Hồ Chí Minh từng nói rằng "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Về hình thức, câu nói ấy có giá trị vĩnh cửu, tuy nhiên, xét dưới khía cạnh nội dung, nội hàm của "độc lập - tự do" là một tiến trình nhận thức. Nó không đơn giản chỉ là "nước tôi là một nước độc lập, nước tôi là một nước tự do" thuần tuý theo tên gọi của khái niệm.
Trước làn sóng toàn cầu hoá hiện nay, nhìn dưới bất kỳ góc độ nào, có thể dễ dàng nhận ra, chẳng có quốc gia nào là độc lập tự do cả. Chính phủ Mỹ đóng cửa, cả thế giới bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng, tác động qua lại, không chỉ trực tiếp ở các khối liên minh, mà còn cả gián tiếp với các nước không liên minh. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cho ta một bức tranh rõ nét nhất về ý niệm "độc lập" chỉ là tương đối.
"Tự do" cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Không phải nước tôi giành được chính quyền nghĩa là nước tôi có toàn quyền tự do. Muốn tồn tại được trong thế giới này, trước tiên anh phải "chơi chung" với các quốc gia khác, đã tự nguyện "chơi chung" thì buộc anh phải tuân thủ các"khế ước chung" mà cộng đồng thế giới đang theo. Anh không tuân thủ. anh sẽ bị ra rìa. Nói như thế để thấy rằng, "độc lập tự do" quý đấy, nhưng hiểu đúng đắn về độc lập và tự do còn quý hơn.
Thôi gác chuyện thế giới và chính trị lại. Hôm nay chúng ta sẽ chỉ đề cập đến chúng ta thôi - một pham vi rất nhỏ - tôi - nhận thức về nó trong cuộc sống đời thường.
1. Tôi có độc lập không?
Khái niệm hẹp nhất của thuật ngữ "độc lập" là: "tự mình tồn tại, không nương tựa, không phụ thuộc ai khác" (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên)
Anh có thể tự mình tồn tại được không?... Câu trả lời của tôi là KHÔNG. Tôi muốn có mặt ở đây, trước hết phải nhờ cha mẹ sinh tôi ra. Không có cha mẹ tôi, không có tôi. Nói thế để thấy rằng, tôi không thể "tự mình" mà tồn tại được.
Anh có thể không nương tựa ai không?... Câu trả lời của tôi là KHÔNG. Cha mẹ sinh tôi ra, tôi biết thể xác của tôi đã phải nương tựa vào cha và mẹ. Nhưng như thế chưa đủ, tôi cần phải ăn, phải mặc, phải học hành, phải lao động... để duy trì sự tồn tại của mình. Thế là tôi phải nương tựa người nông phu làm ra lúa gạo, người công nhân may mặc quần áo, thầy cô trao truyền tri thức, thế giới tự nhiên và xã hội tạo điều kiện để tôi lao động sinh tồn... Tôi phải nương tựa vào quá nhiều người, trong một liên minh đa chiều, phức tạp.
Vậy làm sao để tôi có độc lập?
Dĩ nhiên, thực tại cuộc sống nằm trong những mối quan hệ, nhưng sẽ có những quan hệ mà ở đó ta là cây đại thụ, và cũng sẽ có kẻ tự biến mình thành vật ký sinh. Vấn đề không phải là ẩn cư trong rừng sâu, tách rời các quan hệ xã hội, để rồi tự tuyên bố "tôi là người độc lập".
Trở lại vấn đề cha mẹ với tôi. Tôi có mặt ở đây là nhờ cha mẹ. Dĩ nhiên thể xác và ý thức của tôi hoàn toàn nương nhờ cha mẹ. Nhưng điều đó không có nghĩa cha mẹ có toàn quyền quyết định với thể xác và ý thức của tôi. Cha mẹ cung cấp cho ta một nền tảng thể xác, thông qua bú mớm, trao đổi chất... nhưng đến lúc nào đó tôi cũng phải "tự mình" đi tìm thức ăn để nuôi dưỡng cái thể xác của mình. Cha mẹ cung cấp cho ta một thể nền ngôn ngữ và tri thức, thông qua giáo dục... nhưng đến lúc nào đó tôi cũng phải "tự mình" thiết định những thông tin tiếp nhận và sáng tạo. Thời điểm "đến lúc nào đó tôi cũng phải tự mình" được coi là thời điểm bắt đầu quá trình độc lập của bản thân đối với cha mẹ.
Trong quan hệ với thầy cô giáo và kiến thức thâu nhận được cũng thế. Tôi biết đọc, biết viết, biết hiểu biết thông tin... là nhờ thầy cô giáo dạy dỗ. Nhưng điều đó không có nghĩa thầy cô toàn quyền quyết định sự chọn lựa và sáng tạo thông tin của tôi. Trách nhiệm của thầy cô không phải là vạch một con đường để tôi PHẢI đi, mà chỉ là GỢI MỞ rất nhiều con đường cho tôi lựa chọn. Trách nhiệm của thầy cô không phải là bảo tôi PHẢI đọc cái gì, mà là dạy tôi nhận biết mặt chữ để tôi ĐƯỢC QUYỀN đọc, xem, nghe những gì tôi muốn. Thời điểm chúng ta biết chọn lựa, biết mình muốn gì chính là thời điểm ta độc lập với kiến thức của thầy cô.
Trong quan hệ với xã hội, qua dư luận, phong tục, tập quán, truyền thống... cũng tương tự như trên. Xã hội là môi trường chung, mà phong tục, tập quán, truyền thống, pháp luật... chỉ là những "khế ước cộng đồng" để cùng nhau hành xử cho linh hoạt nhằm không dẫm chân lên nhau. Phong tục, tập quán, truyền thống, kể cả pháp luật, không phải là PHẢI mà chỉ là NÊN, nghĩa là, nó được nằm trong mệnh đề "nếu... thì". (Nếu tôi đi sang bên phải khi tham gia giao thông thì tôi có thể về nhà an toàn; nếu đi sang bên trái thì tôi có thể về nhà trên chiếc cáng...). Thời điểm chúng ta nhận biết được những quy ước xã hội, từ PHẢI thành NÊN, thì thời điểm đó ta đã bắt đầu độc lập với những quy ước xã hội.
Vậy khái niệm "độc lập" ở đây phải hiểu như thế nào?
Vẫn dựa trên khái niệm hẹp như tôi đã trích dẫn, chỉ thay đổi một chút, nhưng cái "một chút" này cung cấp cho tôi nhận thức và hành xử một cách hoàn toàn khác theo nghĩa mà Từ điển đã cung cấp. Định nghĩa của tôi là: "độc lập là tồn tại, nương tựa, phụ thuộc một cách có ý thức".
2. Tôi có tự do không?
Khái niệm "tự do" có liên quan trực tiếp đến khái niệm "độc lập". Anh chỉ có tự do trên cơ sở có độc lập. Nếu hiểu "độc lập" theo nghĩa mà từ điển tiếng Việt cung cấp, thì nghĩa của từ "tự do" được hiểu là: tôi được quyền làm những gì tôi muốn.
Thế nhưng, cái định nghĩa "tự do là được quyền làm những gì mình muốn" chỉ là một ý tưởng nói chơi cho vui trong lúc trà dư tửu hậu thôi, mặc dù thực tế quan điểm như vậy đã ăn sâu vào nếp nghĩ của chúng ta, đến mức, bất kỳ ai đụng chạm đến "cái muốn" của mình, thì đều sẵn sàng la làng lên "tôi không có tự do".
Với cách hiểu về "độc lập" là : "tồn tại, nương tựa, phụ thuộc một cách có ý thức" thì chữ "tự do" ở đây có liên quan trực tiếp đến thuật ngữ "có ý thức".
Tôi sẽ phân tích hai chữ "tự do" này theo một hướng khác với chữ "độc lập" ở trên, để giúp mọi người nhận diện sâu sắc hơn vấn đề một chút.
2.1. Tự do thể xác
Sự an toàn về mặt thể xác, khi còn nằm trong bụng mẹ, thì được cha mẹ bảo hộ. Khi thành hình, làm giấy khai sinh, chính thức là công dân của một quốc gia, thì được pháp luật bảo hộ. Tại sao có sự bảo hộ này? Tại vì có sự xâm phạm của một cá nhân khác đến sự tồn tại của ta, nên bảo hộ là một trong những cách chống lại sự xâm phạm đó. Giả dụ thân thể của tôi được pháp luật bảo hộ, chỉ là để chống lại kẻ muốn giết tôi. Chống lại một kẻ muốn giết tôi có phải là xâm phạm tự do của kẻ ấy không? Dĩ nhiên là có. Thế nhưng cho anh ta tự do, thì anh ta lại xâm phạm sự tự do của tôi. Vậy làm sao để điều hoà hai sự tự do này, tự do của tôi và tự do của kẻ muốn giết tôi? Pháp luật là câu trả lời cho mâu thuẫn này. Chúng ra đời là nhằm giải quyết và điều hoà những quyền tự do chống trái nhau mà nguy cơ có thể dẫn đến xung đột. Pháp luật có sự cấm đoán, nhưng cấm đoán là để bảo vệ sự tự do của mỗi người. Ý niệm đầu tiên về sự tự do chính là: tôi cần một công cụ để bảo vệ sự tự do. Có bảo vệ nghĩa là có hạn chế. Nhận thức được sự hạn chế vì để bảo vệ tự do là nghĩa đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ.
2.2. Tự do tinh thần
Ngục trung nhật ký có hai câu này: "Thân thể tại ngục trung, Tinh thần tại ngục ngoại". Câu này nói lên điều gì? Thân thể bị giới hạn, trong một nhà tù, có thể là là nhà tù với bốn bức tường của Côn đảo, nhưng cũng có thể cả xã hội là một nhà tù rộng lớn, hoặc cũng có thể thân thể ta cũng chính là một nhà tù di động... Như nghĩa đầu tiên mà tôi đã chia sẻ: "nhận thức được sự hạn chế vì để bảo vệ tự do" thì nhà tù chính là một công cụ hạn chế vật chất cụ thể nhất. Tuy nhiên, với câu thơ thứ hai "tinh thần tại ngục ngoại" nói lên sự "vượt thoát", bằng tinh thần, ra khỏi những hạn chế đó. Điều đó nói lên điều gì? Điều đó gợi mở cho ta một nhận thức khác về "tự do", rằng chúng ta có thể có những hạn chế, một nhà tù nhỏ hay một nhà tù lớn... nhưng chúng ta vẫn có thể có được tự do thông qua tinh thần. Bởi lẽ tinh thần thì không thể bị hạn chế bởi bất cứ công cụ vật chất nào, ngoài sự hạn chế bằng chính những công cụ tinh thần.
2.3. Tự do là gì?
Tôi đã từng thưa rằng, nếu hiểu "độc lập" theo nghĩa là "tự mình... không phụ thuộc"thì "tự do" phải được hiểu là "tôi được làm những gì tôi muốn". Thế nhưng, thực tế vốn không có cái ý niệm "độc lập" vô nghĩa như vậy, nên "tự do" cũng không có một nội hàm như thế.
Nếu hiểu "độc lập" là "tồn tại, nương tựa, phụ thuộc một cách có ý thức" thì "tự do" sẽ được hiểu theo nghĩa nào? Câu trả lời của tôi là " tự do là nhận thức những hạn chế một cách có ý thức".
3. Tôi "có ý thức" không?
Cả định nghĩa về "độc lập" và "tự do" đều được tôi đưa vào cụm từ "một cách có ý thức". Điều đó nhằm chia sẻ ý tưởng: Độc lập là gì không quan trọng. Tự do là gì không quan trọng. Có ý thức về nó mới là điều quan trọng.
Thực tế có thể tôi một mình, tôi độc lập, tôi cách ly xã hội... nhưng chưa chắc tôi đã có "độc lập" thật sự. Vì sao? Có thể do hoàn cảnh đẩy đưa ra ngoài hoang đảo hay rừng sâu từ khi còn nhỏ, dĩ nhiên tôi cũng có chút "độc lập" đấy, nhưng vì cái "độc lập" đó của tôi không có ý thức chủ động, nên nó trở thành một dạng tai nạn. Ngược lại, trong xã hội ngày nay, có nhiều người đòi hỏi "độc lập" theo phong trào, bắt chước, a dua, coi đó như một style riêng, một bản sắc riêng, nhưng thiếu "ý thức" trong việc định hình bản sắc, nên cái độc lập đó trở thành một dạng ký sinh vô hình.
Về khía cạnh tự do cũng thế. Thiếu ý thức về sự tự do thì có cũng như không có. Anh được pháp luật bảo hộ về thân thể, anh được xã hội dạy dỗ giáo dục anh, như bao nhiêu người khác, nhưng anh tiếp nhận tất cả những cái đó mà không có suy tư, chọn lọc... thì sự tự do mà anh nghĩ anh đang có cũng chỉ là một dạng thức trá hình của sự mất tự do...
Vậy hành động có ý thức là gì?
Học theo các đạo sư nổi tiếng có phải là một hành động có ý thức?
Thực hành theo các học thuyết triết học tôn giáo sâu sắc có phải là một hành động có ý thức?
Đi theo đám đông, hành xử theo tập quán, nhận thức theo tri thức và kinh nghiệm... có phải là một hành động có ý thức?
Được dẫn dắt bởi tiếng nói của trái tim có phải là một hành động có ý thức?
Được dẫn dắt bởi sự suy tư lý tính hợp logic có phải là một hành động có ý thức?
Tuân thủ theo một nguyên tắc đạo đức mà ta tự đặt định có phải là một hành động có ý thức?
...
Những câu hỏi này xin dành tặng các bạn
(11/10/13)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!