Ý thức mới trong văn nghệ và triết học


Ngày mai các bạn trẻ của tôi chính thức bước vào kỳ thi Đại học, một trong những bước ngoặt khá quan trọng, đánh dấu sự chọn lựa một cách tự quyết trước ngưỡng cửa cuộc đời. Không biết viết gì gửi tặng các em, thôi thì viết vài dòng giới thiệu đôi ba tác phẩm gối đầu giường của tôi, khi tôi cũng bằng độ tuổi các em, hơn chục năm về trước, đọc chơi vậy.

Một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến suy tư và sự chọn lựa ngành học của tôi chính là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện. Nghĩ lại cái thời lùng sục tác phẩm của ông, mỏi gối qua biết bao nhà sách cũ của thành phố, đúng là cười ra nước mắt.

Đây là tác phẩm mà theo chính tác giả tự giới thiệu, được khởi thảo khi ông mới 19 tuổi, nghĩa là hơn tôi và các bạn chỉ 1 tuổi thôi đó. Ấy vậy mà để đọc hết tác phẩm, tôi đã sụt đi vài kg, còn hiểu sơ sơ những gì ông viết thì phải mài đũng quần trên ghế giảng đường thêm 4 năm nữa. Thật là xấu hổ.


Đã nhiều lần viết về Phạm Công Thiện, nhưng nhiều người chưa biết ông là ai, thôi thì trích dẫn vài dòng về ông để các bạn biết thêm nhé: 

Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Năm 15 tuổi, ông đã thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, Sancrit và Latinh. 

Từ năm 13 đến năm 16 tuổi, ông đã có nhiều bài viết về triết học và văn học đăng trên tạp chí Bách Khoa, Bông Lúa, Phổ Thông, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ... 

Năm 16 tuổi, ông xuất bản cuốn Anh ngữ tinh âm. Năm 1960, khởi thảo Ý thức mới trong văn nghệ và triết học và xuất bản vào năm 1965. Năm 1964 xuất bản Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma như lời tri ân cho 6 tháng học Hán cổ. 

Từ năm 1966 đến năm 1968, ông là Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh, đồng thời sáng lập và là chủ bút tạp chí Tư tưởng. Năm 1970, làm giáo sư triết học phương Tây của trường đại học Toulouse (Pháp). 

Năm 1983, làm giáo sư Phật giáo viện College of Buddhist Students ở Hoa Kỳ. Từ đó về sau, ông tiếp tục viết sách và nghiên cứu về Phật giáo. Ông mất vào ngày 8/3/2011 tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ. 

Danh mục tác phẩm còn lại (trừ những gì ông đã đốt theo lời ông kể) khoảng gần 30 tác phẩm, cả dịch và thơ. Có một điều đáng lưu ý là ông chưa từng thi Tú tài và cũng chưa từng học qua bất kỳ một trường Đại học nào.


Với tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, được xuất bản vào năm 1965, gồm có 2 phần, được coi là tác phẩm đánh dấu sự bùng nổ về mặt tư tưởng, với cá nhân ông nói riêng và với tư tưởng triết học nói chung, với tuyên ngôn của ông nói riêng trước tồn tại và là tuyên ngôn của tuổi trẻ nói chung trước thao thức của thời đại.

Phần thứ nhất được ông đặt tên là Đi vào ý thức mới với 2 tiêu điểm quan trọng: Ý thức tự vấn và triển khai 9 hình thái của ý thức mới: Ý thức bất nhị, Ý thức giải phóng, Ý thứ siêu thoát, Ý thức bất diệt, Ý thức sinh tồn, Ý thức thể hiện, Ý thức siêu thực, Ý thức chấp nhận, Ý thức siêu thể.

Phần thứ hai được ông đặt tên là Xung khắc giữa ý thức và vô thức với 2 tiêu điểm quan trọng: Ý thức tự diệt và triển khai 7 hình thái của ý thức xung khắc: Ý Thức bi tráng, Ý Thức tuyệt vọng, Ý Thức cô lập, Ý Thức khắc khoải, Ý Thức hư vô, Ý Thức khước từ, Ý Thức thoát ly.

Sau mười năm, nhân dịp sách tái bản, ông có viết thêm 1 vài trang mở đầu cho tác phẩm, được lấy tên là Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt (1970), nghĩa là khi ông viết thêm vài trang này cũng là lúc ông bằng tuổi tôi bây giờ. 

Vậy tôi sẽ giới thiệu Phạm Công Thiện tuổi 20 và tuổi 30 như thế nào đây? 


Tuổi 20 của ông xin dành cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước chân vào kỳ thi Đại học tự nhận xét. Còn tuổi 30 của ông, tôi xin được nói ngắn gọn vài dòng thôi: Ý thức mới là ý thức cũ được tìm lại. Phải đánh mất nó đi trong vật vã để khi tìm lại được nó, chợt nhận ra ta chưa từng mất nó bao giờ.


Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm của một anh chàng 19 tuổi tới các bạn và hẹn kỳ sau sẽ gặp gỡ một anh chàng khác cũng viết cho tuổi trẻ, cũng không kém phần kỳ thú, nhưng anh này thì già chát, 40 tuổi mất rồi.

Chúc các bạn lựa chọn với ý thức tự quyết nhé.
(4/7/13)


Tái bút

Trích một đoạn ngắn cuối cùng của tác phẩm gửi các bạn đọc chơi nhé

Kết luận
Ý thức tự quyết - Thư gửi Nietzsche 
....

Phải phá hoại tất cả mọi sự! Nietzsche đã nói thế, phải không Nietzsche? Đó là sức mạnh duy nhất của kẻ sáng tạo, của những con người siêu đẳng. 

Không hối tiếc, không thương hại, không động lòng. 

Phải lạnh lùng, sáng suốt, lầm lì, trơ trơ, cô đơn. 

Làm chủ, làm thầy, chứ không làm nô lệ. Nhất định không tham gia để phục tùng. Lãnh đạo hoặc là bỏ đi trong cô đơn độc đạo. 

Biết vâng lời, nhưng chỉ vâng lời Ý Chí Mãnh liệt của mình. Không nhập vào đám đông mà chỉ im lặng, chối từ quyết liệt những bầy, lũ, nhóm, đảng phái. Không nhập vào một đảng nào cả hay một hệ thống ý thức nào cả. Mỉm cười khinh miệt tất cả mọi sự. Luôn luôn ngạo mạn. 

Cuồng bạo say sưa. Chết trong đam mê phẫn nộ hơn là sống lờ mờ trong mực thước. Lao cả thể xác và tâm hồn vào đam mê cuồng dại nhưng vẫn làm chủ ý chí bốc lửa. Ồn ào nhất khi im lặng, và im lặng nhất khi ồn ào. 

Đôi mắt luôn luôn hừng hực lửa thiêng. Đi tìm nguy hiểm. 

Sống cực đoan, sống hết mình, sống tận cùng. 

Cười ngất ngây trong đau khổ. Không biết tình cảm. 

Khạc nhổ vào những lời khen, những lời tâng bốc đề cao. Lòng luôn luôn tràn đầy nước biển. Không tìm 
thanh bình. 

Phải tàn nhẫn với tất cả những con người bé nhỏ. 

Không làm hoà, không khiêm nhường, không lễ phép. Gây xáo trộn khắp nơi, gây thù ghét oán hờn khắp nơi. 

Khoái lạc cuồng nộ của kẻ sáng tạo. Không lãng mạn. 

Nhảy xuống tận hố sâu để tự thử thách, luôn luôn ngây ngất! 

Khinh thường tất cả mọi quyển sách của nhân loại. 

Bỏ đọc sách, xa lánh tất cả những thi sĩ, văn sĩ, học giả. 

Độc tài tàn bạo với chính bản thân, với chính cuộc đời mình. Chống lại tất cả mọi chủ nghĩa. 

Siêu nhân là tiêu chuẩn, là mục đích, là vấn đề sống hay chết. Chịu khó. Chịu khó. Kiên nhẫn như Hy mã lạp sơn. Đi tìm chướng ngại để vượt lên. Ca tụng bản năng huyền bí. Đạp đổ luân lý. Đi ngược lại thiên hạ. Người ta làm Đông thì mình làm Tây, người ta nói phải mình nói sai. Người ta nói “ừ” ta nói “không”! 

Từ bỏ bản ngã. Tiêu diệt bản ngã để giải thoát. Nếu cần có thành kiến, cứ đeo dính vào thành kiến, không lung lay, không đầu hàng. Chống trí thức. Chảy tràn ngập khắp nơi như sông vỡ bờ. Phải hơi điên điên gàn gàn và hoàn toàn lập dị. 

Muốn sống làm sao thì sống, miễn đạt đến Siêu Nhân, bỏ rơi hết mọi lý luận chặt chẽ. Chống lý trí. Rất ít nói. 

Không cần suy tư có hợp lý hay không. Bất chấp. 

Không có chân lý, chính mình là chân lý, chỉ có mình mới là chân lý, tất cả những chân lý khác đều là ảo tưởng. Cầu mong bị sét đánh. Mong chịu thêm nhiều đau khổ nữa. 

Suốt đời, phải thường xuyên khinh bỉ chính bản thân và tư tưởng mình. Không sợ hãi. Luôn luôn kiêu ngạo. Phải chiến thắng đau khổ. Vươn lên, vượt lên, bay lên. 

Sau khi đã phá hoại đến cùng cực, đã la hét đập đánh mắng chửi điên cuồng, sau khi đã làm ầm lên khắp hang cùng ngõ hẻm, đã bới tung lên đầy hỗn loạn ngổn ngang, đã làm náo động khắp nơi thì bắt đầu rút lui về sa mạc và đi múc nước để tưới cỏ. Hoặc vào nhà thương điên. Đi vào im lặng. 

Chào Dyonysos Philosophos 
Phạm Công Thiện
---------------------------

* Xem thêm
1. Cung đường tất định 
2. Đối diện với chính mình 
3. Là thế
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
6 Comments

6 nhận xét:

  1. SƯ PHỤ ƠI CHO CON HỎI THÀY LÀM THÀY GIÁO HAY THÀY TU?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đến với tớ theo cách nào thì tớ sẽ đến với bạn theo cách ấy :)

      Xóa
  2. Tớ 30 tuổi rồi mà đọc xong vẫn không hiểu thấu được, chỉ thấy như ai đó đang đứng trước mặt mình la hét, thúc giục, nhưng mình cứ trơ ra [-(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ từ từ, thời gian sẽ giúp bạn vỡ ra nhiều thứ...:)

      Xóa
  3. cháu muốn hỏi quyển sách cũ này bây giờ ở ngoài bán với giá bao nhiêu ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quyển sách này ở tiệm sách cũ thì hơi mắc đó, khoảng 1, hay 2 trăm ngàn gì đó. Bạn có thể tìm ở trên mạng sau đó in ra có lẽ rẻ hơn :)

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất