Trăm năm có cần cô đơn?

Không ai hiểu mình là cô đơn hay nhớ nhung một người nào đó mà không được gặp mới là cô đơn?... Câu hỏi này không hẳn đánh đố tâm lý các bạn đọc của tôi, nhưng có một điều dễ nhận thấy, hầu như người trẻ tuổi nào cũng vậy, không dưới trăm lần, bạn đã từng thốt lên trong tuyệt vọng: "Đời tôi sao cô đơn thế?!"


Nếu có điều kiện tìm hiểu về sinh hoạt văn hoá ở miền Nam, trước năm 1975, bạn sẽ thấy dòng chảy hiện sinh thấm đẫm tư tưởng nước nhà. Có thể lý giải cho điều này, bằng hiện thực nội chiến Nam Bắc phân tranh, mà sinh ly tử biệt, sự sống và cái chết như mành chỉ treo chuông. Lý tưởng của tuổi trẻ đối lập với hiện thực đau buồn u uất đã sản sinh ra Trịnh Công Sơn cùng một loạt Ca khúc da vàng, Phạm Công Thiện qua Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.... Tâm trạng đó có phải là cô đơn không???

Ngày nay, sống trong đất nước hoà bình, đời sống vật chất tạm gọi là no ấm, học hành tạm coi là đầy đủ. Các thông tin di chuyển như vũ bão, các mối quan hệ xã hội nhiều như mắc cửi. Muốn biết gì, chỉ cần một cái click chuột. Muốn nghe gì, chỉ cần vào You tube. Muốn quen ai, chỉ cần gửi một dòng tin nhắn. Đăng một status trên facebook, có hàng nghìn lượt chia sẻ. Khoe một tấm hình, có hàng triệu lời ngợi khen. Và phải chăng, chính những mối quan hệ qúa nhiều và quá dễ dãi như vậy, khiến việc xác định một mối quan hệ chân thành trở nên khó khăn?... Ta cảm thấy lạc lõng giữa chốn đông người, có phải là cô đơn không???

Dinh dưỡng dư dả, cơ thể đẫy đà, cộng thêm tư duy phóng khoáng, ảnh hưởng bởi phong hoá Tây phương, yêu nhanh, yêu cuồng, yêu vội sớm đẩy các bạn trẻ vào sự hụt hẫng niềm tin, đổ vỡ mơ mộng. Hiện thực phũ phàng không như những trang tiểu thuyết bạn đã được đọc, không đẹp và lãng mạn như phim ảnh đã từng nêu... Bạn vội vàng gắn cho cảm xúc của mình hai tiếng: "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành..."???

Đâu mới thật là cô đơn? Đâu chỉ là cô đơn giả hiệu?

Năm 1967, nhà văn Gabriel José García Márquez đã viết một tác phẩm, sau này giành được giải Nobel văn học 1982, được in hơn nửa triệu bản khi mới xuất bản, và sau này chuyển dịch đến hơn 30 ngôn ngữ. Tác phẩm tên là: Trăm năm cô đơn. Khoan nói đến nội dung tác phẩm, chỉ cần nhìn cái tiêu đề thôi, cũng đủ thấy số phận bi đát của chúng ta rồi, dù ở đâu, với ai và làm gì đi chăng nữa.

Tại sao số phận con người lại gắn chặt với cô đơn như thế? Câu trả lời của tôi là: vì con người là một loại động vật ích kỷ. Chỉ biết có mình, và chỉ muốn mình là trung tâm vũ trụ thôi, và chính cái tâm lý muốn là trung tâm đó là khởi nguồn cho trạng thái cô đơn mà bạn đang dính vào.

Bạn than thở với tôi là không ai hiểu mình cả. Phải thế thôi, bởi bạn chưa từng cố gắng hiểu một ai. Chính vì bạn không cố gắng hiểu ai, nên bạn càng co quắp thân thể và tâm lý của bạn trong một chiếc vỏ ốc. Sống với vỏ ốc cho bạn cảm giác an toàn, nhưng đồng nghĩa với nó, là không ai hiểu bạn.

Bạn than thở với tôi là bạn cảm thấy mình bị lạc lõng giữa đám đông. Phải thế thôi, bởi trong đám đông, không có ai là trung tâm cả. Trong khi bạn muốn là trung tâm, nhưng thực tế bạn lại bị đánh bật ra ngoài rìa, và bạn bất mãn với vị thế ngoài rìa đó, nên bạn không thể hoà nhập với cộng đồng. Và bạn tự gắn cái mác cô đơn là bản chất, chỉ để biện hộ cho tâm lý muốn được là trung tâm của chính bạn.

Những thứ cô đơn mà tôi vừa nêu, chỉ là giả hiệu của cô đơn. Bởi chỉ cần bạn được là trung tâm của đám đông, hay có người tình nguyện chết vì bạn, thì nhanh chóng thôi, cái cảm giác cô đơn của bạn sẽ nhanh chóng phôi phai.

Tôi muốn nói đến một trạng thái cô đơn khác, ở đó bạn không phải là nô lệ của cô đơn, mà là chủ thể của nó. Dĩ nhiên bài hát "Một mình" của Trần Tiến mà ca sỹ Trần Thu Hà hát chưa nói được đến điều mà tôi muốn chia sẻ, nhưng câu kết của bài hát thật đáng để chúng ta suy ngẫm: "Con người, chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn". Tại sao thế?

Chủ nghĩa Marx nói: "bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội". Đạo Phật nói "vạn pháp là vô ngã". Cả hai chủ thuyết, dù có đôi chút khác biệt, nhưng đều đánh bật tư tưởng cái Tôi trung tâm đang đồn trú trong tâm thức mỗi người. Nếu bạn biết bản chất của bạn được hình thành dựa trên các mối quan hệ xã hội (theo chủ nghĩa Marx), hoặc nếu bạn thừa nhận vốn dĩ không có cái Tôi chủ thể tuyệt đối bất biến (theo đạo Phật), thì việc hoà nhập với mọi người, hoà nhập với cộng đồng, hoà nhập với thế giới chính là cửa ngõ, là con đường đưa bạn ra khỏi trạng thái cô đơn mà bạn không hề muốn dính vào.

Con đường đi ra khỏi vỏ ốc của cái Tôi đã có, phương cách để thoát khỏi cô đơn cũng đã có. Nhưng xin đừng vì thế mà vội vàng đập bỏ cái vỏ ốc mà bạn đã từng lưu trú từ khi sinh ra, nhất là sức đề kháng của bạn chưa đủ mạnh để đối mặt với những phong ba bão táp của cuộc đời. Cô đơn cũng có tác dụng như thế, ít nhất là tạm che nắng che mưa khi đêm về.

Khi bạn cô đơn, bạn thu thúc thân thể bạn trong bốn bức tường. Bạn ngẫm lại mọi thứ đã qua và nhìn nhận mọi việc một cách tỉnh táo. Điều đó cần thiết cho những ai đang bị quay cuồng nghiêng ngả trong những lời tung hô sáo rỗng của đám đông. Đó là lý do tôi hay nói những người nghệ sỹ là những kẻ cô đơn nhất. Trong cô đơn, giúp họ sáng tạo tác phẩm. Và cũng trong cô đơn, giúp họ đứng vững trên sâu khấu, trước hàng triệu người, mà không bay bổng trên mây xanh. Nghệ sỹ mà không biết sống trong cô đơn, người đó chỉ có thể là con rối của đám đông mà thôi.

Khi bạn cô đơn, bạn được tách bạn ra khỏi mọi hào nhoáng vô thường của thế gian, và vô thường của cảm xúc. Chỉ khi nào có khoảng cách nhất định, tầm nhìn của bạn mới toàn diện, cách nhìn của bạn mới khách quan. Điều đó không chỉ cần thiết cho nghệ sỹ, mà còn cần thiết cho tất cả chúng ta. Tựa như một bản nhạc, chỉ có nốt thăng mà không có nốt trầm thì nghe rất chói tai. Nếu chúng ta không biết đi vào cô đơn, như là không gian để bồi dưỡng nội lực, như là môi trường để quán chiếu nội tâm, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, trước khi chúng ta kịp biết mình là ai.

Trăm năm cô đơn trao cho chúng ta một thông điệp: "Tình yêu là phương cách để thoát khỏi cô đơn, để hoà nhập với cộng đồng và xã hội". Thông qua tình yêu, chúng ta giải phóng được mình khỏi tư duy vị Ngã, ích kỷ, hẹp hòi, cá nhân. Thông qua sự hoà nhập với cộng đồng, chúng ta thấy mình trở nên có ích, sự tồn tại trở nên có ý nghĩa.

Cùng với thông điệp đó, Trí Không trao cho bạn một thông điệp khác: "Chỉ trong cô đơn, bạn mới có đủ thời gian và không gian để xác lập chỗ đứng, để biết mình là ai, để có thể yêu mình và yêu người. Thông qua cô đơn, để nuôi dưỡng lý tưởng. Thông qua cộng đồng, để thực hiện lý tưởng. Và cả hai, một mặt là nuôi dưỡng, một mặt là thực hiện, đều cần thiết như nhau trong quá trình trưởng thành của chính bạn".

Đừng sợ cô đơn
Nhưng cũng đừng sống mãi trong cô đơn.
Cô đơn để Yêu một cách sâu sắc
Và Yêu chính là mục đích tồn tại của chúng ta.

(18/1/14)


Thân tặng Cọt Hiền và Lozy Ngốc xít

Này bạn trẻ, hãy đi vào cô đơn như đi vào căn nhà của bạn
Đừng bị đẩy vào cô đơn chỉ bởi những cảm xúc nhất thời của một người con gái.

Này bạn trẻ, hãy thấy vui vì còn biết mình đang cô đơn
Tôi chỉ sợ một ngày nào đó chúng ta không biết cô đơn mà cũng chẳng biết rõ mình.

Cô đơn là căn nhà, và tác dụng của nó chỉ là để nghỉ ngơi
Nhưng môi trường sống thật sự phải là ngoài xã hội, với đầy những bộn bề cần phải dọn dẹp.

Bước ra và bước vào bằng tâm thế của chủ nhân
Tôi cho hành động đó là hành động của người trưởng thành.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
4 Comments

4 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Tiếp cận tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn, thông điệp mà cả thế giới biết đến chính là :" Lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người- tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình". Bạn có thể cho t tham khảo ý kiến không ạ?

      Xóa
    2. Có lẽ quan điểm bản chất người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội là của Marx - và mình thì không theo Marx nên mình đành đính chính rắng : bản chất người là tổng hòa giữa tinh thần và vật chất, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa bộ phận và tổng thể - và mình đặt tên chúng là nhất thể. Con người là nhất thể vô phân biệt.

      Xóa
Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất