Về sự trinh tiết


Tôi yêu thích sự yên tĩnh. Được sống giữa hàng trăm người trong sự yên tĩnh của tâm hồn và lắng nghe hơi thở nhè nhẹ đi ra đi vào thật là một niềm hạnh phúc không gì diễn tả được.

Tôi có thể ngồi một mình hàng giờ. Có thể có một chút thoáng buồn xa xăm. Nhưng thà như thế vẫn còn hay hơn ngồi giữa hàng nghìn người mà tâm hồn vẫn còn đó sự cô đơn xâm lấn và chiếm hữu.

Đừng phân chia giới tính và đừng nhìn con người thấp cao, Nietzsche à. Con người nào cũng là sự tổng hoà kỳ diệu giữa thể xác vật lý với nhu cầu sinh lý, giữa nhu cầu sinh lý với mộng ước tinh thần cao vời.

Ai trong chúng ta cũng mang chứa hạt giống của sự ngây thơ. Có thể một số nào đó đã từng đánh mất, có thể một số nào đó đã để quên, có thể một số nào đó chưa có nhu cầu... nhưng đừng vì thế mà cho rằng hạt giống của sự hồn nhiên chưa từng có mặt.

Năm giác quan là năm cửa ngỏ thâu nhiếp hình ảnh. Chúng vô tội trước mọi đối tượng đẹp, xấu, đúng, sai. Điều đáng tiếc là người ta lại gán cho nó sự biệt phân quá sớm nên mới xảy ra cơ sự cho những răn cấm sai lầm.


Sự trinh tiết của thân thể chỉ là sự trinh tiết hời hợt của lớp màng ngăn vô tri vô giác. Người phương Đông chúng ta tôn thờ nó cho đến khi không thể giữ lại được, và điều tệ hại lại xảy ra: khi người ta mất nó rồi thì người ta cũng đánh mất luôn nhân cách của chính mình bằng một lối sống phóng túng và hoang dâm.

Sự trinh tiết của tâm hồn là một thử thách thâm sâu mà chẳng có lớp màng nào ngăn cản. Người phương Đông chúng ta phá bỏ nó ngay từ khi đứa trẻ vừa ra đời bằng hàng trăm hàng nghìn điều cấm răn đặt định, và điều tệ hại lại xảy ra: suốt cuộc đời, từ khi còn thơ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, người ta đi tìm lại sự trinh tiết của tâm hồn mà cha mẹ và xã hội đã can tâm phá bỏ nó một cách không hề thương tiếc.

Sự trinh tiết của giác quan lại là một chướng ngại khác mà những kẻ thao thức đi tìm bản lai diện mục của chính mình cần lưu tâm thường trực. Người phương Đông chúng ta sinh ra đã bị điều khiển bởi tập quán, truyền thống với những lề thói giáo điều khô khan. Vì thế, giác quan không thể nhìn, nghe, nếm, chạm những thứ mà nó được tiếp cận, thay vào đó, nó phải nhìn, nghe, nếm, chạm những thứ được người ta cho phép nhìn, nghe, nếm, chạm. Và điều tệ hại lại xảy ra: cái gì càng cấm càng muốn thử, cái gì càng không cho càng muốn khám phá.


Ông bạn Nietzsche thân yêu của tôi. Tôi là một người phương Đông. Tôi có cái nhìn chủ quan và đầy thiên kiến mang nặng màu sắc phương Đông. Tôi chấp nhận cái thấy, nghe, nếm, biết của tôi là phiến diện và nửa vời. Nhưng tôi tin cái phiến diện và nửa vời đó cũng là một phần của tồn tại. Và vì một là tất cả, nên biết một hạt cát không chắc biết cả sa mạc, nhưng biết trọn vẹn một hạt cát thì ta cũng có khả năng biết trọn vẹn nhiều hạt cát. Và vì thế tôi muốn thưa với những bạn trẻ quanh tôi một vài điều:

Sự trinh tiết của thể xác là lớp váng hời hợt nhất. Đó không phải là thứ để chúng ta cần phải lưu tâm. Nhưng tôi muốn nói với các bạn, ngay kể cả lớp màng trinh tiết của cơ thể các bạn có mất đi, cũng đừng vì thế mà đánh mất đi sự trinh tiết của tâm hồn. Sự trinh tiết của tâm hồn, không phải được bộc lộ hoàn toàn qua thể xác, nhưng một lối sống hoang đàng và phóng túng của thể xác, cũng chính là hiện thể cho một tâm hồn mục rỗng tự bên trong.

Sự trinh tiết của giác quan là thứ mà các bạn cần phải lưu tâm hơn cả. Giác quan vô tội trước mọi thông tin đi vào và đi ra. Đừng đặt định phải nhìn, nghe, nếm, chạm thứ này thứ khác. Giác quan là cánh cửa, mà thông tin là cơn gió, là áng mây, là chùm hoa dại.... Hãy cứ để chúng đi vào và đi ra theo cách riêng của chúng. Đừng trì giữ cũng đừng đuổi xua.


Các tôn giáo thân yêu của tôi. Phương Đông chúng ta có quá nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo lại có hàng trăm nghìn điều cấm răn. Tôi biết những người sáng lập tôn giáo cho ra đời những điều cấm răn cũng vì muốn bảo vệ sự bình yên trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng các người quên một điều: càng cấm người ta càng tò mò, càng tò mò tâm hồn càng xáo trộn, tâm hồn càng xáo trộn thì càng không có bình yên. Hãy để giác quan con người tự nhiên như chúng là thế, hãy để tâm hồn tự nhiên như chúng là thế, hãy để thể xác tự nhiên như chúng là thế... Có vấp ngã mới có ngày đứng lên, có mong manh mới có ngày vững chãi.

Tôi tôn thờ trinh tiết... nhưng không phải thứ trinh tiết sơ khai từ ngày cha sinh mẹ đẻ. 
Tôi tôn thờ sự trinh tiết của thể xác sau khi con người đã trải qua đủ mọi dục vọng đam mê. 
Tôi tôn thờ sự trinh tiết của tâm hồn sau khi con người đã trải qua đủ mọi ưu bi khổ não.
Tôi tôn thờ sự trinh tiết của giác quan sau khi con người đã trải qua đủ mọi biệt phân đến tận cùng kỳ lý.

Trinh tiết trong mắt tôi 
Đó không phải là khởi đầu nguyên thuỷ
Đó là chặng cuối của một hành trình

Trí Không đã nói như thế!

Trò chuyện cùng Nietzsche
Qua Zarathustra đã nói như thế

(3/8/13)


Zarathustra đã nói như thế
F. Nietzsche

Về sự trinh khiết

Ta yêu thích rừng cao. Sống trong những thành thị thật khổ sở: có quá nhiều người động cỡn trong thành phố. 

Chẳng thà rơi vào tay một tên sát nhân còn hơn rơi vào những giấc mộng của một người đàn bà đang động cỡn, có phải thế không? 

Và hãy nhìn những gã đàn ông kia: con mắt của họ đủ nói lên điều đó, - họ chẳng biết điều gì tốt đẹp trên mặt đất hơn là chuyện ngủ với đàn bà. 

Họ chất chứa cả một đống bùn nhơ tận đáy tâm hồn, và khổ thân cho họ nếu đống bùn đó lại có tinh thần! 

Chớ gì ít ra các ngươi chỉ làm một con vật thuần túy mà thôi! Thế nhưng mọi con vật đều mang giữ sự ngây thơ. 

Ta đã khuyên các ngươi giết chết giác quan mình hay sao? Không! Ta khuyên các ngươi giữ sự ngây thơ hồn nhiên của giác quan. 

Ta đã khuyên các ngươi trinh khiết hay sao? Nơi một vài người, sự trinh khiết là một đức hạnh, nhưng nơi nhiều người, sự trinh khiết hầu như là một tật xấu. 

Những kẻ sau này cũng có kiêng khem giới cấm đấy: nhưng rồi con chó Nhục cảm lòng đầy khao khát vẫn cứ hiển hiện xuyên qua tất cả những hành vi của họ. 

Ngay cả trên những đỉnh cao của Đức hạnh và ngay cả trong sự khổ hạnh ép xác của họ, con chó Nhục cảm đó mãi theo đuổi và làm họ âu lo. 

Và với dáng vẻ lịch thiệp tuyệt vời, con chó Nhục cảm đó biết cách nài xin một mẩu tinh thần, khi người ta khước từ cho nó một mẩu xác thịt! 

Các ngươi yêu thích những bi kịch và tất cả những gì làm tan nát con tim? Nhưng ta, ta không tin con chó cái Nhục cảm của các ngươi. 

Các ngươi có những đôi mắt quá tàn bạo và với một lòng thèm khát đầy nhục cảm, các ngươi nhìn kẻ khác đau khổ. Chẳng phải sự khoái lạc nhục cảm của các ngươi đã giả trang thành lòng thương hại đấy sao? 

Ta cũng xin nói cho các ngươi nghe ẩn dụ này: có vô khối kẻ vì muốn xua đuổi con quỷ ẩn náu trong mình, đã tự mình biến thành những con lợn. 

Nếu sự trinh khiết đè nặng ngột ngạt trên tâm hồn các ngươi, các ngươi phải từ bỏ nó, sợ rằng nó sẽ trở thành con đường dẫn đến hỏa ngục, - ta muốn nói đến bùn nhơ và tính dâm dục của tâm hồn. 

Ta đã nói những điều nhơ nhớp? Theo ý ta, đấy không phải là những điều tệ hại nhất. 

Người anh hùng tri thức kinh tởm không chịu phóng mình lặn sâu xuống chẳng phải khi mà chân lý nhơ nhớp, nhưng khi chân lý là một làn nước cạn cợt. 

Thực ra, có những con người trinh khiết một cách sâu thẳm: tâm hồn họ êm dịu hơn các ngươi, họ sẵn sàng cười cợt và cười cợt thường xuyên hơn là các ngươi. 

Họ cũng cười cợt cả sự trinh khiết nữa và họ nêu câu hỏi: “Sự trinh khiết là gì? Sự trinh khiết chẳng phải là một điều ngu xuẩn điên rồ hay sao? Nhưng sự điên rồ này tự đến với chúng ta chứ chúng ta đã không đi đến với nó. 

Chúng ta đã hiến cho kẻ lạ ấy lòng hiếu khách của tâm hồn mình; giờ đây người khách lạ ấy đang cư trú trong lòng chúng ta, - hắn cứ mặc sức ở lại đấy bao lâu lòng hắn muốn!” 

Zarathustra đã nói như thế.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
13 Comments

13 nhận xét:

  1. Tôn giáo :), tớ cũng từng có ý định tìm cho mình 1 tôn giáo phù hợp. Nguồn gốc của tôn giáo theo như ông tớ nói là do nỗi sợ, con người ta cần dựa vào niềm tin nào đó để cảm giác là họ được bảo vệ, được che chở bởi 1 đáng tối cao...nào đó.
    Có lẽ cái gì đó người ta coi trọng, là vì người ta ko đủ niềm tin :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có 2 vấn đề bạn cần phải đặt ngược lại với ông của bạn:
      - Thứ nhất, tôn giáo là gì?
      - Thứ hai, có phải người ta không đủ niềm tin về nó nên người ta coi trọng nó hay người ta không đủ niềm tin về nó nên người ta mới sợ nó?

      Xóa
    2. Tớ sẽ hỏi ông tớ khi nào tớ có thể.
      Còn sợ hay ko đủ niềm tin, tớ nghĩ vì ko đủ niềm tin nên sợ, vì sợ nên phải coi trọng. CHứ ko sợ thì hơi khó, tính tự giác của con người tớ nghi ngờ lắm.

      Xóa
    3. Sợ khác với coi trọng. Người ta chỉ thật sự coi trọng khi người ta hiểu nó một cách tường tận. Khi người ta hiểu nó một cách tường tận thì người ta sẽ ko còn sợ nữa, :)

      Xóa
    4. Tớ đồng ý, cái coi trọng vì sợ đó là nhu cầu cấp thấp nhất của con người, kiểu như bản năng sinh tồn thôi.
      Khi nhỏ tớ phải đọc rất nhiều sách toán lý chỉ vì...sợ, còn cả chồng sách khoa học thì tớ...tự nguyện. Đến giờ thì tớ chẳng biết cái nào tớ làm là vì sợ, cái nào là vì thích èo

      Xóa
    5. Bạn lớn, tớ muốn ko sợ ma, làm ơn cho tớ biết tường tận :-?

      Xóa
    6. Bạn hãy đi tìm hiểu xem ma làm gì thì sẽ hết sợ thôi :)

      Xóa
    7. Tớ sợ, rất sợ ma. Còn cái bài này của TK tớ đã hiểu thứ tớ cần. Chị tớ chuyên về hóa sinh, nên tớ ko hiểu biết tường tận thì cũng ko phải quá mù mờ. Cảm ơn TK nhé, tớ chỉ sợ mỗi ma, èo, tớ càng tìm hiểu càng sợ, tớ ngủ đây vậy :)

      Xóa
    8. (h) chúc nhìn thấy bóng ai treo tòng teng ngoài cửa sổ nhoé :v

      Xóa
    9. Rất nhiều thứ cũng do sợ mà ra. Nhân duyên để con người sinh ra trong thế giới này cũng có yếu tố sợ trong đó. Chúng ta sợ không phải là "con người" nên chúng ta phải sinh ra những chủng tử nối tiếp. Hic

      Xóa
    10. Một quan điểm mới về Thuyết tiến hoá, hihi

      Xóa
  2. "Hãy để giác quan con người tự nhiên như chúng là thế, hãy để tâm hồn tự nhiên như chúng là thế, hãy để thể xác tự nhiên như chúng là thế... Có vấp ngã mới có ngày đứng lên, có mong manh mới có ngày vững chãi."

    :>)

    Trả lờiXóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất