Một ngày đẹp trời nào đó, Trí Không - một kẻ luôn coi mình là duy nhất giữa trần gian - cũng đắm say dục lạc và ham muốn như bao kẻ khác. Và để chiều lòng cho những khoảnh khắc ngất ngây thường tình, hắn cũng cố tìm kiếm một ai đó như kẻ đã đánh cắp trái tim - và phong cho nàng một danh hiệu mỹ miều và cao quý: kẻ duy nhất tìm thấy kẻ duy nhất.
Hắn nhìn thấy mũi tên bay thẳng vào ngực hắn - hắn có thể tránh được mũi tên đó nếu hắn muốn. Nhưng mà không, hắn còn ưỡn ngực ra cho mũi tên được bay trúng đích. Hơn thế nữa, hắn còn lấy đà, tăng vận tốc và dùng hết sức bình sinh của mình cho mũi tên được đâm thật mạnh và thật sâu. Hắn thích điều đó.
Mũi tên tẩm thuốc độc có thể ngơ ngác và bối rối khi cái cần tránh thì không tránh, cái không cần tránh thì lại tránh. Nhưng với hắn, sự sống chỉ xảy ra khi hắn biết và sống trọn vẹn cho cái chết. Khoảnh khắc sống trọn vẹn với cái chết chính là khoảnh khắc hắn biết sống là gì. Đó là lý do hắn có thể tránh mà không tránh, và hắn thích điều đó.
Một người gây cho ngươi đau khổ. Nietzsche bảo rằng đừng lấy thiện trả ác, vì như thế là sỉ nhục kẻ thù. Trí Không bảo với ngươi rằng: hãy đón lấy trọn vẹn đau khổ mà người đã tạo cho ta, nếu có thể, hãy xin thêm điều đó. Dẫu là việc làm thiện hay ác, tốt hãy xấu...Trí Không cũng sẽ đón nhận một cách trọn vẹn.
Nietzsche bảo rằng hãy góp tiếng chửi rủa nếu ai đó chửi rủa ta, góp phần đáp trả bất công nếu ai đó tạo bất công cho ta. Trí Không bảo với ngươi rằng: đừng phản ứng như một cái máy, dẫu biết góp tiếng góp phần cũng là một cách tôn trọng kẻ thù.... Trí Không không quan tâm đến phản ứng, Trí Không chỉ khuyên ngươi hãy tận hưởng một cách trọn vẹn.
Đức Phật Thích Ca khuyên ta rằng hãy coi bất công, lời mắng nhiếc như một món quà, và nếu ta không nhận nó thì kẻ đó phải đem về. Thật là một cách trả thù thông minh và đầy cao thượng. Niezsche lại bảo ta rằng hãy tặng lại hắn một món quà tương xứng để đáp lễ, coi như món quà đã được nhận. Thật là một cách trả thù khôn ngoan và rất vui nhộn.
Trí Không không như thế, Trí Không sẽ nhận hết và chẳng tặng lại bất cứ món quà nào.
Sự công chính nơi ta không phải là sự vắng mặt của bất công mà là sự tận hưởng bất công như phần thưởng vô giá. Nơi nào sự tận hưởng có mặt, nơi đó tình yêu có mặt, nơi nào tình yêu có mặt, nơi đó mới thật có niềm vui.
Mũi tên tẩm thuốc độc có thể khiến ta chết người. Người ta có thể né tránh mũi tên độc nhưng không ai né tránh nổi cái chết. Tận hưởng cái chết thông qua mũi tên độc cũng là một cách đón nhận hiện thực như chính nó là. Ta ghét những kẻ phân chia được mất, đúng sai.
Ta không phải là nhà đạo đức nên ta không rao giảng đạo đức. Ta không phải là nhà chính trị nên ta không hô hào công chính với liêm minh. Ta là con người trần thế, dành tình yêu trọn vẹn cho mọi thứ ở quanh ta. Và vì thế tình yêu trong ta chính là đạo đức tối thiện, là liêm khiết tối cao.
Ta không nhìn dục lạc là xấu xa nên ta vươn mình tận hưởng. Ta không nhìn cái chết là đớn đau nên không cần phải sợ hãi trốn tránh bất cứ thứ gì. Ta là con người trần thế, và vì là trần thế, nên ta được quyền sáng tạo ra cả thiên đường lẫn địa ngục, Chúa trời lẫn quỷ Sa tăng.
Ta thường nhìn thấy tính vô đạo đức của các nhà đạo đức, tính vô liêm sỷ của các nhà chính trị, tính vô giáo dục của các nhà giáo dục, tính vô tôn giáo của các nhà tôn giáo... Và vì thế ta thề không bao giờ hướng mình trở thành nhà đạo đức chuẩn mực, một nhà chính trị liêm khiết, một nhà giáo dục khuôn mẫu hay một nhà tôn giáo siêu linh. Ta là con người trần thế và ta tự hào về tính chất trần tục của riêng mình.
Zarathustra ví một ẩn sỹ cô đơn như cái giếng sâu thẳm. Ném một hòn đá xuống thì dễ mà lấy nó lên mới là khó. Trí Không ví một ẩn sỹ cô đơn như thảo nguyên xanh ngát. Hãy sống trong nó chứ đừng giữ nó cho riêng mình.
Nietzsche bảo rằng đừng có xúc phạm một vị ẩn sỹ, nếu lỡ có xúc phạm rồi thì giết luôn ông ta đi. Trí Không bảo rằng hãy cứ nên xúc phạm một vị ẩn sỹ, và nếu lỡ có xúc phạm rồi thì cứ xúc phạm tiếp đi, chẳng có gì phải sợ.
Một vị ẩn sỹ cô đơn đích thực như thùng rác của cuộc đời. Thùng rác là để bỏ rác chứ không phải để lễ lạy.
Trí Không đã nói như thế!
Trò chuyện cùng Nietzsche
Qua Zarathustra đã nói như thế
(3/8/13)
Zarathustra đã nói như thế
F. Nietzsche
Về vết cắn của con rắn độc
Một ngày nọ Zarathustra nằm ngủ dưới một gốc sung vì trời quá nóng, và Zarathustra gác tay lên trán. Nhưng có một con rắn độc bò đến gần cắn phập vào cổ Zarathustra, vết cắn làm Zarathustra bật lên một tiếng kêu đau đớn. Khi đã cất tay khỏi mặt, Zarathustra chăm chú nhìn con rắn: lúc bấy giờ con rắn nhận ra đôi mắt Zarathustra, nó vặn vẹo thân hình một cách vụng về lúng túng và muốn thoát thân. Nhưng Zarathustra đã bảo: “Đừng, đừng đi, ta còn chưa cám ơn mi mà! Mi đã đánh thức ta đúng lúc, vì con đường ta đi còn dài”. Con rắn độc buồn bã trả lời: “Đường của ngươi còn ngắn lắm vì nọc độc ta sắp giết chết ngươi”. Zarathustra mỉm cười: “Có khi nào một con rồng lại chết vì nọc độc một con rắn chứ? Nhưng này, mi hãy lấy lại nọc độc! Mi chưa đủ giàu có để tặng cho ta”. Con rắn bèn cuộn tròn quanh cổ Zarathustra và đưa lưỡi liếm vết thương.
Một ngày nọ khi Zarathustra thuật lại chuyện này cho các môn đệ nghe, đám môn đệ hỏi hắn: “Hỡi Zarathustra, đâu là ý hướng của câu chuyện ngài kể?” Zarathustra trả lời họ:
“Những người thiện hảo và công chính gọi ta là kẻ phá hủy đạo đức: câu chuyện ta vừa kể là vô đạo đức.
Nhưng nếu các ngươi có một kẻ thù, thì đừng lấy thiện trả ác; vì như vậy là sỉ nhục kẻ thù. Tốt hơn, nên tỏ cho hắn thấy là hắn đã làm điều thiện cho các ngươi.
Các ngươi hãy nổi giận hơn là sỉ nhục hắn. Và khi bị kẻ địch nguyền rủa các ngươi đừng nên chúc phúc cho hắn, ta chẳng hài lòng chút nào. Tốt hơn các ngươi nên góp tiếng nguyền rủa trả lại.
Và nếu có người phạm một bất công lớn với các ngươi, các ngươi hãy lập tức đáp ứng bằng cách thêm vào đấy năm bất công nhỏ. Thật là khủng khiếp khi nhìn thấy kẻ không mang gánh nặng nào khác ngoài mỗi mình bất công.
Các ngươi biết điều đó chứ? Một bất công được chia sẻ hầu như đã là một quyền hạn. Và chỉ kẻ nào đủ sức chịu đựng bất công, kẻ ấy mới tự mình nhận lãnh nó.
Trả thù một ít thì có tính chất “chúng sinh” hơn là không trả thù gì cả. Và nếu hình phạt không tạo thành một quyền hạn và một vinh dự cho kẻ phạm tội, ta cũng không thích những hình phạt của các ngươi.
Chẳng thà sai lầm còn cao nhã hơn là nhất mực khăng khăng có lý, nhất là khi người ta có lý thật. Nhưng phải đủ giàu sang mới làm như thế được.
Ta không ưa sự công chính lạnh lẽo của các ngươi, trong đôi mắt quan tòa của các ngươi luôn luôn lấp lóe tia nhìn của đao phủ và ánh chớp của lưỡi gươm buốt giá.
Hãy nói cho ta biết, đâu là nơi có sự công chính, nghĩa là tình yêu với đôi mắt mở to sáng suốt?
Vậy các ngươi hãy sáng tạo nên tình yêu, tình yêu chẳng những chỉ mang chứa tất cả mọi hình phạt mà còn mang chứa tất cả lỗi lầm!
Vậy các ngươi hãy sáng tạo nên công lý, công lý xá tội cho mọi người, trừ kẻ đứng ra xét xử!
Các ngươi còn muốn nghe ta nói lời này chăng? Nơi một kẻ muốn công chính một cách khắt khe, thì chính sự dối trá lại trở thành lòng nhân từ khoan ái với những người khác.
Nhưng làm thế nào ta có thể công chính tuyệt đối được? Làm thế nào ta có thể ban cho mỗi người phần của họ được? Chính điều này là đầy đủ đối với ta: Ta ban cho mỗi người phần của ta.
Sau cùng, hỡi các anh em, hãy đề phòng đừng phạm điều bất công với những ẩn sĩ cô đơn. Làm sao một ẩn sĩ lại có thể quên được? Làm sao y có thể báo trả lại được?
Một ẩn sĩ cô đơn cũng tựa như một giếng sâu thăm thẳm. Ném xuống đó một hòn đá là chuyện dễ, nhưng khi hòn đá đã rơi xuống đáy sâu, hãy nói cho ta biết, ai là kẻ sẽ nhặt nó lên?
Hãy coi chừng đừng xúc phạm đến kẻ ẩn sĩ cô đơn. Nhưng nếu các ngươi đã xúc phạm đến ông ta thì, được rồi, cứ giết luôn ông ta đi!”
Zarathustra đã nói như thế.
* Xem thêm:
1. Dạ ca
2. Du hứng ca
3. Du hứng ca (2)
4. Lập ngôn trong vô ngôn
5. Đức hạnh của suy tư
6. Con đường của kẻ cô đơn
7. Sứ mệnh của tồn tại
8. Con đường không tên
9. Tế ca
10. Về thế giới bên kia
11. Về tình bằng hữu
12. Về sự trinh tiết
Con "Rắn Độc" hành động thật bất ngờ, làm cho người bị cắn không một chút nào nào phòng thủ!
Trả lờiXóaCon Rắn Độc cũng thật là "kỳ diệu", không hiểu tự bao giờ con rắn đã có ý định cắn, làm cho người bị cắn phải kêu lên như thế?! Và đó là sự đau đớn tận tâm can, chỉ biết đau như mơ màng trong tỉnh thức! Nỗi đau này có lẽ đã đến tận cùng và để rồi không còn có thể đau hơn được nữa! Qua nỗi đau này có lẽ người bị Rắn độc cắn xem như đã được miễn dịch! Đối với mọi niềm đau, nỗi khổ... đã trở nên vô nghĩa!,,,
Và khi tỉnh lại vết cắn đã liền sẹo, người bị rắn cắn vẫn chưa chết và thầm cám ơn con Rắn độc!
Một cách hiểu nào đó cô nhỉ, hihi :)
XóaTự nhiên tớ nhớ tới tài hùng biện của Hit-le. Cái gì mà "lời nói dối được nhắc lại 100 lần thì nó thành sự thật". Nghệ thuật lừa dối cũng đòi hỏi ko ít tài năng, nhưng những kẻ độc ác thì chẳng được lịch sử thừa nhận là thiên tài, gọi hắn là...độc tài, độc này trong chữ...độc ác @@ Một cách cắt nghĩa mới :v
Trả lờiXóaMới thừa nhận bạn nhỏ hiểu được bài viết trước, đến lượt bài này thì lại chạy ra khỏi đề tài quá xa :)
XóaTớ cũng đoán là bạn lớn sẽ bảo thế, hihi, thôi kệ, trẻ trâu như tớ bạn lớn chắc ko giận đâu.
XóaTớ nghĩ trải nghiệm nào cũng phải trả giá, chúng ta lại là người Á Đông, sống trong hoàn cảnh nào thì phải biết thích nghi với nó, tớ bắt đầu cảm thấy ngán cái học thuyết Không Tử với cả Nho Giáo (tớ chỉ biết chút chút thôi), khiến chúng ta ko dám hứng cái mũi tên độc đó, ko dám trả giá để trải nghiệm.
Tớ thấy 1 đứa con trai ăn chơi trác tán, quay về tu tỉnh tâm tính thì được dễ đón nhận hơn là con gái.
Mỗi nền văn hóa mỗi khác, có thể điều đó lại tốt cho bạn :)
Xóa