Chắc hẳn các bạn vẫn đọc được đâu đó lời khuyên đạo đức mỹ miều: hãy tin vào chính mình. Mình không thể tin mình thì ai có thể tin mình?! Mình không thể tin mình thì mình còn có thể tin được ai?!...
Vâng, toàn là những lời khuyên chí lý. Nhưng tin vào chính mình là tin vào cái gì? Mình có gì để mà tin? Một nhúm tri thức gom góp rút tỉa từ sách vở ư? Một nhúm chữ nghĩa học đòi từ thầy cô ư? Một nhúm lý thuyết cất chứa trong vài ba năm trên giảng đường đại học ư?...
Không, vứt hết. Tất cả những thứ đó không đáng tin một tí nào. Chúng là những thứ ngoài ta, được tuồn vào đầu ta qua vài giác quan của tai và mắt. Mà tai và mắt thì luôn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, cấu tạo sinh học... vì thế thông tin đi vào là con voi, qua tai và mắt thì chỉ còn là con kiến. Đừng có tin tưởng giác quan của mình, nó đang lừa chúng ta đấy!
Những lời khuyên của nhà đạo đức, những học thuyết của triết gia, những niềm tin của tôn giáo... chỉ có giá trị cho chính họ, trong một không gian cụ thể và một thời gian xác định. Mà tất cả những gì ta được học đều là tàn dư của quá khứ, hoặc hàng nghìn năm trước, hoặc vài trăm năm trước, hoặc chục năm trước, hoặc đã là ngày hôm qua. Vứt hết chúng vào sọt rác, nếu bạn không muốn biến cuộc sống của bạn trở thành người thiên cổ. Đừng tin tưởng bất cứ thông tin nào, dẫu được định danh bởi bất kỳ ai, với bất kỳ thẩm quyền nào. Nên nhớ, họ chỉ dạy cho bạn những thông tin hay kiến thức nào có lợi cho họ, và mục đích của họ là biến ta thành cỗ máy được lập trình. Đừng có bán mình cho quỷ, một lũ quỷ nhồi sọ con em một cách tàn nhẫn vô nhân đạo.
Hãy tin vào chính mình. Đó là điều tôi nói. Nhưng không phải tin vào những kiến thức bạn đã thu lượm được từ người khác, mà đó là nhận thức hiện tại sinh động của chính bạn, với hơi thở đang phập phồng trong lồng ngực, với dòng máu nóng đang tràn trề trong huyết quản, với khát khao sáng tạo ra những hệ giá trị mới, không phải cho ai khác, mà vì chính sự tồn tại có ý thức của bạn.
Hãy tin vào chính mình. Đó là điều tôi nói. Nhưng không phải tin tưởng vội vàng mù quáng bởi những gì được thu lượm qua đôi mắt hay đôi tai. Tất cả mọi hình sắc và âm thanh được tiếp nhận qua giác quan đang lừa dối bạn, đôi mắt và đôi tai cũng đang lừa dối bạn. Và thông tin cuối cùng mà bạn tưởng lầm cho là đúng, kỳ thực chỉ là hệ quả của một lũ lừa của lừa.
Có ai đó đang muốn nói với tôi rằng: những thông tin thu lượm được chỉ là tư liệu. Chúng cần phải được tái chế lại qua tư duy, qua lý trí, qua kinh nghiệm bản thân. Và nếu chúng phù hợp, đem lại lợi ích, nhất định những thông tin đó là có ích, là đúng...
Tôi muốn nói với bạn rằng: thế nào là tư tưởng? Tư tưởng là sản phẩm của quá trình tư duy? Tư duy là gì? Là chế biến những thông tin được góp nhặt? Những thông tin góp nhặt đó từ đâu? Phải chăng là từ cuộc sống?... Nhưng đó là cuộc sống nào? Cuộc sống của ngày hôm qua? của ngày mai? của quá khứ hàng nghìn năm về trước? của cha mẹ bạn? của truyền thống bạn? của gia tộc bạn?... Nhưng đấy đâu phải là cuộc sống. Chúng là những cái đã chết, chúng là một mớ ảo tưởng. Quá khứ là cái đã chết. Tương lai là một ảo tưởng. Sản phẩm của những cái đã chết chỉ có thể là cái chết. Sản phẩm của những ảo tưởng chỉ có thể là ảo tưởng. Cuộc sống đích thực không có quá khứ, không có tương lai. Vậy góp nhặt cái gì? tư duy cái gì? tư tưởng cái gì?...
Tôi muốn nói với bạn rằng: thế nào là cái có ích? Phải chăng chúng đảm bảo cuộc sống của bạn tiện nghi hơn? Phải chăng chúng đem lại cho bạn những khoái cảm thẩm mỹ và thoả mãn thị giác? Phải chăng chúng tránh cho bạn những thất bại trước những nhu cầu hay mục tiêu mà bạn đặt ra?... Nhưng đời sống tiện nghi có đảm bảo cho bạn hạnh phúc đích thực? Khoái cảm thẩm mỹ và thoả mãn thị giác có bao giờ biết đủ? Tham vọng bạn xây dựng có bao giờ biết dừng?... Vậy đến khi nào thì bạn có hạnh phúc thật sự? Hay suốt đời bạn chỉ như cái bóng, đuổi theo một cái bóng khác mang tên là hạnh phúc?
....
Có ai đó đang muốn nói với tôi rằng: nếu vậy thì đừng tin tư tưởng của mình ư? cảm nhận của mình ư? hạnh phúc của mình ư? mục tiêu của mình ư?...
Không! Phải tin chứ! Nếu ta không còn tin được những cái đó, thế thì ta còn biết tin vào cái gì. Não là để tư duy, giác quan là để chiêm ngưỡng, trái tim là để cảm nhận... Ngoài chúng ra, tìm đâu ra cái gọi là cuộc sống, tìm đâu ra cái gọi là thực tại sinh động.
NHƯNG TIN THÌ CỨ TIN MÀ NGHI NGỜ THÌ CỨ NGHI NGỜ. Vì sao? Vì sự khác nhau giữa chúng chính là ở chỗ, một bên là biết nghi ngờ cái mình tin, còn một bên là phó mặc, hoặc là tin hết, hoặc là hoài nghi tất cả.
Biết nghi ngờ nghĩa là biết những thông tin mà giác quan cung cấp cho ta không đầy đủ. Vì biết không đầy đủ nên không vội vàng khẳng quyết bất cứ một điều gì. Xác lập được vị trí đích thực của những thông tin thâu nhận được, đó là tin vẫn cứ tin, mà nghi ngờ thì cứ nghi ngờ.
Biết nghi ngờ nghĩa là biết giác quan của ta cũng đang đánh lừa ta. Hoặc là lỗi sinh học, hoặc là lỗi khách quan bên ngoài. Vì biết giác quan đang đánh lừa ta nên không vội vàng phán quyết bất cứ một điều gì. Xác lập được vị trí đích thực cũng như thời gian tồn tại đích thực của âm thanh và màu sắc đi vào giác quan của ta, đó là tin vẫn cứ tin, mà nghi ngờ thì cứ nghi ngờ.
Biết nghi ngờ nghĩa là biết quá trình lập luận tư duy của ta cũng là một phiên bản có lỗi. Do sự chi phối của logic lý tính, mỗi khoảnh khắc ta thâu nhận được luôn chỉ là hình thức chết cứng của đối tượng. Đấy là chưa kể sau khi đi vào bộ não tư duy của ta, chúng còn bị khúc xạ bởi trăm nghìn các thành kiến mà ta, hoặc đã bị nhồi sọ từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ cha mẹ ta cho đến khi ta sinh ra, từ khi ta sinh ra cho đến khi trưởng thành... Một lô lốc những thành kiến, giáo điều, tín điều... đó chi phối, biến quá trình tư duy của ta trở thành phiến diện, hẹp hòi, chủ quan, cảm tính, phân biệt. Biết được bản đồ tư duy của ta là một phiên bản có lỗi mặc định, thế thì đừng vội vàng tiên quyết bất cứ điều gì.
VÀ NGƯỜI KHIÊM CUNG ĐÍCH THỰC PHẢI LÀ NGƯỜI BIẾT NGHI NGỜ NHỮNG GÌ MÌNH TIN TƯỞNG. Vì sao? Vì đừng lầm tưởng sự khiêm cung là nhún nhường, là nhận sai, là biết thiếu sót, là biết chưa đủ... Bởi rằng, nhún nhường, nhận sai, thiết sót... là mặc định tất yếu của tư duy, không cần nhận sai thì vốn dĩ cũng chẳng đúng, không cần nhận thiếU sót thì vốn dĩ chúng cũng chẳng đủ. Sự thừa nhận đó chỉ có ý nghĩa khi được lập cước trên niềm tin. Nghĩa là biết sai, biết thiếu sót, biết chưa đủ... chỉ để nâng cao hơn nữa chỗ đứng của bản thân, tầm nhìn của nhận thức... chứ không phải để so sánh ta với người khác.
....
Vậy thế nào là bảo thủ? Bảo thủ, hiểu một cách hình tượng, là một người dùng tay nắm chặt một thứ gì đó không muốn buông. Thứ được nắm trong tay, có thể là bảo vật kim cương, cũng có thể là kiến thức, cũng có thể là ngu si đần độn... Và đối tượng nào cũng vậy, nắm luôn chỉ đem đến cho chủ nhân của nó những tiêu cực.
Về mặt cơ học, nắm mãi chắc chắn sẽ mỏi, trong khi bàn tay để mở thì không mỏi bao giờ. Hãy để ý bất kỳ đứa trẻ nào, vừa sinh ra đời, luôn là với hai bàn tay nắm chặt. Còn người chết nào cũng vậy, chết một cách tự nhiên, thì luôn là bàn tay để mở. Đứa trẻ co rút bản thân, thông qua bàn tay nắm chặt, vì thế chúng không thể cười khi sinh ra. Nhưng với tâm trí mở, bàn tay mở, đó là lý do ai có cái chết tự nhiên đều có thể mỉm cười.
Về mặt vật lý, những không gian bị đóng chặt luôn tạo ra sự tù túng, ngột ngạt và khó chịu. Không khí không thể lưu chuyển, mọi vật chết đứng trong một không gian như thế. Ao tù nước đọng sẽ bị đục một cách tự nhiên nếu nó không được thay thường xuyên. Nhưng với dòng chảy thông thoáng, chính sự chuyển động, mở ngỏ đó đủ tạo ra một màng lọc tự nhiên của cảnh trí.
Về mặt sinh học, một cơ thể khoẻ mạnh là một cơ thể có sự chuyển hoá năng lượng giữa không gian bên trong và bên ngoài. Hơi thở đi vào và đi ra một cách sâu sắc. Nơi nào không có sự trao đổi chất, nơi đó là cái chết. Trao đổi chất chính là trạng thái mở của cơ thể sống, con người lẫn sinh vật.
Về mặt nhận thức, một nhận thức đúng đắn là một nhận thức mở, biết tiếp nhận cái mới và đào thải cái cũ, biết trao đổi kiến thức có sẵn với kiến thức mới hình thành. Một nhận thức bị đóng khung là một nhận thức chết trong một cơ thể chết. Một đất nước đóng khung trong một học thuyết là một đất nước chết. Cả nhân loại đóng khung trong một ý niệm là cả một nhân loại chết. Sáng tạo chính là khơi thông nhận thức, tạo một dòng chảy, một sự tiếp biến tự nhiên.
Dấu hiệu nào của những kẻ bảo thủ? Chắc các bạn vẫn hay nghe nói: "đó là quan điểm riêng của tôi, cảm thấy tâm đắc thì vào chia sẻ, cảm thấy không hợp thì biến". Hoặc một dạng khác: "tôi thích đọc sách ông này lắm, chơi với bạn kia lắm... bởi những cái họ viết rất phù hợp với tôi, bởi cách sống của bạn rất giống tôi...". Đấy là dấu hiệu của những kẻ bảo thủ. Chúng thường tụ tập thành bầy đàn, bầy đàn những kẻ tâng bốc, nịnh nọt nhau. Kẻ A khen kẻ B là giỏi bởi vì kẻ B có quan điểm tương đồng với kẻ A. Kẻ B khen kẻ A là hay bởi những bài viết của kẻ A rất hợp với tư tưởng của kẻ B. Chúng khen ngợi nhau, ca tụng nhau mà kỳ thực là đang khen ngợi chính mình, còn kẻ được khen chỉ đóng vai trò là cái cầu trung gian mà thôi.
VÌ THẾ, KẺ KIÊU CĂNG ĐÍCH THỰC CHÍNH LÀ NHỮNG KẺ BẢO THỦ. Chúng nắm thật chặt những gì mình biết, đóng bít mọi cánh cửa cho những cái mới ra đời, đóng bít mọi ý kiến trái chiều, mọi phản biện cần chia sẻ. Bảo thủ, kiêu căng, giáo điều, thành kiến, cố chấp... là anh em họ hàng của nhau. Và đừng ngạc nhiên nếu thấy đội quân đó đông đảo.
Chắc các bạn đã từng nghe câu chuyện ngụ ngôn về những ông thầy bói mù xem voi. Và hãy tưởng tượng bạn là một kẻ sáng mắt. Những ông thầy bói mù đánh nhau, bởi họ bảo thủ với cái thấy biết của mình, và không chấp nhận những ý kiến ngược chiều, không mở cánh cửa nhận thức để tiếp cận cái nhìn của người khác. Đó là lý do vì sao suốt đời họ sống trong tăm tối.
Nếu họ biết chấp nhận quan điểm của người khác, lắng nghe một luồng thông tin khác đầy thành ý, kiểm nghiệm lại cái thấy biết của mình, thế thì chỉ cần lắng nghe đủ 5 ý kiến của 5 anh chàng đó lại, ta đã có thể mường tượng sơ sơ về hình ảnh con voi. Và sáng mắt chính là như vậy.
Nếu bạn là một người ngoài cuộc, sáng mắt, nhìn được đầy đủ hình dáng con voi.
Bạn sẽ giúp mỗi ông thầy bói mù nhìn thấy một bộ phận khác của con voi, ngoài bộ phận mà ông ta đã thấy.
Cũng tương tự như vậy, với một người có sự tự tin đích thực, họ có thể chấp nhận một quan điểm trái chiều, mời gọi sự phản biện, cẩn thận trong tư duy, khiêm cung trong nhận thức, và tự tin với cái thấy biết của mình.
Ngược lại, với một người bảo thủ, thì không có chỗ đứng cho bất kỳ một tư tưởng trái chiều nào, một quan điểm phản biện nào. Bởi cái thấy biết của họ là duy nhất, là tuyệt đối, là không hai.
Với tôi, đơn giản, cảm thông nhiều hơn là trách cứ.
(18/11/13)
(18/11/13)
Nói thì dễ , làm mới khó.
Trả lờiXóaNếu bạn thấy làm khó, thì tốt nhất đừng nói. Bởi cái mà bạn gọi là "nói thì dễ" vốn dĩ là dễ, bởi bạn cũng chỉ là bắt chước người khác thôi. Không làm được, sao biết nói là dễ????
XóaCó mối liên hệ nào giữa tự tin và bảo thủ không bác?
XóaCó đấy bạn, tự tin thái quá thì thành bảo thủ; bảo thủ vừa phải thì là tự tin :)
XóaLàm sao để giữ được ở cái mức vừa phải? Và nếu lỡ bảo thủ thái quá và tự tin thái quá làm người ta ghét thì phải làm sao ạ? Rồi người thứ hai, thứ ba cũng ghét. Thì liệu sự thái quá như thế có thể chữa được nữa không?
XóaKinh nghiệm sẽ dạy ta biết điều chỉnh mức vừa phải này. Vừa phải ko cứng đơ, và nó sẽ động đậy theo từng tình huống. Và đừng lo là chẳng có gì ko chữa được, bởi lẽ, cân bằng là quy luật của tồn tại :)
Xóa