Khi anh ngồi đây, viết những dòng chữ này, cảm xúc trong anh lúc này chỉ có thể mô tả bằng hai từ: "không biết!". Không biết là đang vui hay đang buồn, không biết là đang ở đâu và sẽ ở đâu, không biết nên làm gì và cần làm gì...
Chính cái trạng thái "không biết" này đã cuốn anh đi như một con thuyền vô định. Vô định về phương hướng lẫn vô định về những ý tưởng. Suốt một tuần rời xa Sài Gòn, phức cảm mênh mang đó khiến nụ cười của anh dường như thật, dường như giả; dường như xa, dường như gần; dường như sảng khoái, dường như gượng ép; dường như đúng đắn, dường như sai lầm; dường như lưu luyến, dường như hiên ngang...
Em ơi!
Vui và buồn là những cảm xúc. Có thể là vui đó, cũng có thể là buồn đó. Có thể ngay trong niềm vui đã dung chứa nỗi buồn. Có thể niềm vui chỉ là một khuôn mặt khác mà nỗi buồn cần mượn tên. Nhưng sau khi nhận diện tất cả trạng thái của cảm xúc, đồng thời lách mình ra khỏi mọi cung bậc, mà vẫn còn đó một điều khó diễn tả thành lời, thì nỗi buồn đó phải chăng không còn là nỗi buồn của xúc cảm thoáng qua?
Đang ở đâu và sẽ ở đâu chỉ là vấn đề định vị. Có thể hôm nay ở đây, ngày mai đã ở chỗ khác. Có thể đang ở đây nhưng tâm thức đã lang thang sang một bến bờ xa lắc xa lơ. Có thể "đang" và "sẽ" chỉ là vấn đề của thời gian, của tâm trạng, của hoài niệm hay mộng ước xa xôi. Nhưng sau khi đã thử nghiệm qua tất cả những không gian và thời gian mà giới hạn con người có thể xây dựng, và vẫn còn đó ý thức về sự thất lạc, thì sự thất lạc này phải chăng đã không còn nằm trong biên tế của những hạn ước?
Nên làm gì và cần làm gì chỉ là vấn đề đạo đức. Đôi khi người ta vẫn tìm thấy sự thống nhất giữa điều nên làm và điều cần làm, hoặc giả chăng thực tại chúng có mâu thuẫn với nhau đi chăng nữa thì người ta vẫn có thể dùng đến tư duy logic để biện minh cho cái gọi là "quá độ", hoặc "chiến thuật ngắn hạn", hoặc "giai đoạn lịch sử"... Nhưng em ơi, nếu sau khi đã xác định rõ tất cả mọi việc nên làm và cần làm, dưới góc độ tình cảm lẫn lý tưởng, dưới nhãn quan đạo đức hay khía cạnh tinh thần, mà vẫn còn đó một sự lăn tăn đến khôn tả, thì những quyết định của mình, phải chăng chính là sợi dây duy nhất giúp ta nhận biết mình là con người, chứ chẳng phải là cỗ máy vô tri?
Hoa nhài thân yêu của anh!
Có những nỗi nhớ không phải cứ gần là sẽ được thoả mãn. Bởi thực ra, nỗi nhớ chỉ hiện hữu khi người ta không có được cái mà mình đang không có. Nói như thế không phải là anh không nhớ em, mà chỉ là càng gần gũi, nỗi nhớ lại càng bị khoét sâu thêm những hố ngăn cách vô hình. Gần nhau đấy mà xa nhau vô chừng.
Có những mối tình không phải cứ đến được với nhau là sẽ có hạnh phúc. Bởi thực ra, hạnh phúc với bản tính tự nhiên của con người luôn phải là những thứ thuộc về tương lai, chứ ít khi nào nó nằm trong hiện tại. Chính vì người ta nghĩ hạnh phúc là cái phía trước, nên họ mới có động lực để bước tới, để đi qua, để sống cho ngày mai - ngày của hy vọng. Và có lẽ anh đã dành đủ thời gian để tư duy về một thứ tương lai không có thật đó, cho nên, anh vẫn hay lảng tránh tương lai như anh đã từng đào mồ chôn quá khứ.
Để rồi sau đó thì sao? Để rồi chỉ biết sống có em, yêu em, và hết mình vì em. Nhưng như một con thiêu thân kỳ dị, biết chết vẫn cứ lao mình vào lửa, bởi sứ mạng của nó là được chết cho điều mà nó muốn. Anh cũng thế, biết tương lai không có thật nhưng vẫn cứ hy vọng vào tương lai, cũng như biết quá khứ không còn nữa vẫn cứ lưu luyến vọng về. Nói thế không có nghĩa là con thiêu thân không có khoảng thời gian để tồn tại, cũng như anh, vẫn chênh vênh trăm lối đủ đường, vẫn đủ thời gian để yêu em say đắm.
Ô kìa em yêu!
Anh đang viết cái gì ấy nhỉ? Em sẽ thốt lên câu nói đó khi đọc bức thư này đúng không? Anh cũng thế đấy, anh chẳng biết anh đang viết gì đâu. Anh cứ để bàn tay cứng đơ trong giá lạnh chạy trên bàn phím, và để mặc tình cảm với lý trí đấu tranh loạn xạ trong tấm thân gầy còm, cho lá thư số 18 này trở thành một mật ngôn không cần ý tưởng.
Có nhiều người từng nói với anh rằng họ thích cách viết của anh, rõ ràng mạch lạc, cảm xúc đong đầy... nhưng có lẽ họ còn quên một điều, những gì mạch lạc nhất chỉ tồn tại trong bộ vi xử lý của máy tính, và cảm xúc đong đầy nhất chỉ tồn tại trên phim ảnh. Thực tại của anh không phải là máy tính, cũng chẳng phải là tiểu thuyết lãng mạn. Nó đơn giản chỉ là đống bùi nhùi không tìm ra đầu mối. Và trong tất cả những bức thư anh đã viết, có lẽ bức thư này không chỉ là "diễn tả", mà còn "thể hiện" chân thực nhất cảm xúc trong anh lúc này.
Em yêu! Mỗi lá thư anh gửi em đều được gián tiếp hay trực tiếp truyền trao một thông điệp nào đó về tình yêu. Sứ mệnh của anh là tuyên thuyết về tình yêu, và cuộc sống của anh là tận hiến cho tình yêu. Ấy vậy mà khi anh viết đến dòng chữ này, anh nhận ra rằng, lá thư này mới thực là lá thư "thể hiện" tình yêu tốt nhất mà anh có thể "viết" bằng ngôn từ, và "sống" bằng chữ nghĩa. Xin đừng hỏi thông điệp của tình yêu, cũng như ý nghĩa hay giá trị mà tình yêu có thể đem lại.
Tại sao?
Tại tình yêu là thế đó
Không ý nghĩa, không thông điệp, không lời khuyên, không logic, không mạch lạc...
Tình yêu giản đơn là tình yêu
Cũng như khi viết lá thư này, là đang "sống" trong tình yêu, chứ không phải "nói về" tình yêu
Tại sao nữa ư?
Tại vì anh không biết
Không biết vui hay buồn, đang và sẽ, nên và cần...
Không biết đơn giản là không biết
Cũng như khi viết lá thư này, là đang "sống" với cái không biết, chứ không phải "nói về" cái không biết.
(22/2/14)
Tái bút
Anh yêu em!
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!