Kỳ trước tớ có giới thiệu tác phẩm của một anh chàng 19, 20 tuổi dành cho tuổi trẻ và có hứa là sẽ giới thiệu một tác phẩm khác, cũng không kém phần kỳ thú, cũng dành cho tuổi trẻ, nhưng là của một anh chàng già chát - 40 tuổi - nhưng văn phong thì cực dễ thương, chứ không đầy bão tố như anh chàng 19 tuổi. Đúng là người ta càng già thì càng trẻ lại, còn càng trẻ thì càng khỏe chém gió. Bạn đã đoán ra tớ giới thiệu ai chưa?
Không để bạn chờ lâu, xin giới thiệu ngôi sao mà chúng ta sắp giới thiệu đây, chính là "anh chàng" Thích Nhất Hạnh với tác phẩm Nói với tuổi hai mươi. Hơi thất thố một tí, nhưng không sao, tôi tin là Hòa thượng, dẫu nay đã hơn 80 tuổi rồi, nhưng gọi Người là "anh chàng" là đúng con người thật của Hòa thượng nhất.
Nói với tuổi 20 là một tác phẩm nhỏ, được chia làm 8 phần: Nhận diện - Cô đơn - Lý tưởng - Học hành - Thương yêu (phần 5 và 6) - Tôn giáo và Lời cuối. Tác phẩm được ra mắt vào năm 1966 do nxb Lá Bối ấn hành. Đây được coi là lời đối thoại của HT Thích Nhất Hạnh dành tặng cho tuổi trẻ nói chung và Phạm Công Thiện nói riêng qua tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học mà Phạm Công Thiện đã xuất bản trước đó. Tác phẩm được coi như là lời trò chuyện của một người anh đã đi qua tuổi 20 với đầy những phong ba bão táp của thời đại, với những trải nghiệm về sự lạc lõng, cô đơn, lý tưởng và hoài bão mà người anh đó đã đối mặt. Từ đó, Nói với tuổi 20 trở thành lời tâm tình đầy mộc mạc và ý nhị, một sự chia sẻ thâm trầm dành cho tuổi trẻ đang đi tìm hướng đi cho đời mình.
Ta hãy cùng nhau bắt đầu tác phẩm bằng sự nhận diện tuổi trẻ của anh chàng 40 tuổi này như thế nào nhé:
Đầu tiên, anh chàng này thừa nhận một sự thật rất thật trước hiện tình loạn lạc của quê hương: "Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa, niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã cô độc như bây giờ em đang cô độc. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em. Đến nước này mà còn nhục mạ nhau, còn lên giọng đạo đức với nhau thì quả thực là chúng ta đã điên mất rồi."
Từ một sự nhận diện thực tế như vậy, anh chàng già đã bắt một nhịp cầu giao cảm để kết nối đôi bờ: "Em muốn nói chuyện với tôi, bởi vì trong thâm tâm, em chưa mất hẳn niềm tin nơi tất cả chúng tôi. Và tôi muốn nói chuyện với em, bởi vì có lẽ tôi là một trong những người chưa chịu đầu hàng cuộc đời"...
Sau đó, anh già nịnh nọt tuổi trẻ chúng ta: "Tôi thấy nhất định là chúng ta phải nổi loạn rồi. Bởi vì nếu ngồi yên, thúc thủ, tiêu cực, chúng ta sẽ bị lôi tất cả vào guồng máy, và nhân loại sẽ đi đen chỗ tiêu diệt nhân tính"... và anh chàng già chát đã dẫn dắt cuộc đối thoại cùng tuổi trẻ chúng ta từ một điểm chung: "Đứng trước những đe dọa tiêu diệt nhân tính của guồng máy xã hội, đứng trước những đổ vỡ trong và ngoài, chứng kiến những thảm kịch của cuộc sống, người trẻ tuổi hôm nay vừa bàng hoàng vừa phẫn nộ, vừa khiếp sợ vừa xót xa. Câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời đã đến với các em rất sớm. Tuổi các em đáng lẽ phải còn là tuổi hát ca, nay đã bắt đầu là tuổi của những băn khoăn thắc mắc siêu hình. Có phải cuộc sống kinh nghiệm an phận đã đánh mất hồn nhiên của em đâu. Có phải người lớn đã cướp giật hồn nhiên của em đâu. Chính là cuộc đời, chính là những khuôn khổ, chính là sự tàn phá khốc hại của guồng máy"
Tiếp theo, anh chàng già đưa ra cho tuổi trẻ chúng ta một vài gợi ý về Lý tưởng, về Yêu thương, về Học hành... và lan man vài thứ khác. Thử lắng nghe xem người già gợi ý cho ta điều gì nhé?
Lý tưởng: Tôi muốn định nghĩa lý tưởng là ước vọng, và là nhu cầu đạt tới sự thực hiện những ước vọng của một người hoặc một nhóm người. Vậy thì lý tưởng là một cái gì phải có đối với con người, bởi vì ít nhất và cạn nhất con người cũng muốn có cơm ăn khi đói, áo mặc khi rét. Xa hơn, con người còn muốn được thương yêu khi cô độc, được khám phá khi óc tò mò bị kích thích....Tìm thấy được lý tưởng của mình tức là tìm thấy được con đường do đó mà mình có thể đạt tới sự phát triển toàn diện con người của mình. Và tìm thấy được lý tưởng tức là tìm thấy được hạnh phúc...Em không cần tạo ra lý tưởng. Lý tưởng vốn sẵn có trong em, cũng như nơi đến có sẵn trong con đường. Phải kịp thời kiểm soát hướng đi của mình, điều khiển con thuyền của mình. Phải kịp thời sử dụng năng lực dồi dào của sự sống em một cách hợp lý. Năng lực sung túc của em cần phải được sử dụng, không thể để cho chúng trở nên thừa thải...Em là một kiến trúc kỳ diệu cũng như vũ trụ là một kiến trúc kỳ diệu; ngày nào trí tuệ và trái tim em nhận thức được điều đó một cách xác thực và thực nghiệm, ngày ấy em thực hiện được thiên đường, hái được bông hoa tươi đẹp của chân như.
Học hành: Chúng ta hãy tìm một con đường, tìm bằng tất cả những kinh nghiệm và những khổ đau của chúng ta, trong tình trạng hiện tại và trong bài toán hiện thời của chúng ta. Không có bài toán nào là không chứa đựng đáp số của nó nếu quả đó đích thực là một bài toán, nghĩa là có chứa đựng đủ những dữ kiện để đi tới đáp số...Tuổi trẻ luôn luôn ước ao thực hiện một cuộc thay đổi mau chóng, nhưng sự diễn tiến của mọi dòng hiện tượng không phải bao giờ cũng đáp ứng lại được dễ dàng cho sự nóng nảy đó... Đừng đòi hỏi, đừng thất vọng, đừng bất mãn: như thế em đã tiết kiệm được biết bao nhiêu năng lực của em rồi. Và bởi vậy tôi đã đề nghị với em là đừng tự thiêu đốt em vì những đòi hỏi, những thất vọng, những bất mãn vô ích, không cần thiết. Đề mặc cho người lớn làm những việc người lớn trong khả năng người lớn. Em phải làm việc của em, trong khả năng tuổi trẻ của em...Chúng ta hãy nói đến việc học muốn hành. Trước hết tôi rất không khuyên em nên chăm học...Nếu em không thích học thì em không thể chăm học được. Vì vậy phải đánh thức sự khát khao hiểu biết trong em dậy...Nhu yếu cách mệnh đường lối học tập và thi cử đã trở nên cấp bách rồi, ai cũng thấy như vậy. Nhưng chỉ có em, chỉ có sự liên kết của tuổi trẻ để vận động, để đòi hỏi, để tự tạo cho mình một thái độ một phương pháp mới có đủ sức giáng những đòn khá nặng trên sự cấu kết vừa ý thức vừa vô ý thức của những phần tử được xã hội ưu đãi. Việc là việc của đa số, của tuổi trẻ, của em. Em hãy biết rũ bỏ, biết khinh thường, biết đứng dậy. "Nổi loạn" bằng cách ấy đòi hỏi can đảm, kiên nhẫn, hy sinh và thời gian. "Nổi loạn" bằng cách ấy sẽ đóng góp lớn lao vào công việc giải phóng tuổi trẻ, giải phóng con người. Còn nếu chỉ phá phách đôi chút, biểu lộ thái độ bất mãn, bất cần, hoặc giả chỉ đày đọa thân thể em, tâm hồn em thì em chỉ gây thêm khổ đau cho em và cho tất cả chúng ta, chứ không thay đổi được gì...
Yêu thương: Tôi nghĩ thương yêu là một cái gì tự nhiên, không thể bắt buộc, không thể nói là một bổn phận. Không ai có thể bắt tôi thương yêu được một đối tượng mà tôi không thể thương yêu, mà tôi không muốn thương yêu...Nếu khám phá và hiểu biết là một nguồn hạnh phúc thì thương yêu cũng là một nguồn hạnh phúc- hạnh phúc trong ý nghĩa thỏa mãn được nhu yếu của mình. Hạnh phúc, về phương diện tình cảm, là yêu thương và được yêu thương... Được thương yêu là ngọt ngào, nhưng yêu thương không phải chỉ là ngọt ngào Yêu thương cần nhiều nỗ lực, cần nhiều can đảm, cần nhiều chịu đựng. Yêu thương là chịu trách nhiệm, là che chở, là lo lắng, là hy sinh; tất cả những thứ đó đều là những yếu tố cần triệt để thương yêu, nghĩa là để thỏa mãn nhu yếu thương yêu, nhu yếu vươn tới đồng nhất với đối tượng...Tự hủy bỏ tính cách đáng yêu nơi mình đi tức là tự ý thôi không muốn được yêu thương nữa. Hơn thế, trong khi chủ thể thương yêu thăng hóa tiến bộ mà đối tượng không chịu cố gắng để cùng thăng hóa tiến bộ, nghĩa là để được đẹp thêm, sáng thêm thì chủ thể có thể bỏ xa đối tượng...
Tôn giáo: Tôn giáo là sự cảm thông nối kết... Cuồng tín và cố chấp là những gì nặng nề và hủ bại nhất mà tôn giáo phải đả phá...ta có bổn phận thúc đẩy sự tiến bộ của con người về nhận thức và thái độ tôn giáo, khiến cho tôn giáo giữ được vai trò nuôi dưỡng phát triển tâm linh của con người và đừng bao giờ còn trở nên những chướng ngại, những thành kiến cố chấp và cuồng tín cản trở sự tiến bộ và giải phóng của con người toàn diện. Trong một tôn giáo, bao giờ cũng có một thiểu số người can đảm, có nhận thức cởi mở, đi tiên phong trong sự khám phá và nhận thức...Không khí tôn giáo vẫn còn nặng nề, trong lúc này, và điều đó trông cậy ở sự cố gắng, thái độ cởi mở và tôn trọng của em. Phải làm sao cho mọi ngôi chùa, mọi tu viện, mọi giáo đường trở nên những bông hoa im lìm đẹp nhất của đất nước. Và làm sao cho những cộng đồng tôn giáo đều hướng về sự phát triển đời sống toàn diện của con người, làm sao cho mọi tôn giáo gặp nhau trong thái độ thực sự nhân bản, không lấy những nhận thức độc quyền về tôn giáo - những giáo điều, mà lấy con người làm đối tượng và cứu cánh.
Và cuối cùng anh già 40 tuổi muốn nhắn nhủ cho tuổi trẻ chúng ta điều gì trong lời kết?
Xin các bạn tự tìm đọc tác phẩm để có được câu trả lời cho riêng mình.
(11/7/13)
Tái bút: Có lẽ tớ không cần vài dòng để giới thiệu Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là ai đâu nhỉ?! Vâng! Viết về người nổi tiếng thật là khỏe, đỡ mỏi tay thật, :)
Khi đọc những dòng giới thiệu về tác phẩm "Nói với tuổi 20", DH cứ ngỡ như bản thân đang trở về tuổi 20 và cảm nhận về nó thật là tâm đắc!
Trả lờiXóaDH cảm ơn T đã tạo điều kiện cho DH được biết về TP này! :))
:>)
Xóa:)
Xóa