bạn nhìn vào chính bạn mà không có đôi mắt của thời gian, ai ở đó để nhìn ?“ 

4 Cô độc 
Lo nghĩ về chính mình. Tương quan. Hành động trong tương quan và đời sống hàng ngày. Những hình ảnh làm cô lập : hiểu sự xây dựng hình ảnh. “Quan tâm đến chính mình là hình ảnh chính của tôi.“ Tương quan không có xung đột nghĩa là thương yêu. 

5 Tư tưởng và cái không thể đo lường 
Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta ? Chức năng của tư tưởng. Trường của tư tưởng và những phóng chiếu của nó. Tâm thức có thể đi vào cái không thể đo lường ? Cái gì là nhân tố của ảo tưởng ? Sợ hãi thuộc thân thể và thuộc tâm trí và những trốn chạy. Tâm thức học hỏi thường trực. 

6 Hành động của ý chí và năng lượng cần cho một thay đổi tận gốc 
Năng lượng lớn lao cần có ; sự hao phí của nó. Ý chí là đề kháng. Ý chí như sự khẳng định của cái “tôi”. Có chăng hành động không chọn lựa, nó không có động cơ ? “Nhìn với đôi mắt không bị điều kiện hóa.” Tỉnh giác không chọn lựa về sự điều kiện hóa. Thấy và từ chối cái sai giả. Cái không phải là thương yêu. Đối mặt với vấn đề cái chết. “Sự chấm dứt của một năng lượng như là cái ‘tôi’ là khả năng nhìn vào cái chết.“ Năng lượng để nhìn vào cái không biết : năng lượng tối cao là trí thông minh. 

7 Tư tưởng, trí thông minh và cái vô lượng 
Những ý nghĩa khác nhau của không gian. Không gian mà từ đó chúng ta suy nghĩ và hành động ; không gian do tư tưởng đã xây dựng. Thế nào người ta phải có không gian vô lượng ? ”Mang gánh nặng của chúng ta nhưng tìm kiếm tự do.” Tư tưởng không tự phân chia thì chuyển động trong kinh nghiệm. Ý nghĩa của trí thông minh. Hòa điệu : tâm, lòng bi và cơ thể. “Tư tưởng thuộc thời gian, trí thông minh không thuộc thời gian.“ Trí thông minh và cái vô lượng. 

ANH 
PHẦN VII. 
Hai buổi nói chuyện ở Brockwood

1 Sự tương quan với tỉnh giác về tư tưởng và hình ảnh 
Những ích dụng và những giới hạn của tư tưởng. Những hình ảnh. Những hình ảnh : quyền lực của hình ảnh. “Người ta càng nhạy cảm, gánh nặng những hình ảnh càng lớn.“ Phân tích và những hình ảnh. Trật tự tâm lý ; những nguyên nhân của vô trật tự : ý kiến, so sánh, những hình ảnh. Sự tan biến có thể được của những hình ảnh. Sự thành hình của những hình ảnh. Chú ý và không chú ý. “Chỉ khi tâm không chú ý hình ảnh mới được tạo thành.“ Chú ý và hài hòa : tâm, lòng, thân. 

2 Tâm thiền định và câu hỏi không thể đáp 
“Thiền định là sự giải phóng toàn bộ năng lượng.” Thế giới phương Tây xây dựng trên đo lường, nó là maya theo phương Đông. Sự vô ích của những phái thiền định. Năng lượng dựa vào tự tri. Vấn đề tự quan sát. Nhìn “không có đôi mắt của quá khứ”. Đặt tên. Cái che dấu trong chính mình. Những chất kích thích. Nội dung che dấu và câu hỏi không thể đáp. “Thiền định là một cách để qua một bên tất cả những gì con người đã hình dung về chính nó và thế giới.“ Một cuộc cách mạng tận gốc trong đó người ta ảnh hưởng toàn bộ thế giới. Cái gì xảy ra khi tâm bình lặng ? “Thiền định là… thấy sự đo lường và vượt khỏi sự đo lường.” Hòa điệu và một “đời sống hoàn toàn khác”. 

PHẦN VIII. 
Một thảo luận với một nhóm nhỏ ở Brockwood 
Bạo lực và cái “tôi”

PHẦN IX. 
Nói chuyện giữa J. Krishnamurti và Giáo sư David Bohm 

Về trí thông minh
Tư tưởng thuộc về cấp bậc của thời gian ; trí thông minh là một cấp bậc khác, một tính chất khác. Trí thông minh có liên hệ đến tư tưởng không ? Bộ óc là dụng cụ của trí thông minh ; tư tưởng như là một gợi ý. Tư tưởng chứ không phải trí thông minh thống trị thế giới. Vấn nạn của tư tưởng và sự thức dậy của trí thông minh. Trí thông minh hoạt động trong một khuôn khổ giới hạn có thể giúp đỡ nhiều cho những mục tiêu không thông minh. Vật chất, tư tưởng, trí thông minh có một nguồn gốc chung là một năng lượng ; tại sao nó phân chia ? An toàn và sống còn : tư tưởng không thể xem xét cái chết một cách thích đáng. “Tâm có thể giữ sự thanh tịnh của nguồn gốc nguyên sơ không ?“ Vấn đề làm bình lặng tư tưởng. Cái thấy thấu suốt, tri giác cái toàn thể, là cần thiết. Thông tin không có sự can thiệp của tâm ý thức.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
3 Comments

3 nhận xét:

  1. Chủ nhật này có ngày hội tết sách đó... đi xem nhé...

    Trả lờiXóa
  2. Triết gia Annie Besant là mẹ đỡ đầu có lẽ sẽ chuẩn hơn trong tiếng Việt chứ nhỉ ? 😊

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất