Lao động?


Khởi đầu tháng năm là ngày Quốc tế lao động. Các nhà triết học kinh tế định nghĩa lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho lợi ích và nhu cầu của con người cũng như xã hội. Một định nghĩa ngắn gọn hơn, khu biệt nó bằng hoạt động thực tiễn, ấy là coi chúng như là sự tiêu dùng sức lao động trong hiện thực.

Với tôi, lao động còn có ý nghĩa nhiều hơn như thế. Khi ta coi hiện thực là đời sống cùng với thế giới tự nhiên quanh ta thì lao động được nhìn nhận như là sự tham gia hết mình vào đời sống đó, dựa trên những năng lực riêng, tác động và khai thác thế giới tự nhiên nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. 

Nếu ta mở rộng quan năng ra một chút, rằng hiện thực không chỉ là đời sống và thế giới quanh ta, mà nó còn là thế giới ở trong ta cũng như thế giới của những điều ta chưa biết, thì lao động phải được hiểu theo một nghĩa khác, đó chính là khát khao hiểu biết không ngừng và không bao giờ thoả mãn với những gì đã được biết đến.

Có ba vấn đề cần đặt ra lúc này:

1. Làm sao nuôi dưỡng sự khát khao đó mỗi ngày?
2. Làm sao biết được ta đã biết những gì và ta chưa biết những gì?
3. Và đâu là những cái mà ta không thể biết?

1. Nuôi dưỡng sự khát khao hiểu biết không khó. Điều quan trọng là có nhận diện được sự khát khao đó hay không và dẫn dắt nó đi theo một hướng nào. Tính tò mò dường như là bản năng của con người. Nhưng không phải mọi sự tò mò đều là khát khao hiểu biết. Có những câu hỏi chỉ để thoả mãn sự tò mò nhưng nó không đưa ta đi đến đâu cả, ngoài sự hả hê rằng thì là mà ta cũng đã biết như bao nhiêu người khác. Dành quá nhiều thời gian để trả lời cho những câu hỏi nhằm thoả mãn sự tò mò như thế chỉ làm uổng phí thời gian.

Sự khát khao hiểu biết không phải là tò mò. Một tâm trí muốn hiểu biết thật sự không dễ dàng chấp nhận biết nó tồn tại chỉ như là hiện tượng nhất thời. Nguyên tắc thứ tư của logic học hiện đại là mọi cái đều có nguyên nhân của nó. Sự khát khao hiểu biết đích thực là truy tìm sự tồn tại của sự kiện đến nguồn gốc cuối cùng, trong khi sự tò mò chỉ cần biết nó ở dạng hình thức hời hợt. Như vậy, tự thân sự khát khao hiểu biết sẽ nuôi dưỡng chính nó mà không cần phải cung cấp bất kỳ thức ăn gì.

2. Mỗi một sự vật hay hiện tượng đều có rất nhiều mặt, nhiều khía cạnh, nhiều góc độ. Do giới hạn của nhận thức, của nhãn quan, của thể xác và của cả bản chất vật lý mà đối tượng cung cấp, ta luôn chỉ nhìn được một hay một số mặt nào đó của đối tượng. Đứng trước một pho tượng, không ai có thể nhìn thấy sau lưng pho tượng có gì. Đó là giới hạn mà ta cần phải vượt qua.

Lao động là mở rộng nhận thức và quá trình lao động là quá trình sáng tạo những phương tiện nhằm vượt qua những giới hạn mà tự nhiên đã áp đặt. Người ta có thể đặt một máy quay phim hay chụp nhiều bức ảnh ở cả 3 phía của pho tượng để thống nhất với cái thấy mặt trước của pho tượng. Cũng như người thầy bói khôn là người biết hợp nhất năm ông thầy bói mù làm một.

3. Thế nhưng, cái biết mặt sau của pho tượng thông qua chụp ảnh, thông qua quay phim... vẫn không phải là cái thấy trước mặt như chính mình thấy. Có thể do ánh sáng, thời điểm chụp, góc chụp và cả những giới hạn nhận thức của người cung cấp thông tin cho ta. Thế là, dù có nhìn thấy được cả 4 mặt của pho tượng, pho tượng với ta vẫn là một cái gì đó hoàn toàn xa lạ.

Đó là chưa kể, trong lúc cao hứng, niềm vui đang tràn ngập trên môi, tất lẽ dĩ ngẫu là ta nhìn thấy cái gì cũng đẹp. Nhưng khi bình tĩnh một chút, bỏ qua những cảm xúc choáng ngợp nhất thời, bắt đầu dành thời gian săm soi nhiều hơn, ta bắt đầu khám phá ra những tì vết của đối tượng. Vậy là "xa xa thì tưởng nàng Kiều, nhìn gần mới hoá người yêu Chí Phèo". Cái biết về nàng Kiều hay về Thị Nở đều là cái biết đã được định danh trong tâm thức của ta, được chụp lên đối tượng tuỳ theo cảm xúc và nhận thức, nhưng chúng lại không phải là bản thân đối tượng.


Khát khao hiểu biết không chấp nhận dừng lại quá sớm ở hình ảnh nàng Kiều hay Thị Nở.
Cái ta biết về nàng Kiều hay Thị Nở chỉ là cái biết do góc đứng tạm thời của ta xác định.
Người ta được quyền định danh nàng Kiều hay Thị Nở nhưng pho tượng có thực là Kiều hay Nở thì không biết được
Lao động là quá trình mở rộng cái biết từ Kiều thành Nở và từ Nở thành Kiều.

Tái bút

Biết đâu kết quả cuối cùng ta nhận được lại có thể là,
Trong nàng Kiều có Thị Nở và trong Thị Nở có nàng Kiều,
Ai mà biết được?!

PS. Ngày Quốc tế lao động, người ta được nghỉ ngơi

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
5 Comments

5 nhận xét:

  1. ngày quốc tế cà phê nào (c)

    Trả lờiXóa
  2. 1.4: Ngày nói dối
    1.5: Quốc tế lao động
    1.6: Quốc tế thiếu nhi
    Hề hề! :d

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1.1 Quốc tế xả xì trét
      1.2. Quốc tế iu đương
      1.3. Quốc tế đàn bà
      1.7. Quốc tế người đã khuất
      1.8. Quốc tế người thành đạt
      1.9. Quốc tế người cắp sách
      ....

      Xóa
  3. Còn lại là ngày quốc tế trâu bò...vì đi cày mừ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1.10: Quốc tế bà mẹ và trẻ em
      1.11. Quốc tế người cầm phấn
      1.12. Quốc tế ông táo ông công

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất