Bạn đang là tín đồ của Phật giáo? Thiên Chúa giáo? Hồi giáo? Do Thái giáo? Tin Lành giáo?... và bạn nghĩ rằng khi mình thờ phụng một đối tượng nào đó bạn cho là linh thiêng, nghĩa là bạn là con người tôn giáo?
Bạn đang là một vị sư? một linh mục? một mục sư hay một người làm công tác truyền đạo?... và bạn nghĩ rằng, với công việc, với trách nhiệm, với niềm tin, với sứ mệnh đó, nghĩa là bạn là con người tôn giáo?
KHÔNG!!!
Câu trả lời của tôi là KHÔNG!
Bạn là tín đồ của một tôn giáo nào đó?... Tôi gọi bạn là đàn cừu, là đội quân bắt chước, là đoàn người ăn theo, là kẻ ký sinh với chính niềm tin của mình.
Bạn là người làm công tác truyền đạo hay đang đảm nhận một sứ mệnh quan trọng trong một tổ chức tôn giáo?... Tôi gọi bạn là người làm chính trị, khoác trên mình vỏ bọc tôn giáo. Dựa hơi giáo chủ, dựa cái bóng thần thánh linh thiêng để leo cao trên một chức vụ, danh lợi và sự tung hô mù quáng của đám đông cuồng tín.
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI TÔN GIÁO?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn đặt lại vấn đề một chút. Vì sao bạn tôn thờ Đức Phật, Chúa Jesus hay Giáo chủ Muhammad? Phải chăng vì họ từ trên trời rơi xuống? Phải chăng vì họ nắm quyền lực chính trị trong tay? Phải chăng họ là những tín đồ thuần thành nhất cho những tôn giáo đã ra đời trước họ, hay họ chính là người đã khai sáng ra những con đường mà trước đó chưa ai từng tìm ra?
Có lẽ đến đây, bạn đã dần hình dung ra khái niệm "con người tôn giáo" mà tôi đang muốn chia sẻ. Tuy nhiên, hãy từ từ, chúng ta sẽ còn nhiều vấn đề cần trao đổi quanh nó.
Thử nhìn lại lịch sử ra đời của Phật giáo, bạn thấy gì? Trước khi Đức Phật ra đời, Ấn Độ cổ đại đã sừng sững một tôn giáo với bề dày lịch sử gần 5000 năm, đó chính là Bà La Môn giáo. Tại sao đã có Bà La Môn giáo rồi, Đức Phật không cố gắng trở thành một tín đồ thuần thành nhất của tôn giáo đó? Tại sao Đức Phật không cố gắng leo lên một vị trí thật cao trong giáo hội đó để có thể trở thành một người truyền đạo tốt nhất?...
Thử nhìn lại lịch sử ra đời của Thiên Chúa giáo, bạn thấy gì? Trước khi Chúa Jesus ra đời, đất nước Do Thái đã có đạo Do Thái với bản kinh Cựu Ước đáng để phụng thờ. Tại sao đã có Do Thái giáo, đã có kinh Cựu Ước, đã có hàng nghìn hàng vạn thần thánh rồi mà Chúa Jesus vẫn cần phải tuyên bố về một vị Chúa trời duy nhất, vẫn nói lên những sấm ngữ mà hiện nay tín đồ Thiên Chúa giáo gọi là kinh Tân Ước?...
Thử nhìn lại lịch sử ra đời của Hồi giáo, bạn thấy gì? Chính Đấng Tiên tri Muhammad, mặc dù thừa nhận trước đó đã từng có ít nhất trên chục vị truyền tin, được mặc khải từ Chúa trời, nhưng ông vẫn tuyên bố ông là Thiên sứ cuối cùng? Tại sao đã có tên là Chúa trời, ông vẫn khai sinh ra một danh hiệu mới cho Đấng Tối cao là Thánh Allah?....
BẠN CÓ CHO RẰNG
ĐỨC PHẬT, CHÚA JESUS VÀ MUHAMMAD
LÀ CON NGƯỜI TÔN GIÁO KHÔNG?
Nếu câu trả lời của bạn là CÓ, thì đáng tiếc thay, bạn lại là không.
Nếu câu trả lời của bạn là KHÔNG, thì họ là ai? và bạn là ai?
CON NGƯỜI TÔN GIÁO LÀ GÌ?
Tôi gọi Đức Phật, Chúa Jesus và Đấng Muhammad là những con người tôn giáo. Vì sao? Bởi vì, không phải vì họ là một tín đồ, không phải vì họ có quyền lực chính trị trong tay, không phải vì họ giữ một chức vị nào đó trong giáo hội. Tôi gọi họ là con người tôn giáo, bởi vì, họ là những con người tìm kiếm, tìm kiếm một con đường, cho chính những thao thức của riêng họ.
Tôi gọi Đức Phật, Chúa Jesus và Đấng Muhammad là những con người tôn giáo. Vì sao? Bởi vì, họ đã không chấp nhận những chân lý đã được mặc định từ trước, như là truyền thống, như là thói quen, như là đám đông, như là sự bảo trợ của quyền lực, như là sự ton hót, nịnh nọt của vài kẻ ăn theo. Tôi gọi họ là con người tôn giáo, bởi vì, những thao thức, những suy tư, những mâu thuẫn của chính họ, đã không được các truyền thống tôn giáo hay các quan điểm trước đó giải đáp một cách thoả đáng.
Tôi gọi Đức Phật, Chúa Jesus và Đấng Muhammad là những con người tôn giáo. Vì sao? Bởi vì, họ đã không khép mình vào một khuôn khổ có sẵn, họ không cong lưng quỵ gối cho những lời ong tiếng ve và dư luận nhất thời, chủ quan, cảm tính và phiến diện. Tôi gọi họ là con người tôn giáo, bởi vì, họ dám sống với thao thức của chính họ, họ dám sống với câu trả lời của chính họ, họ dám sống với con đường mà họ đã vạch ra, dẫu con đường đó, mới đầu bao giờ cũng hoang vu và lạnh lẽo.
BẠN CÓ PHẢI LÀ CON NGƯỜI TÔN GIÁO KHÔNG?
Bạn dễ dàng chấp nhận bất kỳ quan điểm nào mà Đức Phật, Jesus hay Muhammad nói ra, miễn sao đó là kim ngôn hay thánh điển dạy? Vậy tôi xin hỏi bạn, bạn tin Đức Phật còn Đức Phật tin ai? Nếu Ngài tin chính Ngài, thì là một người đệ tử của Ngài, bạn phải tin vào chính trái tim và lý trí của bạn, chứ sao bạn lại tin chỉ vì đó là lời Đức Phật dạy?!
Bạn đi tu, cố gắng nỗ lực học tập để trở thành một ông thầy, một mục sư hay một nhà truyền giáo giỏi, có nhiều tín đồ và quần chúng ngưỡng mộ? Vậy tôi xin hỏi bạn, tại sao Đức Phật không trở thành một vị quốc vương, bởi lúc đó Ngài có cả đất nước đi theo Ngài cơ mà? Nếu Ngài tìm đạo để trả lời cho những thao thức mà Ngài đang suy tư, thì là một người đệ tử của Ngài, bạn cũng phải tìm những câu trả lời cho riêng bạn, với thao thức của riêng bạn, trong một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác với thời điểm Đức Phật sống chứ?!
Bạn cố gắng quan hệ tốt với chính quyền thế tục và các cấp trong một tổ chức tôn giáo, bạn cố sống trong một khuôn khổ mà xã hội, quần chúng và dư luận trọng vọng, để được cất nhắc vào một vị trí nào đó? Vậy tôi xin hỏi bạn, Đức Phật có từng làm thế với cuộc đời của Ngài không, chẳng hạn để trở thành giáo chủ, xum xoe với chính quyền nhằm có được vị thế tốt cho công cuộc truyền giáo? Nếu Ngài sống dựa vào cái thấy của chính Ngài, thì là một người đệ tử của Ngài, bạn cũng phải đủ can đảm để sống đúng với cái thấy của bạn, chứ sao lại cần phải là một ai đó, giữ một vị trí nào đó trong cái xã hội vốn đã quá nhiều cấp bậc chức tước này?!
THẬT ĐÁNG TIẾC!
Bây giờ người ta đã đánh mất cái lõi của tôn giáo, ấy chính là trở thành NGƯỜI TÌM KIẾM chứ không phải là NGƯỜI ĐI THEO.
Bây giờ người ta đến với tôn giáo không phải để trả lời cho những thao thức về sự tồn tại của chính mình, mà là để tìm kiếm một chức vị xã hội, dẫu là cái tổ chức xã hội đó chỉ gói gọn trong phạm vi tôn giáo.
Bây giờ người ta đến với tôn giáo không phải để dành nhiều thời gian suy tư và chuyển hoá nội tâm của chính mình, mà là để được dư luận quần chúng tụng ca khen ngợi, để được xung quanh vo ve như chiếc bánh ngọt có nhiều ruồi nhặng bu bám.
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI TÌM KIẾM?
Giả sử, nếu tôi tìm kiếm quả vị Phật, đó có phải là tìm kiếm không? Không! Khái niệm "Phật" đã được mặc định, bởi kinh điển, bởi thời gian và bởi đã từng có người khai sáng ra nó. Đó không phải là tìm kiếm, đó chỉ là đi theo con đường đã có người vạch ra. Dù muốn dù không, bạn vẫn không thoát ra khỏi nội hàm của khái niệm đã được chính Đức Phật Thích Ca xây dựng. Đặt giả thiết nếu Đức Phật Thích Ca chỉ đi tìm kiếm quả vị Phạm Thiên, thế thì có Đạo Phật ngày hôm nay không?!
Nói đến tìm kiếm, nghĩa là trước đó phải có hoài nghi. Hoài nghi với những thao thức về số phận mình, hoài nghi những câu trả lời đã từng có trong lịch sử. Chính hoài nghi là động lực dẫn dắt bạn đi tìm kiếm. Không có hoài nghi, không có tìm kiếm.
Nói đến tìm kiếm, nghĩa là bạn phải không biết trước câu trả lời. Nếu đã biết rồi, nếu đã học rồi, nếu đã chấp nhận một câu trả lời nào đó là tối hậu rồi, thế thì người ta sẽ không cần tìm kiếm nữa. Chính sự không biết câu trả lời mới khiến ta cất bước đi tìm. Biết rồi thì không tìm nữa.
Nói đến tìm kiếm, nghĩa là bạn phải có thao thức, phải có suy tư, phải không chấp nhận những gì có sẵn, phải biết hoài nghi những câu trả lời... Tôi không thể mường tượng nổi một vị tu sỹ Phật giáo, mà lại thiếu những yếu tố trên. Nếu họ thiếu những cái đó, trong mắt tôi, họ chỉ là nhân viên của một tổ chức tôn giáo, tựa như nhân viên công quyền của một chính phủ.
Tôi hy vọng bạn đừng uổng phí cuộc đời mình, chỉ để có được một vị trí nào đó của Giáo hội
Nếu yêu thích chính trị, hãy làm Thủ tướng của một quốc gia, đừng cố gắng hay khoe khoang tôi là ai đó của một tổ chức tôn giáo
Là một con người tôn giáo, nghĩa là người luôn thao thức với sự tồn tại của chính mình.
(2/10/13)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!