Tiền và Quyền?

Lâu lâu, tôi hay đầu têu cho vài cuộc đi chơi xa. Rủ rê vài đứa bạn, có đứa thì nói: "Đợi về xin phép mẹ đã!". Có đứa lại nói: "Đợi tớ báo qua với mẹ một tiếng đã!". Bạn thấy có sự khác biệt nào giữa hai câu nói trên không??

Nếu không để ý, hẳn nhiên chúng ta sẽ thấy điểm chung giữa hai câu nói trên là: phải đợi đã. Nhưng kỳ thực hai câu nói trên khác biệt nhiều lắm đấy. Một đằng là "xin phép", một đằng là "báo qua". Và nhìn sâu sắc hơn một chút, bạn sẽ thấy, người trước là người còn đang phụ thuộc vào gia đình, người sau là người tôn trọng gia đình nhưng không bị phụ thuộc.


Tiền và Quyền. Đó là mối quan hệ biện chứng. Có tiền ắt có quyền, đồng thời, có quyền ắt có tiền. Nhưng đáng tiếc thay, đây lại là một quan hệ tha hóa. Và mối quan hệ càng thắm thiết bao nhiêu, thì sự tha hóa càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Tiền là gì? Ngày xửa ngày xưa, nhà tôi có con trâu cái, sinh được vài con trâu đực. Ông hàng xóm nhà tôi làm nghề thợ rèn, và ông ta dư dả đến cả chục cái lưỡi cày. Một bên thì dư trâu, một bên thì dư cày. Và trâu thì cần phải có lưỡi cày mới có tác dụng, ngược lại, người ta cũng không thể nhìn cái lưỡi cày đó mà ra cơm ra gạo được. Thế là chúng tôi trao đổi cho nhau, 1 con trâu lấy 1 cái lưỡi cày. 

Để nuôi lớn 1 con trâu, chúng tôi mất vài năm. Sức sản xuất thêm vài năm nữa. Vị chi là 1 con trâu có tác dụng hơn chục năm. Trong khi đó, để làm ra 1 chiếc lưỡi cày, chỉ cần vài tháng, và nếu sử dụng không cẩn thận thì cái lưỡi cày có thể mẻ bất kỳ lúc nào. Thế là, từ 1 con trầu đổi 1 cái lưỡi cày, nhà tôi thấy thiệt thòi quá, nâng giá lên, đổi 1 con trâu lấy 10 cái lưỡi cày.

Nhà tôi đổi 1 con trâu, lấy 10 cái lưỡi cày; nhưng làm sao xài hết 10 cái lưỡi cày bây giờ? Muốn sử dụng lưỡi cày, thì cần ông thợ mộc đóng cái ách vào cổ con trâu. Nhà ông này thì đã có trâu rồi, chỉ thiếu lưỡi cày. Nhà tôi thì có trâu, lại dư lưỡi cày, nhưng lại thiếu cái ách. Thế là chúng tôi lại đổi tiếp, 1 cái lưỡi cày đổi 1 cái ách.

Nhà ông sản xuất lưỡi cày thì lại thiếu trâu, nhà ông làm ra ách trâu thì lại thiếu lưỡi cày. Nhà tôi thì dư trâu nhưng lại thiếu cả lưỡi cày lẫn ách trâu. Trâu, lưỡi cày, ách trâu vừa là vật trao đổi, vừa là trung gian cho vật trao đổi . Chúng tôi đã trao đổi vật chất như thế ấy, nhưng dần dà thấy việc mang vác nặng nề bất tiện quá, chúng tôi định giá nó bằng một thứ trung gian nào đó, vừa nhẹ, vừa dễ trao đổi, vừa dễ giữ gìn, và đồng tiền ra đời trong một hoàn cảnh tương tự như vậy.

Vậy gốc rễ đầu tiên của đồng tiền là gì? Là sự gặp gỡ giữa ba gia đình, là phương tiện trung gian trao đổi những thứ mình dư và mình thiếu. Mục đích của đồng tiền là gì? Là thuận tiện.

Quyền là gì? Lại câu chuyện ngày xửa ngày xưa, tất cả chúng tôi ra đời, chỉ biết mặt mẹ thôi, chả biết cha là ai cả. Chúng tôi sinh ra, cứ bám rịt lấy bầu vú của mẹ, ăn uống cho no nê và ngủ cho thẳng cẳng. Lớn dần, chúng tôi không còn được ôm bình sữa của mẹ mà ngủ nữa. Chúng tôi phải tự kiếm ăn, phải tự sinh sống. Và biết đâu trên con đường sinh sống đó, chúng tôi còn giành giật thức ăn với cả bố của mình mà không biết ấy chứ.

Nhưng sức khỏe chúng tôi yếu quá, trong khi cạm bẫy xung quanh thì quá nhiều. Con thú nào cũng có khả năng quật ngã chúng tôi cả. Vì thế chúng tôi phải tụ tập với nhau, trước là để bảo vệ sự sống của mình, sau là gia tăng sức mạnh để kiếm thức ăn. Bầy đàn chúng tôi đông đúc dần, trong khi thức ăn kiếm được lại ít, thế nên thỉnh thoảng trong bầy đàn, anh em bố mẹ, huyết thống đồng loại chúng tôi phải chiến đấu với nhau để sống qua ngày. Mức độ tụ tập càng đông, sự xô xát càng mạnh. Vừa chiến đấu với nội bộ, vừa bảo vệ đất đai sinh sống của bầy đàn, một thành viên già nhất, khỏe nhất, nhiều kinh nghiệm nhất kêu gọi mọi thành viên trong bầy đàn xây dựng một quy chế chung nhằm phân chia thức ăn kiếm được một cách công bằng, nhằm tăng sức mạnh chống lại các bầy đàn người khác, các loài thú khác. Quy chế chung ra đời, đòi hỏi người thực thi và giám sát, đòi hỏi người đốc thúc và kiểm tra... Chính trị ra đời, quyền lực ra đời.

Vậy thực chất quyền lực là gì? Là khả năng chi phối của quy chế chung, thông qua một cá nhân cụ thể, tác động đến một cá nhân hay một cộng đồng nào đó. Mục đích của quyền lực là duy trì sự tồn tại của quy chế chung mà cả cộng đồng người đó đã cùng nhau thiết định.

Có sự liên hệ nào giữa Tiền và Quyền? Hãy tạm hiểu thế này, người có nhiều tiền nghĩa là người có nhiều tài sản nhất. Ai có khả năng có nhiều tài sản nhất? Chỉ có thể là người được cộng đồng tín nhiệm giao cho nhiệm vụ phân chia tài sản mà cộng đồng kiếm được. Thời gian đầu, sự phân chia còn có đôi chút công bằng, mà nếu không công bằng thì những cá nhân đó cũng chịu, bởi đó là sự phán quyết của cả cộng đồng cơ mà. Và để chiếm được phần có nhiều thịt hơn là xương, người được phân chia bắt đầu đút tay nháy mắt cho người phân chia, tham nhũng ra đời từ đó. Người được quyền phân chia, kết hợp thêm cái khẩu phần được đút lót đó, bắt đầu tích lũy được nhiều thức ăn, nhiều tài sản hơn. Quyền lực lúc này có khả năng đẻ ra được Tiền bạc.

Tài sản đầu tiên chỉ được trao đổi cho những người gần nhau. Nhưng nhu yếu phẩm càng lúc càng tăng, mà hai ông hàng xóm quanh nhà tôi thì lại không có những thứ tôi cần. Thế là tôi phải đi xa hơn khỏi cái xóm của mình, đi sang xóm bên cạnh để tìm những thứ mà tôi cần. Và cái xóm bên cũng vậy. Chợ búa ra đời để cho hai xóm gặp nhau. Rồi dần dà hình thành thêm một đội ngũ chuyên đi xa hơn nữa, kiếm nhiều thứ độc đáo hơn nữa, nhằm đáp ứng những nhu yếu ngày càng tăng của gia đình tôi. Thương mại ra đời. Trao đổi mà cứ ngang giá mãi như thế thì không bõ cái công họ phải lặn lội đi xa, thế là từ trao đổi ngang giá về mặt vật chất, họ cộng thêm công sức đi lại, rồi cộng thêm cung - cầu... Họ sống dựa trên lợi nhuận. Tư bản được tích lũy. Họ trở thành thương gia, trọc phú, giàu có. Nhưng thỉnh thoảng họ vẫn bị chặn tiền bởi những người có quyền phân chia tài sản. Đầu tiên họ còn đút lót để êm ả con đường kinh doanh, sau này họ mua luôn cái ghế ngồi để khỏi phải mất đi một khoản tiền đút lót. Theo một chiều ngược lại, Tiền bạc lúc này có khả năng đẻ ra Quyền lực.

Tha hóa là gì? Định nghĩa của tôi là: cái gì mà đánh mất đi mục đích nguyên ủy của nó, thì cái đó là cái tha hóa.

Tiền bạc đầu tiên chỉ là thứ trao đổi trung gian, nhằm thuận lợi hơn cho quá trình tồn tại. Quyền lực đầu tiên chỉ là một dạng trọng tài công mình, nhằm duy trì những quy ước chung mà cộng đồng đã thiết định. Thế nhưng, khi Tiền không còn là thứ trao đổi trung gian giữa hai tài sản vật chất nữa, mà trở thành phương tiện để có được quyền lực thì đó là thứ tiền bạc bị tha hóa. Ngược lại, khi quyền lực đánh mất đi vai trò công minh, bình đẳng của trọng tài, mà trở thành công cụ để vơ vét tiền bạc thì đó lại là thứ quyền lực bị tha hóa.

Xã hội ngày nay đã không còn giữ được sự thanh tân thuần khiết của cộng đồng nguyên thủy nữa rồi. Mọi thứ càng "biện chứng" thì càng "không giữ được mình là mình". Quyền và Tiền bây giờ đi đôi với nhau. Có tiền ắt có quyền và có quyền ắt có tiền.

Bỏ qua những vấn đề vĩ mô, hãy nhìn vào đời sống của bạn, và mạnh dạn trả lời dùm tôi vài vấn đề nhá:

- Nếu bố mẹ không cho tiền bạn mỗi sáng, không đóng học phí cho bạn đến trường, không nuôi bạn ăn học... Bạn có còn là đứa con ngoan hiền như hiện nay hay không?

- Nếu giám đốc của bạn không trả lương cho bạn vào cuối tháng, không tạo công ăn việc làm cho bạn giữa cái xã hội mà người thất nghiệp đang nhiều như sung rụng hiện nay, bạn có còn khái niệm "sợ" ông đó nữa hay không?

- Trong một nhóm bạn đi chơi cùng nhau, nếu bạn chỉ là người đi ăn "trực", và cả đời chẳng bao giờ dám bỏ một đồng xu để chiêu đãi bạn bè, bạn có đủ độ tự tin để to mồm hò hét, và đầu têu cho mọi hoạt động nữa hay không?

- ....

Bạn thấy đấy, tiền bạc và quyền lực chi phối chúng ta trong từng ngõ ngách của đời sống.
Thế nên, thay vì mộng mơ một cái gì đó lý tưởng và hoàn hảo, hãy thực tế hơn một chút
Rằng muốn nói gì thì trước hết phải sống đã
Mà muốn sống thì trước hết phải đủ khả năng kiếm tiền đã.

Tôi không đòi hỏi bạn phải có tiền bạc và quyền lực bằng mọi giá
Chẳng hạn như mua quyền bằng tiền, và kiếm tiền bằng quyền
Bởi con đường bạn đi đến Tiền và Quyền như vậy là con đường của sự tha hóa
Và bất kỳ ai, đi trên con đường của sự tha hóa, đều là những kẻ nô lệ.

Hãy kiếm tiền bằng tài năng, và xây dựng quyền bằng đức hạnh
Chỉ có như vậy, bạn mới thật sự là chủ nhân của tiền bạc và quyền lực
Và cũng chỉ có như vậy, tiền bạc và quyền lực mới ở lại với bạn
Còn ngược lại, nó đến với bạn bằng con đường nào, thì cũng ra đi như vậy.

(20/1/14)


Thân tặng Phạm Văn Phú

Không phải tự nhiên mà Platon lại ước mơ Vua phải là Triết gia, và Triết gia phải là Vua
Bởi chỉ có Triết gia mới xứng đáng làm Vua,  và cũng chỉ có Vua mới thật sự là Triết gia.
Đáng tiếc là ước mơ của Platon vẫn mãi chỉ là ước mơ mà thôi
Bởi triết gia đích thực thì không muốn làm vua, và vua thì chẳng bao giờ có thể là triết gia cả.

Vì sao vậy?
Bởi Triết gia ngửi thấy mùi kim tiền trên chiếc ghế quyền lực, nên chỉ cần nghe đến hai tiếng lợi danh thôi, họ đã vội đi rửa cái lỗ tai của mình rồi.
Và còn vì sao nữa?
Và còn bởi vì, làm Triết gia thì đến khi nào những người ngồi trên ghế quyền lực mới "hồi vốn" cho số tiền mà họ đã bỏ ra để mua cái ghế đó?!

Thôi thì ai làm công việc của người đó
Chỉ cần "chính danh" thôi thì xã hội cũng đã được nhờ lắm rồi vậy.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất