Sách về hiểu biết (Osho)

Kỳ trước giới thiệu về Krishnamurti mà không điểm danh qua nhân vật này, tớ cứ cảm thấy thiêu thiếu thế nào ấy. Cả hai đều xuất thân từ Ấn Độ - mảnh đất của các nhà hiền triết, các vị đạo sư tâm linh, các nhà huyền môn vĩ đại. Cả hai đều có những hướng đi rất độc đáo trong thế giới tư tưởng, tạo nên cơn sóng lớn thực thụ, tác động và lan truyền đến cả thế giới. Người mà tôi muốn giới thiệu hôm nay cùng các bạn chính là Osho.


Osho (1931-1990) tên thật là Bhagwan Shree Rajneesh, được Sunday Times mô tả là một trong "1000 người tạo ra thế kỷ 20". Ông là nhà huyền môn vĩ đại, có số lượng học trò đông nhất thế giới với khoảng 200.000 hội viên ở 600 trung tâm tu học trên toàn thế giới. Danh mục sách được xuất bản của ông khoảng hơn 650 quyển, chủ yếu là những bài giảng được học trò ghi chép lại, được dịch sang hơn 43 thứ tiếng. 

Nhiều sách vở ca ngợi ông là người đầu tiên khám phá và sáng tạo ra kỹ năng "thiền động" - một kỹ năng thanh tẩy tâm thức trước khi đạt được trạng thái thảnh thơi và tự tại của thiền. Một thuật ngữ khác được ông khai sinh là "Zobra Phật"- sự kết hợp giữa đời sống hoan lạc của một nhân vật tên là Zobra và sự tỉnh thức của một vị Phật. 

Khi nào vui vui tớ sẽ dẫn giải vài điều sáng tạo độc đáo của ông, hôm nay, trong phạm vi điểm sách về suy nghĩ, trí thông minh và hiểu biết của các tác giả Đông - Tây, tớ xin gửi tặng đến các bạn tác phẩm mang tên là Sách về hiểu biết của nhà huyền môn Osho.

Sách về hiểu biết gồm có 5 chương: 

Chương 1 có tựa đề là Thế giới này và thế giới kia, ở đó ông diễn giảng cho chúng ta sự gắn kết cần phải có của một tôn giáo mới, ấy là Zobra Phật như là cuộc hội ngộ giữa trái đất và bầu trời; Cơ thể và linh hồn; Giàu nghèo và sự hiểu biết điều linh thiêng vĩ đại.

Chương 2 có tựa đề là Tin và trải nghiệm, ở đó ông phân biệt cho chúng ta sự khác giữa kiến thức và cái biết, học thức và tự nhiên, cái bên ngoài và cái bên trong, khôn ngoan và thông thái. Từ đó giúp chúng ta định hình một con đường cần phải đi để khám phá điều linh thiêng nhất.

Chương 3 có tựa đề là Người dẫn đầu và người theo, trong đó ông nêu bật về trách nhiệm của việc được tự do, thái độ đối với người chăn cừu của con cừu, quyền lực và sự tha hoá, được và mất trước những điều thông thường. 

Chương 4 có tựa đề là Bổn phận và sự tỉnh táo. Ngoài việc diễn giảng về trách nhiệm của tự do, ông cũng nói đến sự tự do của trách nhiệm, đồng thời trong chương này, ông cũng nói về giá trị đạo đức thông qua cặp phạm trù thiện ác, luật lệ và trách nhiệm; sự khác nhau giữa hai thái độ: phản ứng và hưởng ứng.

Chương 5 có tựa đề là Ý nghĩa và tầm quan trọng. Trong chương này, ông đã xây dựng cho chúng ta một con đường từ biết tới không biết rồi tới cái không thể biết. Ngoài ra, ông còn nêu về hành trình từ ham muốn tới tình yêu thương, hành trình trở thành một con người thông qua ba ẩn dụ là con lạc đà, con sư tử và đứa trẻ; sự phát triển và trưởng thành theo chiều thẳng đứng và chiều ngang...

Qua 5 chương sách, được gói gọn qua 318 trang giấy, chúng ta sẽ lại được tiếp cận về hiểu biết ở một khía cạnh khác. Ở John Dewey là những kỹ năng thực tập và rèn luyện suy nghĩ, chủ yếu nặng về hình thức; ở Krishnamurti lại nhấn mạnh tới bản chất, gốc rễ và nội dung những thông tin được tư duy thì ở Osho là sự kết hợp cả hai, từ hình thức đến nội dung, từ kỹ năng đến bản chất nhận thức...


Tôi vẫn hay nói với các bạn của tôi rằng, Krishnamurti tựa như một cơn bão. Ông đến với cuộc đời, đạp phăng mọi cố chấp của ta vào thành kiến, định kiến, thói quen, truyền thống, tín điều... thì Osho chính là kiến trúc sư vĩ đại, ông tái thiết lại mọi công trình sau cơn bão đó. 

Ở Osho là sự kết hợp tuyệt vời giữa phương Đông và phương Tây, giữa các truyền thống tôn giáo tưởng chừng như đối lập nhau chan chát, giữa các học thuyết triết học tưởng chừng như chẳng thể sống chung dưới một bầu trời. Ông - Osho - thiết lập cho chúng ta một sợi dây vô hình giữa cổ đại với hiện đại và hậu hiện đại, giữa học thuyết triết học này với học thuyết triết học khác, giữa truyền thống tôn giáo này với truyền thống tôn giáo khác. Trong mắt ông, mọi thứ chẳng có gì là mâu thuẫn, chúng thống nhất với nhau một cách hoàn hảo.

Ở Osho có một nghệ thuật diễn thuyết đầy hiệu năng, vừa gần vừa xa, vừa diễn giải thực tế vừa khám phá vào tận sâu thẳm tâm thức mỗi người, vừa giúp ta những kỹ năng thực tập mà nếu áp dụng ngay lúc ta vừa đọc xong trang sách của ông, hiệu quả cũng đến một cách tức thời. Những câu chuyện được ông kể, phần lớn là tiếu lâm, nhưng đọc nó không phải để cười thư giãn mà là cánh cửa để đi sâu hơn vào bản chất hài hước của cuộc sống. Những cách diễn giải của ông về các nhà triết học Đông Tây, mà tôi cam đoan với bạn rằng, nếu bạn đã đọc nó và so sánh chúng với mấy quyển sách lịch sử triết học bạn được học ở trong trường, bạn sẽ thấy mấy quan điểm dạy ta trên giảng đường chẳng khác gì một đứa trẻ lên ba.

Sau những lời khuyên dành cho bạn, tôi vẫn khuyên thêm một câu với bạn rằng, sau khi đọc xong Osho, hãy quay về với Krishnamuti. Có thể hai ông không đồng tình với nhau ở một vài quan điểm nào đó, nhưng với chúng ta, hai ông cần nhau như hai mặt của đồng tiền. Krishnamuti tượng trưng cho tinh thần phá huỷ thì Osho tượng trưng cho tinh thần kiến thiết và tạo dựng. Nếu bạn chỉ đọc Osho mà quên quay về với Krishnamurti, bạn cũng sẽ trở thành một con cừu không hơn không kém. Người ta chỉ trưởng thành thật sự về mặt tâm linh và trí tuệ khi người ta biết phá huỷ - kiến thiết - phá huỷ - kiến thiết... không ngừng. 

Krishnamurti rất tuyệt vời, nhưng chỉ biết có ông, bạn có thể rơi vào hư vô tuyệt đối.
Osho rất hoàn hảo, nhưng chỉ biết có ông, bạn có thể rơi vào cái bẫy của lý luận tư biện.

Sẽ có rất nhiều người hiểu lầm Osho, nhưng không sao, mọi bài báo ca ngợi hay chê bai ông chỉ là cái nhìn chủ quan của người viết. Bạn nên đọc sách của ông và tự rút ra cho riêng mình một bài học.


Tái bút

Định trích dẫn một vài trang sách dành tặng các bạn đọc chơi
Vô tình khám phá ra trang web về ông, các bạn tự tìm hiểu nha

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

  1. Mình cũng thích Osho, rất thích! và bạn có nói về Osho và Krisnamurti như cặp đôi của Shiva và Vishnu nhưng mình biết chỉ với Osho thôi bạn cũng đã thấy cả sự phá hủy và sự tạo dựng rồi!
    ( và nữa, sao mình không tìm thấy bài giới thiệu về Krisnamurti của bạn nhỉ? )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thì ko thik thần tượng 1 nhân vật nào cả, dù họ hoàn hảo cỡ nào. Đó là lý do tớ gắn Osho với Krisnamurti...:) (Tớ nói về Krist trong mục điểm sách Đánh thức trí thông minh)

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất