Kết thúc là bắt đầu. Câu nói xưa như lịch sử trái đất. Ấy vậy mà nhiều người vẫn lầm tưởng cái bắt đầu sau khi kết thúc ấy phải trong trắng ngây thơ như thuở chập chững vào đời.
Không có cái bắt đầu như thế đâu. Cái bắt đầu như tờ giấy trắng đã là dĩ vãng rồi. Cái bắt đầu sau khi kết thúc là cái bắt đầu đầy những vết sẹo của đổ vỡ, chằng chịt những mảnh vá của tâm hồn.
Bắt đầu bằng những chai sạn của con tim, bắt đầu bằng những đổ vỡ không mong muốn...và ta sẽ học yêu ngay trên những hoang tàn, tập trồng hoa từ chính chiến trường năm xưa. Tôi gọi đó là khởi đầu của kết thúc.
Ps. Biết trân trọng quá khứ mới tha thiết với hiện tại. Có tha thiết với hiện tại mới hy vọng vào tương lai.
(Page Suy nghiệm)
Tôi đã khép lại tháng 10 của tôi bằng vài dòng ngắn trên Page Suy nghiệm như vậy, và đồng thời với hành động khép lại cánh cửa tháng 10 cũng là lúc tôi mở ra cánh cửa tháng 11 - tháng khởi đầu cho mùa đông phương Đông - tháng của những bàn tay cần nhau khi trời trở rét, tháng của những dòng tin vội vàng nhắn nhủ nhau mặc thêm áo ấm khi ra đường, tháng của những đêm thao thức bởi nhiệt độ bên ngoài lẫn nhiệt độ trong tâm...
Tháng 10 Việt Nam - tháng của bão lũ triền miên, cấp tập - tháng của sự sống mong manh và tử sinh chỉ còn là ngàn cân treo sợi tóc - tháng của những suy nghiệm về vô thường của thực tại, về nhân quả công bằng trong tương giao giữa con người với thiên nhiên, về sự mất tỉnh thức và hệ quả nhãn tiền của nhân tai, về bất công còn tồn tại dai dẳng giữa con người với con người.
Tháng 10 Việt Nam - vẫn còn đó những trái tim yêu thương, biết sẻ chia và đùm bọc nhau khi thiếu thốn, biết lên án những điều ngụy tạo xấu xa, biết vạch trần những tin đồn giả mạo, biết phân biệt đúng sai phải quấy để hành xử, biết bảo vệ người cô thế, biết đấu tranh chống lại cường quyền... dẫu con đường đó còn rất nhiều chông gai và chưa bao giờ nhìn thấy ngày mai như là cái đích phải đến.
Rồi như vòng xoay thời gian tất định, tháng 10 qua đi như tháng 9 đã từng qua đi, để nhường đường cho tháng 11 gõ cửa. Mùa thu khép lại những chiếc lá rơi, khiêm tốn lui về hậu cảnh cho gió mùa đông bắc tràn về theo tiết điệu bốn mùa vần xoay. Tháng 11 đã về rồi đấy!
Thế nhưng, không thể tự nhiên có tháng 11 nếu chẳng có tháng 10, cũng như không thể tự nhiên có tháng 10 nếu chẳng có tháng 9. Không thể có mùa đông nếu chẳng có xuân, hạ, thu trước đó. Sự vận hành nhịp nhàng của bốn mùa tương tự như sự vận hành sinh - trụ - dị - diệt của kiếp người. Tự nhiên như thế, con người như thế, và xã hội cũng sẽ phải như thế.
Ai cũng biết điều đó, nhưng đôi khi người ta bị cái quyền lực cùng những cám dỗ của nó làm mù đi đôi mắt thanh tân. Có quyền lực trong tay, được sự hỗ trợ và bảo vệ bởi những nòng súng và nhà tù vô tri giác, người ta rất thích "nhảy vọt", "vượt qua", "bỏ qua"... và tự bào chữa cho chính tư duy chủ quan duy ý chí của mình bằng điệp khúc không thể đúng hơn, "đây là Việt Nam, và đây là bản sắc của Việt Nam"
Xã hội Việt Nam có "bản sắc" nên có thể tự cho mình cái quyền nhảy vọt mà không cần thông qua quá trình tích lũy về lượng, không cần phải đi vẫn đến đích, không cần phải có phương pháp vẫn thành công. Chỉ cần nhân dân đồng lòng, nhắm mắt đi theo, cấm cãi, cấm thảo luận, cấm phê phán, cấm làm "tổn hại lợi ích"... Chúng ta có bản sắc riêng của chúng ta, và đừng lôi lịch sử thế giới vào, đó là lịch sử đang "giãy chết", đừng so sánh. Chỉ cần so sánh thôi cũng đủ làm mất uy phong "bản sắc" con đường chúng ta đi.
Giáo dục Việt Nam có "bản sắc" nên không cần phải theo bất cứ khuôn mẫu nào của thế giới. Cứ đi như đã được lập trình, cứ dạy như đã được công cụ hóa, cứ học như con vẹt biết nói tiếng người. Chỉ cần vậy thôi là quá đủ, tương lai sẽ vẫy gọi ta, bằng cấp và uy tín sẽ vẫy gọi ta, địa vị và quyền lực sẽ vẫy gọi ta. Hãy nhớ, bạn là "chiếc ốc vít" trong một cỗ máy khổng lồ, bạn là một mắt xích trong hệ thống ròng rọc... và đừng quên tư tưởng trọng yếu: biết mình là công cụ, làm tròn vai trò của công cụ, thế thì công cụ còn có ý nghĩa. Muốn là người ư? Muốn khai minh ư? Muốn biết mình ư?... Nơi đây không dành cho bạn! Rất tiếc!!!
Mỗi người chúng ta, ai cũng tự hào có "bản sắc", và vì thế không cần phải học hỏi, không cần phải thảo luận đúng sai. "I am me" - "Tôi là tôi" - Miễn góp ý, miễn bình phẩm. Hoan hô cổ vũ ca ngợi tán thán tôi ư? Rất sẵn lòng nghe. Chê bai, tranh luận, phê phán, góp ý tôi ư? Xin lỗi đi chỗ khác. Vì tự tin vào "bản sắc", chúng ta khép mình với tất cả, trước những điều chưa biết, trước những điều đã biết nhưng chưa đủ. "Không có chân lý chung cho tất cả", "mọi thứ chỉ là tương đối"...v..v... và thế là chúng ta phè phỡn tự mãn trong cái vỏ bọc của chính ta, như con ếch tự hài lòng với ánh sáng lọt qua miệng giếng. Có thể đó không phải là bầu trời, nhưng đó là bầu trời của tôi, và đừng có lôi tôi ra khỏi miệng giếng làm gì, tôi đâu cần cái bầu trời rộng lớn như vậy...
Một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, cứ thế mà xoay vần theo tiết điệu. Một năm có 12 tháng, cứ thế mà hoạt động theo chu trình. Ấy thế mà đôi khi quá bám víu vào khái niệm "bản sắc" mà người ta tự cho mình cái quyền nhảy vọt, thích xuân là xuân mà thích hạ là hạ, thích tháng nào thì đổi lịch sang tháng ấy... Và nếu không làm thế, e rằng người ta không thấy được cái "bản sắc" rực rỡ, hoành tráng, khác biệt của mình.
Ồ, mà sao tôi lại gõ cửa tháng 11 bằng ý tưởng này nhỉ?! Tháng này người ta đang rầm rộ chuẩn bị cho ngày nhà giáo Việt Nam cơ mà. Ờ, dân gian có câu "chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng", và có lẽ, nghe thiên hạ "đe hàng tổng" nhiều quá nên phải tìm ra ai mới là "ông nghè" thực sự...
Cũng có lẽ vì là tháng 11 là tháng 10 âm lịch, tháng khởi đầu cho mùa đông, nên lời nhắn nhủ của tôi dành cho các bạn trẻ phải chăng là: thay vì mong mỏi có "gấu" để "ôm" như một "công cụ", hãy đánh thức trái tim và mở cửa tâm hồn cho "gấu" vào nhà mình trước đã....
Cũng có lẽ vì tháng 10 đã có quá nhiều biến động, với đầy những mâu thuẫn chưa được giải quyết, đầy những nghi ngờ chưa được giải tỏa, đầy những bất ổn chưa được trấn an, nên có thể tôi hy vọng tháng 11 này, thay vì rảnh rỗi ngồi sáng chế hết Nghị định này đến Nghị quyết nọ, Pháp chế này đến Điều khoản kia..., hãy cố mà quay về với Hiến Pháp cơ bản, trên nền tảng một nhà nước Cộng hòa, với mục tiêu là Xã hội chủ nghĩa, với thực tế kinh tế Việt Nam là nông nghiệp, với thực trạng giáo dục Việt Nam đang mất phương hướng, với nội dung giáo dục đang lạc hậu, với khái niệm "Đại học" đang bị tha hóa, với khái niệm "sinh viên" đang bị thui chột...
Phải đi qua tháng 10 ta mới có thể gõ cửa tháng 11
Cũng như phải đi qua mùa thu ta mới có thể chạm ngõ mùa đông
Hãy học cách bò, lẩy, đứng rồi hãy đi và chạy
Hãy là Đại học cho đúng là Đại học, rồi hãy mơ là Đại học hàng đầu
Hãy là nhà nước Cộng hòa đúng nghĩa rồi hãy mơ đến Xã hội chủ nghĩa
Và....
Có biết yêu người thì người mới yêu ta
(31/10/12)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!