Con đường đến thành công?

Bây giờ mà hỏi bạn ngày xưa té bao nhiêu lần trước khi có thể đứng dậy, đi được và chạy được... chắc bạn chỉ có thể nhún vai, lắc đầu... và bó tay toàn tập thôi. Tuy vậy, nhìn con, nhìn cháu và nhìn trẻ con hàng xóm, chúng ta cũng có thể mường tượng ngày xưa ta cũng ngã dúi ngã dụi không dưới trăm lần đấy nhỉ?!


Chắc bạn đã từng nghe đến câu thơ mà Bác Hồ từng nhắc nhở anh em chiến sỹ và đồng bào:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.

Hôm nay Trí Không xin gửi tặng đến bạn một câu mới:

Thất bại, thất bại, đại thất bại
Thành công, thành công, đại thành công

Đầu xuân năm mới mà nghe Trí Không chúc thế, chắc bà con té ghế hết, nếu như không lấy ghế tảng cho Trí Không vài cái. Nhưng xin đừng nóng tính thế. Bởi hai câu thơ của Hồ Chí Minh và hai câu thơ của Trí Không, chưa biết câu nào mới thực tế hơn câu nào đâu nhé.

Bạn cứ thử ngẫm mà xem, câu chuyện bó đũa mà ngày xưa cha ông ta đúc kết, dạy dỗ cho con cháu ngàn đời, ấy vậy mà có mấy ai học và ứng dụng được. Ai cũng biết một chiếc đũa thì dễ bẻ, và cả bó đũa thì khó. Nhưng gom chung một đống đũa với nhau lại thì bắt đầu xảy ra đủ thứ chuyện, nào là ghen tuông, nào là tị nạnh, nào là hơn thua, nào là đố kỵ... Tôi có nghe đâu đó nói rằng: "đánh bại 1 người Việt Nam thì khó, chứ đánh bại 100 người Việt Nam thì dễ". Câu nói đó chẳng phải là ám chỉ người Việt ta rất khó làm việc tập thể là gì, dẫu cho mỗi người dân đều có những phẩm chất thông minh, cần cù... rất đáng để học hỏi. Thế cho nên, đoàn kết để đi đến thành công, ai cũng biết, nhưng xây dựng được đoàn kết thì... khó lắm, khó lắm thay!!

Ấy thế mà, xin hỏi những bạn đang đọc entry này của tôi, từ nhỏ cho đến giờ, có khi nào bạn chưa từng thất bại? Câu trả lời của tôi là: ai cũng đã từng thất bại, dẫu bạn có là con giời đi chăng nữa. Nhỏ có thất bại kiểu nhỏ, lớn có thất bại kiểu lớn. Một bài kiểm tra không ưng ý, một kế hoạch không thành công, một mong ước bị đổ vỡ, một hy vọng bị sang ngang... Thất bại này kế tục thất bại kia, y như quân bài domino vậy. Thế đấy, hỏi đã từng đoàn kết bao giờ chưa thì còn ậm ừ, chứ hỏi đã từng thất bại bao giờ chưa thì giơ tay nhiệt tình. 

Nhưng làm sao để đi từ thất bại đến thành công như câu thơ tôi gửi tặng bạn? Bởi lẽ, đoàn kết đi đến thành công nó rõ ràng quá rồi, như quan hệ nhân quả vậy. Còn từ thất bại đi đến thành công thì nó vòng vo hơn một chút, mà có khi cả đời người ta vẫn chưa nhận ra dây mơ rễ má của chúng ấy chứ...

Đừng nói gì xa xôi, bạn dành 5 phút quan sát đứa trẻ tập đi đi. Bạn nghĩ nó đứng dậy cái là đi được ngay ư? Không đâu. Đừng mơ sớm thế. Đầu tiên sẽ đứng dậy, chưa dám bước đâu. Nó đứng im, hai tay vịn vào thành giường hay tường nhà. Cứ đứng đó vài phút cho quen cái đã, sau đó chân nó sẽ bước về phía trước. Gọi "bước" là hơi quá, thật ra phải dùng từ "lao" về phía trước thì đúng hơn. Nó sẽ lao đến chỗ mẹ nó ngồi, hay bất kỳ chỗ nào có thể vịn được. Và "rầm", nếu như cái khoảng cách nó đinh ninh là sẽ bám được với cái bước chân của nó không như dự đoán. Sau đó, nó sẽ tiếp tục đứng dậy, lại bám vào thành tường, lại dự đoán khoảng cách giữa cái chân bước tới với cái chỗ vịn tiếp theo, và lần này, mon men để khoảng cách đó không quá xa như dự đoán. Tiếp theo, vẫn cái "rầm". Lần thứ ba, nó khoan "lao" như cũ, mà sẽ mon men theo thành tường, đến gần hơn chỗ mẹ của nó, và "lao" tới. Phù, may quá, lần nay, khoảng cách đã được xích lại gần hơn nhờ những bước chân mon men theo thành tường.

Đấy là quá trình học đi của đứa trẻ. Một lần ngã, là một lần nó nhận ra khoảng cách giữa thực tế với dự đoán cần phải xích lại hơn. Và nhiều lần ngã như vậy, khoảng cách giữa bước chân với chỗ vịn kế tiếp càng được dự đoán chuẩn xác hơn. Theo thời gian, chân sẽ vững hơn, khả năng dự đoán cũng chính xác hơn, và chỗ vịn kế tiếp lần này, không còn là cái vai của mẹ nó nữa, mà là bàn chân phía sau được bước lên thành điểm tựa. Tôi gọi đây là: một thất bại nhỏ đem đến một thành công nhỏ.

Lớn lên một chút nữa, bạn bắt đầu đến trường, đi học. Giải một bài toán, làm một bài văn... không phải lúc nào cũng ưng ý, lúc nào cũng 10/10 cả đâu. Có khi bạn nghĩ bạn làm rất hay, nhưng đến khi trả kết quả, bạn mới tá hỏa là làm văn bị lạc đề. Một đôi lần cẩu thả, một đôi lần tự tin thái quá... sẽ dạy bạn cách cẩn thận đọc đề trước khi làm bài. Tôi nhớ ngày tôi đi thi đại học, môn thi nào cũng vậy, sau khi đọc đề xong, tôi gấp lại cẩn thận, và nằm chợp mắt 15 phút để sắp xếp kiến thức trong đầu và định hình ý tưởng bài viết. Có lần giám thị tưởng tôi không biết cách làm, còn tới gọi tôi dậy hỏi bị tủ đè hay sao mà ngủ sớm thế, làm tôi cứ buồn cười mãi. Tôi gọi những lần lạc đề, những lần láu táu như vậy là: thất bại vừa vừa đem đến những thành công vừa vừa.

Sau này các bạn đi làm, có thể là công nhân viên chức, có thể kinh doanh... bạn đừng nghĩ rằng vừa ra thương trường là sẽ thành công ngay. Tôi rất sợ những thành công theo kiểu ăn xổi ở thì như vậy. Bởi chúng sẽ ru ngủ bạn trong trạng thái tự đại, tự mãn trước những trận đánh lớn lao hơn. Trong bóng đá, rất nhiều cầu thủ hay bị coi là "cầu thủ lớn trong những trận đấu nhỏ", bởi những cầu thủ đó rất giỏi trong việc bắt nạt các đội bóng yếu, dần dần sinh ra kiêu ngạo, đến khi gặp đội bóng sừng sỏ thì lại bị khớp, thành ra tịt ngòi luôn. Đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua là một ví dụ cụ thể cho việc diễu võ dương oai trước các đội bóng nhỏ, đến khi gặp đội vừa tầm là tắt điện cả nút. Tôi gọi những lần thành công vội vàng như vậy là: thành công vừa vừa mang đến một thất bại chua cay.

Vì thế, nếu khi bạn vừa tốt nghiệp ra trường, phải chạy việc mướt mồ hôi mới kiếm được chỗ làm. Rồi những lần la mắng của sếp, chèn ép của nhân viên cũ, kinh tế bấp bênh, thu nhập thấp... khiến bạn phải tích cóp từng đồng, tiết kiệm từng xu... Bạn sẽ học hỏi được gì? Học được rằng: đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi thật đáng quý, tiết kiệm trong chi tiêu, giản dị trong sinh hoạt... đấy là chưa kể với những đức tính siêng năng, chăm chỉ, giản dị đó... có đẩy bạn vào hoàn cảnh nào cũng sống được. Còn với những kẻ thành công đến quá sớm, quen thói tiêu hoang, quen sống trong tiện nghi vật chất... chỉ cần hoàn cảnh thay đổi một chút thôi, bạn sẽ thấy hắn lơ ngơ lóng ngóng như đạp phải đinh. 

Nếu được chọn lựa, bạn thích thành công đến sớm nhưng thất bại trong tương lai, hay hiện tại có thể vất vả gian nan nhưng hậu vận lại đầy sáng sủa??

Tóm lại, có sự liên hệ nào không giữa thất bại đi đến thành công và thất bại đi đến tự ti?

- Để đi từ thất bại đến thành công, điều kiện đầu tiên là bạn phải có niềm tin vào chính mình. Ngã dúi ngã dụi cả trăm lần cũng đừng bao giờ giờ quên câu thần chú: "mình có thể làm được, mình có thể làm được". Học đứa trẻ đấy, ngã bao nhiêu lần cũng vậy, có niềm tin mình sẽ đi được thì trước sau cũng đi được. Nếu chỉ vì ngã vài chục lần rồi thoái chí không dám tập đi nữa, thì suốt đời chỉ có thể ngồi im một chỗ. 

Điều kiện thứ hai là: mỗi lần vấp ngã, mỗi lần thất bại, phải học hỏi được gì từ nó. Đừng để thất bại đó trôi qua một cách vô ích. Hồi nhỏ bạn có thể đi được sau trăm lần vấp ngã, thì bây giờ bạn cũng có thể đứng dậy được sau vài lần thất bại. Nhưng hãy là người thất bại thông minh. Đừng tự an ủi bản thân rằng "ai cũng thất bại cả, mình thất bại một tí thì cũng bình thường". Thay vào lời an ủi kiểu "tự sướng AQ", hãy tra vấn bản thân bằng những câu hỏi: Tại sao lại thất bại? Hỏng hóc ở khâu nào? Mắt xích nào có vấn đề?... Phân tích chi ly, rút kinh nghiệm, sửa chữa từng khâu... Thành công sẽ đến với bạn. Còn ngược lại, thất bại cũng sẽ mãi là thất bại mà thôi. 

- Để đi từ thất bại đến tự ti, bạn chẳng cần điều kiện nào cả. Chẳng cần phải học hỏi, chẳng cần phải thiết định niềm tin. Tại sao? Tại tự ti nghĩa là không tin vào chính mình, mà đã không tin vào chính mình, thì dẫu có thành công cũng chỉ là ăn may theo kiểu chó ngáp phải ruồi, rồi trước sau cũng mất. Để tự tin, bạn phải học hỏi và nỗ lực không ngừng. Để tự ti, bạn chỉ cần "khiêm tốn": tôi dốt lắm, tôi ngu lắm, tôi chẳng biết làm gì đâu. Đấy, thần chú của những kẻ tự ti là thế, và việc của bạn là há miệng ra, thằng nào nó leo cây sung, vô tình đánh rơi quả nào, trúng vào miệng bạn thì may, còn chẳng có quả nào thì chết. Giản đơn như đơn giản: những kẻ tự ti thì chết ngay từ khi mất niềm tin vào chính mình rồi. Và thiệt tình dẫu hắn có sống cũng chẳng đọc entry này, mà có đọc entry này cũng chẳng hiểu tôi viết gì đâu.

Thất bại, thất bại, đại thất bại
Thành công, thành công, đại thành công

(29/1/14)


Thân tặng Hoa Hạnh phúc

Để đứng được trên đôi chân của mình, ta đã bao lần vấp ngã
Thế cho nên, có vấp ngã nữa, cũng chỉ là giúp cho đôi chân thêm phần mạnh mẽ mà thôi.

Nếu bạn không thể đứng lại được, sau một lần vấp ngã nào đó
Hãy đào sẵn cho mình cái hố, và tự chui vào đó để làm một người thất bại có tự trọng.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất