Vào năm 1862, tác phẩm Những người cùng khổ của Victor Hugo được xuất bản. Cuốn tiểu thuyết được đánh giá là bách khoa toàn thư về nước Pháp đầu thế kỷ 19.
Nhân vật chính của tác phẩm kể về một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra trong thời trai trẻ. Theo Wikipedia nhận định, Những người cùng khổ vừa là một tiểu thuyết hiện thực, vừa là một tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết xã hội và cũng là một bài ca về tình yêu. Tuy vậy, động cơ chính yếu của tác phẩm, lại là một câu hỏi day dứt nhiều thế hệ người đọc: "Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?"
Nhà văn đã có câu trả lời cho riêng mình: "Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự tha hoá của đàn ông vì bán sức lao động, sự sa đoạ của đàn bà vì miếng cơm manh áo, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm thất học còn chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đau khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích." Thì với tư cách của một độc giả sau ông gần 2 thế kỷ, tôi cũng cần phải đi tìm cho mình một câu trả lời có ý nghĩa, cho một vấn đề vốn đã trở nên thao thức của hàng trăm nhà triết học.
Giàu là gì? Hẳn nhiên các nhà chính trị và kinh tế sẽ trả lời qua số liệu GDP đầu người, kèm thêm tổng sản lượng quốc gia... Và nghèo, tất nhiên con số đó chỉ có thể là gần bằng 0.
Trong một trường hợp khác, tại đất nước Bhutan nhỏ bé, câu trả lời cho mục tiêu phát triển quốc gia lại không là GDP mà là GNH - Tổng hạnh phúc quốc gia - Như là thước đo cho một đất nước được gọi là "giàu có". Hãy nghe vị Nguyên thủ quốc gia Bhutan phát biểu: “Bhutan không có cái gì gọi là Tổng Sản lượng Quốc gia (GNP) cả, chúng tôi chỉ có cái gọi là Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) mà thôi”.
Đâu mới là mục tiêu của đời bạn: con số đứng đằng trước GDP vô tình, khách quan hay con số GNH thấm đẫm tính nhân văn và cũng đầy chủ quan, cảm tính?
Ta vẫn hay nghe đâu đó nói rằng: nghèo không phải là cái tội nhưng từ cái nghèo mà tội lỗi sinh ra. Chúng ta dễ dàng tìm thấy không thiếu những hành vi phạm pháp xuất phát từ cái nghèo. Và cũng không ít phạm nhân đã sử dụng cái nghèo như là động cơ biện hộ cho hành vi sai trái của mình.
Đôi khi tôi vẫn hay tự hỏi bản thân mình rằng, nếu bình thường đi đường, vô tình nhặt được một túi xách 50 triệu, tôi có thể gửi đến cơ quan hữu trách trả nó về với chủ cũ chẳng may may suy nghĩ, nhưng nếu tôi đang đói, cộng thêm những khoản nợ nần, tôi có còn đủ tỉnh táo để giao nộp cho Công an hay không?! Những câu hỏi đó cứ day dứt tôi mãi, dẫu chưa khi nào tôi có được trải nghiệm, nhưng nó luôn đặt tôi trong một tình thế: luôn phải thông cảm với người nghèo.
Đấu tranh chống giặc dốt, giặc đói là một trong những nhiệm vụ trung tâm của chế độ Việt Nam dân chủ Cộng hòa sau khi giành thắng lợi năm 1945. Và không chỉ ở Việt Nam, 99% chính quyền các quốc gia hiện nay đều cho con số tăng trưởng kinh tế là điều kiện đảm bảo sự tín nhiệm của quốc dân, là mục tiêu của quốc gia trong việc phát triển đất nước.
Victor Hugo trả lời cho câu hỏi: "Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?" là lỗi của sự khốn cùng, sự thờ ơ và của một chế độ chỉ biết trấn áp mà không biết thương xót. Và biện pháp giải quyết nó không gì khác hơn chính là sự dạy dỗ, kèm cặp và tôn trọng từng cá nhân là những vũ khí duy nhất của xã hội để tránh cho những người bất hạnh trở thành tội phạm.
Có một câu hỏi khác được đặt ra là: "Nếu những người không hề rơi vào trạng thái nghèo đói, được giáo dục tử tế... nhưng vẫn trở thành tội phạm, thì đó là lỗi của ai?"
Thật tiếc là ông đã không còn sống để trả lời câu hỏi này, nhưng nếu được mạn phép nêu ý kiến, nhất định tôi sẽ trả lời ông rằng: đó là do lòng tham sai khiến. Chính sự tham lam vô độ đã dẫn dắt con người, từ một người lương thiện trở thành một tội phạm, từ một người được giáo dục tử tế trở thành một người vô nhân tính. Lòng tham - là động cơ cho mọi hành vi, và thỏa mãn ham muốn - là mục tiêu cho mọi tính toán.
Vậy thật ra Giàu là gì? Có lẽ tôi sẽ không trả lời chúng bằng tỷ lệ GDP dưới góc độ vĩ mô, hoặc muốn gì được nấy dưới góc độ cá nhân. Bởi cả hai tiêu chí này, cùng lắm chỉ có thể được coi là giàu có về vật chất. Nhưng trong mắt tôi, một định nghĩa đầy đủ về giàu phải là: "một người luôn biết cho đi và không bao giờ thấy thiếu mới thật sự là giàu".
Thế nào là "biết cho đi"? hẳn nhiên muốn cho thì trước hết bản thân người cho phải có. Nhưng tiền bạc không phải lúc nào cũng trong tay bạn, vật chất không phải lúc nào cũng dư thừa. Vậy chúng ta có gì để cho mà không bao giờ biết hết? Câu trả lời của tôi là: tình thương. Chỉ có tình thương, sự đồng cảm mới là tài sản duy nhất bạn cho đi mà không bao giờ hết.
Thế nào là "không bao giờ thấy thiếu"? Tất nhiên, nói đến vật chất, lúc nào ta cũng cảm thấy thiếu thốn hết. Mùa đông thì than lạnh, mùa hè thì than nóng; có chồng lại ngoại tình, ế vợ lại mong được yêu... Chúng ta dường như chưa bao giờ thỏa mãn với những thứ mà mình đang có, đó là lý do vì sao lúc nào chúng ta cũng thấy mình "người cùng khổ" cả. Và tuyệt nhiên, với tâm lý như thế, chẳng có cách nào để bạn trở thành người giàu có. Câu trả lời của tôi về thứ bạn có trong tay mà không bao giờ thấy thiếu, chỉ có thể là, luôn biết đủ với mọi hoàn cảnh xảy ra.
Tổng sản lượng quốc gia là một số liệu toán học, và bất kỳ ai cũng có thể cân đo đong đếm. Tổng hạnh phúc quốc gia lại là một giá trị tương đối chủ quan. Vì thế, cá nhân tôi, nếu là một nhà chính trị, tôi vẫn cứ lấy thước đo GDP làm tiêu chí để thiết định những điều kiện cần cho quốc dân hạnh phúc. Nhưng với tư cách cá nhân, chắc chắn tôi sẽ lấy GNH là mục tiêu của đời mình, bởi tiền bạc chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho cái mà tôi gọi là hạnh phúc của đời tôi.
Những người cùng khổ - bạn có nằm trong số họ hay không? Đừng vội ảo tưởng bạn đã thoát nghèo nhá. Hãy tự hỏi mình xem, chỉ cần bạn vẫn còn bo bo giành giật mọi thứ về cho mình, đã đủ chứng minh bạn nghèo như thế nào rồi.
Những người giàu có - bạn có nằm trong số họ hay không? Không cần tiền bạc rủng rỉnh, nhà cửa cao sang. Những tiêu chí đó chỉ đủ để bạn sống tạm qua ngày mà thôi. Người giàu có thật sự chính là người biết đủ. Và hạnh phúc thật sự chỉ có thể dành cho người biết cho đi mà không bao giờ thấy thiếu.
(16/1/14)
Thân tặng Uyên Hạnh
Nghèo không phải là cái tội. Nghèo chỉ là thiệt thòi mà thôi.
Giàu không phải là cái tội. Ai cũng giàu cả, chỉ là họ không biết họ giàu mà thôi.
Đừng chê người nghèo, đừng khinh người giàu
Giàu hay Nghèo nằm trong cách nhìn của ta đấy.
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!