Em còn "bé" lắm!

2 giờ sáng, đang chập chờn giấc mộng con kê vàng thì tiếng máy ép cọc làm cầu nhức óc nổ ra bên tai, làm đôi mắt tớ tỉnh dậy trong ngơ ngác. Muốn lôi cánh nhà thầu ra chửi cho sướng, chợt thương cánh thợ thuyền công nhân đang thức đêm mò hôm nên đành chép miệng: "em thức đêm cùng các anh cho vui nhà vui cửa nè".

Số mình là số xây dựng, mặc dù không làm trong ngành xây dựng. Cứ đi đến đâu là nơi đó, không đập ra xây lại thì cũng sửa chữa, không sửa chữa thì cũng xây mới, không xây mới thì cũng bày công việc đập phá cho có việc mà làm. Cuộc sống là một công trường lớn, mà mỗi người là một công nhân. Chính ta cũng là một công trường lớn, mà mỗi ngày đều cần phải làm mới lại mình. (Cho thở dài cái rồi viết tiếp: Haizzzzzzzzzzzzzzzzz).

Những vụ thức đêm giữa chừng như thế này khiến mình nhớ lại cái thời "bẻ gãy sừng trâu" đã qua. Nói là "bẻ gãy sừng trâu" cho oai, ra dáng vẻ của cái tuổi 17 dậy thì vai u thịt bắp, chứ kỳ thực, con trâu còn chả dám cỡi, nói gì đến chuyện bẻ sừng. Nhưng chả hiểu sao mà cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" của mình lại lắm những lần thức đêm nửa chừng như thế không biết nữa.

Các bạn đọc của tôi, ai chưa bước vào cái tuổi dậy thì, xin mời chuyển kênh. Ai tự coi mình đã bước qua tuổi dậy thì, cũng xin mời chuyển kênh. Bài viết này chỉ dành cho các bạn tự coi mình là đang còn "dậy thì", có thể là dậy thì sinh lý, mà cũng có thể là dậy thì kinh nghiệm, mà cũng có thể dậy thì theo kiểu "hồi xuân". Tôi phải nhắn nhủ trước như thế, bởi tôi chỉ thích nói chuyện với các bạn "choai choai" y như tôi thôi.


Thế nào là dậy thì?

Nói theo kiểu sinh học, đó là độ tuổi phát dục của thân thể. Chẳng phải ngày nay giới trẻ mới dậy thì sớm, bởi "ra đường thiếp hãy còn son, về nhà thiếp đã năm con cùng chàng" - đó là câu ca dao dành cho các bạn nữ bước vào tuổi 18 đấy. Nói thế để thấy rằng, trung bình con gái bước vào tuổi 13 là bước vào thời kỳ mà các cụ tạm gọi là "quả bom nổ chậm" - chờ ngày "bùm" - từ cái ngày xửa ngày xưa. Ngày nay có thể xê dịch một chút, khoảng lớp 6 đến lớp 8, nghĩa là từ 11 đến 13, các bạn nữ đã ra dáng vẻ "bà cô già" lắm rồi.

Các bạn nam chậm hơn một chút, độ tuổi từ 15 đến 18 là độ tuổi phải soi gương nhiều hơn, vì mụn trên mặt đã bắt đầu "trổ mã", râu ria lún phún, dáng vẻ đăm chiêu điệu bộ "ông cụ non" lên ngôi, chỉ có cái cố tật "tán gái" theo kiểu "ăn sổi ở thì" là không giấu đâu được. Phân biệt đàn ông với trẻ trâu chỉ ở chỗ đó thôi, còn các dấu hiệu khác, vẫn có thể giấu giếm tốt.

Tạm gác lại chuyện sinh học về độ tuổi dậy thì, bạn nào muốn biết thêm chi tiết, xin mời về học lại sinh học lớp 8 (thời của tớ), bây giờ có thể là lớp 6 hay 7 gì đó, tớ cũng chẳng biết nữa. Mà không cần nói thì ai cũng biết, bởi vì sao? Bởi đặc điểm nhận dạng tốt nhất của tuổi dậy thì chính là ở chỗ: chúng ta bắt đầu tò mò về chính thân thể của mình.

Một số dấu hiệu tâm lý của tuổi dậy thì?

Tuổi dậy thì - bạn bắt đầu tò mò về thân thể. Mình sinh ra ở chỗ nào? Bố mẹ làm cách nào mà có thai? Tại sao "trên bảo mà dưới chẳng chịu nghe"? Tại sao cái hình ảnh con bé hàng xóm kia cứ đi về trong giấc mơ của mình mãi thế? Tại sao và Tại sao? Nói chung là rất lắm Tại sao...

Tuổi dậy thì - bạn bắt đầu thấy có sự đột biến. Có thể không cao bằng người mẫu, nhưng chí ít phải cao hơn cái thằng ngồi cùng bàn, thế là cắm đầu tập thể dục rồi đo mỗi ngày xem cao hơn bao nhiêu cm. Có thể không đẹp bằng cô diễn viên điện ảnh, nhưng chí ít phải khiến anh chàng lớp trưởng hay bí thư lác mắt mỗi khi nhìn đến mình, thế là tích cóp tiền bạc mua phấn mua son, bôi bôi quẹt quẹt, săm săm soi soi... Bạn thấy cơ thể mình thay đổi nhanh quá, y như là siêu nhân biến hình vậy, nhưng thật ra chỉ là cái bánh phồng tôm được đưa vào chảo dầu thôi. Và từ cái bánh phồng tôm trước khi chiên đến sau khi chiên là khoảng cách giữa trời và vực, bạn bắt đầu nghĩ rằng: Này nhé, tôi lớn rồi đó, đừng có nhìn tôi là con nít nữa.

Tuổi dậy thì - ngưỡng cửa bước chân vào "thế giới người lớn". Không chấp nhận làm tiểu yêu cái bang nữa, bạn tự may thêm vào cái áo của mình vài cái túi, và tự phong mình là "trưởng lão cái bang". Và bạn nghĩ, là "trưởng lão cái bang", nghĩa là bạn được quyền làm theo ý thích của mình, thế là bạn đòi hỏi bố mẹ bạn phải "tuyệt đối tôn trọng"quyết định của bạn. Và bạn nghĩ, là "người lớn", nghĩa là "cái tôi" phải có phong cách, và "cái tôi phong cách" nghĩa là phải có một style thật khác thường, và "khác thường" lớn nhất trong lúc này, với bạn, là càng "đi ngược" lại ý kiến của cha mẹ, của thầy cô thì "cái tôi người lớn" của bạn càng được thể hiện.

Ai trong chúng ta đã bước qua tuổi dậy thì?

Có thể tôi đã biết quy trình hình thành một đứa trẻ, từ khi mang thai cho đến sinh nở, cho đến khi ra đời, cho đến khi chập chững đi... Thế nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao giữa hàng triệu tinh binh trong cuộc đua marathon vô tiền khoáng hậu đó, tại sao tên này thắng, tên kia bại? Rồi trước khi có cuộc đua marathon đó, Tôi ở đâu? Tôi là ai?... Thế đấy, câu hỏi sinh học có thể trả lời được, nhưng câu hỏi về bản thể thì vẫn còn đó...

Có thể bây giờ tôi đã biết thân thể phát dục là gì, nhu cầu sinh lý tự nhiên là gì, gen di truyền là gì, nhiễm sắc thể là gì, thế nào là XX, thế nào là XY.... Thế nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao ta lại phải hơn thua nhau về ngoại hình, để rồi từ đó đồng nhất thân thể với cái Tôi là Một? Tôi cũng chưa hiểu tại sao hai nam châm trái dấu lại hút nhau? Tôi cũng chưa hiểu tại sao mình cứ phải hơn thua so sánh người này người kia thì mình mới biết mình là ai?.... Thế đấy, phát dục có thể biết, nhưng cái Tôi của chính mình thì vẫn còn mù tịt...

Có thể bây giờ tôi đã biết khi nào thì được coi là "tuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" và "tuổi còn cần đến người giám hộ", "tuổi phải chịu trách nhiệm với chính mình" và "tuổi được quyền đổ thừa"... Thế nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu làm thế nào để xây dựng mình từ một "người nhiều tuổi" thành một "người trưởng thành"? Tôi cũng chưa hiểu làm thế nào để đi từ "làm khác người" cho có "phong cách" đến "sống thuận theo" mà vẫn cứ có "phong cách như thường"... Thế đấy, có sự "nhiều" hơn về thời gian, nhưng "cao" hơn về nhân cách lại là một dấu hỏi; có sự "khác biệt trong khác biệt" đến mức thành "bình thường", và bây giờ thì cần hơn sự "bình thường trong khác biệt" để trở thành "tự nhiên" - đó mới là vấn đề...

Có sự hỏng hóc gì chăng giữa tuổi dậy thì với tuổi trưởng thành? 

Câu trả lời của tôi là KHÔNG - chả vấn đề gì. Ai đã từng bước vào tuổi phát dục đều tò mò về giới tính, đều có nhu cầu sinh học dư dả như nhau. Nếu bạn là cha mẹ, hay anh chị lớn, và đang có một người em nằm trong độ tuổi "em còn bé lắm mấy anh ơi", thì hãy nhìn chuyện đó là bình thường, và nên "vẽ đường cho hươu chạy". Ngày xưa ta cũng thế, chẳng qua là chưa đủ điều kiện bộc lộ mà thôi, nên đừng có làm bộ làm tịch ra vẻ đạo đức vớ vẩn. Hãy hướng dẫn các em nhẹ nhàng đi qua độ tuổi "phồng tôm" một cách hoành tráng, và hạ cánh một cách an toàn, bạn đã thành công với tư cách là một nhà giáo dục sinh lý đại tài.

Dưới góc độ tâm lý, mọi lời giáo huấn lúc này hình như thường phản tác dụng. Với các em, con đường nhanh nhất, ngắn nhất, dễ nhất để thể hiện "cái Tôi" của mình, chính là đi ngược lại những gì người lớn bảo. "Chỉ có người lớn mới dám cãi tay đôi với người lớn mà thôi, mà mình bây giờ đã là người lớn, thế thì sợ gì. Họ phải tôn trọng mình chứ" - Đó là câu nói thường vang lên trong đầu các bạn trẻ. Vì thế, thay vì cấm đoán, đe nẹt, giáo huấn hay đủ thứ chiêu trò như cách ta dạy các em khi còn nhỏ, hãy "mời" các em cùng tham gia "chia sẻ" kinh nghiệm bản thân trong những cuộc đàm đạo đại gia đình, hãy "động viên" các em tự ra những quyết định và "tập" cho các em chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Chỉ cần tạo cho chúng không gian để chúng có thể "chia sẻ", "hoà đồng" với gia đình, thì bạn cũng đã thành công với tư cách là một nhà giáo dục tâm lý kiệt xuất.

Đi xa hơn một chút, với những tự vấn lương tâm một cách chân thành, ai trong chúng ta cũng từng mắc phải những sai lầm, những lần vướng phải ổ gà ổ voi nào đó trên con đường "làm người lớn". Hãy nhớ chân lý bất diệt mà tôi đã từng gửi tặng bạn: "hy vọng lắm thì thất vọng nhiều", vì thế, đừng yêu cầu con em chúng ta hoàn hảo một cách tuyệt đối như điều bạn mong đợi. Thay vào đó, là một người đã từng đi qua những cơn "động kinh" bất thình lình, bạn nên cảm thông cho những giây phút bồng bột của con em. Đứng từ xa quan sát đường đi của con cái bạn, và chỉ đưa tay ra đỡ khi chúng cần, khi chúng tự nhận ra sai lầm, khi chúng tự rút ra kinh nghiệm và những bài học đắt giá. Đừng bảo bọc thái quá, đừng ôm ấp khư khư... Những điều này chỉ khiến chúng ngạt thở với tình yêu của bạn, triệt tiêu sức đề kháng của chúng trước những thử thách của cuộc đời... Và như một hệ quả tự nhiên, chúng sẽ đẩy bạn ra thật xa chỉ để tìm kiếm không khí tự do cho chúng được hít thở.

Với những bạn đang bước vào tuổi dậy thì?

Đừng quá lo lắng hay hoang mang trước sự phát triển quá nhanh của cơ thể. Hãy chia sẻ mọi hoài nghi với cha mẹ của mình. Bạn đừng ngại điều gì cả, vì họ đẻ ra được bạn, thì bạn có cái gì bất bình thường, họ cũng biết. Nếu bố mẹ chưa giúp bạn hết hoài nghi, hãy tiếp tục hỏi thầy cô giáo. Với họ, bạn cũng đừng ngại. Công việc của giáo viên là giải đáp thắc mắc, và bạn thì đang tạo công ăn việc làm cho sứ mệnh của họ. Hãy tự hào về điều đó. Không cần thiết phải tụm năm tụm ba bàn tán với bạn bè đồng trang lứa, vì chúng cũng "ngu" y như bạn vậy. Những cái ngu gặp nhau, kết hợp lại sẽ thành "đại ngu". Bạn có thể tự nhẩm câu thần chú này của tôi: "Yên tâm, trước sau gì tao cũng biết hết về mày, thân thể à, thế nên hãy cứ bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó".

Về những biến động tâm lý, ồ, tôi cam đoan là bạn cũng chẳng biết bạn đang thay đổi đâu. Thích cô bé ngồi cùng bàn ư? Hãy làm một bài thơ và len lén để dưới ngăn bàn của bạn ấy. Đừng có đổ thừa là bảo Trí Không mách lẻo nha, không có tôi thì bạn cũng làm thế mà thôi. Những khao khát đang thôi thúc bạn còn ghê gớm hơn cả những bài thơ tình sến sền sệt mà tôi vừa nhắc tới ư? Hãy niệm một thần chú đơn giản cùng tôi nhé: "Mình có đủ khả năng để chịu trách nhiệm với hành động đó chưa?" (Ngồi tù 20 năm cho 1 phút khoái lạc, bạn sẵn sàng đánh đổi chứ? Giận cha mẹ, bỏ nhà đi để tương lai sẽ được ngủ dưới gầm cầu, nghe thì cũng lãng mạn đấy, nhưng mùa đông thì lạnh lẽo chết!...)

Bạn cảm thấy cô đơn vì cha mẹ không hiểu bạn? Bạn cảm thấy buồn vì không có ai để bạn chia sẻ? Bây giờ bạn đã là người lớn, thế mà giáo viên cứ chửi bạn sang sảng trước mặt "người yêu" của mình? Bây giờ bạn đã là người trưởng thành, thế mà ai cũng coi bạn như đứa trẻ lên ba? Sự có mặt của mình dường như là số 0 trong mắt mọi người?... "Woaaaa! Buồn quá đi! Cô đơn quá đi! Khổ quá đi! Muốn chết quá đi!... ". Có phải bạn đã từng thốt lên những lời than thảm thiết như vậy không??? Yên tâm đi, tôi cũng đã từng thế đấy. Và ngay cả có làm "người lớn" như tôi bây giờ cũng còn đang than thở y như bạn vậy. Bạn chẳng cô độc đâu. Khối người lớn cô đơn, khối người lớn bị bẽ mặt, và ti tỉ người có lớn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa vẫn cứ là đứa trẻ lên ba trong mắt cha mẹ của mình. Và còn một thực tế đáng buồn hơn nữa, ai trong chúng ta cũng là số 0 cả, kể cả họ có là Tổng thống, Thủ tướng hay đại loại một ai đó mà bạn đang thần tượng. Nếu bạn có thấy họ đang là số 1, hoặc họ tự nhận là số 1 thì tôi lại tặng cho bạn thần chú thứ ba: "Ảo tưởng hết. Tất cả chúng ta đều là số 0 - đó mới là sự thật"

***

Này các bạn trẻ, tôi cũng như bạn, đã đi vào tuổi dậy thì với những cơn mơ ngủ, và bạn thấy đấy, sau ngần ấy năm, tôi vẫn còn mơ ngủ. Tuổi dậy thì khó thoát lắm. Thế nhưng, tôi cũng xin chia sẻ vài kinh nghiệm của bản thân:

Khi bạn bắt đầu biết hoài nghi về thân thể của bạn, cánh cửa hoài nghi về Tồn tại đã được mở ra. Nếu chưa hoài nghi, hãy hồn nhiên mà chơi với "vô giới tính" của tuổi thơ. Nếu bắt đầu hoài nghi, hãy tìm kiếm câu trả lời cho thật sâu sắc. Nếu nghĩ rằng đã có câu trả lời, hãy tiếp tục hoài nghi câu trả lời, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho riêng bạn, mà không cần phải tra Google tìm kiếm.

Khi bạn bắt đầu đòi hỏi người khác "tôn trọng" bạn với tư cách là "người lớn", con đường tìm kiếm bộ mặt thật của cái Tôi đã được mở ra. Nếu bạn hài lòng với việc mình còn bé lắm, thì cứ hài lòng đi. Nếu bạn chán việc đặt đâu ngồi đấy của người khác dành cho bạn, hãy tự xây dựng cho mình một chỗ ngồi riêng biệt, và nhớ là có ngã hay phải ngồi dưới chân người khác thì cũng đừng có cố đổ thừa cho ai. Hãy đào sâu hơn nữa những câu hỏi về "tuổi thơ", về "người lớn", về "sự trưởng thành", về "lòng tự trọng", về "quyền tự quyết", về "tự chịu trách nhiệm"... 

Và điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ với bạn: dẫu bạn có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, bạn vẫn cứ là trẻ con như thường. Y như tôi vậy. Trẻ con so với tuổi của trời đất, trẻ con so với tuổi của cha mẹ, trẻ con so với kinh nghiệm của ngày mai, trẻ con so với sự trưởng thành của chính bạn. Thế nên, mỗi ngày sống là mỗi ngày tập tành đứng vững hơn ngày hôm qua, đã là quý lắm rồi!

(10/2/12)

Thân tặng các bạn trẻ đã, đang, hay sẽ bước vào tuổi "bánh phồng tôm"
Và đặc biệt tặng những ai tự coi mình là "trẻ".


Tái bút

Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần làm sai chuyện gì, tôi cứ thành thật khai báo và khóc to trước khi bị đánh đòn, bố mẹ nhìn bộ điệu của tôi buồn cười quá, lại tha.
Và tôi thì thấy mình lúc nào cũng còn trẻ, chấp nhận sai lầm, chấp nhận thử thách, và chấp nhận là số 0 tròn trĩnh trong mắt tất cả.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
NHẬN XÉT CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Feeds

Bài viết Nhận xét Online

Bạn ơi, cùng thở với tôi nhé...

Bài viết mới nhất

Bài viết ngẫu nhiên

Bình luận mới nhất