Đêm Sài thành sau cơn mưa có vẻ gì đó giống Hà Nội. Mọi thứ lắng im theo cách của một đô thị đi ngủ, nghĩa là đô thị đi ngủ có cái lắng im khác hoàn toàn với cái im ắng như quê nhà của tôi. Nó khó diễn tả thành lời nhưng có thể dễ dàng cảm nhận được.
Dạo này tôi ngủ nhiều quá, ngủ đến mức quên cả ăn, bởi khi mình nhớ là mình chưa ăn thì cũng là lúc cả thành phố đã lên giường đi ngủ. Vậy là tôi lại có cơ hội quan sát dạ dày bao tử thi nhau sục sạo như một bản trường ca phiêu du phiêu hốt.
Tôi nhớ có lần nói chuyện với một người bạn. Bạn hỏi tôi rằng không hiểu tại sao mỗi lần anh ấy có chuyện gì đó bất ổn thì thường tìm đến những nơi thanh tịnh để tâm tư được lắng đọng xuống. Hình như những nơi ấy cho anh ta nhiều thứ mà anh ta không có.
Tôi có nói với anh ấy rằng: hoàn cảnh bên ngoài, cụ thể là cái nơi mà anh đang ngồi đây, trong phòng tôi, trong sự im ắng của không gian, chẳng cho anh cái gì hết. Nó chỉ cung cấp cho anh chút chất liệu để anh tự lắng xuống những tâm tư vọng động mà thôi. Dĩ nhiên, khi anh ổn định rồi, có lẽ sẽ còn rất lâu nữa tôi mới gặp anh, tuy vậy, để anh không còn cảm thấy bám víu nơi này nữa, tôi muốn nói với anh rằng: sự bình yên có sẵn trong anh, chẳng phải nơi này đâu. Nhưng để khai thác được nó, không cách nào khác, chúng ta phải luyện tập mỗi ngày.
Bất kỳ ai cũng vậy, kể cả tôi, luôn bị giới hạn bởi khả năng nhận thức chủ quan lẫn hoàn cảnh khách quan nào đó. Ta chẳng thể nhìn được đằng sau ta là ai nếu ta không quay lưng lại, đó là giới hạn khách quan chi phối. Điều tệ hại không phải là đổ thừa cho nó, điều đáng tiếc tôi muốn nói, chính là những giới hạn chủ quan mà ta tự ràng buộc mình trong đó.
Những ràng buộc chủ quan đó là gì?
Tôi có cơ hội được quen biết khá nhiều bạn, ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Từ các em học sinh tiểu học đến những người đang chập chững dậy thì, từ những thanh niên thiếu nữ đến những người đã lập gia đình, từ những người đã lập gia đình đến những người đã có tuổi, về hưu hoặc ngay cả gần đất xa trời. Tuỳ theo độ tuổi, do sự chi phối tâm sinh lý, mỗi người đến với tôi có những sự quan tâm khác nhau.
Các bạn nhỏ thích đến chơi với tôi vì tôi hay nói chuyện cười, hay có những điệu bộ nhí nhảnh xì tin. Các bạn đang độ tuổi dậy thì thì lại nhạy cảm đặc biệt với bất kỳ dòng chữ nào có đề cập đến tình yêu trong đó. Các bạn đã lập gia đình thì chỉ quan tâm đến cuộc sống cùng với những phương cách trị liệu khổ đau. Các bạn già thì lại có thú vị đặc biệt với bất kỳ câu chuyện nào về cái chết và những bí ẩn đằng sau cái chết.... Thế đấy, ai cũng có nhu cầu cho riêng mình, và mong muốn tôi chỉ nói về cái mà họ đang quan tâm.
Tôi có một cô bạn, cô ấy mới quen thôi, điều cô ấy ngạc nhiên nhất về tôi, đó là cô ấy cảm giác như tôi là hai con người hoàn toàn trái ngược nhau. Ở những bài viết, ở những dòng status là những câu chữ rất đỗi "người lớn", rất nhiều trải nghiệm. Ở những dòng bình luận chuyện trò lại là một con người hoàn toàn khác, nhí nhảnh, nhiều chuyện, trẻ con. Không chỉ riêng cô bạn đó, khá nhiều người biết tôi ngoài cuộc sống thì lại rất đỗi ngạc nhiên với những bài viết ở trên Face lẫn Blog. Có một cái gì đó rất "mâu thuẫn" đang song hành tồn tại trong một con người.
Người ta tự tạo cho mình một hình ảnh, một nhu cầu, theo những gì người ta nhìn thấy được. Và rồi... người ta đóng khung nhận thức của mình vào những nhu cầu, nhận thức đó. Chẳng phải tự nhiên mà một đại tác gia người Đức từng nhắn nhủ: "Mọi lý thuyết đều màu xám mà cây đời thì mãi xanh tươi". Nhưng tôi vẫn phải tiếc rẻ mà than thở với ông rằng: "Người ta cũng chỉ thấy cây đời xanh tươi khi nó xanh tươi thôi, chứ người ta không nhìn thấy xanh tươi còn có khuôn mặt khác là héo úa".
Trở lại câu chuyện anh bạn của tôi bên trên, khi người ta có chuyện bất ổn, người ta thường tìm kiếm một nơi thanh tịnh yên bình để nhờ môi trường đó giúp ta lắng xuống. Khi hết bất ổn, ta lại trở về là con người ngày xưa. Rồi khi nào bất ổn, ta lại tìm kiếm môi trường đó và khi ổn định ta lại quay về con đường cũ. Tất cả những động thái như vậy luôn là một sự đối phó tức thời, và vì thế mà chúng ta chẳng thay đổi được gì ngoài sự bám víu và nô lệ cho những hoạt cảnh bên ngoài.
Tôi có đề nghị với anh bạn của tôi rằng, hãy thực tập sự lắng đọng ngay cả những lúc anh bình thường nhất, đừng đối phó với bệnh tình khi nó đã bộc lộ thành triệu chứng. Y học Tây phương thường cung cấp cho chúng ta những liều thuốc giảm đau tức thời nhưng mầm mống của bệnh thì vẫn còn đó. Y học Đông phương không có những toa thuốc giảm đau tức thời như vậy nhưng nó thấm dần dần và nhờ vậy ngấm rất lâu. Cũng tương tự như thế, khi sự thực tập trở thành một thói quen, sự bình yên của hoàn cảnh bên ngoài sẽ ngấm vào máu vào tuỷ của anh, đến lúc nào đó, nếu anh có lỡ bất ổn vì hoàn cảnh đẩy xô thì cũng không cần tìm đến hoàn cảnh bên ngoài để nương tựa, và càng thấm sâu bao nhiêu thì sự bình yên đích thực trong anh càng được khai phá, càng đánh thức. Đến thời điểm chín muồi thì chẳng còn gì ở bên ngoài có thể khiến anh bất ổn được nữa.
Vậy là, do những ràng buộc chủ quan của nhận thức, chúng ta luôn bị động trước hoàn cảnh tức thời, và để giải quyết những vấn đề do hoàn cảnh đem lại, chúng ta lại tìm đến những đáp án mang đầy tính đối phó. Khi con cái còn trẻ, ta ngại nói đến những chuyện tế nhị hoặc chuyện yêu đương... để rồi khi chúng vương vào cái bẫy của tình yêu lẫn tình dục thì ta lại căng mình lo giải quyết "hậu quả". Khi ta đang yêu thì ta chỉ quan tâm đến tình yêu với những bài hát, bài ca ca ngợi tình yêu vĩnh cửu thiên thu trác tuyệt... để rồi khi sự đổ vỡ xảy ra ta lại cuống cuồng tìm kiếm những phương cách trị liệu. Khi ta còn trẻ còn khoẻ thì ta tự hào tự đại với sắc đẹp trời ban, với tuổi xuân tráng kiện... để rồi khi cái chết bất ngờ ập đến thì ta ngơ ngác như vừa từ hành tinh khác quay về.
Sự đối phó là cần thiết, khi nước đã đến chân, nhưng kể cả khi nước chưa đến chân, ta vẫn cứ đăng ký đi học bơi, thì dẫu có nước hay không có nước, ta vẫn chẳng phải căng mình sợ hãi.
Quan sát mọi người, lắng nghe mọi thứ, suy ngẫm thật sâu trước những vấn nạn chẳng liên quan gì đến mình, thì dẫu lúc nào đó mình có vô tình bị lôi kéo vào trong cuộc cũng chẳng có gì đáng ngần ngại.
Không có gì là tự nhiên cả, nếu chẳng có sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ. Đừng có ngồi đó mà than thở tại sao mình không giỏi bằng người ta, không tài bằng người ta, không hạnh phúc bằng người ta. Xin nhớ cho rằng, để có được điều đó, họ cũng đã từng bầm dập hơn hiện tại của ta rất nhiều lần.
Đợi nước đến chân hãy nhảy bạn nhé
Nhưng nhớ học nhảy ngay từ ngày hôm nay
(20/8/13)
Tự mình tìm sự an lạc bên trong và an trú ở đó; tự ta phải tìm, chẳng ai tìm thay ta được; hoàn toàn nhất trí với quan điểm của bạn trong bài viết này; chúc bạn vui khoẻ có nhiều bài viết hay; thân !
Trả lờiXóa:)
XóaEm có hiểu được cho loại người như thế này''Ở những bài viết, ở những dòng status là những câu chữ rất đỗi "người lớn", rất nhiều trải nghiệm. Ở những dòng bình luận chuyện trò lại là một con người hoàn toàn khác, nhí nhảnh, nhiều chuyện, trẻ con.''
Trả lờiXóaBởi vì khi viết bài và stt. Họ đang tự nói với chính mình, tự nói lên những gì mình cảm nhận. Còn khi trả lời bình luận là đang trò chuyện cùng mọi người, là khi bản thân mở lòng với tất cả.
Có thể như ông nói, đó là sự mâu thuẫn.
Cảm xúc này chắp vá những cảm xúc kia. Trở nên nhí nhảnh, trẻ con, nhiều chuyện với mọi người, có thể đó là những chiếc mặt nạ....Ông nghĩ thế ko? :)
Dùng từ "mặt nạ" nghe nó giả giả thế nào ấy, dùng ta "đóng tròn vai" cho phù hợp với từng hoạt cảnh nghe nó phù hợp hơn. Vì mặt nào cũng là mặt thật của mình hết ấy :)
XóaThì đối phó, học là để thi, thi ngay từ lúc vô lớp 1, rồi thì thi thi thi...ngay cả cái kỳ thi mà 99% đậu mà cũng thi, thật nhàm chán, èo @@
Trả lờiXóaTại vì cả nhà trường, gia đình lẫn học sinh đều cần điểm chứ có cần cái đọng lại sau những điểm số đâu :)
Xóa