Hiếu là gì?

Mới sáng ra mà thời tiết đã nóng nực, ánh nắng mặt trời như nhát dao chém ngang qua mắt, muốn nướng thêm tí nữa mà sợ đầu bốc khói đành ngoi ngoi dậy, pha ấm trà và năn nỉ cảm xúc thôi bớt ham chơi.



Ngồi hoài mà hai tay cứ trơ trơ như mười ngón xương xẩu khô khốc, chợt có người ngâm cho câu ca dao mà ai trong chúng ta cũng đã từng nghe ngay từ những ngày còn nằm nôi...

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng
Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Sen từ bùn mà ra, sen tồn tại, sinh trưởng và diệt vong trong bùn. Bùn là mẹ của sen, là cội nguồn mà từ đó sen có mặt. Tiếp nối truyền thống của mẹ, tại sao đứa con lại không mang hơi hướm và dáng dấp của bùn?

Thông thường trong cuộc sống, chúng ta hay nghĩ hiếu thảo là phải biết: khi còn nhỏ thì ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha, khi trưởng thành thì phải biết chăm sóc phụng dưỡng lúc mẹ đã xế chiều, khi cha mẹ mất thì tiếp nối và truyền thừa dòng giống tổ tiên... Nhìn chung chung như vậy chúng ta gọi đó là người con có hiếu. 

Tuy nhiên, còn một định nghĩa khác của hiếu thuận, ấy là: có những lúc nghe lời mẹ cha là không ngoan, tiếp nối truyền thống gia đình lại là bất hiếu. Điển hình như cánh hoa sen, nếu vẫn tiếp tục toả ra những chất liệu hôi tanh của bùn thì chẳng ai coi sen là đứa con hiếu thảo của bùn lầy cả.


Hiếu thảo là gì? Đừng nhìn nó ở mặt hình thức, nghĩa là cha mẹ bảo sao nghe vậy là ngoan, tiếp nối nghề nghiệp của cha mẹ là hiếu. Cha mẹ làm nghề trộm cướp, bảo kê, giết người... con cái tiếp nối truyền thống đó thì thật là tệ.

Hiếu thảo là gì? Cha mẹ nào cũng mong con cái học hành giỏi giang, thành đạt trong cuộc sống, lấy được người vợ hiền, người chồng giỏi, có nền tảng kinh tế vững vàng... Nhưng cha mẹ thì không phải là con cái, họ không sống cuộc sống của chúng ta. Dù cho họ sinh thành ra ta, nhưng họ vẫn là người ngoài cuộc so với ta. Chính ta còn chẳng hiểu hết được về ta, làm sao người ngoài có thể biết được năng lực và tình cảm của ta là gì mà đòi hỏi ta phải thi vào trường này trường nọ, phải yêu người này người kia...

Hiếu thảo là gì? Ước mơ và mong muốn của cha mẹ ta cần trân trọng nhưng không nhất thiết phải làm theo hay kế thừa. Khi một đứa con biết rõ năng lực và tình cảm của mình, biết suy nghĩ và hành động có trước có sau, thì dù có cãi lời cha mẹ trong nhất thời, vẫn có thể được coi là đứa con có hiếu.

Quay trở lại câu ca dao trên, bùn lầy có thể được coi là cha mẹ của sen. Bùn lầy cung cấp cho sen chất liệu, môi trường, dinh dưỡng để tồn tại. Đó là tất cả những gì mà chức năng của bùn lầy có thể làm. Sen là đứa con ra đời trong bùn lầy, tiếp biến và chuyển hoá chất dinh dưỡng mà bùn lầy trao tặng trở thành sự sống của mình. Nhưng sen thì không phải là bùn, sen có hương vị thanh tao, màu sắc tươi mát và sen cần phải sống cho chính sen, sống với chính bản chất của mình, và khi sen làm được như vậy, sen đã là đứa con rất có hiếu với bùn lầy rồi vậy.


Mở rộng ý nghĩa một chút, chúng ta hay nói đến tinh thần vô nhiễm của đạo Phật. Người ta lầm tưởng đạo Phật là tôn giáo của bi quan, của yếm thế, của lánh đời... và vì thế người ta đòi hỏi người tu đừng tham gia, đừng nhìn ngó, đừng quan tâm đến đời sống trần tục. Càng thanh bần đạm bạc, càng ở xa nơi đô thị huyên náo, càng ở ẩn rừng sâu núi thẳm mới là chân tu...

Không. Sen không có bùn, sen không tồn tại được. Đạo không có đời, đạo trở nên vô nghĩa. Đạo có mặt ở đời không phải để người ta thờ phụng, van vái, cầu xin, kính trọng tôn thờ như một điều gì xa xôi khó nắm bắt. Đạo có mặt ở đời như hương thơm của sen làm át đi mùi tanh tao của bùn lầy. Đạo thụ nhận chất liệu nhiễm ô và chuyển hoá chúng thành sự tinh khiết ngọt ngào...

Có hai thái cực mà mỗi chúng ta, trong thời điểm nào đó, thường hay quan trọng nó quá đến mức quên đi mất khía cạnh còn lại. 

Khi chúng ta chưa biết đạo, chưa đến chùa, chưa tập tu... chúng ta đánh giá và nhìn nhận mọi khía cạnh theo môi trường và hoàn cảnh chúng ta sống. Nếu có ai đó nói mình về đạo, hoặc là cười khẩy coi thường, hoặc là tự an ủi mình là người phàm, mình được quyền nói như thế và nghĩ như thế... Và cũng chính vì thế mà mình chẳng bao giờ đủ năng lực để thoát ly khỏi bùn lầy, vươn mình đón ánh ban mai.

Một thái cực khác, ấy là những người đã biết chút ít mùi của đạo, tập tành vài ba câu kinh tiếng kệ, đến chùa được vài ba hôm, tự cho mình là thanh cao trong sáng, mở miệng ra là Nam mô Phật, coi khinh những ô nhiễm và dơ bẩn của bùn lầy. Bước chân vào nơi chùa chiền, nếu chẳng may bắt gặp một vài điều chưa được thanh tịnh, thế là mặt cau có khó chịu, chê bai thế này, phê phán thế nọ, đòi hỏi phải như vầy như vầy... Nhưng họ quên mất rằng, nếu chẳng có bùn lầy, sen sẽ sống ở đâu?!


Sen và bùn không phải là một nhưng cũng chẳng phải là hai. 
Nếu là một, chẳng còn gì để nói. Nếu là hai, cả hai chẳng còn có ý nghĩa.

Đạo và đời không phải là một nhưng cũng chẳng phải là hai
Đạo từ đời mà ra nhưng Đạo cũng phải sống trong đời để có chất liệu mà chuyển hoá.

Coi thường bùn lầy cũng là coi thường đoá sen thanh tịnh
Coi thường cuộc đời cũng là coi thường vị Phật mà ta đang lễ lạy mỗi ngày

Hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là tiếp nối và truyền thừa, mà còn phải biết chuyển hoá
Người học đạo đích thực không phải là xa lánh trần ai, mà là phải biết trần ai cũng chính là cõi Phật

Thân tặng một cô bé đã gợi đề tài cho dòng cảm xúc được chảy

(25/4/13)

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất