Con người không bao giờ một mình. Kể cả thân xác hắn có tồn tại một mình, hắn cũng cố tạo ra một hình bóng để được trò chuyện, tựa như căn bệnh tâm thần phân liệt đã gắn chặt với con người ngay từ khi sinh ra.
Con người bao giờ cũng cô đơn. Kể cả thân xác hắn có sống giữa đám đông, hắn cũng cố tạo ra cho riêng mình một vỏ bọc để ẩn nấp hoặc trốn tránh, tựa như những người quanh hắn đang mắc một căn bệnh truyền nhiễm đáng ghê tởm.
Đối với những vị ẩn sỹ đích thực, họ luôn một mình nhưng không bao giờ cô đơn. Họ độc thoại với chính họ như chuyện trò với tha nhân và giao tiếp với tha nhân như độc thoại với chính mình.
Đối với những vị ẩn sỹ đích thực, họ không có kẻ thù, vì trần gian tràn đầy tình bằng hữu. Họ có thể nhìn thấy người bạn của họ ở bất kỳ đâu và từ bất kỳ ai, có thể là một con người, có thể là một ngọn cỏ và cũng có thể chỉ giản đơn là một áng mây trôi nổi trên nền trời xa xăm.
Tại sao con người không bao giờ dám sống một mình? Vì họ không có niềm tin nơi chính mình nên phải tạo ra bất kỳ một hình ảnh nào đó chỉ để có một chỗ dựa dẫm. Có thể đó là giáo chủ một tôn giáo, chủ tịch một đảng phái, thần tượng một siêu sao hay chí ít một tảng đá làm điểm tựa cho cái lưng gù.
Tại sao con người bao giờ cũng sống trong cô đơn? Vì họ không biết mình là ai nên cần phải tạo ra quanh mình rất nhiều lớp áo giáp nhằm bảo vệ cái khoảnh không trống rỗng mong manh và đầy bất định. Có thể đó là chức quyền, có thể đó là tiền bạc, có thể đó là gia đình, có thể đó là đám đông, có thể đó là tình yêu, có thể đó là bạn bè, hay chí ít chỉ là những thanh âm nhao nhao vô nghĩa của chợ búa chỉ để trốn tránh tiếng gọi thao thức của nội tâm.
Tại sao một vị ẩn sỹ đích thực thì luôn một mình? Vì họ có niềm tin nơi họ, một niềm tin quá lớn đến mức không cần bất cứ một bảo chứng nào về niềm tin từ người khác. Có thể họ đứng giữa đám đông, có thể họ ở thành thị, có thể họ lui về thâm sơn cùng cốc... nhưng dù họ có ở đâu, với bất kỳ ai, họ vẫn là chính họ, và vì thế họ luôn một mình.
Tại sao một vị ẩn sỹ đích thực thì không có kẻ thù? Kẻ thù chỉ tồn tại với đám đông, vì đám đông sợ hãi trước những cá nhân đích thực. Đối với đám đông, hoặc theo phe này, hoặc theo phe kia, hoặc là đồng chí, hoặc là kẻ thù. Đám đông coi những cá nhân là kẻ thù vì con người cá nhân triệt tiêu sức mạnh ô hợp của đám đông. Ngược lại, với những con người cá nhân, không tồn tại kẻ thù. Tất cả sự trải nghiệm, thắng hay thua, được hay mất, bại hay thành... đều là cơ hội cho sự trưởng thành của cá nhân, theo bất kỳ nghĩa nào.
Không có kẻ thù, kể cả chính ta hay trong ta. Sự thất bại của ta, đam mê của ta, ái dục của ta, ngu si của ta, sân hận của ta, đau khổ của ta... dù là tiêu cực nhất, chúng vẫn là bạn với những con người đi tìm kiếm chính mình. Người khát khao trưởng thành là người sống trọn vẹn trong tình bằng hữu.
Không cần mặt nạ, ở bất kỳ môi trường nào. Dù xấu hay tốt, dù đúng hay sai, dù thấp hèn hay cao thượng, dù kiêu căng hay khiêm tốn, dù dốt nát hay thông minh, dù chậm chạp hay nhanh nhẹn... thì khuôn mặt đó vẫn đã từng, hoặc đang từng, hoặc sẽ từng là khuôn mặt của chính mình. Người khát khao trưởng thành là người sống thật với quá khứ đã qua, hiện tại đang có và tương lai sẽ đối mặt, vì thế họ không cần đến mặt nạ để đậy che.
Thế nào là một tình bằng hữu? Không cần một ai đó là tri âm hay tri kỷ, không cần một ai đó hiểu ta hay chia sẻ cùng ta, không cần một ai đó nâng đỡ hay dắt dìu... Tình bằng hữu đích thực là không có kẻ thù.
Thế nào là sống trong tình bằng hữu? Không cần phải thăm viếng khi đau bệnh, an ủi sẻ chia khi đau khổ, trò chuyện tâm giao mỗi ngày, ủng hộ về cùng một đam mê hay sở thích... Sống trong tình bằng hữu đích thực là sống không có mặt nạ che thân.
Một kẻ nô lệ, cho bạo chúa, cho danh tiếng, cho tiền bạc, cho chức quyền, cho thể xác... không bao giờ có bằng hữu đích thực. Tất cả những người vây quanh một kẻ nô lệ đều chỉ là một đám đông ô hợp cấu xé nhau vì cùng một lợi ích.
Một kẻ bạo chúa, một kẻ độc tài, một kẻ kiêu ngạo, một kẻ tự mãn... không bao giờ có bằng hữu đích thực. Tình bằng hữu không có trung tâm, không có cao thấp, không có trên dưới... vì thế những kẻ bạo chúa mãi mãi cô đơn nơi trung tâm của sự ảo tưởng.
Thế nào là tình đồng chí? Những kẻ tự xưng là đồng chí của nhau chỉ là những kẻ thù trá hình. Gọi là đồng chí vì đơn giản là cùng chung một ý chí, một lý tưởng, một ước mơ... Khi mục đích thay đổi thì tình đồng chí cũng theo gió bay xa. Hãy dè chừng những kẻ xưng hô là đồng chí.
Cần phải triệt tiêu tình đồng chí để khai sinh ra tình bằng hữu. Tình bằng hữu không cần đến sự chung đụng bởi mục đích hay bất cứ cái gì khác. Là con người nghĩa là đồng loại, là con người cá nhân nghĩa là sống thật với chính mình. Và chỉ những con người dám sống thật với chính mình mới có thể gặp gỡ nhau.
Trí Không đã nói như thế!
Trò chuyện cùng Nietzsche
Qua Zarathustra đã nói như thế
(24/7/13)
Về bằng hữu
“Luôn luôn có một kẻ dư thừa lẩn quẩn bên ta”, nhà ẩn sĩ nghĩ như thế. “Bao giờ một lần một rốt cuộc cũng hóa thành hai!”
Ta và Tôi luôn luôn đàm thoại với nhau quá nồng nàn: làm sao có thể chịu đựng nổi điều đó nếu ta không có một người bạn?
Đối với nhà ẩn sĩ cô đơn thì người bạn luôn luôn là kẻ thứ ba: kẻ thứ ba là chiếc phao nổi ngăn không cho cuộc đàm đạo của hai kẻ kia chìm sâu xuống vực thẳm.
Hỡi ơi! Luôn luôn có quá nhiều vực thẳm đối với tất cả những kẻ ẩn sĩ cô đơn. Vì thế họ khát vọng đến một người bạn và chiều cao của người bạn.
Lòng tin của chúng ta đặt vào những kẻ khác biểu lộ những gì mà chúng ta muốn có thể tin được vào chính mình. Khát vọng muốn có một người bạn của chúng ta làm chứng cho điều ấy.
Tình yêu thường khi chỉ là phương kế dùng để vượt thắng sự đố kỵ. Thường người ta tấn công và tự biến mình thành kẻ thù chỉ cốt để che giấu sự kiện chính bản thân mình có thể bị tấn công.
“ít ra, hãy là kẻ thù của ta!” - lòng tôn kính chân thật nói như thế, lòng tôn kính không dám kêu đòi tình bằng hữu.
Nếu muốn có một người bạn, thì ta cũng phải muốn chiến đấu vì người bạn đó và muốn chiến đấu, thì phải có khả năng làm kẻ thù.
Phải xưng tụng kẻ thù, ngay cả trong một người bạn. Mi có thể đến gần bạn mi mà không phải bước qua trận địa của hắn không?
Bạn mi phải là kẻ thù sâu độc nhất của mi, chính lúc chiến đấu chống lại hắn, mi mới gần gũi mật thiết nhất với tâm hồn hắn.
Mi chẳng muốn mang những màn che đối với bằng hữu? Mi muốn làm vinh dự cho bằng hữu bằng cách tự biện hộ với hắn trong nguyên tính của mình? Nhưng vì vậy mà hắn gửi mi cho quỷ sứ!
Kẻ nào không biết tự che giấu chính mình thì sẽ gây ra sự phẫn nộ: đấy là lý do tại sao ta phải sợ sự trần truồng! Ờ! Nếu mi là đấng thần linh thì hẳn mi phải xấu hổ vì y phục mình!
Mi không biết trang sức ăn vận đủ đối với bằng hữu: vì đối với hắn, mi phải là một mũi tên và một khát vọng phóng về hướng Siêu nhân.
Mi đã có khi nào nhìn bạn mi say ngủ chưa - để biết rõ chân tướng của hắn? Lúc đó khuôn mặt bạn mi ra sao? Đấy chính là khuôn mặt của mi, được nhìn trong một tấm gương thô vụng, bất toàn.
Mi đã có bao giờ nhìn bạn mi say ngủ chưa? Mi há không kinh hoàng khi nhìn thấy hắn như thế? Ồ, bạn ơi, con người là một cái gì cần bị vượt qua.
Người bạn phải là bậc thầy trong sự tiên đoán và sự im lặng: mi hãy coi chừng, đừng nên muốn nhìn thấy tất cả mọi sự. Giấc mộng của mi phải biểu lộ cho mi những gì mà bạn mi làm khi hắn thức.
Lòng thương xót của mi phải là một sự tiên tri. Trước hết mi hãy biết rõ xem bạn mi có mong muốn lòng thương xót hay không. Có lẽ hắn ưa thích nơi mi con mắt bất động đăm đăm và cái nhìn của vĩnh cửu.
Lòng thương xót đối với bạn phải được che giấu dưới một lớp vỏ dày, và mi sẽ phải gãy răng vì lớp vỏ cứng đó. Như thế, lòng thương xót ấy sẽ đầy sự tinh tế, dịu dàng trìu mến.
Mi có dáng vẻ thuần khiết, cô đơn, mi là thực phẩm và lương dược cho bằng hữu mi? Có vài kẻ không thể đập vỡ những xiềng xích của riêng mình, tuy nhiên họ lại là kẻ cứu thế cho bằng hữu họ.
Mi là kẻ nô lệ? Vậy, mi không thể là một người bạn. Mi là bạo chúa? Vậy, mi không thể có bạn.
Trong một thời gian dài đằng đẵng, có một tên nô lệ và một bạo chúa ẩn nấp trong người đàn bà. Chính vì thế người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu: họ chỉ biết đến tình yêu.
Trong một thời gian dài đằng đẵng, có một tên nô lệ và một bạo chúa ẩn nấp trong người đàn bà. Chính vì thế người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu: họ chỉ biết đến tình yêu.
Trong tình yêu của người đàn bà, có sự bất công và sự mù quáng đối với tất cả những gì họ không yêu thương. Ngay cả trong tình yêu có ý thức của người đàn bà, bên cạnh ánh sáng, ta luôn luôn thấy có sự ngạc nhiên, tia chớp và bóng tối.
Người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu. Họ chỉ mới là những con mèo cái và những con chim. Hoặc giả, khá hơn, họ là những con bò cái.
Người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu. Nhưng, hỡi những người đàn ông các anh, hãy nói cho ta biết, ai trong số các ngươi có được khả năng bằng hữu?
Hỡi ôi, các ngươi, những người đàn ông, các ngươi hãy nhìn thẳng vào sự nghèo nàn keo kiết của tâm hồn các ngươi. Những gì các ngươi ban cho bằng hữu, ta muốn đem nó ban cho kẻ thù của ta, và không vì thế mà ta thành nghèo nàn thêm.
Đã có tình đồng chí rồi, giờ phải để cho tình bằng hữu khai sinh!”
Zarathustra đã nói như thế.
Zarathustra đã nói như thế.
* Xem thêm:
1. Dạ ca
2. Du hứng ca
3. Du hứng ca (2)
4. Lập ngôn trong vô ngôn
5. Đức hạnh của suy tư
6. Con đường của kẻ cô đơn
7. Sứ mệnh của tồn tại
8. Con đường không tên
9. Tế ca
10. Về thế giới bên kia
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!