Hằng số bất diệt trong tôi

Mùa nắng Sài Gòn có những cơn mưa bất chợt, chợt đến chợt đi, nhưng cũng đủ làm giảm nhiệt cái nắng nóng gắt gỏng của ngày hè.

Người ta hay nói Sài Gòn có hai mùa mưa nắng, nhưng kỳ thực không phải như vậy. Sài Gòn chỉ có hai mùa là mùa mưa và khô thôi. Nắng và Mưa, tưởng là khác nhau, nhưng thật ra chỉ là một. Mùa mưa cũng là mùa nắng, có mưa thì có nắng và có nắng thì có mưa.

Người ta rất thích và hay viện dẫn đến khái niệm Vô thường của Phật giáo, bởi nó đúng và chuẩn quá. Chẳng có gì là bất diệt, chẳng có gì là trường tồn, chẳng có gì là mãi mãi, đặc biệt là khi đối tượng đó phải chạy trên một đường trường vĩnh cửu của thời gian.

Ấy, người ta viện dẫn và trải nghiệm về Vô thường nhiều quá đến mức mặc định luôn Phật giáo là tôn giáo về sự vô thường. Người ta quên mất khía cạnh còn lại mà Đức Phật cũng không ít lần nói đến: đó là tính Chân thường của thực tại. Tiếp cận với Đạo Phật mà chỉ tiếp cận Vô thường là chưa đủ, bởi sự đầy đủ trong quan điểm của Phật giáo phải là: trong Vô thường có Chân thường, trong Chân thường có Vô thường. Tựa như là nắng thì có mưa và mưa tức là có nắng vậy.


Trong cuộc sống của mình, tôi ít khi nào dùng Vô thường như là lời than thở cho những ưu tư phiền muộn hay bất trắc xảy ra, nếu có viện dẫn, chẳng qua cũng chỉ dùng để an ủi người khác mà thôi. Tôi có niềm tin mãnh liệt quá vào tính Chân thường của thực tại, vào bản chất bất diệt bất sinh của sự sống, vào tính miên viễn thường hằng trong những mối quan hệ, vì thế khái niệm Vô thường với tôi, ở một góc độ nào đó là tương đối xa lạ.

Tôi không ít lần mất đi những người thân, chia ly một người bạn, đổ vỡ một mối quan hệ nào đó tưởng là bền chặt... nhưng dù cho bất cứ một nghịch cảnh nào đó xảy ra, trong tôi luôn còn đó một niềm tin: chúng ta không mất nhau. Cái mất đi chỉ là hiện tượng, cái vĩnh cửu mới là bản chất. Và vì thế mà cho đến nay, mục tiêu lớn nhất của đời tôi, dù cho tháng năm có nghiệt ngã đến như thế nào đi chăng nữa, con đường đó vẫn chưa từng có chút nghi ngờ.

Có người đã từng hỏi tôn giáo thật sự mà tôi theo là gì, và tôi đã từng trả lời bạn ấy là Tôn giáo của tôi là Tình yêu. Tôi không thích dùng từ Yêu thương, nghe nó chung chung và chẳng có đối tượng nào là cụ thể cả. Tình yêu mà tôi hướng đến là: hãy bắt đầu từ MỘT, rồi mới mở rộng ra đến NHIỀU, chứ không phải là YÊU TẤT CẢ để rồi nhận ra mình CHẲNG YÊU AI CẢ.

Nếu nói chi ly hơn nữa cái TÌNH YÊU mà tôi hướng đến, có thể được định danh bằng ba hằng giá trị, mà theo tôi, chúng là vĩnh cửu và bất diệt cùng thời gian. Đó chính là CHÂN, THIỆN, MỸ.


Thế nào là chân?

Chân là chân thật, là sự thật. Nhưng làm gì có sự thật nào là vĩnh cửu, hôm nay nó là thật, ngày mai đã trở thành giả. Hôm qua nó là giả, hôm nay lại có thể trở thành thật. Mỗi một ngày là một ngày mới, và sự thật thì có thể đảo chiều liên tục. Tôi phải tiếp cận tính chân thật đó như thế nào?

Tôi quan niệm rằng: không phải là không có chân lý tuyệt đối, nhưng nhận thức của ta về nó luôn là tiệm cận. Mỗi một ngày suy ngẫm và trải nghiệm là mỗi ngày tôi tiệm cận hơn nữa với chân lý tuyệt đối. Nó có thể đúng vào lúc này và sai vào lúc khác, nhưng thoát ly ra khỏi những đối vật cụ thể, tính thường hằng của thực tại vẫn còn đó cho ta khám phá mỗi ngày.

Nhiều người nhầm lẫn tôi đả phá mọi truyền thống hay tôn giáo mà đám đông đang theo, nghĩa là tôi phủ định mọi thứ, đến mức gần như là hư vô. Nhưng thật ra tôi chẳng đả phá và chẳng chống đối cái gì cả. Công việc của tôi là xác lập chỗ đứng cho những quan điểm đó, nó đang ở đâu trên con đường tiệm cận chân lý, chứ không phải là xoá bỏ một cách sạch trơn. Sai lầm của chúng ta là bám víu quá chặt vào những quan điểm có sẵn đó và biến nó trở thành chân lý tuyệt đối, điều đó thật nguy hiểm. Sự lầm tưởng như vậy khiến cho nhận thức của chúng ta mãi bị giam hãm và cầm tù, trong khi cái chúng ta cần phải là sự VƯỢT QUA.

Thế nào là thiện?

Thiện với tôi không chỉ là giúp đỡ người nghèo về vật chất, an ủi người khổ về mặt tinh thần, sống tốt với những người xung quanh. Thiện trong mắt tôi phải là những bước chân cùng nhau đi đến SỰ THẬT. Mọi hành động hướng tới sự thật, tôn vinh sự thật, làm sáng tỏ sự thật, nhận diện sự thật, đối mặt sự thật... đều được tôi coi là thiện.

Có thể bạn không có tiền để giúp đỡ người nghèo, không đủ niềm vui để tặng cho người khổ, không đủ tình yêu để tặng cho người cần nó... nhưng nếu bạn biết mình, biết đối mặt với sự thật, biết chia sẻ sự thật cho người khác, biết khiêm tốn trong những giới hạn nhận thức, biết nỗ lực để tìm cầu chân lý thì dù bạn chẳng làm gì, với tôi, bạn đã là một hành giả đích thực của điều thiện.

Một điều thiện đích thực trong mắt tôi phải được gắn kết chặt chẽ với điều chân thật, cứ như hai trong một ấy. Bất kỳ một hành động nào, không có SỰ THẬT soi sáng thì đều là bất thiện. Bạn làm việc từ thiện với những ngôn từ đao to búa lớn, nhưng động cơ chỉ để marketing cho công ty hay kế hoạch kinh doanh của bạn, với tôi chỉ là GẦN với cái thiện chứ không phải là thiện. Bạn an ủi hay cứu giúp một người đang hoạn nạn, nhưng không xuất phát từ trái tim rung động và thổn thức, mà đơn giản chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, hay danh tiếng lợi lộc đằng sau nó, thì với tôi, chúng cũng chỉ là GẦN với điều thiện mà thôi.

Thế nào là đẹp?

Khoan hãy định danh cái đẹp là chiều cao, là nhan sắc, là làn da của ngoại hình đối tượng. Khoan hãy gọi những gì có ích, có lợi, hữu dụng là đẹp bằng cái nhìn thuần tuý nội dung. 

Điều đầu tiên để một cái đẹp được coi là đẹp, ấy là chúng phải có hai yếu tố: CHÂN và THIỆN. Một cái đẹp đích thực là một cái đẹp được xây dựng dựa trên sự thật. Một cái đẹp đích thực là một cái đẹp được xây dựng dựa trên những giá trị ngoài bản thân chủ thể chứa đựng nó.

Điều thứ hai của cái đẹp, theo tôi là tính hài hoà giữa nội dung và hình thức. Nếu ta bỏ qua yếu tố hình thức mà chỉ quan tâm đến nội dung thôi thì cái đẹp đã đồng nhất với cái thật mất rồi. Nếu ta chỉ quan tâm đến tính hữu ích cho người khác thì cái đẹp cũng đã đồng nhất với cái thiện mất rồi. Thế thì hà cớ gì cần phải thêm khái niệm ĐẸP?

Xin đưa ra một ví dụ thế này, thưa trước là các bạn đừng chăm chăm vào ví dụ mà quên mất ví dụ đó đang diễn giải cho điều gì nhé: có một cô bé 20 tuổi, có làn da phẳng phiu, có mái tóc đen nháy, có sự hồn nhiên ngây thơ của tuổi mới lớn và thỉnh thoảng bốc đồng hâm hâm man mát theo đúng cảm xúc thoáng vui thoáng buồn... Nếu cô bé đó, chỉ vì thích được làm người lớn, nên cố gắng bắt chước bộ điệu nói năng và cư xử như một bà cụ non... Điều đó có đáng khen ngợi không? Không, theo tôi, thế là không đẹp. Sự chững chạc và điềm tĩnh không đến từ cung cách hình thức mà đến từ sự trải nghiệm, vì thế bắt chước như thế làm méo mó hiện thực bên trong và làm mất đi cái tuổi 20 đích thực của cô bé đó...

Xin nêu thêm một ví dụ khác, một bà lão đã đến tuổi thất thập, tóc bạc, da nhăn, cơ thể yếu đuối, gân guốc sần sùi... Chỉ vì để được người ta khen mình là còn trẻ, cắn răng chịu đựng đi sửa nhan sắc, nhuộm tóc, nâng ngực, bắt chước bộ điệu ngây thơ theo kiểu cưa sừng làm nghé... Điều đó phỏng có đẹp không? Không, theo tôi thế là không đẹp. Ai theo thời gian rồi cũng già, tóc cũng bạc, da cũng nhăn, sức khoẻ cũng xuống cấp. Chỉ vì để chạy theo chuẩn mẫu số đông mà làm giả mọi thứ thì những thứ trên người đó cũng chẳng có gì là đẹp, nếu không nói là kệch cỡm...

Vậy tôi muốn nói Đẹp ở đây là gì? Là sự dung hoà một cách hoàn hảo và cân bằng giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài. Trong và Ngoài tương tác nhuần nhuyễn mà khoảng cách chênh lệch không quá xa thì được coi là đẹp, nếu nó trùng khít thì được coi là hoàn hảo. Đừng bắt tuổi trẻ phải nói năng như ông cụ nhưng cũng đừng bắt các ông cụ phải nghe nhạc hithop thì mới được coi là hợp thời hợp mốt. Đừng nghĩ mặc đồ hiệu là đẹp nếu mẹ mình đang nai lưng ra kiếm sống trên lề đường, đừng nghĩ tô son trát phấn trên mặt là đẹp nếu số tiền bạn mua là mồ hôi công sức của người khác. Sẽ thật tệ nếu cứ gò ép nhau vào một khuôn mẫu không phải là chính mình, đối tượng bị gò ép đó đúng là quái thai dị dạng.


Đấy, cuộc đời tôi chỉ có ba hằng số đó là đáng tôn thờ. Chúng bất biến, vĩnh cửu và hằng thường cùng thời gian. Có thể thời gian sẽ lấy đi của tôi mọi thứ: tài sản, vợ con, danh tiếng, kiến thức, tuổi trẻ, sắc đẹp... nhưng Chân - Thiện  - Mỹ trong mắt tôi mãi mãi chân thường.

Tôi đã nói dài quá ư? 
À vâng, thành thật xin lỗi cho cái sự lắm lời của mình,
Xin rút gọn nó lại trong hai từ thôi nhé: TÌNH YÊU. 

(28/6/13)

* Tái bút: Xin đừng bình luận với tôi về nội dung những ví dụ tôi đưa ra nhé. Tôi tin tầm nhìn của bạn vượt qua những ví dụ cụ thể. Ôi, tôi ghét phải ví dụ.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
11 Comments

11 nhận xét:

  1. Tớ tin hai chữ TÌNH YÊU , và kết thúc ... ba chấm ko ví dụ theo tình iu (o)

    Trả lờiXóa
  2. Không có ví dụ minh họa thì người ta không hiểu :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng đôi khi người ta cứ chạy theo cái ví dụ minh hoạ mà quên mất điều đang diễn giải, hìhj

      Xóa
  3. Cơ mà vì sao mỗi tớ phải gõ cửa? :-?

    Trả lờiXóa
  4. Trả lời
    1. Thật tiếc là bạn nhỏ đã để tư duy so sánh len vào mất rồi... Thôi thì uống trà rồi thong thả đi về chờ cơ hội lần sau nhé.. (c)

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất