Thế là tháng 10 của cái năm 2014 cũng đã bước qua ngày thứ 2, và tôi thì vẫn thế, như những ngày tháng 9 trôi qua một cách nhạt nhẽo đến mức không thể nhạt hơn.
Tháng 10 của năm ngoái, tôi vẫn còn đang để tâm hồn tôi chơi vơi cùng thiên nhiên cây cỏ, với những chiếc lá vàng rụng rơi, những hương quế thơm nồng, những đoá nhài dịu nhẹ và cả những con chữ phiêu phiêu của tận cùng tuế nguyệt.
Tháng 10 của năm nay, tôi nằm bẹp dí trên giường từ ngày nay qua ngày khác, ngắm nhìn thiên nhiên một cách vô cảm, quan sát thế sự một cách vô hồn và những con chữ trong đầu chán ngán đến mức không thèm mọc cánh bay.
Tháng 10 năm ngoái là tôi hay tháng 10 năm nay mới thật là tôi? hay tôi vẫn đang đi tìm tôi trong chơi vơi ngày tháng? hay tôi đã đánh mất chính mình trong chuyển nhịp giữa ngày và đêm?...
Những ngày cuối tháng 9, các chàng trai cô gái xứ tôi bị cuốn vào vòng xoáy thị phi của những chiếc Iphone 6 bóng loáng cáu cạnh, bận rộn với anh chàng hot boy tự phong "đẹp nhất xứ Việt" trong hả hê... Trong khi cách đó vài nghìn Km, xứ Hương Cảng xa xôi, các bạn đồng trang lứa lại đang đổ mồ hôi lẫn máu và nước mắt, di dời giảng đường ra tận ngã tư đường, chỉ để đấu tranh giành cho mình cái quyền được làm chủ lá phiếu bầu cử.
Hai hình ảnh cuối tháng 9, hai hành động chào tháng 10, của cùng một tuổi trẻ, ở hai xứ sở khác nhau... gây nên những rung chấn nhất định, đưa ta đến với những chân trời khác nhau. Lúc này đây, tôi chỉ muốn trở về với chàng trai trẻ Phạm Công Thiện ngày nào, để được lãng du cùng ông ra khỏi thực tại cay đắng:
Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.Thế giới trẻ bây giờ lại còn là nghĩa địa, chết, ma quái ngu dại, hơn là thế giới người lớn.
Chỉ có một thế giới, thế giới đã chết.
Đi sâu vào thế giới chết, và chết trọn vẹn trong tin thần trước khi cái chết cơ thể vồ chụp lấy mình.
Tháng 10 của tôi ơi, nhìn em đi tới đi lui từ năm này qua năm khác, quẩn quanh trong những thị phi của hơn thua, ganh ghét tị hiềm... trái tim tôi đau nhức khó tả. Tôi chỉ muốn hét lên thật to, nhổ một bãi nước bọt thật lớn vào chính mặt mình, mà dõng dạc lên rằng: Hãy nổi loạn lên tôi ơi. Tại sao chúng ta lại phí hoài dòng sinh lực đang cuồn cuộn chảy trong huyết quản vào những việc vặt vãnh như vậy? Nó không đáng để ta lưu tâm và phí hoài. Nó không đáng để ta chạm tay vào bàn phím. Bàn tay của chúng ta được sinh ra là để thay đổi thực tại. Ngôn ngữ của chúng ta được sinh ra là để hiệu triệu những điều kì vĩ.... Dòng sinh lực đó đi đâu mất rồi? Sứ mệnh thiêng liêng đó ngủ quên góc trời nào rồi?
Hãy cùng tôi về với chàng trai 19 tuổi Phạm Công Thiện ngày nào, để nghe ông hét vào tai những kẻ tự cho mình là người lớn:
Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì những thứ ấy; vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi; đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như "khôn ngoan", "chín chắn", "kinh nghiệm".
Chúng tôi không cần kinh nghiệm.
Kinh nghiệm là gì, nếu không phải là những thói quen mà các ông đã bám vào đó để bảo đảm cái thân người hèn mọn nô lệ của các ông?
Tôi đã vô lễ hằn học với các ông.
Nhưng sự hằn học ấy cần thiết.
Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam từ 15 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sự thực đau buồn nhứt trong đời chúng tôi, sự thật bi đát ấy là: CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA.
Hơn thế nữa, sự thực bị đát trên trở thành bi tráng: Chúng tôi không cần các ông nữa.
Tôi đã thuộc về thế hệ mà Phạm Công Thiện liệt vào dạng "người lớn", nhưng được về cạnh ông, tôi lại thấy mình còn rất trẻ. Tôi thấy tôi đang bước vào tuổi 15 ngơ ngác trước cuộc đời nhưng lại sẵn sàng đánh đổ tất cả những gì mà thế giới người lớn đã tạo dựng. Tại sao?
Tại vì gia tài mà thế hệ chúng tôi được nhận là gì? Đó là một nền giáo dục của gọi dạ bảo vâng, của nghe lời, của ngoan ngoãn, của sự yên ấm giả tạo và hoà hoãn ao tù. Và kết quả được sinh ra là gì: một kẻ hèn nhát không dám nhận trách nhiệm về mình, ngoài việc đổ thừa cho đám đông và tổ chức; một kẻ sẵn sàng đánh đổi cái làm nên giá trị nhất của con người là tự do, chỉ để đạt được thứ mà ta tạm gọi là yên thân và luồn cúi.
Cũng tại vì thế hệ chúng tôi đã được nhận một kết quả như vậy, nên gia tài duy nhất mà tôi có thể gửi đến thế hệ sau là gì? Chỉ có thể là tăng cường thủ đoạn, lọc lõi và cơ hội nhằm mưu cầu những tiện nghi nhất của cuộc sống sinh vật, chỉ có thể là tăng thêm sự dẻo hoạt của đôi chân để dễ bề quỳ cống, chỉ có thể là giỏi thêm khả năng tranh chấp hơn thua ở đỉnh cao của tất cả những sự "hôi": hôi của, hôi đánh, hôi chửi và hôi khen...
Tháng 10 với những biến động quốc tế và trong nước không thể dự đoán, nhưng nhìn chàng trai trẻ của xứ Hương Cảng mà lòng tôi lại rạo rực như tái hồi một mùa xuân tươi mới, cùng lời hiệu triệu của bậc tiền bối họ Phạm năm nào:
Tôi phải cần lặp lại một lần nữa rằng các ông đã chết, vì thế các ông không có trách nhiệm và các ông cũng không thể bắt chúng tôi nhận trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm là trách nhiệm riêng của mỗi anh em trong chúng tôi.
Đau buồn không phải là mái nhà đang đổ vỡ; đau buồn là chúng tôi đã ngu dại để chờ những người chết xây dựng lại; những người chết là đã chết hẳn; chỉ có chúng tôi là xây dựng lại thôi, chỉ có những người sống là thổi sức sống vào thế giới điêu tàn này.(...)
Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hoá, sống không biết ngày mai, không lý tưởng, trụy lạc, la cà rượu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng, và một triệu hình dung từ khác.
Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết tất cả những hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ xin nở một nụ cười lễ độ và cúi đầu không biện hộ (....)
Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tưởng. Lý tưởng là gì? Lý tưởng là gì? Lý tưởng có phải là tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông? Mục đích của cuộc đời là Sống - Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là chúng tôi là tuổi trẻ. (...)
CHỈ CÓ CHÚNG TÔI LÀ ĐẶT RA NHỮNG LỀ LUẬT.
Tôi - một chàng trai đã đi vào tuổi 30 già cỗi, xin tự nguyện được chết trong vòng tay các bạn, chỉ mong sao các bạn hãy tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình, tự tạo nên số phận cho tương lai của chính mình.
Tôi không có gia tài gì để dành tặng các bạn, bởi thế hệ chúng tôi là một thế hệ hèn nhát và nhu nhược, thế hệ yếu đuối và bại vong. Chúng tôi đã thất bại trên con đường tìm kiếm chính bản thân mình, vì chúng tôi đã quá tin tưởng vào gia tài của người đi trước.
Nhưng mong sao, đến lượt các bạn, các bạn có thể vượt qua chúng tôi, đạp xuống những gì mà thế hệ chúng tôi tôn thờ, vượt thắng những gì mà thế hệ chúng tôi sợ hãi. Lý tưởng là ở các bạn và tương lai thuộc về các bạn. Còn tôi, có lẽ cũng chỉ có thể kêu lên như Alan Paton, như Phạm Công Thiện: "Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu..."
Mọi thứ vẫn chưa muộn màng,
ngay cả thế hệ vứt đi như chúng tôi vẫn còn đang cháy bỏng...
(2/10/14)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin để lại lời bình chia sẻ.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!