Nhân cách đạo đức?

Chiều nay ngồi nói chuyện với người bạn, nhìn vẻ mặt hớn hở của hắn mà ngạc nhiên. Mới tuần trước còn vác bộ mặt như đưa đám vì thất tình thì chiều nay hắn đã dẫn tới ra mắt mình một người bạn gái mới toanh...

Không có đủ cảm hứng và thiện chí ngồi lâu, mình đành phải khéo đuổi hắn về sớm để viết lên vài dòng cho thoả cái sự chán nản đến rợn người...


Cách đây chưa lâu,  Friedrich Nietzsche đã từng thốt lên rằng: “Các ngươi đã vượt qua con đường dẫn từ loài sâu bọ đến loài người, nhưng về nhiều phương diện, các ngươi vẫn còn là sâu bọ. Xưa kia, các ngươi đã là loài khỉ và cả bây giờ nữa, con người còn khỉ hơn bất luận con khỉ nào". Sau một thời gian, tôi còn hét to hơn cả ông - F.Nietzsche ạ: "Con người còn tệ hơn cả con khỉ, vì con khỉ chí ít còn nhìn nhau là đồng loại, ngày nay con người chỉ nhìn nhau là những quân cờ mà thôi!"

Kỳ trước, tôi đã từng có bài viết về Hành vi đạo đức, thông qua 3 nguyên lý cơ bản làm trụ đỡ cho bản chất của đạo đức. Hôm nay, trong lúc cao hứng, xin được trình bày tiếp 3 nguyên tắc xác định nhân cách đạo đức, theo quan niệm của Kant.

Nguyên tắc 1: Con người, và nói chung là tất cả những hữu thể có lý trí, thì sinh hoạt như một cứu cánh tự thân chứ không chỉ như một phương tiện để những ý chí khác sử dụng tuỳ sở thích.

"Cứu cánh tự thân là gì?" Kant trả lời: vạn vật trong vũ trụ được coi là mục tiêu bởi vì chúng đáp lại những nhu cầu của con người, cho nên giả tỉ không có những ước muốn và nhu cầu ở nơi ta, thì những vật kia không còn ý nghĩa gì nữa, và tất nhiên không thể coi là mục tiêu hay cứu cánh. 

Một đặc tính khác nữa của những sự vật, đó là, ta được quyền tuỳ ý sử dụng nó, không bị giới hạn nào bắt buộc, cho đến khi ta đạt được mục tiêu khác lớn hơn thì những phương tiện ấy có thể bỏ qua một bên mà không cần phải chịu trách nhiệm gì về chúng cả.

Trong khi đó, cứu cánh tự thân đích thực phải là, như Kant viết: "ta gọi các hữu thể đó là những sự vật, và gọi những hữu thể có lý trí là những nhân vị bởi vì bản tính con người phân biệt họ khỏi những sự vật kia và làm thành cứu cánh tự thân, nghĩa là ta không sử dụng họ như những phương tiện".

Những hữu thể có lý trí không chỉ là những cứu cánh chủ quan, với bản thân mỗi con người, mà đó còn là những cứu cánh khách quan, do bản thân sự hiện hữu của mỗi cá nhân cũng chính là cứu cánh của chính họ và ta không được quyền coi họ hay dùng họ như là một phương tiện.

Dài dòng như thế là muốn nói ý gì trong nguyên tắc 1? Đơn giản là: đừng bao giờ coi người khác như là phương tiện để đạt được mục tiêu của ta, nhưng cũng đừng coi họ là mục tiêu cứu cánh bởi chính sự tồn tại của ta đã là cứu cánh. Một con người có nhân cách đích thực là một con người biết tôn trọng người khác như tôn trọng chính ta, cũng như tôn trọng chính ta như tôn trọng người khác, bởi bản thân mỗi người đều là "cứu cánh tự thân".


Nguyên tắc 2: Anh hãy hành động cách nào để đối xử với nhân tính nơi anh cũng như nơi những người khác như một cứu cánh, và đừng bao giờ chỉ sử dụng nhân tính đó như một phương tiện thôi.

Trong nguyên tắc này, Kant nhấn mạnh góc độ hành động nhằm mở rộng thêm nguyên tắc 1 ông đã nêu. Ở đây, ông đòi hỏi mỗi cá nhân, khi hành động, hãy quan tâm đến hành động của ta sao cho coi người khác cũng chính là sự tồn tại nhân vị của ta, nên trong một mối quan hệ nào đó, hãy coi chính họ là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. 

Ông nêu ra 4 trường hợp để diễn giải thêm nguyên tắc này:

- Thứ nhất là trường hợp tự tử: ông cho rằng người tự tử đang không sử dụng nhân vị của chính mình như là cứu cánh tự thân mà chỉ là phương tiện cho một tình trạng dễ thở hơn. Ông gọi người tự tử là kẻ giết người (giết nhân vị trong bản thân họ). "Tôi không có quyền sử dụng nhân tính nơi bản thân tôi, tôi cũng không có quyền cắt cụt hay làm hư, hoặc huỷ hoại bản thân tôi".

- Thứ hai là trường hợp bổn phận với tha nhân: mỗi cá nhân phải tự thân chịu trách nhiệm với những lời nói và hành động của mình với người khác. Khi ta nói dối, đùa cợt hay hức hẹn suông nhằm đánh lạc hướng hay sai khiến người khác phục vụ cho lợi ích của mình, nghĩa là ta đã không tôn trọng người khác như là cứu cánh tự thân, mà chỉ là phương tiện cho sự thoả mãn cảm xúc hay lợi ích của chính mình.

- Thứ ba là trường hợp ước muốn trở nên hoàn thiện hơn của mỗi cá nhân: Kant khuyến khích mọi hành động giúp chính ta khai phá được tiềm năng cũng như khả năng ở trong ta, nhằm đạt được sự hoàn thiện hoàn mỹ, mặc dù không nhất thiết theo một nghĩa cưỡng bách. Ông nói "nếu bỏ qua không làm những việc khả dĩ thăng tiến con người, chúng ta không chống lại sự bảo tồn nhân tính, nhưng đã chống lại sự thăng tiến của con người". Đây không chỉ là sứ mạng mà còn là trách nhiệm của mỗi cứu cánh tự thân.

- Trường hợp cuối cùng là bổn phận có công trạng đối với tha nhân. Đây là những hành động không thật sự bắt buộc làm nhưng được khuyến khích làm, chẳng hạn giúp người khác trở nên tốt hơn, hay tự nguyện tham gia vào những chương trình phúc lợi xã hội nào đó. Kant đòi hỏi "phải coi những mục tiêu của tha nhân như chính mục tiêu của tôi", nghĩa là, tôn trọng người khác mới chỉ là tôn trọng nhân vị ở góc độ tiêu cực, giúp người khác phát triển và thăng hoa nhân vị nơi họ mới thực sự được coi là hoạt động tích cực.


Nguyên tắc 3: Ý chí không quy phục quy luật đạo đức một cách đơn giản, nhưng quy phục một cách như người làm luật: chỉ trong ý đó, ý chí mới được coi là quy phục cái quy luật mà chính nó tự coi là tác giả.

Đây là nguyên tắc cao nhất trong hệ thống học thuyết đạo đức của Kant. Nguyên tắc này giải đáp cho câu hỏi vì sao ta cần phải hành động theo quy luật đạo đức phổ quát? Là bởi vì, ý chí nơi mỗi chúng ta cũng chính là một ý chí làm luật phổ quát.

Nguyên tắc này có hai ý chính:

- Thứ nhất liên quan đến sự tự trị và tự do của mỗi cá nhân. Nếu ta chỉ tuân phục một quy luật do người khác áp đặt, dù toàn hảo đến mấy đi chăng nữa, ta vẫn có ý thức phải quy phục người khác. Nhưng khi ý chí phổ quát đó được ta hấp thụ đến mức trở thành bản tính của ta, thì những luật đó sẽ không trói buộc sự tự do của ta, ngược lại nó giải thoát chính ta. 

- Thứ hai là chỉ với tư cách của một nhà làm luật thì những ý chí phổ quát này mới có tính chất tuyệt đối. Kant viết "như vậy, nguyên tắc do đấy mỗi ý chí con người được coi là làm nên quy luật phổ quát nơi các tôn chỉ hành động của mình, thì nguyên tắc này rất thích ứng với mệnh lệnh tuyệt đối, vì theo nghĩa nó là một quy luật phổ quát thì mệnh lệnh này không dựa trên một lợi ích nào hết: nhân đó, trong số tất cả các mệnh lệnh ta có thể nghĩ ra, chỉ mệnh lệnh này được coi là tuyệt đối".


Tóm lại, theo tôi, cùng chia sẻ quan điểm với Kant, để xác định một cá nhân có nhân cách đạo đức thực sự, đòi hỏi hai yếu tố cơ bản:

- Tự trị với chính mình. "Tự trị là nguyên lý của phẩm giá con người cũng như của tất cả những bản thể có lý trí.

- Tôn trọng người khác như tôn trọng chính mình. "Anh hãy hành động cách nào đó để đối xử với nhân tính nơi anh cũng như nơi những người khác như một cứu cánh".


Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với bạn tôi là gì?

- Coi người khác làm phương tiện để khoả lấp nỗi trống vắng của chính mình thì mình cũng trở thành phương tiện cho người khác.

- Coi người khác làm công cụ để trốn chạy cô đơn hay sợ hãi của chính mình thì mình cũng trở thành công cụ trong tay người khác.

- Coi người khác làm quân cờ để thoả mãn cảm xúc, để đạt mục tiêu cá nhân, để hả hê với những toan tính của riêng mình thì mình cũng chỉ là một quân cờ trong bàn cờ người khác.

(6/5/13)


I.Kant thì ít mà N.Machiavelli thì nhiều
Biết sao bây giờ??!!

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
2 Comments

2 nhận xét:

  1. He, con được tem rùi thày.
    Nên coi người khác là một con người, một đồng loại thày ha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết cách tự trị bản thân mới bik cách tôn trọng người khác thực sự Lip ạ :))

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất